Một số khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy ở Phú Thọ

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Phú Thọ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 - Ảnh: Triệu Mạo
 

Nhằm tăng cường nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về công tác phòng chống ma túy cũng như vai trò của việc đẩy mạnh công tác cai nghiện, đặc biệt là cai nghiện tự nguyện, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện thành thị, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với những hình thức phong phú như: tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; tuyên truyền qua các ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp; qua các hội nghị truyền thông và thông qua hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã…với nội dung chủ yếu là nêu rõ tác hại của ma túy, cách nhận biết và phòng tránh, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy và các quy định của Nhà nước đối với công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy. Năm 2022, đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về công tác phòng chống tệ nạn ma túy cho trên 3.500 cán bộ, giáo viên, đoàn viên thanh niên và học sinh Trường THPT của huyện Tân Sơn, Yên Lập, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ, Trường THPT Hermann Gmeiner Việt Trì; cán bộ các tổ chức đoàn thể và người dân các xã Hiền Lương, Xuân Áng, Vô Tranh huyện Hạ Hòa để nâng cao các kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống ma túy. 

Tại các huyện, thành, thị, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các phòng, ban chuyên môn tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp huyện tổ chức tuyên truyền hơn 2.500 lượt tin, bài về phòng tránh tệ nạn xã hội trên hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã và khu dân cư. Qua các hoạt động truyền thông đã cấp phát 1.500 test thử ma túy, hơn 7.500 tờ gấp, tờ rơi tuyên truyền phòng chống ma túy, 225 cuấn tạp chí về phòng chống tệ xã hội, tệ nạn ma tuý, cai nghiện ma túy.

Một góc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Phú Thọ - Ảnh: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

 

Tại 2 cơ sở Điều trị nghiện ma túy của tỉnh đã tổ chức tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh của cơ sở điều trị nghiện về các nội dung phòng chống ma tuý, tác hại của nghiện ma tuý, phòng ngừa tái nghiện, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS; tổ chức sinh hoạt văn nghệ, thể thao cho các học viên đang cai nghiện tại 2 cơ sở. Thông qua các hoạt động trên đã giúp các học viên có nhận thức đúng về tác hại của tệ nạn ma túy, tích cực điều trị, lao động sản xuất góp, phần giảm tỷ lệ tái nghiện khi trở về cộng đồng.

Về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy, Sở đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền để người nghiện ma túy được lựa chọn và đăng ký các hình thức cai nghiện phù hợp. Các hoạt động "Phong trào tình nguyện viên tiếp cận, vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy tự nguyện đi cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện tỉnh Phú Thọ" đã phát huy được hiệu quả. 

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn thành lập, kiện toàn, củng cố hoạt động của Đội Công tác xã hội tình nguyện cấp xã để tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, hỗ trợ tư vấn đối với người tham gia cai nghiện, tư vấn ma túy tại gia đình, cộng đồng. Qua đó, đã rà soát, đưa vào danh sách quản lý 871 người nghiện ma túy; tư vấn, giúp đỡ 12 người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ y tế phù hợp; giúp đỡ 9 người cai nghiện thành công từ 2 năm trở lên.

Sau khi học viên thực hiện xong Quyết định cai nghiện tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh, các cơ sở bàn giao người và hồ sơ cho UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú tiếp nhận, tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ hoà nhập cộng đồng. UBND cấp xã giao cho các ban, ngành, đoàn thể, Đội Công tác xã hội tình nguyện phối hợp với các tổ dân phố, khu dân cư, gia đình quản lý, giúp đỡ, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn, giúp người sau cai nghiện có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: các chế độ hỗ trợ chi phí cho cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mới chỉ đáp ứng một phần giai đoạn cắt cơn, giải độc và giới hạn trong diện gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo. Việc thu hút các cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn hạn chế nên hiệu quả cai nghiện chưa cao. Gia đình người nghiện chưa đủ kiến thức về cai nghiện, chưa được hướng dẫn đầy đủ các kỹ năng giúp đỡ, động viên con em mình cai nghiện và dự phòng tái nghiện, do vậy việc giám sát hỗ trợ người nghiện trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai còn gặp nhiều khó khăn. Công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện hầu như chưa phát huy được hiệu quả. Người sau cai nghiện dễ tái nghiện khi trở về địa phương do không có việc làm, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với đối tượng này vẫn còn nặng nề, do đó, đối tượng thường mặc cảm, tự ti, rất khó hợp tác...

Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho phòng ở của học viên thành các phòng cai nghiện tự nguyện theo yêu cầu, đảm bảo phục vụ tốt cho số người nghiện vào cai nghiện tự nguyện. Đổi mới phương thức quản lý, tư vấn tâm lý, giáo dục hành vi, vật lý trị liệu cho học viên, tạo môi trường thân thiện để người nghiện tự nguyện yên tâm đăng ký vào cai nghiện. Thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế quản lý học viện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy tập trung của tỉnh. Trong đó, chú trọng đổi mới nhận thức, tinh thần và thái độ phục vụ cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở, tạo mối quan hệ thân thiện với người nghiện, coi người nghiện là bệnh nhân, khách hàng của cơ sở cai nghiện. Tổ chức tập huấn chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động; tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đến khu dân cư, gia đình và bản thân người nghiện nhằm thu hút người nghiện ma túy tự nguyện vào cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện tập trung của tỉnh.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 tham gia trò chơi dân gian nhảy bao bố - Ảnh: Triệu Mạo

 

TRIỆU MẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 540, tháng 7-2023

;