Văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2015-2020 qua nghiên cứu trường hợp Kênh VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam

Truyền hình là phương tiện truyền thông có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội, là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Với đặc điểm chuyển tải thông tin bằng hình ảnh, âm thanh một cách nhanh nhạy, chân thực, sinh động, khả năng vượt qua mọi rào cản biên giới quốc gia, kênh Thông tin đối ngoại VTV4 ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đặt vấn đề

Vài năm trở lại đây, vấn đề văn hóa đối ngoại được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đảng và Nhà nước xác định cùng với kinh tế và chính trị, văn hóa là ba thành tố không thể tách rời trong tổng thể chính sách đối ngoại của đất nước ta. Tuy nhiên, với đặc thù và thế mạnh, văn hóa đối ngoại đã tạo ra các “kênh hoạt động” chuyên biệt để đạt tới các mục tiêu trên. Xét trên khía cạnh kinh tế, xã hội, văn hóa đối ngoại có tính chất quảng bá hình ảnh quốc gia, bộ mặt kinh tế; kèm theo đó là tiếp thị các sản phẩm của nền kinh tế, dịch vụ kinh tế, văn hóa.

Trong các hình thức quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, truyền hình có tác dụng và tiện ích hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống do dung lượng thông tin rất lớn, tương tác thông tin nhanh, phát hành không bị trở ngại về không gian, thời gian, biên giới quốc gia. Năm 2002, Kênh truyền hình Đối ngoại Trung ương VTV4 được thành lập và mục tiêu chính là khán giả người Việt Nam ở nước ngoài và những người nước ngoài ở Việt Nam. Có thể thấy, VTV4 là kênh truyền hình thông tin tổng hợp đối ngoại chính thức của Việt Nam, phát sóng 24h/ ngày và cho đến nay, VTV4 vẫn là kênh tiếng Việt chiếm ưu thế lớn trong cộng đồng người Việt trên thế giới, cũng như những người nước ngoài quan tâm tới Việt Nam. Mọi thông tin phát sóng trên VTV4 mang nội dung chính xác, minh bạch, rõ ràng, nội dung phong phú, phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta. Chính vì vậy, việc đưa hình ảnh Việt Nam trên VTV4 là cách thức quảng bá đáng tin cậy và hiệu quả đối với người tiếp nhận.

2. Thực trạng văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2015-2020 qua trường hợp kênh VTV4

Với bất kỳ quốc gia nào, việc truyền bá, giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là một nhiệm vụ đặt ra với VTV4 trong công tác truyền thông về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà VTV4 giới thiệu bao gồm: toàn bộ những cái hay, cái đẹp trong nền văn hóa tinh thần, sự hiểu biết về những giá trị sáng tạo của nhân dân qua các thời đại, những tình cảm tốt đẹp của cộng đồng như tình yêu đất nước, quê hương, sự cảm thông chia sẻ đoàn kết dân tộc, những truyền thống đáng được trân trọng, phát huy...

Lĩnh vực phản ánh trong hoạt động truyền thông về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam của VTV4 rất phong phú và đa dạng. Cụ thể, VTV4 đã phản ánh về hình ảnh đất nước Việt Nam qua lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, du lịch và các kiến thức về lịch sử dân tộc... Các kiến thức về lịch sử dân tộc xuất hiện khá rõ nét trong cả 3 chương trình: Khám phá Việt Nam - Vietnam Discovery, Ẩm thực ngon - Fine Cuisine và Mảnh ghép văn hóa - Culture Mosaic. Tính trên tiêu chí số lượng phát sóng trong 12 tháng (từ tháng 1 đến hết tháng 12-2020), có 104 số tương ứng với 104 phim, trong đó có 24 phim có chủ đề về kiến thức lịch sử dân tộc, chiếm 23% (1). Các chương trình phát sóng về chủ đề này cũng được đưa đậm nét ở tháng Hai, tháng Tư, tháng Năm, tháng Mười, vì đây là những tháng gắn liền với các sự kiện trọng đại trong lịch sử hào hùng của dân tộc như Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày giải phóng Thủ đô... Bên cạnh đó, các chương trình có kiến thức lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng được đề cập đến qua những câu chuyện truyền thuyết, lịch sử, tôn giáo và tín ngưỡng ở nước ta.

