Một số giải pháp để phát triển du lịch Hà Nội theo hướng bền vững

Trong những năm qua, du lịch Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Đó là kết quả của công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch trên địa bàn Hà Nội cùng với công tác tuyên truyền quảng bá sâu rộng của ngành Du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, để phát triển du lịch Hà Nội theo hướng bền vững cần sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp và sự nỗ lực của toàn xã hội.

1. Quan niệm về phát triển du lịch bền vững

Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu hàng đầu cho phát triển của Việt Nam. Theo Hội đồng Thế giới về Môi trường và phát triển thì “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”. Để phát triển bền vững phải cùng đồng thời thực hiện 3 mục tiêu: phát triển có hiệu quả về kinh tế; phát triển hài hòa các mặt xã hội; nâng cao mức sống, trình độ sống của các tầng lớp dân cư; cải thiện môi trường môi sinh, bảo đảm phát triển lâu dài vững chắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, sự phát triển của du lịch phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và môi trường; sự phát triển du lịch và sự phát triển bền vững chung của xã hội có sự tác động biện chứng lẫn nhau. Vì vậy, khái niệm phát triển du lịch bền vững không tách rời khái niệm phát triển bền vững.

Khái niệm về du lịch bền vững của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO): Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và quan tâm đến người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống con người.

Phố đi bộ Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thành

Ở Việt Nam, đa số ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực có liên quan đều cho rằng: “Phát triển du lịch bền vững là hoạt động khai thác có quản lý các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến các lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương”.

Như vậy, có thể thấy, quan điểm về phát triển du lịch bền vững được đa số các quốc gia và các nhà nghiên cứu công nhận về bản chất đều phải đảm bảo ba nội dung cơ bản: môi trường bền vững, xã hội bền vững và kinh tế bền vững. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, muốn phát triển bền vững đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn xã hội. Để thực hiện những mục tiêu trên, đảm bảo được các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững, cần phải:

Khai thác sử dụng nguồn lực một cách hợp lý: Nguồn lực là tổng thể vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân lực, đường lối chính sách, vốn và thị trường… ở cả trong nước và ngoài nước có thể được khai thác nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch. Việc sử dụng, bảo tồn bền vững tài nguyên thiên nhiên văn hóa xã hội là hết sức cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, khai thác phục vụ hoạt động du lịch dựa trên sự tính toán nhu cầu hiện tại.

Giảm thiểu sự tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên: Các tài nguyên thiên nhiên cần được quy hoạch, quản lý tránh khai thác ồ ạt hoặc phát triển nóng.

Duy trì bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên, xã hội và nhân văn: Xem xét quy mô và sức chứa của mỗi vùng, giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch đối với động thực vật, lồng ghép các hoạt động du lịch vào các hoạt động của cộng đồng dân cư, ngăn ngừa sự thay thế các ngành nghề truyền thống lâu đời bằng các ngành nghề hiện đại. Phát triển du lịch phù hợp với văn hóa bản địa, phúc lợi xã hội, nhu cầu của sự phát triển, đảm bảo quy mô, tiến độ của các loại hình du lịch nhằm gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau giữa du khách và dân cư sở tại...

Phát triển du lịch phải đặt trong quy hoạch tổng thể của kinh tế - xã hội: Để đảm bảo sự phát triển, ngành Du lịch cần phải tính tới nhu cầu trước mắt của cả người dân và du khách, trong quy hoạch cần thống nhất các mặt kinh tế - xã hội, môi trường, tôn trọng chiến lược của quốc gia, vùng, lãnh thổ, địa phương. Phát triển ngành Du lịch phải phù hợp với địa phương, phù hợp với quy hoạch mà địa phương giao cho, sự phát triển đó mới bền vững và lâu dài.

Phát triển du lịch phải hỗ trợ kinh tế cho địa phương: Trong lĩnh vực du lịch, việc hỗ trợ cho ngành nghề khác không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động du lịch mà còn hỗ trợ nhiều doanh nghiệp gián tiếp tham gia vào hoạt động này, từ đó dẫn đến hỗ trợ kinh tế cho địa phương.

Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào phát triển bền vững du lịch: Việc tham gia của cộng đồng địa phương là một nhân tố đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững. Khi cộng đồng địa phương được tham gia phát triển du lịch sẽ tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho du lịch, vì sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ gắn quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cư dân đối với sự phát triển chung của du lịch.

Lấy ý kiến của nhân dân và các đối tượng có liên quan: Tham khảo ý kiến của các bên liên quan và cộng đồng dân cư, các tổ chức trong và ngoài nước, phi chính phủ, chính phủ với các ý kiến cho dự án, là nguyên tắc quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Chia sẻ lợi ích của các bên nhằm mục đích hài hòa về lợi ích trong quá trình thực hiện.

Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực: Lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch đang thiếu hụt một lượng rất lớn, lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu chung của ngành. Một lực lượng lao động đào tạo kỹ năng thành thạo, không những mang lại lợi ích về kinh tế cho ngành mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Coi trọng công tác nghiên cứu khoa học ngành Du lịch: Để du lịch trở thành ngành kinh tế chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, hoạt động nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đào tạo và thực hiện hoạt động phát triển du lịch. Các thành tựu khoa học công nghệ về du lịch trong các lĩnh vực thời gian qua đã trở thành những nền tảng khoa học quan trọng với tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp Du lịch.

2. Thực trạng phát triển du lịch Hà Nội

Trong những năm qua, du lịch Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Đó là kết quả của công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch trên địa bàn Hà Nội cùng với công tác tuyên truyền quảng bá sâu rộng của ngành Du lịch Thủ đô.

Hoạt động văn hóa trên phố đi bộ thu hút đông đảo du khách

Ảnh: Văn Tuyên

Có thể thấy, giai đoạn 2016-2019, du lịch Thủ đô là điểm sáng trên bản đồ du lịch của cả nước. Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng nhanh và ổn định, mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu, trong đó khách quốc tế tăng gấp 2,15 lần. Năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô đóng góp 12,54% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Thủ đô Hà Nội cũng được các tổ chức du lịch quốc tế uy tín đánh giá, bình chọn nằm trong tốp các điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới.

Hà Nội từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ mà nghị quyết đề ra, trong đó nổi bật là việc xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô. Nhiều sản phẩm, điểm đến đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi của du khách, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, làng gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc. Các di tích, danh thắng: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò... thường xuyên có các sự kiện hấp dẫn phục vụ du khách.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành Du lịch Thủ đô đang gặp phải một số tồn tại và khó khăn, khiến nhiều mục tiêu chưa thể thực hiện được trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch bị “tê liệt”, công suất sử dụng buồng, phòng khối khách sạn 9 tháng năm 2020 giảm tới 40,8% so với cùng kỳ năm 2019, hoạt động tại các điểm đến giảm từ 75% đến 80% khách. Lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm sâu, ước tính cả năm 2020, Hà Nội chỉ đón được 14,08 triệu lượt khách.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến ngành Du lịch Thủ đô còn gặp khó khăn trong việc hấp dẫn du khách, đó là, chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch của Hà Nội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách.

Hơn thế, công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng. Công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng taxi dù, bán hàng rong, hiện tượng chèo kéo khách du lịch vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là mùa cao điểm...

Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên du lịch chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng khai thác chưa hiệu quả, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có, chưa phát huy giá trị của tài nguyên.

Sản phẩm du lịch Hà Nội chưa thực sự đổi mới, còn đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao...

Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, do vậy chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch với thương hiệu nổi bật. Thêm vào đó, nguồn nhân lực du lịch cũng là điểm yếu. Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch thời gian qua, nhưng so với yêu cầu về tính chuyên nghiệp của ngành dịch vụ hiện đại và hội nhập, toàn cầu hóa thì nhân lực du lịch chưa đáp ứng kịp về kỹ năng chuyên nghiệp, hội nhập, liên kết toàn cầu.

3. Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Hà Nội theo hướng bền vững

Để phát huy những tiềm năng lợi thế, phát triển du lịch Hà Nội theo hướng bền vững, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp:

Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…; Quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách; Nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia có chiều sâu và tầm cao.

Xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững

Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường… Tăng cường quản lý bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch.

Chú trọng nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Thực hiện quản lý theo quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước; quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô; quy hoạch các khu du lịch tổng hợp và khu du lịch chuyên đề, để tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng bền vững.

 Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển du lịch

Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, môi trường, bưu chính viễn thông, hạ tầng các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch như ngân hàng, tài chính, tín dụng, y tế. Trong số hạ tầng nói trên, các công trình kết cấu hạ tầng then chốt như giao thông, điện, cấp thoát nước và xử lý môi trường có ý nghĩa nền tảng cho sự phát triển của du lịch nói riêng cũng như của tất cả các ngành khác trong thành phố nói chung. Do ý nghĩa tổng thể này và do nhu cầu vốn đầu tư các kết cấu hạ tầng rất lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cao nhưng hiệu quả kinh tế trước mắt không hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn, đòi hỏi phải có sự đầu tư tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước.

Thành phố cần chú trọng các cơ chế, chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất ngành Du lịch, đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm. Thu hút nguồn vốn từ dân cư, cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo môi trường tài chính tin cậy và hành chính thuận lợi; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức tạo vốn, huy động tiền vay, mở rộng các nguồn thu. Đẩy mạnh xã hội hóa và khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động đầu tư phát triển du lịch.

Đẩy mạnh các hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển thị trường

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và phát triển thị trường của du lịch Hà Nội những năm tới cần đẩy mạnh để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển du lịch. Thành phố cần triển khai tích cực chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn và hằng năm về xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh các nội dung xúc tiến, quảng bá riêng của thành phố, đồng thời gắn với xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực và cả nước để tạo hiệu quả tổng hợp trong xúc tiến, quảng bá. Tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn cho khách du lịch; đầu tư đổi mới thiết kế, hình thức các ấn phẩm du lịch Hà Nội, như: bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, đĩa DVD, VCD, bản tin du lịch,... để tăng tính hấp dẫn và phong phú.

