Người cầm lái - Vở nhạc kịch thành công với hình tượng Bác Hồ

Vở nhạc kịch Người cầm lái xây dựng hình tượng nghệ thuật trung tâm là Bác Hồ - là một trong những hoạt động biểu diễn chào mừng dấu mốc lịch sử: 40 năm thành lập Nhà hát Công an nhân dân, cũng là vở nhạc kịch đầu tiên của Nhà hát nghệ thuật này.

Người cầm lái - Vở nhạc kịch đầu tiên về hình tượng Bác Hồ

Khác với các tác phẩm sân khấu từng xây dựng hình tượng Bác Hồ trước đây thường sử dụng những mẩu chuyện nhỏ trong cuộc đời Người, tác giả kịch bản đồng thời là Tổng đạo diễn của vở nhạc kịch Người cầm lái, biên đạo múa Tuyết Minh khai thác những bước phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh trên con đường đến với lý tưởng cộng sản để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Chặng đường bôn ba để từng bước đến với tư tưởng lớn, tiến bộ nhất thời kỳ đó, Bác Hồ thực sự xứng danh là Công dân toàn cầu đầu tiên với việc dành gần 30 năm cuộc đời để đi qua nhiều châu lục, nhiều đất nước... thâu tóm tri thức, nét nổi bật ở những nơi Bác từng đặt chân. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, am hiểu văn hóa nhiều quốc gia, có tầm tư tưởng vượt thời đại trong nhìn nhận, đánh giá những sự kiện, con người ở quá khứ cũng như hiện tại... những điểm đó khiến Bác đã thành công trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. 

Vở nhạc kịch Người cầm lái có ba hồi: Quê hương, Tiếng vọng non sông, Chuyến tàu định mệnh lần lượt đưa khán giả dõi theo từng chặng đường gian khổ của Bác Hồ từ những năm tháng ấu thơ nghèo khó, gian khổ, qua những này tuổi trẻ dũng cảm, những năm dài xa xứ với bao suy tư về con đường giải phóng dân tộc. Bác xuất thân từ một gia đình nhà Nho thanh bạch, nho nhã; được lớn lên trong tình yêu thương rộng lớn và có được những hiểu biết khá rộng từ ông nội và người cha Bác. Đó là những tư tưởng chủ đạo của Nho giáo, Phật giáo cùng đạo Hiếu vốn là văn hóa gốc của người Việt. Những khổ ải từ vật chất cho tới những nỗi đau tinh thần khi mất đi người mẹ, người em mà Bác yêu thương... ghi đậm trong tâm khảm chàng trai Nguyễn Sinh Cung. Khán giả có những giây phút xúc động xao lòng với hình ảnh Bác khi ở độ tuổi thiếu niên đã phải trải qua những phong ba: cha vắng nhà, mẹ ốm đau rồi mất, phải trông nom em bé rồi em cũng bị bệnh mà ra đi trên tay mình. Hình ảnh người mẹ được miêu tả chân thật, đẹp đẽ đến nghẹn ngào do NSND Thanh Tâm thủ vai tương tác rất tốt với diễn viên nhỏ Song Tùng trong vai Nguyễn Sinh Cung. Dù còn nhỏ, nhưng đam mê nghệ thuật, chăm chỉ luyện tập nên những cảnh diễn thời thơ ấu của Bác được Song Tùng thể hiện rất tốt qua giọng ca ngọt ngào, đủ trường độ, cao độ… với nhiều cung bậc cảm xúc dữ dội. Theo chân Nguyễn Tất Thành (Lê Hồng Tuân thủ vai), người xem được biết tới một người thanh niên tuổi trẻ dũng cảm, dám dấn thân dù con đường đi còn rất mông lung. Rời quê vào Huế, cận cảnh cuộc biểu tình tại Huế, trong tư tưởng có sự gặp gỡ, đối thoại với nhà yêu nước Phan Bội Châu khiến Bác có chuyển biến lớn từ ý chí yêu nước phát triển thành quyết tâm tìm đường đi cứu nước. Trên con tàu L’Amiral Latouche - Tresville, mang theo những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên về nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, bà con, lối xóm bện chặt lại thành gốc rễ của tâm hồn, Người luôn trăn trở về con đường giải phóng đất nước và cũng là sự phát triển trong tư duy nhìn về lịch sử của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, biểu hiện ở các cuộc đối thoại về quân sự với Hưng Đạo Đại Vương; về tư tưởng tiến bộ của các nước phương Tây với vị vua trẻ Duy Tân; đặc biệt là sự hội tụ của các dòng văn hóa lớn phương Đông kết tinh nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam qua đối thoại tư tưởng với Phật Hoàng - Trần Nhân Tông, Người nhìn thấu chân lý và con đường đi tới hạnh phúc cho con người. Cùng với đó là những suy tư của một thanh niên đang sống trong lòng của xã hội với những đặc quyền của người Pháp, với những gánh nặng sưu thuế của nhà nông, về chế độ bắt phu, bắt lính đi đánh thuê các nước thuộc địa, hoàng gia và quan chức cấp cao sống trong nhung lụa... Đi qua nước Mỹ tôn vinh tự do thì ngay dưới chân tượng đài này là những người dân nghèo da vàng hay da đen đều không có chút nhân quyền, bị bòn rút mồ hôi, nước mắt, máu xương... Bác bôn ba chân trời góc bể để tìm hiểu chính những dân tộc đang áp bức, cai trị dân tộc mình rồi từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Với tên gọi Nguyễn Ái Quốc - Người đã bị định danh là nhân vật nguy hiểm số một đối với sự thống trị của đế quốc khi có những hoạt động báo chí, những bài viết mà đanh thép nhất là Bản án chế độ thực dân Pháp vạch trần bản chất chủ nghĩa đế quốc và kêu gọi “Dân bản xứ không cam chịu nhục được mãi, phải vùng lên” thức tỉnh đồng bào cũng như tất cả các dân tộc bị áp bức bóc lột. Con đường về nước hoạt động cách mạng của Người qua Trung Quốc, rồi về nước và tác phẩm Đường Kách mệnh... chỉ dẫn rõ ràng quá trình đi từ những lý luận cách mạng và vận động cách mạng cho giải phóng đất nước.