Trong chương trình “Bánh chưng cùng với bánh giày”, thuộc chuyên mục Ẩm thực ngon - Fine Cuisine, phát sóng ngày 11-2-2020, những người làm chương trình đã giới thiệu đến khán giả câu chuyện về Lang Liêu gắn liền với sự tích và ý nghĩa bánh chưng, bánh giày cũng như truyền thống gói bánh chưng đón Tết của dân tộc Việt Nam. Hay trong chương trình “Cuộc gặp gỡ giữa văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo” thuộc chuyên mục Khám phá Việt Nam - Vietnam Discovey, phát sóng ngày 29-6-2020, đề cập đến sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam với những tôn giáo, tín ngưỡng du nhập từ bên ngoài vào như đạo Cơ đốc, Thiên chúa giáo... Những người thực hiện chương trình đã chuyển tải đến khán giả những hình ảnh sống động, nội dung đầy đủ về một đất nước Việt Nam luôn tôn trọng những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo trên; đồng thời quan tâm đến sự gắn bó mật thiết giữa những tôn giáo này với đời sống của người dân Việt Nam.

Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được xuất hiện khá rõ nét trong các chương trình của VTV4. Trong 12 tháng năm 2020, chương trình Khám phá Việt Nam - Vietnam Discovery phát sóng 52 số, trong đó có 17 số phát sóng chủ đề về giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, chiếm 32,6% (2). Chẳng hạn, trong chương trình “Hội Gióng - Khát vọng hòa bình từ ngàn đời” phát sóng ngày 10-6-2020 đề cập đến một trong những lễ hội lớn nhất và cổ nhất trong lịch sử ở miền Bắc nước ta, đó là Hội Gióng (Lễ hội đầu tiên ở nước ta được lập hồ sơ để trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Những người thực hiện chương trình đã cho khán giả cảm nhận được sự chuyển dần từ một lễ hội nông nghiệp sang thành một biểu tượng của tinh thần chống ngoại xâm qua những hình ảnh tái hiện lại lễ hội; chứa đựng những khát vọng của nhân dân ngàn đời, đó là đất nước thái bình, cá nhân sống có trách nhiệm, đề cao đối thoại... Bên cạnh đó, chương trình cũng đưa ra kiến nghị về việc bảo tồn lễ hội nói chung, Hội Gióng nói riêng là cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu trong nhiều ngành như văn hóa, lịch sử, dân tộc học, nhân học và của chính cộng đồng sở tại.

3. Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chính sách văn hóa đối ngoại giai đoạn 2015-2020 qua kênh VTV4

Sau 5 năm triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam (2015-2020), hoạt động văn hóa đối ngoại đã đạt được những dấu mốc đáng ghi nhận cả về mặt lý luận, chính sách và triển khai trong thực tiễn của lĩnh vực hoạt động mới mẻ này. Việc xác định đúng và thông suốt về mặt lý luận, khái niệm, nội hàm, phương thức hoạt động của văn hóa đối ngoại đã giúp Đài Truyền hình Việt Nam nói chung và kênh VTV4 nói riêng triển khai thành công trong thực tiễn. Đồng thời, thực tiễn văn hóa đối ngoại trong thời gian qua cũng chính là “hàn thử biểu” kiểm nghiệm để rút ra những bài học sâu sắc hơn, góp phần nâng tầm hoạt động văn hóa đối ngoại ở giai đoạn tiếp theo.

Nhìn vào những chương trình đã phát sóng trong Vietnam Discovery - Khám phá Việt Nam; Fine Cuisine - Ẩm thực ngonCulture Mosaic - Mảnh ghép văn hóa từ năm 2015-2020, có thể thấy các hoạt động văn hóa đối ngoại đã được kênh VTV4 mang đến khán giả một cách xuyên suốt, đầy đủ và khoa học. Có thể khái lược nội dung văn hóa đối ngoại trên kênh VTV4 được triển khai với các nội dung chính sau:

Một là, các bản tin văn hóa tổng hợp trong Culture Mosaic - Mảnh ghép văn hóa đã khéo léo gắn văn hóa đối ngoại với các hoạt động ngoại giao chính trị bằng cách đưa tin hoạt động văn hóa trong chuỗi hoạt động nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các hội nghị cấp cao có sự tham gia của các nguyên thủ hàng đầu thế giới. Tính riêng năm 2019, trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước, mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam được chú trọng và thực hiện thành công bên cạnh các mục tiêu về chính trị và kinh tế vào những dịp này, VTV4 cũng lồng ghép các nội dung văn hóa đối ngoại vào các chương trình của mình.

Hai là, VTV4 đã tăng cường đưa tin về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam, tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các bản tin, phóng sự nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam.

Ba là, VTV4 đã đóng vai trò tiên phong trong các hoạt động văn hóa đối ngoại thông qua các kênh báo chí truyền thông. Báo chí đối ngoại là một bộ phận của báo chí, hướng tới các đối tượng là người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc ở Việt Nam và công chúng ở các quốc gia trên thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm cung cấp cho họ những thông tin chính thức của Việt Nam để làm cho họ hiểu, đồng tình, ủng hộ sự nghiệp phát triển đất nước. Thông qua báo chí đối ngoại nói chung và kênh VTV4 nói riêng, thế giới đã hiểu hơn về Việt Nam, về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, về những cảnh quan thiên nhiên, về những giá trị văn hóa, phẩm chất quý báu của con người, về truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam.

