Các đại biểu Quốc hội thảo luận, thống nhất rất cao cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Ngày 1-11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025–2035 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình, thống nhất với dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030, cũng như thống nhất thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình trong kỳ họp lần này.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: mục tiêu của chương trình với 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035; đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình; tổng mức đầu tư của chương trình, khả năng bố trí nguồn lực, phân cấp trách nhiệm cho địa phương về phân bổ nguồn lực và các nội dung khác của dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội.

Đóng góp thêm ý kiến vào vào dự thảo về nhóm mục tiêu cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) quan tâm đến mục tiêu 3 là phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt tương đương khoảng 127 di tích và 70% di tích cấp quốc gia tương đương khoảng 2.542 di tích được tu bổ, tôn tạo và đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% các di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Dẫn chứng cụ thể, theo đại biểu, trong nhiều năm qua Bộ VHTTDL, các địa phương cũng đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích nên nhiều di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt đã được tu bổ, tôn tạo… Cho nên nếu đặt mục tiêu đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo thì dễ dẫn đến những lo ngại về làm mới di tích. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị chỉ đưa ra con số 100% và 80% di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia đã xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo và các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo.

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của các giai đoạn của Chương trình, đã có nhiều sự điều chỉnh, thay đổi về nội dung. Đại biểu đồng tình bởi chương trình vẫn định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa với sản phẩm cụ thể đến năm 2030 phấn đấu đóng góp vào 7% GDP và 8% vào năm 2035. Phát triển văn hóa thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế, sức mạnh nội sinh của con người và xã hội Việt Nam.

Đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị trong mục tiêu cụ thể của các giai đoạn nhằm tập trung nguồn lực để chúng ta kịp thời phát hiện, bảo tồn và phát huy các di tích, di sản đang lưu hành trong nhân gian…

Đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng thụ hưởng chưa được đưa vào chương trình; và đề nghị có thể để trong mục tiêu cụ thể của các giai đoạn nhằm tập trung nguồn lực để chúng ta kịp thời phát hiện, bảo tồn và phát huy các di tích, di sản đang lưu hành trong nhân gian…

Đóng góp ý kiến, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, trong đó việc đầu tư các dự án bảo tồn di sản văn hóa bao gồm cả vật thể và phi vật thể là rất quan trọng. Từ đó, chương trình cần có thêm các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy phát triển các thiết chế văn hóa đồng bộ, nâng cao hiệu quả truyền thông và giáo dục văn hóa, đặc biệt hướng đến đối tượng người lao động và người dân tộc thiểu số. Đại biểu cũng đề xuất, cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực văn hóa phù hợp với đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số; tăng cường liên kết giữa nhà trường và cộng đồng, cần đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở đào tạo và cộng đồng dân tộc thiểu số để xây dựng các khóa học mang tính thực tiễn, gắn kết sinh viên với đời sống văn hóa thực tế…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng giải trình và làm rõ thêm về ý kiến của các đại biểu nêu ra

Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã phát biểu giải trình và làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Việt Nga, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc tính toán các con số để đưa ra mục tiêu phấn đấu là dựa trên phương pháp tịnh tiến.

"Có nghĩa là chúng ta đã xem xét các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đã được đầu tư các giai đoạn trước đây cùng với Chương trình này để đến khi kết thúc vào năm 2030 chúng ta có được 95%. Những người làm chương trình viết và hiểu như vậy, nhưng nếu đọc qua, lấy 133 di tích quốc gia đặc biệt hiện nay  đang có nhân lên 95% sẽ ra tổng số gần 100 di tích phải được nâng cấp, điều đó không phải. Để tránh sự nhầm lẫn, chúng tôi rất đồng ý với đại biểu Nga, đó là chúng ta viết thẳng vào là "những di tích xuống cấp" để chúng ta phấn đấu làm, không phải đưa chỉ tiêu 95% theo cách tính tịnh tiến"- Bộ trưởng nói.

Về các chỉ tiêu trong từng dự án thành phần, Quốc hội sẽ quyết định theo thẩm quyền những vấn đề lớn, những chỉ tiêu và mục tiêu phấn đấu, còn Chính phủ sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu này phù hợp trong từng giai đoạn theo hướng cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm. “Tất cả các góp ý của các đại biểu về các chỉ tiêu cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp thu để đưa vào trong báo cáo nghiên cứu khả thi của Chính phủ, để phù hợp trong tổ chức thực hiện” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về việc đầu tư các trung tâm văn hóa nước ngoài, Bộ trưởng cho biết đây là việc thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của Đảng, của Nhà nước. Chính phủ sẽ hết sức lưu ý khi thực hiện, bởi vì không phải muốn là làm được mà phải dựa trên các nguyên tắc ngoại giao, quan hệ hai nước.

