Mượt mà làn điệu dân ca của dân tộc Jrai tỉnh Gia Lai

Trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Tây Nguyên lần thứ I, đoàn nghệ nhân Gia Lai đã mang đến 4 tiết mục đặc sắc, là những làn điệu dân ca và giai điệu rộn rã của các nhạc cụ truyền thống, mang đậm truyền thống của dân tộc Jrai.

Gia Lai thuộc vùng đất đỏ Bazan, là tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên, có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống. Cộng đồng các đồng bào dân tộc luôn đồng lòng, đoàn kết, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc của văn hóa nơi đây. Gia Lai được biết đến là một vùng đất thân thiện, mến khách với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều trải nghiệm du lịch thú vị. Đặc biệt, sự độc đáo trong văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Jrai, Ba Na… luôn hấp dẫn đối với du khách khi đến với vùng đất này.

Đoàn nghệ nhân Gia Lai đã mang đến 4 tiết mục đặc sắc gửi đến người xem trong Ngày hội VHTTDL các dân tộc tỉnh Tây Nguyên lần thứ I

Mẹ không cho, Cha không đồng ý là ca khúc do nghệ nhân Rơ Châm Yol biểu diễn, đây là ca khúc nói về tập tục từ ngàn xưa đến nay của dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Jrai, Ba Na nói riêng. Theo tục lệ trước khi lấy vợ, lấy chồng, đàn ông Jrai phải tự tay đan gùi, phụ nữ phải biết dệt vải để tặng cho người mình thương. Đó cũng là ý nghĩa của bài hát Mẹ không cho, Cha không đồng ý: Anh ơi dù mẹ không cho – Dù cha không ưng/ Nhưng em quyết phải lấy được anh/ Vì em đã thích anh, vì em sống không thể thiếu anh/ Khi em dệt xong tấm vải này, em sẽ bắt anh về làm chồng

Hát giao duyên thường được dân tộc Jrai thể hiện trên nương rẫy và bên những con suối – đây là những nơi hẹn hò của các cặp trai, gái với mong muốn gắn kết hạnh phúc trăm năm. Đã có rất nhiều làn điệu ngọt ngào, vang vọng giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn, Tỏ tình bên suối qua phần thể hiện của Rah Lan Ven và Rơ Châm Yol là một trong giai điệu chất chứa tình yêu đôi lứa: Vì yêu em anh đi đến tận nhà/ Vì yêu em anh đợi chờ em/ Nếu yêu em anh hãy mang theo gà trống/ Nếu yêu em anh hãy mang theo heo đực, để bố mẹ nhận lời/ Hai ta hứa sẽ bên nhau suốt đời

Các tiết mục văn nghệ của đoàn nghệ nhân dân tộc Jrai

Cùng với đó là tiết mục Chim Pơ-rơ-tốc Siu Nguyệt trình bày, trong đó chim Pơ-rơ-tốc là biểu tượng của vùng Tây Nguyên đất đỏ Bazan. Hằng năm, mỗi khi nghe nghe tiếng chim Pơ-rơ-tốc gọi nhau là báo hiệu mùa màng đang bước vào mùa thu hoạch, các chàng trai, cô gái hăng hái lên nương lên rẫy bắt đầu một mùa thu hoạch mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho buôn làng; và hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Mừng chiến thắng, đây là bản nhạc được sử dụng trong Lễ hội Mừng chiến thắng của dân tộc Jrai, được xem là một trong những lễ hội lớn ở trong buôn làng. Lễ hội là dịp để toàn thể dân làng tạ ơn với thần linh đã cho họ một năm được “mưa thuận gió hòa”, người dân làm ra nhiều lúa, hạt ngô, để dân làng được mạnh khỏe, bình yên và có mùa vụ tươi tốt.

Sau các tiết mục văn nghệ là phần trình diễn trang phục truyền thống với sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai

NGỌC BÍCH - Ảnh: TUẤN MINH

;