Từ những nội dung trên có thể thấy, kênh VTV4 nói chung và 3 chương trình trong diện khảo sát nói riêng đã có những thành tựu nhất định, đóng góp vào hoạt động văn hóa đối ngoại của đất nước. Các chương trình của VTV4 đã góp phần giới thiệu đất nước - con người, lịch sử cũng như nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam. Các chương trình Vietnam Discovery - Khám phá Việt Nam; Fine Cuisine - Ẩm thực ngonCulture Mosaic - Mảnh ghép văn hóa như những mảnh ghép văn hóa đã và đang làm khá tốt nhiệm vụ này. Các chương trình trên đã tuyên truyền, quảng bá hình ảnh giàu đẹp của đất nước gắn liền với những con người, những địa danh, những câu chuyện lịch sử, những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa muôn hình muôn vẻ của đất nước và con người Việt Nam. Thông tin trong các tác phẩm được trau chuốt gọt giũa sao cho khi khán giả tiếp nhận những thông tin ấy không còn khô khan, không còn đơn thuần là những thông tin mang tính “sách vở, tài liệu” mà đã trở nên sống động và gần gũi hơn bao giờ hết. Không những thế, một số nội dung tập phim liên quan đến chủ quyền đất nước đã được VTV4 khéo léo xây dựng như là một cách để khẳng định chủ quyền của Việt Nam, bao gồm cả chủ quyền biển đảo và chủ quyền đất liền. Điển hình trong đó, phải kể đến các tập phim 175 năm tờ lệnh Hoàng Sa của đạo diễn Nguyễn Nhật Duy, Đỉnh Tây Côn Lĩnh của đạo diễn Tuấn Hoàng, Điểm đầu điểm cuối Việt Nam của đạo diễn Phan Ý Linh, Cột cờ điểm cực Bắc đất nước của đạo diễn Tuấn Hoàng, Kỳ thú biển Nam của đạo diễn Nguyễn Nhật Duy hay Đảo đèn Hòn Dấu của đạo diễn Nguyễn Thu Hà… đã chuyển đến công chúng những thông tin về vị trí địa lý của vùng biển với những đặc trưng nhất của vùng biển gắn liền với vị trí của Việt Nam được nhấn mạnh và hoạt động của những người lính đồn biên phòng cũng được VTV4 khắc họa chân thực. Như vậy, những chương trình này đã tác động đến nhận thức người xem, đặc biệt là đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài, khơi gợi trong họ lòng tự hào và tình yêu đối với quê hương đất nước. Đối với những người con xa quê, những thông tin trong các chương trình của VTV4 đã giúp họ gắn chặt thêm với nơi chôn nhau cắt rốn, tăng cường thêm tình đoàn kết, gắn bó với đồng bào ruột thịt.

4. Xu hướng vận động của văn hóa đối ngoại hiện nay nhìn từ trường hợp kênh VTV4

Các quốc gia trên thế giới đang nằm trong xu thế tất yếu khách quan của thời đại là toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Với xu thế toàn cầu hóa, mỗi quốc gia muốn phát triển đều phải khai thác được các quan hệ giao lưu quốc tế. Trong đó, văn hóa đối ngoại nói riêng và tuyên truyền hình ảnh quốc gia ra thế giới chính là chiếc cầu nối, là công cụ quan trọng và phổ biến được sử dụng trong quan hệ quốc tế và có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động đối ngoại của mọi quốc gia nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trên các lĩnh vực và tạo động lực cho sự phát triển.

Đài Truyền hình Việt Nam, trong đó, kênh VTV4 nói riêng, không nằm ngoài xu thế đó. Tính toàn cầu hóa đã mang lại nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi hơn, nhất là trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh, gia tăng uy tín và sức hấp dẫn của quốc gia ra thế giới. Trên thực tế, một số quốc gia đã rất thành công trong việc kết hợp và sử dụng văn hóa đối ngoại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác, thu hút khách du lịch, điển hình như ở Thái Lan với một số kênh truyền hình như “Amazing Thailand” (Ngỡ ngàng Thái Lan) và “Kitchen to the World” (Nhà bếp thế giới) hết sức thành công; Nhật Bản với các sản phẩm hoạt hình, truyện tranh “Manga” và chương trình “Yosoko Japan” (Welcome to Japan - Chào mừng đến với Nhật Bản); Hàn Quốc với chiến lược “Làn sóng Hàn” và Việt Nam có kênh VTV4 với những chương trình đặc sắc như Vietnam Discovery - Khám phá Việt Nam; Fine Cuisine - Ẩm thực ngon hay Culture Mosaic - Mảnh ghép văn hóa… Điều đó chứng tỏ sự tác động của toàn cầu hóa đối với văn hóa đối ngoại, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự gắn kết và tác động qua lại giữa văn hóa đối ngoại và các khía cạnh khác của xã hội.

