Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 - Nhiều điểm đáng ghi nhận

Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 do Bộ VHTTDL chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng tổ chức từ ngày 5 đến ngày 16/11 đã được đánh giá là thành công, nhiều sáng tạo mới về cả hình thức và nội dung. Ban Tổ chức đã trao 28 Huy chương Vàng, 42 Huy chương Bạc và 16 Huy chương Đồng cho các diễn viên; 6 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng cho các vở diễn và các Giải xuất sắc nhất cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ và họa sĩ.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao Huy chương Vàng cho các vở diễn - Ảnh: toquoc.vn

Hơn 600 nghệ sĩ của 14 đơn vị đã tham dự Liên hoan với 20 vở diễn đã thực sự khuấy động bầu không khí nghệ thuật sau nhiều tháng các nghệ sĩ sân khấu phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID -19. Lại được trở lại sàn diễn, biểu diễn thi thố, gặp gỡ và giao lưu… sự tưng bừng, hưng phấn của anh chị em nghệ sĩ kịch nói như thêm phần thăng hoa, ngọt ngào trong bầu không khí nghệ thuật mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng không muốn bỏ lỡ. Dù có những gấp gáp do thời gian giãn cách, thực hiện nghiêm chỉ thị của chính quyền nên không có nhiều cơ hội luyện tập cùng nhau, có những đơn vị các diễn viên phải tự tập thoại, tự tổ chức nhóm nhỏ vài ba người trong giới hạn số người cho phép để ghép thoại, số buổi được tổ chức luyện tập chung với đầy đủ diễn viên, cảnh trí, phục trang… không nhiều. Nhưng với tinh thần tận tụy cống hiến cho nghề nghiệp, rất nhiều các nghệ sĩ đã đầu tư trên cả 100% sức lực, trí tuệ, sự sáng tạo, tinh thần và thời gian cho vai diễn. 

Đội ngũ diễn viên là điểm sáng của liên hoan kỳ này. NSƯT Tạ Tuấn Minh với vai diễn Trần Thủ Độ chững chạc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi mang lại một Trần Thủ Độ giàu tính nhân văn, thể hiện vai diễn rất chuyên nghiệp qua những lời thoại thật dài, nhiều tâm sự, phải thoại trong tâm trạng phức tạp mà không được vấp váp, ở những phân đoạn cao trào khiến người xem kinh ngạc. Tấm huy chương Vàng dành cho vai diễn cũng đã góp phần để vở diễn Thiên mệnh của Nhà hát Kịch Việt Nam đạt đến kết quả cao của Liên hoan. Hay những vai nhỏ nhưng có dấu ấn diễn viên rất rõ như vai Khuê thị của NSƯT Ngân Hạnh trong Thành chính khí, xuất hiện không nhiều nhưng hình tượng người mẹ Việt Nam đã được khắc hoạ đậm nét và gây xúc động mạnh tới khán giả. Tiếng gọi tên con đau đớn đến xé lòng vào những phút cuối của vở, chính là sự tích tụ dồn nén của tình mẫu tử thiêng liêng vô bờ, sự xót xa và đau đớn của người mẹ khi mất đi cốt nhục của mình, khiến tất cả khán giả đều phải rơi lệ đã giúp chị ghi được ấn tượng với Hội đồng nghệ thuật. Vai diễn thứ chính nhưng được đầu tư tốt của NSƯT Hoàng Tùng trong Tình mẹ vai người cha, người chồng đầy bất lực vì nghèo khó, thương tật… cũng đã giúp anh nhận được Huy chương Vàng danh giá. Hay nghệ sĩ Văn Hải vẫn thường tự giễu là diễn viên lớn tuổi nhất Liên hoan cũng đã xuất sắc “vượt qua chính mình” để tỏa sáng trong vai vua Đinh ở Làm vua… Rất nhiều những nghệ sĩ đã vượt khó, tập trung cao nhất tinh lực cho vai diễn, đem lại sắc màu tươi sáng cho kịch nghệ Việt Nam, dành được lời khen tặng của Hội đồng nghệ thuật: “Rất mừng chúng ta đã có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết, trong sáng tạo các hình tượng nhân vật mà Hội đồng rất quan tâm nhận xét, thẩm định và đánh giá các diễn viên trong các vai thứ, vai phụ, tuy nhỏ nhưng nối được liền mạch những nhận thức, những cảm xúc mà vở diễn tạo được với khán giả như NSƯT Bích Ngọc trong vai Sương, Quỳnh Châu trong hình tượng Dương Văn Nga (lúc trẻ), Huy Hoàng trong vai Thái Giám (Sân khấu Lệ Ngọc), Đoàn Xuân Bích trong nhân vật Tào (Nhà hát Quân đội), Khuất Quỳnh Hoa trong Trần Thị Dung (Nhà hát Kịch Việt Nam) và bà Dung trong vai Được (Nhà hát Kịch Việt Nam) Thiện Tùng trong vai Quả (Nhà hát Kịch Hà Nội), Chí Nhân trong vai Henriviê (Nhà hát Kịch Hà Nội) Ngọc Dương trong Trạo, Trần Văn Tuấn trong vai Ngọc (Đoàn Kịch CAND)…”. Đánh giá này đã ghi nhận không có vai diễn nhỏ trong sáng tạo nghệ thuật, và huy chương cho những vai diễn không có sự hiện diện đầy đặn trên sân khấu, nhưng nếu thực sự có tài, các bạn vẫn có thể tỏa sáng và được ghi nhận.

