Xây dựng một số tuyến du lịch mới gắn với khu di tích và danh thắng Suối Mỡ (Bắc Giang)

Suối Mỡ được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu du lịch nổi tiếng, địa điểm hấp dẫn du khách trong tương lai. Tuy nhiên, du lịch Bắc Giang nói chung và du lịch Suối Mỡ nói riêng hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng dù đã được tỉnh chú trọng đầu tư trong những năm qua. Để góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh phát triển, đưa khu di tích và danh thắng Suối Mỡ trở thành một điểm nhấn trong bản đồ du lịch miền Bắc nước ta, trong bài báo này, chúng tôi tiến hành phân tích và đề xuất xây dựng một số tuyến du lịch mới gắn với khu di tích và danh thắng Suối Mỡ.

1. Đôi nét về Khu di tích danh thắng Suối Mỡ

Các di tích và danh thắng khu Suối Mỡ

Lịch sử khu di tích và danh thắng Suối Mỡ gắn liền với 3 ngôi đền (đền Thượng, đền Trung và đền Hạ, được xây dựng từ thời Lê - TK XV-XVI) thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn - công chúa Quế Mỵ Nương, thời Hùng Định Vương, vị Hùng Vương thứ XVI (có nơi kể là Hùng Vương thứ 6) trong việc mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng, lập xóm, xây dựng nên vùng đất này.

Đền Hạ nằm kề bên đường 293 trên thế đất hoàng long với diện tích và quy mô lớn nhất. Đền có tượng thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn và các thần linh trong tín ngưỡng thờ Tứ Phủ. Ngoài ra, đền Hạ còn thờ chúa Lẫm - bà chúa Tích Mễ, tức Bà Chúa Kho.

Đền Trung tọa lạc trên mảnh đất có vị trí như một hòn đảo, được bao bọc bởi suối và cây xanh tạo nên vẻ tĩnh mịch, huyền bí và linh thiêng. Đây là nơi công chúa Quế Mỵ Nương cùng các vị bô lão chức sắc trong làng thường bàn bạc, giúp nhân dân. Trước cửa đền có một mô đá nhô lên khỏi mặt sân, mô đá này là huyệt đất - nơi tụ linh của ngôi đền. Đền Trung có 5 thác nước, được nhân dân ví là 5 ngón tay của công chúa Quế Mỵ Nương khi ấn xuống đá tạo ra dòng suối tưới mát cho đồng ruộng tốt tươi.

Đền Thượng nằm giữa lưng chừng núi có kiến trúc khá đơn sơ. Đền lấy một tảng đá lớn bên trên làm mái, lấy vách đá xung quanh làm tường, cả điện thờ cũng nguyên khối đá. Đền tọa lạc ở vị trí cao nhất, nên từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh núi rừng, suối thác.

Ngoài 3 ngôi đền chính, ở khu Suối Mỡ còn có nhiều ngôi đền phụ cận như: đền Trần, đền Cô Bé Cây Xanh, đền Bò, đền Quan Bắc Quốc và các phế tích của Hồ Bấc, chùa Hòn Trứng.

Bên cạnh các di tích linh thiêng, Suối Mỡ còn là danh thắng đẹp với cảnh quan của hồ, thác: hồ Suối Mỡ gồm 4 hạng mục: đập chính, tràn xả lũ, cống nước, kênh dẫn nước với chiều dài mặt đập 104,00m, chiều cao lớn nhất của đập 27,8m dung tích hồ chứa 2,024.106m3, diện tích mặt hồ 31,44ha và có hai kênh dẫn nước với tổng chiều dài hơn 6640m cung cấp nước tưới tiêu cho 520ha. Bên cạnh việc tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho khu vực, nó còn giúp điều hòa khí hậu, đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ nông nghiệp cho nhân dân trong vùng và thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch như: bơi thuyền, câu cá, nghỉ dưỡng,...; thác Thùm Thùm: đường từ tầng đáy lên các tầng trên của thác Thùm Thùm rất hiểm trở, trơn trượt. Để chinh phục tầng trên cùng của thác Thùm Thùm, phải vượt qua những phiến đá lớn, băng qua tán cây rừng rậm rạp. Nước từ trên cao đổ xuống ào ạt tạo thành bồn tắm thiên nhiên kỳ thú.