Trong hơn 5 năm qua kể từ khi Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt, các hoạt động văn hóa đối ngoại đã được triển khai bài bản rộng khắp trong cả nước và nước ngoài với sự tham gia đông đảo của các bộ, ban ngành địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân, tổ chức… Thông qua văn hóa đối ngoại, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp người dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến, từ đó dẫn tới việc quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến để hợp tác, đầu tư, du lịch, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam… hay cao hơn là ủng hộ các quan điểm, đường lối, chính sách của Việt Nam. Các hoạt động văn hóa đối ngoại đã và đang góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam hiện đại, nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

Những hoạt động văn hóa đối ngoại trên kênh VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam đã góp phần quảng bá, đưa hình ảnh Việt Nam trở nên gần gũi, thân thiện trong xu thế hội nhập, qua đó thu hút đầu tư, du lịch, giao thương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Nhờ những chương trình của VTV4 mà những người yêu mến Việt Nam đều biết đến ẩm thực Việt Nam thông qua những món ăn như nem, phở…; thủ công mỹ nghệ với tranh sơn mài, tranh Đông Hồ, đồ gốm sứ, áo dài, nón lá… các sản phẩm nông sản như gạo, chè, cà phê… nghệ thuật biểu diễn như nhã nhạc, cồng chiêng, quan họ, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử, dân ca ví giặm, bài chòi, hát then, múa rối…; các công trình văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, Cố đô Huế, thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn…

Bên cạnh đó, Quyết định 1209 Phê duyệt quy hoạch phát thanh, truyền hình đối ngoại đến năm 2020Quyết định Phê duyệt quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng đưa ra quan điểm rằng: cần huy động mọi nguồn lực trong xã hội, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế nhằm đạt được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Huy động mọi lực lượng trong xã hội là kêu gọi sự tham gia của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội ở khu vực nhà nước và tư nhân, nước ngoài để đóng góp trên tất cả các mặt như tri thức, máy móc - cơ sở vật chất, công nghệ, kinh phí, sức lực hỗ trợ hoạt động văn hóa đối ngoại trên kênh báo chí truyền thông, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền hình ảnh Việt Nam đạt được hiệu quả cao nhất.

5. Kết luận

Để có thể xây dựng hình ảnh quốc gia, quảng bá các giá trị tốt nhất và có tính khác biệt so với các quốc gia khác, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều ngành như văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, du lịch, thông tin đối ngoại, báo chí, thương hiệu, marketing… nhằm mục đích đưa ra các nét đặc sắc trong bản sắc quốc gia. Chính vì thế, văn hóa đối ngoại trên kênh báo chí nói chung và truyền hình nói riêng đòi hỏi sự tham gia hợp tác của nhiều chủ thể, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó, Chính phủ là người khởi xướng ý tưởng để tạo ra chiến lược lâu dài vì lợi ích chung là lợi ích của Việt Nam. Đồng thời, việc huy động mọi lực lượng trong xã hội không những giúp tạo ra sức mạnh tổng hợp trong nhiều mặt mà còn tạo ra sự thống nhất trong chiến lược tổng thể văn hóa đối ngoại. Các cơ quan, bộ, ngành, các công ty tư nhân nước ngoài, các chuyên gia cùng ngồi lại với nhau để đưa ra một chiến lược dài hạn chung thống nhất sẽ giúp Việt Nam tạo dựng được những ảnh hưởng đúng với hình ảnh mà Việt Nam được tiếp nhận, từ đó có kế hoạch xây dựng nội dung, phương thức và đào tạo nhân lực của lực lượng thực hành hoạt động văn hóa đối ngoại về những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cần thiết đối với việt phát triển một nền văn hóa đối ngoại của Việt Nam như hiện nay và trong tương lai.

________________

1, 2. Vũ Thị Việt Nga, Tài liệu khảo sát thực tế tại Đài truyền hình Việt Nam, tháng 3-2015-2020, tr.28.

Tài liệu tham khảo

1. Báo điện tử Chính phủ, Hội nghị về di cư quốc tế, xây dựng và quản lý dữ liệu cho hoạch định chính sách, baochinhphu.vn, 2-6-2011.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thuvienphapluat.vn, 8-5-2015.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống báo chí đối ngoại đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thuvienphapluat.vn, 13-12-2016.

4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, thuvienphapluat.vn, 30-11-2021.

5. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - những vấn đề cần biết, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2005.

Ths VŨ THỊ VIỆT NGA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;