“Nhiều đại biểu khẳng định, đây là sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và thông qua đó để chúng ta quảng bá,  bảo tồn, chúng ta giới thiệu văn hóa của Việt Nam và đó thực sự là ngôi nhà chung văn hóa của kiều bào ta ở nước ngoài. Vì vậy, hướng tới chúng ta sẽ lựa chọn từ 3 đến 5 trung tâm cần thiết phải được ưu tiên theo thứ tự, Chính phủ sẽ trình và Chính phủ sẽ quyết nghị theo nguyên tắc đối đẳng” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về nguồn vốn, Bộ trưởng cho biết, trong Kết luận 100 của Bộ Chính trị về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã nêu rất rõ là huy động các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực nhà nước để đầu tư cho phát triển văn hóa.

“Về nguồn vốn ngân sách địa phương, khi xây dựng chương trình này, chúng tôi đã tính toán không phải cào bằng tất cả các địa phương, không phải địa phương nào cũng 24%, mà đây là con số tính chung cho toàn quốc”- Bộ trưởng cho biết.

Về yêu cầu phải làm sao để phát huy được giá trị của văn hóa các đồng bào dân tộc, Bộ trưởng nhấn mạnh: Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc và trong 54 dân tộc đó, việc phát huy, bảo tồn văn hóa của các dân tộc luôn được bình đẳng và được Nhà nước  quan tâm. Đã có nhiều liên hoan, ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức, ở đây các chủ thể văn hóa được giới thiệu về văn hóa của mình, đó là hình thức để lưu gĩữ, phát huy giá trị văn hóa…

Về vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình, Bộ trưởng nhấn mạnh, theo quan điểm của Đảng, tất cả các ngành, các cấp phải lượng hóa hệ giá trị gia đình và hệ giá trị này đã được xác định với 3 thành tố đó là: tiến bộ, ấm no và hạnh phúc. Vì thế sẽ tập trung xây dựng cùng với các giải pháp về phòng, chống bạo lực; vận động và phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư; xây dựng hương ước…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong Kết luận 100 của Bộ Chính trị về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã quán triệt: đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Bộ VHTTDL là cơ quan tham mưu để đề xuất và phải thực hiện phân cấp. Bộ trưởng mong các đại biểu đồng hành để triển khai và giám sát. Khi Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình để vào năm 2026 được triển khai trên cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận phiên thảo luận

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đã có 12 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến của các đại biểu phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, phong phú, ngắn gọn, tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm rất cao. Đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, chuẩn bị hồ sơ công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện nội dung chương trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu đồng thuận, thống nhất rất cao cần có chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đời sống xã hội. Các đại biểu kỳ vọng chương trình có tính đột phá nhằm cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam.

Nhiều ý kiến lưu ý việc phát huy tối đa những bài học kinh nghiệm đã có qua thực tiễn xây dựng và vận hành, giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian vừa qua để xây dựng chương trình thực sự thiết thực, đúng tiêu chí, tầm vóc, đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng các chỉ tiêu, đối tượng thụ hưởng, các nội dung thành phần đảm bảo tính khả thi của chương trình, bên cạnh việc thực hiện các mục tiêu các dự án đầu tư cần chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, văn hóa ở cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, gia đình, làng xã, văn hóa trên không gian mạng.

Nhiều ý kiến nhất trí quy định cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chương trình, đề nghị chủ động tối ưu nguồn lực đầu tư cho chương trình, không dàn trải, không để xảy ra tình trạng không bố trí được nguồn lực để thực hiện ngay sau khi chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất về xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho người Việt. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam, khẳng định vị thế và ảnh hưởng quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng quan tâm việc quảng bá về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài đã được tổ chức thường xuyên, đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau, diễn ra ở khắp các châu lục như tổ chức ngày Việt Nam, ngày văn hóa, tuần văn hóa, ngày/tuần văn hóa du lịch, giới thiệu ẩm thực văn hóa Việt Nam. Gần đây, Festival Phở được tổ chức tại Hàn Quốc đã gây ấn tượng mạnh về ẩm thực và văn hóa Việt Nam. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể khi xây dựng các trung tâm, tránh hình thức, lãng phí, không hiệu quả và tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa trên nhiều lĩnh vực để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau phiên họp này, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình, chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong chương trình của kỳ họp.

AN NGỌC - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

;