Hoạt động xúc tiến du lịch tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Một số vấn đề đặt ra

1. Đặt vấn đề

Thăng Long - Hà Nội là nơi “địa linh nhân kiệt”, “lắng hồn sông núi nghìn năm”, nơi hội tụ và tỏa sáng lịch sử và văn hóa của đất nước” (1). Lịch sử hình thành, phát triển hơn một nghìn năm của vùng đất Thăng Long - Hà Nội gắn liền với sự tạo dựng, mở rộng của Hoàng thành Thăng Long. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam.

Tháng 12-2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội. Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau. Với những “dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực châu Á” (2), cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (TK VII đến TK IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945), Hoàng thành Thăng Long đã được lựa chọn, vinh danh trở thành Di sản văn hóa thế giới năm 2010. Di sản Hoàng thành Thăng Long ở vào vị trí thuận lợi trong khu trung tâm chính trị Ba Đình và liền kề với các điểm du lịch lớn của thành phố Hà Nội, được xác định sẽ trở thành một trong những điểm đến du lịch quan trọng của Thủ đô. Nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long được tiến hành liên tục với các hình thức, nội dung khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động xúc tiến du lịch di sản tại Hoàng thành Thăng Long vẫn còn những tồn tại, bất cập, đòi hỏi phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu, qua đó làm cơ sở để tiếp tục quảng bá những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản đã được UNESCO vinh danh, góp phần phát triển du lịch di sản bền vững tại thủ đô Hà Nội.

2. Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long

Khái niệm di sản văn hóa được hiểu một nghĩa đơn giản nhất là tài sản của thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Luật Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: di sản văn hóa bao gồm “di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (3).

Di sản văn hóa thế giới là những công trình văn hóa có được nhờ sức lao động của con người được làm từ quá khứ. Đó là những công trình nổi tiếng, những kiệt tác nghệ thuật, pho tượng, đền đài, bia tưởng niệm, ngôi mộ, bức phù điêu, bản khắc, đồ trang trí, đồ trang trí nội thất, các thành phố cổ hay là những truyền thống, phong tục tập quán của địa phương, thể hiện sự sáng tạo của con người trong quá khứ và được lưu truyền đến muôn đời sau. Chúng có những giá trị mang tính toàn cầu được mọi người thừa nhận ở hiện tại nhờ những đặc điểm nổi bật của nó. Ảnh hưởng của nó đã vượt ra ngoài ranh giới quốc gia và có ý nghĩa đối với toàn thể nhân loại (4).

Tháng 7-2010, Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay, “tiêu biểu cho nền văn hiến rực rỡ và những chiến công hiển hách thể hiện ý chí độc lập, tự cường của dân tộc” (5). Từ năm 866-1009, Hoàng Thành có tên gọi là Đại La hay Long Đỗ (có La Thành bao quanh). Năm 1009, vua Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, “với tầm nhìn thiên niên kỷ, với quyết định táo bạo nhưng cũng rất thận trọng, Lý Thái Tổ đã ban hành Chiếu dời đô, chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La “nơi thắng địa, chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” (6). Hoàng thành gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ, TK VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Các di tích, di vật và hạ tầng văn hóa chồng xếp lên nhau một cách khá liên tục qua các thời kỳ lịch sử, phản ánh trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn và lâu đời nhất của Việt Nam. Đây là “bộ sử chứng minh cho lịch sử Thăng Long ngàn năm văn hiến bằng hiện vật gốc, khách quan và sinh động” (7).

Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long
Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc và độc đáo, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào mùa thu năm 2010, đúng dịp kỷ niệm Kinh đô Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi, vì “phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hóa trong gần một ngàn năm” và vì trên thế giới thật hiếm tìm thấy một di sản nào khác “thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa” (8). Mặt khác, di sản đề cử còn ghi đậm dấu ấn thắng lợi của một nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, có ảnh hưởng rộng lớn trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới (9). Khu di sản bao gồm 2 khu vực: Khu vực trung tâm Cột Cờ - Đoan Môn - Kính Thiên - Bắc Môn - di tích cách mạng Nhà và Hầm D67; khu vực 18 Hoàng Diệu.

3. Hoạt động xúc tiến du lịch tại Hoàng thành Thăng Long

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, di sản văn hóa được xem “là cơ sở để góp phần tạo sự phát triển bền vững của ngành Du lịch, cả trước mắt và cả trong tương lai” (10); tạo ra sự trải nghiệm hứng thú đối với mọi khách du lịch (11). Du lịch di sản văn hóa trải nghiệm những địa điểm và những hoạt động đích thực, đại diện cho những câu chuyện và con người của quá khứ và hiện tại, bao gồm tài nguyên lịch sử, văn hóa và tự nhiên (12). Đặc biệt, các Di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới sẽ là những nguồn tài nguyên du lịch gây ấn tượng mạnh và độc đáo đối với du khách, góp phần gia tăng giá trị của điểm đến du lịch.