Lễ hội đền Suối Mỡ

Hội đền Suối Mỡ tổ chức từ ngày 30-3 đến 1- 4 (Âm lịch). Lễ hội có hai hoạt động đã trở thành điểm nhấn tạo nên bản sắc riêng: tục giã bánh dày vắt cặp đôi để dâng thờ Thánh Mẫu. Đây là nét văn hóa dân gian độc đáo thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng phồn thực của người dân địa phương; hoạt động biểu diễn chầu văn tại khu di tích đền Suối Mỡ. Hằng năm, lễ hội là nơi tề tựu của nhiều con nhang đệ tử, các tín đồ theo Mẫu từ khắp nơi đổ về thực hiện nghi lễ lên đồng. Cùng với lên đồng, hát văn cũng là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng diễn ra phổ biến ở khu di tích và danh thắng đền Suối Mỡ. Trong lễ hội đền Suối Mỡ, tại đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, hội thi hát văn được duy trì tổ chức đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Các sinh hoạt tín ngưỡng tại di tích đền Suối Mỡ

Ngoài những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, thì vào những dịp sóc, vọng hằng tháng, ở Suối Mỡ còn có các hoạt động hầu đồng, chầu văn diễn ra khá sôi nổi. Đây là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn, do đó, những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu, sát căn giá Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn không thể bỏ qua nơi này. Các nghi thức hầu đồng được thực hành ở 4 đền chính: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Trần. Từ hơn mười năm trở lại đây, chính quyền địa phương huyện Lục Nam đã tổ chức những cuộc thi hát văn, đưa nó trở thành một hoạt động văn hóa nghệ thuật trong mỗi dịp lễ hội, tạo ra sự phong phú cho lễ hội đền Suối Mỡ.

2. Xây dựng các tuyến du lịch mới gắn với khu di tích và danh thắng Suối Mỡ

Căn cứ vào các yếu tố điểm đến

Căn cứ vào sức hấp dẫn của khu di tích và danh thắng Suối Mỡ: Suối Mỡ có nhiều lợi thế vừa thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, vừa là nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành thuận lợi cho du khách nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Quần thể các di tích (ba đền chính thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, đền Trần thờ Đức Thánh Trần và cậu bé Lệch, đền Cô bé Cây Xanh, đền cô bé Bò, đền Quan Bắc Quốc…), các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng (hồ Suối Mỡ, thác Thùm Thùm…) đã tạo cho khu di tích Suối Mỡ có giá trị lịch sử và tâm linh sâu sắc. Những nguồn tài nguyên này sẽ tạo cho khu di tích và danh thắng Suối Mỡ có thể trở thành khu du lịch tổng hợp lớn nhất Bắc Giang với đầy đủ hạng mục nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu về tâm linh, nghỉ dưỡng, tham quan, cắm trại, leo núi, bơi thuyền của du khách trong tương lai.

Suối Mỡ có vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch: là đầu mối giao thông quan trọng của huyện Lục Nam, nằm trên địa phận tiếp giáp với Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Ngạn, Sơn Động và các tỉnh Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, đồng thời nằm trên đường tỉnh lộ 293 nối từ thành phố Bắc Giang đến thị trấn Thanh Sơn huyện Sơn Động; cách thành phố Bắc Giang 30km về phía Đông; cách Hà Nội 80km theo quốc lộ 31 và đường tỉnh 293; theo quốc lộ 17 đi Lạng Sơn, Thái Nguyên. UBND huyện Lục Nam cũng như nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng nâng cấp đường giao thông, bãi đỗ xe, bảo vệ và quản lý 1, 2 nghìn ha rừng, tạo mọi sự thuận lợi cho phát triển du lịch tới Suối Mỡ.

Ngoài ra, các dịch vụ bổ sung tại khu vực Suối Mỡ cũng đang trong quá trình nâng cấp, xây dựng mới. Hiện nay, khu vực Suối Mỡ chưa có nhà hàng, khách sạn, nhưng khách du lịch có thể lưu trú ở trung tâm huyện Lục Nam cách khu du lịch không quá xa. Trong quy hoạch tổng thể Suối Mỡ, sẽ xây dựng khu giải trí hiện đại với nhiều dịch vụ vui chơi phục vụ mọi lứa tuổi. Điều này cũng tạo ra nhiều thuận lợi để thu hút khách du lịch đến đây.