Cần xây dựng hệ thống điểm hướng dẫn và cung cấp thông tin cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng và đặc biệt là ở các khu điểm du lịch, các trung tâm lữ hành. Phát triển các hoạt động E-marketing, mở rộng nội dung thông tin trên các trang web của thành phố, cập nhật đầy đủ các thông tin du lịch của thành phố, hoàn chỉnh hơn các công cụ tra cứu du lịch và xây dựng các ấn phẩm giới thiệu, quảng cáo điện tử trên trang web với giao diện và cách thức thể hiện hấp dẫn hơn. Đây là giải pháp phù hợp với xu thế của xã hội hiện đại, tiện lợi, để nhanh chóng đưa thông tin cập nhật về du lịch Hà Nội đến với các thị trường khách du lịch trong nước và toàn thế giới.

Thực hiện các chương trình thông tin tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về những sự kiện sẽ diễn ra hằng năm trên địa bàn thành phố như các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa, thể thao… Tổ chức các chiến dịch xúc tiến, quảng bá sự kiện, phát động thị trường theo chuyên đề; chủ động liên kết, mời gọi các đoàn famtrip đến nghiên cứu điểm đến, giúp thành phố quảng bá, kết nối sản phẩm du lịch với các thị trường nguồn khách; mời gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tạo nghệ thuật (sáng tác tác phẩm văn học, thơ, nhạc, nhiếp ảnh, làm phim...) gắn với hình ảnh, bối cảnh hoặc kết hợp quảng bá về Thủ đô; đầu tư tổ chức, đăng cai và tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, các hội nghị, hội thảo du lịch trong nước và quốc tế để giới thiệu, quảng bá rộng rãi tiềm năng du lịch địa phương, kích thích nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế.

Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch thành phố Hà Nội

Để phát triển bền vững du lịch thành phố Hà Nội đòi hỏi phải có nguồn đủ về số lượng, chất lượng và cơ cấu không ngừng được nâng cao, hoàn thiện. Do đó, thành phố cần chủ động phối hợp, đặt hàng với các cơ sở đào tạo về du lịch trong và ngoài thành phố để đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, mời chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nguồn nhân lực phục vụ du lịch của thành phố. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp cụ thể để phát triển nhân lực du lịch thành phố Hà Nội đảm bảo về chất lượng, số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và hội nhập quốc tế là điều hết sức cần thiết.

Chú trọng phát triển nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch từng thời kỳ, từng địa điểm của thành phố Hà Nội. Từng bước thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch của thành phố phù hợp chuẩn của khu vực và quốc tế, đặc biệt chú trọng nhân lực quản lý du lịch và lao động có tay nghề cao trong ngành Du lịch.

Cùng với việc đáp ứng số lượng nguồn nhân lực cho ngành Du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2030 như mục tiêu đã đề ra, cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị đầy đủ về kiến thức, các kỹ năng cần thiết và thái độ phục vụ đáp ứng được từng nghiệp vụ cụ thể trong lĩnh vực du lịch của thành phố. Tổ chức thường xuyên các hoạt động đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển ngành, trong đó cần chú trọng công tác đào tạo phát triển đội ngũ chuyên gia về từng lĩnh vực chuyên sâu của hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường chất lượng, kỹ năng nghề, tính chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch theo yêu cầu công việc. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người lao động về phát triển du lịch bền vững.

Kết luận

Có thể thấy, phát triển du lịch bền vững không chỉ là vấn đề riêng của Thủ đô Hà Nội, mà luôn là vấn đề cấp bách và quan trọng đối với phát triển du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch bền vững là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, vì vậy, phát triển du lịch bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Trong thời gian qua, ngành Du lịch thành phố Hà Nội đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội còn chưa thực sự bền vững, do đó, để khắc phục hiện trạng này đòi hỏi ngành Du lịch Hà Nội cần thực hiện tổng thể các giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, thị trường, nhân lực,… để đảm bảo sự phát triển bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thủ đô.

Tài liệu tham khảo

1. Hà Văn Hội, Vũ Quang Kết, Du lịch Hà Nội: hướng tới sự phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh 26, 2010, tr.144-153.

2. Nguyễn Văn Mạnh, Báo cáo Hội thảo Phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, 2010.

3. Nguyễn Bá Lâm, Trịnh Xuân Dũng, Tổng quan về du lịch, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, 2014.

4. Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Báo cáo 425/BC-SDL ngày 24/10/2019 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

5. Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Báo cáo 341/BC-SDL ngày 18-9-2020 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020.

6. Sở Du lịch thành phố Hà Nội, Báo cáo 374/BC-SDL ngày 26-10-2020 về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch năm 2021.

7. UBND Thành phố Hà Nội, Kế hoạch số 191/KHUBND ngày 30-9-2020 về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tác giả: Đặng Thị Hồng Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;