MÙA THU VÀNG CỦA DANH HỌA LEVITAN

Nói về tranh phong cảnh đẹp thì nhiều họa sĩ trên thế giới đã có những tác phẩm nổi tiếng, nhất là thời kỳ tân cổ điển cho đến nay. Trong số danh họa đó, người ta không thể không nói đến Levitan (Nga) với những bức tranh đã gây nhiều ấn tượng như Tháng ba, Một ngày thu ở công viên, Rừng bạch dương, Sự yên tĩnh vĩnh hằng, Hồ nước Nga, Con nước mùa xuân và hàng trăm tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau, mô tả cảnh đẹp của nước Nga hùng vĩ và thơ mộng. Song, trong những tác phẩm nổi tiếng của ông thì bức tranh đẹp nhất là Mùa thu vàng. Có thể nói trong sự nghiệp sáng tác tranh phong cảnh, bức tranh Mùa thu vàng là biểu tượng, danh tiếng và đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của Levitan. Bởi vì, ở họa phẩm đó của Levitan, người ta thấy rất rõ lối vẽ tân cổ điển kết hợp nhuần nhuyễn với trường phái ấn tượng, nên người xem dễ cảm thụ cả chiều sâu và chiều rộng, cả chất nhạc, chất thơ vừa có tính dân tộc và có tính hiện đại nghệ thuật sơn dầu Nga. Tuy là tranh phong cảnh nhưng người xem vẫn thấy động tĩnh bóng dáng đâu đó của con người trong tranh.

Toàn bộ tác phẩm được bố cục khá chặt chẽ, hài hòa giữa màu sắc và hình họa, khó tìm thấy chỗ khiếm khuyết. Những đường lượn của con sông chuyển tiếp với thảm cỏ thoai thoải dưới hàng cây được tiếp xúc với những đường phá của thân cây rừng kết hợp với gam màu vừa ấm vừa mát dễ chịu của mùa thu, gợi cho người xem tranh có cảm giác bâng khuâng vô định. Trong tranh, tác giả miêu tả bầu trời xanh trong có những tầng mây lơ lửng bay theo làn gió nhẹ mùa thu, những hàng cây ngả màu vàng báo hiệu cho một mùa thu đến, dưới thảm cỏ những ánh nắng yếu ớt trải dài trên vàm cỏ. Họa sĩ đã miêu tả cảm xúc bởi sắc độ đậm nhạt, hòa sắc tự nhiên giữa mây trời và cỏ xanh làm cho tranh có sự huyền ảo lung linh. Mùa thu vàng không có nhân vật nhưng người xem vẫn cảm thấy có tiếng ai đó như những thiếu nữ thấp thoáng nhẹ nhàng từ rừng cây bước ra mà con sông trong mát hiền hòa là hình tượng gợi cảm giữa người và sự vật xung quanh. Xem tranh Mùa thu vàng tuy màu rất trong sáng nhưng vẫn thấy có nét buồn man mác ẩn khuất trong tranh. Cảm thụ Mùa thu vàng, người ta đã ví dòng sông nhỏ trong xanh, uốn lượn như một thiếu nữ trong trắng sống trong không gian của rừng cây. Những làn gió nhẹ, sóng nước lăn tăn in hình màu vàng của cây lá, màu hồng của nắng thu, khắc họa trên làn môi sóng nước một màu đỏ nhẹ của thiếu nữ dòng sông. Mỗi khi bình minh dòng sông lại vui tươi, đầm ấm, với trời mây, cây cỏ và mỗi khi hoàng hôn buông xuống, dòng sông trở nên cô đơn lạnh lẽo và cứ như thế cái buồn lại dần dần xua tan, dòng sông lại trở nên duyên dáng, hiền hòa ôm ấp mây trời. Linh hồn của Mùa thu vàng được tác giả phân chia thành ba phần: cỏ cây, sông nước và mây trời. Ba yếu tố này xem ra như là vô tri, vô giác, nhưng cách thể hiện dòng sông của tác giả ở nhiều sắc độ kết hợp với đường lượn mềm dẻo, người xem thấy tĩnh, động của sông như một thiếu nữ là rất có cơ sở, vì tất cả những hình ảnh của không gian, dòng sông ôm ấp vào lòng, tính triết lý tài tình ấy của Levitan bao hàm nội dung như một khái niệm thiên, nhân, địa vậy. Sự yên tĩnh của dòng sông, của thảm cỏ, cộng với sự hiu hiu, nhè nhẹ của gió thu gợi cho người xem tranh cảm thấy có tiếng xào xạc của lá vàng trên cây, làm cho bức tranh có chất thơ, chất nhạc và cả chất tình của người thiếu nữ trong tranh. Nói đến cảm xúc liên tưởng ấy về hồn thơ, cảnh vật thiên nhiên và người thiếu nữ trong tranh Mùa thu vàng của Levitan, ta lại nhớ đến mấy câu thơ hay trong Bài thơ tình ở Hàng Châu của Tế Hanh.