Căn cứ vào nhu cầu thị trường

Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống của con người ngày càng nâng cao, thì nhu cầu đi du lịch càng tăng. Khách du lịch ngày càng đòi hỏi cao về sự đa dạng của các chương trình du lịch. Ngoài mục đích tham quan, họ còn muốn tìm hiều về lịch sử, tôn giáo, thậm chí tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội của điểm du lịch đó. Do đó, chương trình du lịch phải được xây dựng đa dạng, độc đáo và kết hợp được các loại hình du lịch khác nhau. Trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, việc xây dựng thêm các tuyến du lịch mới gắn với Suối Mỡ là một hướng đi phù hợp, nhằm thu hút và làm thỏa mãn được nhu cầu tâm linh, văn hóa của du khách thập phương.

Căn cứ vào thực trạng khai thác các tour, tuyến du lịch Suối Mỡ

Theo chương trình phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2011 - 2015 ban hành kèm theo Nghị Quyết số 43- NQ/TU ngày 22-2-2011 của Tỉnh ủy, Bắc Giang phát triển du lịch theo 4 hướng chính: Thành phố Bắc Giang - Yên Dũng - Lục Nam - Sơn Động (du lịch văn hóa - sinh thái tuyến Tây Yên Tử); Thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn - Sơn Động (du lịch sinh thái hồ Cấm Sơn - rừng nguyên sinh Khe Rỗ); Thành phố Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa (du lịch văn hóa - khai thác di sản văn hóa dân ca quan họ, ca trù); Thành phố Bắc Giang - Lạng Giang - Yên Thế (du lịch văn hóa truyền thống trong khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, bảo tàng Quân Đoàn II). Ngoài ra, Bắc Giang cũng liên kết với các tỉnh khác khai thác tuyến du lịch theo 4 hướng chính: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Bắc Giang - Quảng Ninh, Thái Nguyên - Bắc Giang - Quảng Ninh, Lạng Sơn - Bắc Giang - Quảng Ninh.

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Bắc Giang) - Ảnh: Hoàng Điệp

Đối với Suối Mỡ, sản phẩm du lịch đặc thù được xác định là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Dọc theo các mạch con sông lớn (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) từ thượng nguồn tới hạ nguồn có nhiều ngôi đền thờ Mẫu tiêu biểu như đền Suối Mỡ (Lục Nam), đền Nguyệt Hồ (Yên Thế), đền Từ Mận (Lạng Giang), đền Đà Hy (Yên Dũng), đền Phủ (thành phố Bắc Giang) và nhiều điểm di tích khác. Đồng thời, đối chiếu với các phương hướng đã đề ra trong chương trình phát triển du lịch Bắc Giang giai đoạn 2011 - 2015 của Tỉnh ủy, chúng tôi thấy các chương trình du lịch, tuyến du lịch nội tỉnh xây dựng theo chuyên đề thờ Mẫu còn thiếu vắng. Bên cạnh đó, sự mở rộng tuyến du lịch liên kết giữa Bắc Giang với các tỉnh khác đã được chú trọng nhưng chưa triệt để. Ngoài giáp các tỉnh như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang còn giáp với tỉnh Hải Dương về phía Bắc, đây là tỉnh có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa và hoàn toàn có thể liên kết với Bắc Giang để kết nối với những điểm du lịch khác trong vùng tạo nên sự phong phú, đa dạng về các tuyến, chương trình du lịch.

