Một ngày ở Trùng Khánh

Cách gần 100km về phía Đông tính từ thành phố Cao Bằng, Trùng Khánh với những dãy núi trùng điệp nối liền nhau, cùng nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, hệ sinh thái nhiều sông, suối. Được mẹ thiên nhiên ưu đãi khi “sở hữu” những thắng cảnh tuyệt diệu như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, làng đá cổ Khuổi Ky... Nơi đây hơn 90% dân số là người Tày, Nùng và H’Mông trên diện tích gần 700km2.

Thác Bản Giốc - Ảnh: Tuấn Minh

Chúng tôi đến với Bản Giốc vào một buổi sớm mùa đông, khi những nếp nhà của Khuổi Ky còn e ấp trong sương. Nhiệt độ ở đây thường lạnh hơn so với thành phố khoảng từ 3-5 độ C. Vừa kịp thưởng thức bữa sáng bằng món bánh cuốn Cao Bằng, chúng tôi tiếp tục tới điểm đầu của hành trình là thác Bản Giốc. Sáng mùa đông, khách đến Bản Giốc còn thưa, chỉ khoảng vài chục người, có cả du khách ngoại quốc và nội địa. Có một điều đặc trưng, “rất Cao Bằng”, khi bước chân vào khu thác, du khách đã nghe văng vẳng tiếng đàn tính, lời Then ca ngợi Đảng, Bác Hồ: “Trên trời cao ngời sáng những vì sao/ Trời Á Đông có ngôi sao đất Việt/ Sao Bác Hồ sáng chói muôn phương/ Vầng hào quang sáng ngời chân lý/ Đức Bác Hồ dày cao chín tầng mây/ Là gương sáng cho đời, cho thế giới hôm nay/ Chúng con nguyện làm theo lời Bác/ Trung với Đảng, chọn chữ hiếu với dân/ Vì non nước Cao Bằng rạng rỡ... Đảng soi sáng dẫn đường chỉ lối/ Đưa dân tộc ta đi tới những mùa xuân...”.

Vào khung giờ sáng, thác Bản Giốc hiền hòa chảy như làn tóc của người thiếu nữ mềm mại, nhẹ nhàng buông xuống. Càng về trưa, dòng thác lại như những chàng trai Tày đương độ xuân thì, cuồn cuộn, dũng mãnh đổ từ độ cao 30m tung bọt nước trắng xóa xuống dòng sông, cùng với gió tạo nên làn sương như mưa xuân làm ướt nhẹ vai áo du khách. 

Các nghệ nhân biểu diễn đàn tính, hát Then ở thác Bản Giốc - Ảnh: Hương Giang

Theo thông tin từ Ban quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc, trong năm 2024, Khu du lịch thác Bản Giốc đã đón 263.234 lượt khách (trong đó khách nội địa 249.587 lượt, khách Trung Quốc 13.647 lượt). Kể từ sau lễ vận hành chính thức từ 15-10-2024, mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc thông qua hai khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) là một điểm sáng, mô hình chưa có tiền lệ đã được triển khai hiệu quả, đặc biệt là công tác đón tiếp du khách qua lại được hai đơn vị lữ hành của Việt Nam và Trung Quốc  phối hợp khá chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật của hai bên.

Thủ tục thông quan được các lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch phối hợp xử lý linh hoạt, khoa học. Công tác đảm bảo an ninh, trật tự trị an phục vụ hoạt động này được các lực lượng biên phòng, hải quan, chính quyền địa phương phối hợp thực hiện đúng thủ tục. Ban quản lý cũng xây dựng các phương án bố trí địa điểm bán hàng phù hợp cho người dân, khẩn trương hoàn thành thủ tục xây dựng dãy bán hàng dịch vụ cho các hộ dân đồng thời giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương và Cao Bằng tại những điểm bán hàng. Xây dựng trang fanpage khu du lịch thác Bản Giốc, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ du khách trên trang fanpage...

Nhũ đá và măng đá hàng trăm triệu năm tuổi với nhiều hình dáng ở động Ngườm Ngao - Ảnh: Hương Giang

Đến với Trùng Khánh, du khách không thể bỏ qua động Ngườm Ngao - một trong những hang động đẹp nhất miền Bắc, với hệ thống nhũ đá độc đáo được hình thành qua hơn 400 triệu năm biến đổi địa chất. Đặc biệt, kể từ năm 2021, Ngườm Ngao đã mở rộng khai thác thêm tuyến mới với chiều dài lên đến hơn 2000m có 3 cửa vào nằm ở Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Trong hành trình gần 2 giờ đồng hồ khám phá lòng động - một thế giới kỳ ảo với những khối thạch nhũ, măng đá muôn hình muôn vẻ từ hình dáng Phật, ông Tam Đa, hoa sen khổng lồ, cho đến những trái cây, linh thú và nhiều con vật như: ngựa, sóc, khủng long... cùng hệ thống suối chảy trong lòng động tạo nên những hồ nước trong vắt, phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo.

Những ngôi nhà đá có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tại làng Khuổi Ky - Ảnh: Tuấn Minh

Cũng nằm trong mô hình phát triển chung Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo chương trình Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đã ban hành và triển khai Nghị quyết 78/2021/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 về “Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025” nhằm hỗ trợ các hộ dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng trong đó có Làng đá cổ Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, đã và đang triển khai mô hình nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi các cây con bản địa) gắn với phát triển du lịch và văn hóa ẩm thực với kinh phí 1 triệu USD từ KOICA. Làng đá cổ Khuổi Ky gắn liền với văn hóa thờ thần đá của cộng đồng dân tộc Tày. Hiện, có 16 hộ gia đình người Tày sinh sống với 14 ngôi nhà đá được xây dựng từ thế kỷ XVI, kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Hiện nay, người dân làng Khuổi Ky phát triển mô hình du lịch trải nghiệm, du khách ghé thăm sẽ được trải nghiệm sinh hoạt theo văn hóa người Tày trong nhà sàn đá.

Làng đá cổ Khuổi Ky - Ảnh: Tuấn Minh

Giữa khung cảnh núi non trùng điệp, dòng Quây Sơn xanh mát in bóng những dãy núi đá vôi và cây cỏ sẽ mang đến cho du khách cảm giác vô cùng thư thái và nhẹ nhàng khi đến với Trùng Khánh - Cao Bằng.

HƯƠNG GIANG

;