“Không còn đường nào khác” là vở tuồng hiện đại nói về cuộc đời hoạt động của nữ tướng Nguyễn Thị Định và phong trào đồng khởi Bến Tre. Sau một thời gian tập luyện, các nghệ sĩ nhà hát Tuồng Việt Nam đã thành công khi mang đến cho khán giả vở diễn đầy ấn tượng và cảm xúc.
Hình tượng Bác Hồ do NSƯT Trần Long thể hiện trong vở diễn
Không còn đường nào khác được dựa theo truyện ký cùng tên của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Trần Văn Phác, do Văn Sử viết kịch bản và cố NSƯT Đoàn Anh Thắng làm đạo diễn. Vở diễn đã từng được Nhà hát Tuồng Trung ương (nay là Nhà hát Tuồng Việt Nam) dàn dựng và công diễn tại Thủ đô Hà Nội tháng 11-1986 để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Năm 1994, NSND Tiến Thọ đã phục dựng và bồi đắp thêm những chi tiết để vở diễn thêm hấp dẫn. Năm 2022, Không còn đường nào khác tiếp tục được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam phục dựng. Cùng với dàn nghệ sĩ, NSND Lê Tiến Thọ một lần nữa thành công khi biên tập, chỉnh lý kịch bản, phục dựng và nâng cao vở diễn.
Vai diễn nữ tướng Nguyễn Thị Định do NSƯT Nguyễn Thị Quyên đảm nhận
Không còn đường nào khác lấy bối cảnh khi Hiệp định Genève ký chưa ráo mực, thực dân Pháp đã phản bội lời hứa. Liền sau đó là đế quốc Mỹ nhảy vào, đất nước bị chia cắt làm đôi, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến thường kỳ... Trong bối cảnh đó, là hình ảnh của cô Ba Định - nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng bà con vùng đất Giồng Trôm, Bến Tre ngày đêm bám đất, sát cánh hoạt động, đấu tranh đòi chính trị hiệp thương. Những câu chuyện xúc động về má Tư, ông Hai Lửa, cháu Di, em Chín, Lài – cô giao liên dũng cảm, thím Năm, Út… những bà con, đồng chí trung kiên đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cách mạng, giành độc lập tự do cho đất nước đã được kể lại một cách xúc động trong vở diễn. Bên cạnh những con người chính nghĩa ngày đêm chiến đấu vì lý tưởng cách mạng là những nhân vật phản diện như Trung úy, đồn trưởng Tư Rỗ, Tỉnh trưởng, hay Tức - tên phản bội đồng đội, cam tâm theo giặc giết hại đồng bào. Vở diễn đã tái hiện lại các sự kiện, những tình huống xung đột, các mối quan hệ của nhân vật được sắp đặt một cách logic và hấp dẫn. Tình tiết của Không còn đường nào khác khá nhanh và lôi cuốn, mỗi lớp là một màn diễn đầy xúc với những cao trào, làm cho người xem cuốn hút, đón nhận với những tràng vỗ tay giòn giã.
Cảnh trong vở "Không còn đường nào khác"
Xuyên suốt trong Không còn đường nào khác, nhân vật nữ tướng Nguyễn Thị Định do NSƯT Nguyễn Thị Quyên thủ vai. Để vai diễn thành công, Nguyễn Thị Quyên không chỉ dành thời gian tập luyện hơn một tháng, mà còn tìm kiếm tư liệu về nữ tướng để học tập về phong cách của bà. Đồng thời, cô cũng học tập kinh nghiệm vai diễn từ các nghệ sĩ như NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái đã từng vào vai cô Ba Định trong các vở tuồng trước đây. Cô chia sẻ: “Tôi đã quen với những vai diễn tuồng truyền thống, nên khi vào vai diễn hiện đại, với nhân vật có thật, thì tôi đã phải cố gắng, trăn trở rất nhiều cho vai diễn. Bên cạnh việc tìm hiểu vai diễn qua tư liệu và các nghệ sĩ đi trước, tôi còn được sự chỉ bảo rất nhiều của đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ. Trong quá trình luyện tập, tôi còn bị nhiễm COVID, sức khỏe cũng kém đi rất nhiều, nhưng nhờ có sự động viên, khích lệ của đạo diễn cũng như của khán giả, trong buổi ra mắt đầu tiên của vở diễn, tôi đã hoàn thành vai diễn của mình”.
Một cảnh trong vở diễn "Không còn đường nào khác"
Trong vở diễn này, hình tượng Bác Hồ do NSƯT Trần Long đảm nhận. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến hào hùng của Bác lại được vang lên trên sân khấu: “Hỡi đồng bào, chúng ta hãy đứng lên!... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc… Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước” được vang lên trên sân khấu. Lớp diễn có hình ảnh của Bác, dù ngắn nhưng đã mang đến cho người xem nhiều xúc động.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - nguyên Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN lên tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam sau vở diễn
Không còn đường nào khác là một trong những vở tuồng hiện đại tiêu biểu đã được dàn dựng cách đây nhiều năm nhưng đến hiện tại vẫn còn giá trị . Với sự phục dựng, biên tập, nâng cao của đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ, vở diễn lại một lần nữa thành công và được khán giả đón nhận nhiệt tình. Sự ra mắt vở diễn cũng là dịp để Nhà hát Tuồng Việt Nam chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 47 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; thực hiện học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc.
Bài và ảnh: NGỌC BÍCH