Một trong những hình thức để thúc đẩy phát triển du lịch di sản văn hóa là thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch. Xúc tiến du lịch (tourism promotion), có thể được hiểu “là cố gắng làm gia tăng nhu cầu bằng truyền tải một hình ảnh tích cực về một sản phẩm tới các khách hàng tiềm năng thông qua những đòi hỏi, nhu cầu, thị hiếu, giá trị và thái độ đã biết của thị trường hoặc một phân đoạn thị trường mục tiêu nào đó” (13). Mặt khác, xúc tiến du lịch “là một thành phần trong marketing du lịch hỗn hợp, nó có vai trò thuyết phục khách hàng tiềm năng về những lợi ích của việc hoặc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của một tổ chức nào đó” (14). Theo Khoản 17, Điều 4 của Luật Du lịch: “Xúc tiến du lịch là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch”(15). Điều 67, Luật Du lịch xác định, nội dung xúc tiến du lịch bao gồm các hoạt động cơ bản sau: Quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình lao động sáng tạo của con người, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm tăng cường thu hút khách du lịch; Xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường du lịch, xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch; Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, lành mạnh, văn minh, phát huy truyền thống mến khách của dân tộc; Vận động, tìm kiếm cơ hội, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch (16).

Để phát huy giá trị di sản văn hóa thì hoạt động xúc tiến du lịch là yêu cầu cần thiết và quan trọng. Nhận thức được điều đó, trong 10 năm kể từ khi di sản được vinh danh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long (17) đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu rộng rãi giá trị các di sản đến du khách trong và ngoài nước.

Các hoạt động quảng bá về di sản: Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí để kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Trong đó, nổi bật có một số sự kiện thường niên, gắn với khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, như: Hội sách Hà Nội, Liên hoan Du lịch làng nghề, Liên hoan Âm nhạc quốc tế Gió mùa... Đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố, các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện văn hóa như: tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn minh Sông Hồng” tại thành phố cảng Hải Phòng (2013); phối hợp với Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức khai mạc trưng bày “Bộ sưu tập hiện vật Hoàng thành Thăng Long” (2015)… Ngoài hình thức trưng bày hiện vật thật, Hoàng thành còn tổ chức các trưng bày online, thông qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá giá trị của khu di sản.

Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch: Trung tâm đã xây dựng tour tham quan “Chạm vào quá khứ”, nhấn vào các điểm tham quan như Đoan Môn, Nhà D67 và hai căn hầm bí mật của Tổng hành dinh; dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế; trải nghiệm nước giếng Hoàng cung… Xây dựng một số chương trình giáo dục di sản chuyên sâu cho học sinh các cấp, nổi bật là hai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”. Trong đó, chương trình “Em làm nhà khảo cổ” bao gồm những trải nghiệm thực tế tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu như cách thức mở hố khai quật, cách đào khảo cổ, làm quen với các dụng cụ khai quật như cuốc, xẻng, thước, chổi lông, máy ảnh, sổ nhật ký… Chương trình “Em tìm hiểu di sản” gồm các hoạt động: Tham quan; Xem video clip giới thiệu hình ảnh khu di sản; Vẽ tranh; Trả lời câu hỏi trên Phiếu hoạt động.Mặt khác, hằng năm, nhiều hoạt động do Trung tâm tổ chức như Tết Việt, Vui Tết trung thu, biểu diễn âm nhạc dân gian, múa rối nước… được tổ chức thường xuyên, góp phần phát huy giá trị của di sản, tăng cường các hoạt động tương tác, trải nghiệm của khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch: Trong 10 năm qua, tại Hoàng thành Thăng Long đã được đầu tư về kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật như: cải tạo sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh phục vụ khách tham quan trong khuôn viên khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; liên tục bổ sung cây cảnh, trồng hoa theo mùa… góp phần nâng cao giá trị cảnh quan di sản. Hệ thống bảng, biển chỉ dẫn tuyến lối tham quan cũng thường xuyên được thay đổi nhằm đáp ứng kịp thời về nhu cầu tìm hiểu của du khách. Mặt khác, tại khu di sản cũng đã ứng dụng công nghệ hiện đại, các dịch vụ tiện ích như: wifi miễn phí, thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh, màn hình tương tác diễn giải lịch sử... nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị, có tính tương tác cao.