Vở Lau trắng - CLB Sân khấu thử nghiệm Hội NSSK VN (HCĐ Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021)

Liên hoan đã cho thấy sự đa dạng của các góc độ, lĩnh vực được phản ánh trên sân khấu từ đề tài lịch sử đến hiện đại, từ thời chiến đến thời bình, từ nông thôn đến thành thị… Mỗi góc nhìn, mỗi khía cạnh phản ánh, từ sự việc có tầm cỡ quốc gia đại sự, bài học cho người cầm quyền của cả ngàn năm đúc rút trong lịch sử như những vở Thiên mệnh, Làm vua, Lau trắng… cho tới những góc khuất tinh tế trong tâm hồn con người như Đường tới chân trời, Ngược chiều gió… hay những khía cạnh gai góc, dữ dội, những vấn đề nóng của xã hội như đấu tranh chống tiêu cực, vấn nạn tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, đền bù đất đai như Trái tim thành phố, Tình bạn và công lý, Hố đen, Vầng sáng… đều được nghiêm túc đầu tư để thể hiện. Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc thay mặt Hội đồng nghệ thuật cũng nhấn mạnh: Về tổng thể Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021 có thể thấy được sân khấu đang có nhiều thay đổi, đang có nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh trong Liên hoan rất phong phú, mới và có giá trị dự báo. 

Đáng chú ý hơn cả là đội ngũ đạo diễn, ngoài các đạo diễn đã khẳng định được tên tuổi như Lê Quý Dương với Làm vua, NSND Lê Hùng với Con đò của mẹ, Thiên Định hay NSƯT Đỗ Kỷ dàn dựng vở Thiên mệnh… đã có một số đạo diễn trẻ tuổi nghề nhưng đã thành công ngoạn mục như NSƯT Kiều Minh Hiếu với Điều còn lại, NSND Trung Hiếu qua vở Truyền thuyết làng song sinh đã có tìm tòi và xử lý không gian, thời gian hấp dẫn...Tuy vẫn còn bị trói buộc bởi bục bệ sàn diễn, nhưng các đạo diễn luôn cố gắng để tạo ra không gian, thời gian lạ mắt, giàu tính ước lệ, giúp người diễn viên thể hiện tốt nhất vai diễn trong tác phẩm. Những cách làm có phần quen thuộc của đạo diễn Lê Hùng qua nhiều vở đã phần nào được đổi mới qua bàn tay của các đạo diễn đầu tư máu lửa cho tác phẩm của mình. Sự đổi mới này cũng được đánh giá rất cao từ Hội đồng nghệ thuật: “Một trong những yếu tố làm lên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này, là nghệ thuật đạo diễn. Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu … và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sỹ Tiến v.v...”.

Vở Làm vua - Sân khấu Lệ Ngọc - Ảnh Cao Ngọc

Liên hoan kết thúc thành công nhưng vẫn còn có những nuối tiếc như về kịch bản, các vở diễn vẫn hướng tới những đề tài có tính “an toàn” cao như lịch sử, hậu chiến mà quên rằng, mũi nhọn của sân khấu là kịch nói, và mũi nhọn ấy được tạo thành bởi các tác phẩm về đề tài hiện đại nóng hổi, thậm chí chưa có lời giải thỏa đáng để từ đó các vở diễn đưa ra những dự báo, định hướng dư luận. Các tác giả chưa có những tìm tòi từ thực tại để viết kịch hay lãnh đạo các đơn vị chưa dám chấp nhận các tác phẩm “có vấn đề”? Vẫn còn tình trạng một đạo diễn dàn dựng tới dăm vở, với cùng một cung cách ghi quá đậm dấu ấn của ông. Hay việc đầu tư cho âm nhạc, vốn phải rất cẩn trọng nhưng vẫn lại lấy lý do kinh phí để thực hiện việc “chọn nhạc”, đáng tiếc việc chọn nhạc này lại cũng chưa phù hợp, thậm chí lấy nhạc phim, nhạc nước ngoài cho vở. Hay như đánh giá của NSND Minh Ngọc, có vở sử dụng nhạc cụ chưa đúng với bối cảnh lịch sử như dùng đàn đáy, xuất hiện từ thế kỷ XVIII lại được đưa vào vở diễn về thời kỳ nhà Đinh ở thế kỷ thứ X. Theo ông, là nghệ thuật không gian và thời gian, sân khấu trình diễn cần có một không gian hợp lý để người diễn viên tiếp cận với công chúng khán giả và cũng để khán giả hiểu được  câu chuyện kịch diễn ra ở thời điểm nào.

Nhưng nhìn chung, như phát biểu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ở Lễ Bế mạc Liên hoan thì chúng ta thấy được sức sáng tạo, luôn bám sát những vấn đề của cuộc sống đương đại đúng như thế mạnh của loại hình Kịch nói, tạo nên liều vắc - xin tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ông đánh giá, Liên hoan lần này có nhiều vở diễn đạt chất lượng cả về nghệ thuật và hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên và thiết kế mỹ thuật, âm nhạc đã được quan tâm, đầu tư có chất lượng cao.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

;