Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7”

Tối 29/7/2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm lan tỏa thông điệp của chương trình, đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.

 

Tham dự Lễ phát động có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ  (LHPN) Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Bộ Công an; đại diện các ban, đơn vị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện Hội LHPN của một số tỉnh, thành phía Bắc; một số đơn vị thuộc Bộ Công an và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và tình hình kinh tế - xã hội vẫn đang bị tác động bởi đại dịch COVID - 19 hiện nay, internet và công nghệ số đã giúp cho tội phạm mua bán người có thêm công cụ và thủ đoạn để lừa bán người một cách nhanh chóng hơn, tiết kiệm chi phí hơn và khó bị phát hiện hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cũng có thể giúp các cơ quan chức năng hỗ trợ điều tra, làm sáng tỏ các phương thức hoạt động của các mạng lưới mua bán người, tăng cường truy tố thông qua bằng chứng kỹ thuật số và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân.

Trước tình hình đó, chủ đề của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2022 được Liên Hợp Quốc xác định là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm khuyến nghị các quốc gia tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời, tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người.

Thông qua chương trình, Chủ tịch Hà Thị Nga kêu gọi các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng, chống mua bán người, phối hợp chặt chẽ với ngành Công an và các ngành, các cấp, các tổ chức chủ động, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn để giảm thiểu nguy cơ mua bán người nói riêng và các loại tội phạm nói chung trên không gian mạng góp phần để mỗi người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, luôn có quyền được sống trong bình an, hạnh phúc.

Trong khuôn khổ của Lễ phát động, các đại biểu đã được xem phóng sự về công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam; tiểu phẩm kịch ngắn Đèn đỏ phản ánh phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người qua không gian mạng; những tổn thương, đau khổ của nạn nhân bị mua bán phải trải qua; sự tận tâm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thách thức của các chiến sĩ Công an nhân dân và cán bộ Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực giải cứu nạn nhân và hỗ trợ họ tái hòa nhập với cuộc sống. Qua đó, thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm của toàn dân, toàn quân trong cuộc chiến phòng, chống nạn mua bán người.

Đại diện Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) tham gia tọa đàm tại chương trình
 

Trong chương trình, còn diễn ra tọa đàm về công tác phòng, chống mua bán người với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam).

Phát động cùng chung tay phòng chống mua bán người, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng và chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2022 là “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” để tiếp tục hành động, triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người với 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người với các hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên toàn quốc, tăng thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; xây dựng, duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục, chương trên các kênh phát thanh, truyền hình và tổ chức tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, trực tiếp tại cộng đồng. Tiếp tục tăng cường, chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và các cá nhân cho công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, kế hoạch quan trọng về phòng, chống tội phạm mua bán người. Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thể hiện quyết tâm hành động, các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức cam kết trực tuyến phòng, chống mua bán người, cùng chung tay hành động ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người.

 

TRIỆU MẠO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

;