Đề xuất một số tuyến du lịch mới gắn với khu du lịch Suối Mỡ

Xây dựng tuyến du lịch kết nối Suối Mỡ với các di tích thờ Mẫu khác ở Bắc Giang. Ngoài việc xây dựng những tuyến du lịch kết hợp Suối Mỡ với các tôn giáo khác, cần có những tuyến du lịch chuyên biệt về thờ Mẫu nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ khách tham quan, đặc biệt là những tín đồ theo Mẫu. Do đó, có thể kết nối các di tích thờ Mẫu ở Bắc Giang với Suối Mỡ nhằm tạo ra sự phong phú hơn cho các chương trình du lịch. Lợi ích của tuyến du lịch trên là liên kết các huyện liền kề với nhau: Yên Thế, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, giúp thuận tiện cho việc kết nối những điểm di tích dọc tuyến. Bên cạnh đó, giao thông đường thủy thuận lợi do các di tích này đều nằm dọc mạch ba con sông lớn là sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam; đồng thời hệ thống giao thông đường bộ ngày càng mở rộng khi Bắc Giang đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường tỉnh: 293, 398, 295B, 296, 297, 298, 299... và tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Bắc Giang được biết đến là vùng trung du miền núi nghèo nàn, nền kinh tế chậm phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch chưa phát triển. Hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch chủ yếu được xây dựng ở trung tâm đầu não của tỉnh là thành phố Bắc Giang, một số ít ở thị trấn Chũ, Lục Ngạn. Còn lại ở những huyện khác, cơ sở lưu trú, ăn uống mới chỉ tồn tại dưới dạng nhà nghỉ bình dân, quán ăn vỉa hè hoặc đang trong quá trình xây dựng. Do đó, việc phát triển tuyến du lịch gắn với di tích thờ Mẫu đi qua các huyện Yên Thế, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn cách hai huyện lại có một điểm dừng (là thành phố Bắc Giang và huyện Lục Ngạn) giúp khắc phục được hạn chế về khả năng đáp ứng dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí cho du khách trong khi chờ đợi các dự án quy hoạch tổng thể của khu di tích và danh thắng Suối Mỡ huyện Lục Nam, cũng như các huyện kém phát triển khác hoàn thành.

Bên cạnh việc xây dựng tuyến du lịch riêng đến các di tích thờ Mẫu, theo chúng tôi nên mở rộng tuyến du lịch phía Tây Yên Tử bằng cách kết hợp với phía Đông Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh để tạo thành hệ thống di tích, danh thắng kéo dài từ Đông sang Tây. Đồng thời, có thể liên kết với khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương tạo thành thế chân kiềng nằm trọn trên địa bàn ba tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh. Tuyến du lịch mở rộng sẽ kết nối các điểm di tích và danh thắng thuộc khu vực Yên Tử, đem lại lợi ích cho cả ba tỉnh.

Lợi thế của mở rộng tuyến du lịch nhấn mạnh vào mối liên kết vùng, giúp Bắc Giang học hỏi được nhiều kinh nghiệm để đẩy mạnh hoạt động du lịch có hiệu quả. Bên cạnh đó, du lịch Bắc Giang hiện nay bị hạn chế bởi vốn, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của du khách, nên việc khai thác tuyến du lịch liên vùng sẽ giúp Bắc Giang có thể tận dụng được điều kiện vật chất của tỉnh bạn để thu hút khách và phát triển tuyến du lịch Tây Yên Tử. Mặt khác, đối với khu du lịch Suối Mỡ nói riêng, được định vị nằm trên địa phận huyện Lục Nam tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, thuộc trung tâm kết nối các điểm du lịch trong quần thể di tích - danh thắng phía Đông và Tây Yên Tử, cùng di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Do đó, Suối Mỡ có những điều kiện thuận lợi để trở thành điểm du lịch trọng yếu, cầu nối trung chuyển với các điểm khác nằm trên tuyến du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái của ba tỉnh.

Cùng với các tuyến du lịch đã được khai thác, việc đề xuất thêm tuyến du lịch tâm linh gắn với tục thờ Mẫu Bắc Giang và đề xuất mở rộng tuyến Tây Yên Tử sang địa bàn Hải Dương và Quảng Ninh tạo thành tuyến du lịch sinh thái - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc - Tây Yên Tử - Đông Yên Tử, người viết hy vọng đóng góp thêm hướng đi mới cho du lịch tỉnh Bắc Giang nói chung và tăng hiệu quả khai thác du lịch cho khu di tích Suối Mỡ nói riêng.

Tác giả: Hoàng Thị Mỹ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

;