Thực tiễn xúc tiến du lịch của Hoàng thành Thăng Long đã và đang có sự chuyển biến cả về chất và lượng thông qua nhiều sự kiện, hoạt động trong nước và quốc tế, đem lại hiệu quả lớn khi mà lượng khách du lịch đến Hoàng thành tăng đều qua các năm:

Bảng số lượng khách tham quan

Hoàng thành Thăng Long 2015-2019

(Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội)

Bên cạnh những kết quả khả quan, hoạt động xúc tiến của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng còn những khó khăn, hạn chế, như: Tốc độ tăng trưởng về lượng khách và doanh thu đạt chỉ tiêu nhưng vẫn còn khá hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu di sản cũng như trong bàn cân so sánh với các điểm di sản thế giới khác của Việt Nam. Chưa có nhiều sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng để hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Lực lượng cán bộ của Trung tâm còn hạn chế về trình độ nghiệp vụ nên nhiều lúc chưa đáp ứng được các yêu cầu tham quan, kết nối của du khách… Nhìn chung, sau 10 năm vinh danh, thương hiệu Di sản văn hóa thế giới của Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa được định vị, khẳng định rõ nét.

4. Kết luận

Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long được phát triển liên tục, lâu dài, “là minh chứng tiêu biểu và là cơ hội chưa từng có để nghiên cứu về sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch đô thị và cách thức biểu đạt văn hóa nghệ thuật tại nơi giao thoa của các nền văn hóa Đông Bắc Á, Đông Nam Á, nơi chứng kiến các sự kiện trọng đại trong lịch sử hơn một ngàn năm phát triển của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội và vẫn còn hiện hữu với Thủ đô đang phát triển hôm nay” (18). Trong thời gian tới cần tăng cường các chiến lược xúc tiến du lịch cụ thể, xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm mang tính thương hiệu để nâng cao chất lượng điểm đến; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch bền vững của Thủ đô Hà Nội.

_______________

1. Trần Quốc Vượng, Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, 2009, tr.7.

2. Dẫn theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Di vật tiêu biểu Hoàng thành Thăng Long 2002-2013, Nxb Hà Nội, 2014, tr.4.

3. Quốc hội, Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.8.

4. Dẫn theo Nguyễn Thị Thống Nhất, Khai thác hợp lý các di sản văn hóa thế giới nhằm phát triển du lịch miền Trung Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, 2014, tr.4.

5. Andrew Hardy, Nguyễn Tiến Đông (chủ biên), Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2018, tr.11.

6. Nguyễn Quang Ngọc, Vương triều Lý 1009-1226, Nxb Hà Nội, 2010, tr.5.

7. Lưu Minh Trị (chủ biên), Hà Nội danh thắng và di tích, Nxb Hà Nội, T.1, 2011, tr.247.

8. Dẫn theo Nguyễn Quang Ngọc, Lý Thái Tổ (974-1028): Tầm nhìn và sự nghiệp thiên niên kỷ, trong Không gian Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tư liệu và nhận thức, Nxb Hà Nội, 2015, tr.49.

9. Nguyễn Hải Kế, Thành Thăng Long Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2016, tr.587.

10. Đỗ Đức Hinh, Du lịch và di sản văn hóa, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 (19), 2007, tr.35.

11. Nguyễn Đình Thanh (Chủ biên), Bảo tàng - di tích, Một số vấn đề lý luận thực tiễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.21.

12. Trần Thị Chiến, Văn hóa trong phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Nxb. Trẻ, TP.HCM, 2004, tr.56.

13. Lawton L., and Weaver D., Tourism Management (Quản lý du lịch), John Wiley & Sons, Australia, 2005, tr.14.

14. Simon Hudson, Tourism and Hospitality Marketing (Tiếp thị Du lịch và Khách sạn), A global perspective, Sage Publication Ltd, London, UK, 2008, tr.255.

15. Luật Du lịch, thuvienphapluat.vn

16. Phan Huy Xu, Võ Văn Thành, Du lịch Việt Nam từ lý thuyết đến thực tiễn, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr.364-365.

17. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 3855/QĐ-UBND ngày 01/9/2006 của UBND Thành phố Hà Nội và Quyết định số 5668/QĐ-UBND ngày 06/12/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thành lập, đổi tên và xác định lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội.

18. Nguyễn Văn Sơn, Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, trong Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2012, tr.561.

Tác giả: Trần Thị Lan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

;