Vở nhạc kịch có sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực ca, múa, nhạc

Với nội dung khá nặng về tính tư tưởng, nhưng vở nhạc kịch tạo ra cảm xúc rất chân thực đối với khán giả nhờ vào sự rung động từ chính các nghệ sĩ, từ những hình thức nghệ thuật đặc biệt của tác phẩm. Vở nhạc kịch có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ kịch, ca múa nhạc của Nhà hát Công an nhân dân và các cộng tác viên, được thể hiện ở hình thức giao hưởng, đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm kết hợp sử dụng các công nghệ hiện đại như công nghệ trình chiếu 3D Mapping, công nghệ trình chiếu Hologram, thiết kế sân khấu đẹp, công phu… Dàn nhạc được bố trí ngồi trên sân khấu, trang phục phù hợp với không gian, thời gian được mô tả trên sàn diễn… 

Đây là tác phẩm nghệ thuật lớn, có sự tham gia của hơn một trăm nghệ sĩ ở nhiều ngành nghệ thuật trình diễn, là một vở nhạc kịch thực thụ với phần âm nhạc được các nghệ sĩ sáng tác riêng, đã thành công khi ca ngợi Hồ Chí Minh - con người với với tư tưởng cấp tiến, được những người cộng sản bản xứ luôn coi như một Lê Nin của Đông Dương. Người đã không chỉ thuộc về riêng Việt Nam mà thuộc về nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Người cầm lái con thuyền cách mạng của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi khi tạo nên những bước ngoặt lớn, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Tháng Năm nhớ Bác, vở diễn như đáp ứng tâm tư của người dân Việt và nhận được nhiều lời ngợi khen từ khán giả, công luận.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 499, tháng 5-2022

;