Mùa thu đã đi qua còn gửi lại

Một ít vàng trong nắng, trong cây

Một ít buồn trong gió, trong mây

Một ít vui trên môi người thiếu nữ

Cũng như tả người thiếu phụ Mona Lisa, danh họa Leonardo da Vinci đã dệt nên nụ cười bí hiểm mà người xem cảm thấy không gian đang chuyển động, đôi mắt của nàng đang định hướng người xem thả hồn vào tranh. Quả thực là vậy, văn là người. Trong tranh phong cảnh thì sự thành công là ở chỗ họa sĩ thổi hồn vào tranh những cảm xúc, những tâm trạng của tác giả đã có một tình yêu như thế và được Levitan hóa thân vào cảnh vật trong tranh làm cho tranh càng sinh động. Sự giao cảm giữa họa sĩ Levitan với việc miêu tả tranh Mùa thu vàng là một thể thống nhất giữa tâm hồn của danh họa với cảm xúc mùa thu vàng như một triết lý nhân quả về cuộc đời ông. Không gian ảm đạm, yên tĩnh đến buồn chán của những tác phẩm Hoàng hôn, Sự yên tĩnh vĩnh hằng... là những họa phẩm rất tính cách về đời tư Levitan mà cuộc sống của người nghệ sĩ tài năng phải cam chịu. Bức tranh Mùa thu vàng, người xem tranh càng ngắm nhìn càng thấy cứ như có gì đó, có mình trong tranh, có cái buồn của sự yên tĩnh, có cái xao xuyến rung động lòng người, có một cảm giác vui buồn man mác đến lạ thường.

Mùa thu vàng là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác hội họa của Levitan và cũng là họa phẩm hiếm có trong làng vẽ tranh phong cảnh thế giới. Họa phẩm của danh họa chứng tỏ ông đã khai thác một cách rất khoa học, kỹ càng đến từng chi tiết về thiên nhiên và mang tính nghệ thuật dân tộc Nga với cách tìm tòi khám phá sắc thái riêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai trường phái tân cổ điển và trường phái ấn tượng vì thế mà các mảng màu của ông không có sự nuột nà, chải chuốt. Cách diễn đạt trường phái cổ điển, nghệ thuật vẽ sơn dầu của Levitan đến mức điêu luyện trong việc xử lý mối quan hệ ánh sáng thiên nhiên với hòa sắc của sự vật trong tranh (cỏ, cây, mây, trời, sông, nước) là nhất quán, không thiếu và cũng không thừa, thể hiện được chiều sâu không gian và sự sinh động ẩn hiện của con người theo tâm trạng liên tưởng đối với người xem tranh, đó chính là thành công nhất của họa sĩ. Phần lớn tranh phong cảnh của Levitan đều gắn nội tâm của ông với quan hệ xã hội vào tác phẩm, vì thế mà xem tranh ông, người ta thấy mình trong đó.

Nhiều tranh phong cảnh của Levitan chứa đựng nỗi buồn sâu kín, lạnh lẽo và cô đơn, cũng như cuộc đời của ông rất khó khăn và nghèo khổ, trong một xã hội bất công ở nước Nga thời bấy giờ. Levitan phải dựa vào tiền bán tranh và của một số tổ chức hỗ trợ để sống và nuôi dưỡng sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật.

Với một phong cách lao động sáng tạo nghệ thuật đáng khâm phục, ông đã được nhiều họa sĩ và công chúng thế giới biết đến như một trong những biểu tượng tiêu biểu cho nền hội họa phong cảnh thế giới. Ông đã tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế và đã qua nhiều nước như Pháp, Đức, Phần Lan... để thực hiện các chương trình mỹ thuật của mình.

Danh họa Levitan đã để lại cho nước Nga một số lượng tranh khá đồ sộ, kể cả ký họa, tranh vẽ chưa xong, trong đó có một bức nổi tiếng Hồ nước Nga. Bức tranh mô tả sự hùng vĩ thông qua những đường nét mảng màu khỏe khoắn, thể hiện những tầng mây lơ lửng trên bầu trời xanh cao của mùa thu và được hòa sắc sinh động, bí ẩn đến kỳ diệu như khí phách tâm hồn dân tộc nước Nga vĩ đại.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 309, tháng 3-2010

Tác giả : Hoàng Hoa Mai

;