Sức hút của một vùng đất

Với bề dầy văn hóa ẩn sâu trong mảnh đất, con người, cây cỏ… xứ Huế từ lâu đã trở thành điểm đến, điểm khám phá của rất nhiều du khách, các văn nhân, nghệ sĩ.

Cảnh phim Kiều

Xuất hiện trong khá nhiều phim truyện Việt Nam được sản xuất qua các thời kỳ, Huế -  mảnh đất cố đô với bao nét tinh hoa dồn tụ đã hiện diện trong bối cảnh của khá nhiều bộ phim với hoàng cung, lăng tẩm, đền miếu... Nét vàng son một thủa với hoa văn, chạm trổ kỳ công được thể hiện trong các phim khai thác đề tài “hoàng tộc” dù niên đại có thể không trùng lắp như Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du, Gái già lắm chiêu 3, Gái già lắm chiêu 5... Không gian vàng son một thủa với nhiều bối cảnh nên thơ còn trở thành tài sản chung của người dân khi chứng kiến các cuộc tình, những đổi thay, dâu bể. Hàng loạt phim sau đó vẫn tiếp tục khai thác bối cảnh Huế như Đời cát, Đảo của dân ngụ cư, Mắt biếc, Kiều, Em và Trịnh. Nhiều cung đường, dòng sông, trường quốc học, chợ dân sinh ... đã trở thành bối cảnh của rất nhiều bộ phim, trong đó có cả đề tài chiến tranh, hậu chiến, thiếu nhi như Cô gái trên sông, Hoài Vũ trắng, Tuổi thơ dữ dội... Theo chân các nhân vật, khán giả được khám phá Huế với những con đường thơ mộng, dòng sông Hương hiền hòa, các công trình kiến trúc cổ như Nhà quốc học, Cầu Trường Tiền, Chợ Đông Ba... Không chỉ phim trong nước, nhiều bộ phim nước ngoài cũng khai thác bối cảnh thiên nhiên, con người xứ Huế như phim Đông Dương với những buổi tiệc được tổ chức trong không gian lộng lẫy, những công sở, đền đài với kiến trúc  nổi tiếng.

Huế đi vào phim không chỉ ở nét đẹp, sự vàng son mà còn đó những lầm than, cơ cực của những phận người bé nhỏ lầm lũi mưu sinh nơi cố cung hoa lệ. Hai bộ phim làm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa như Hẹn gặp lại Sài Gòn, Nhìn ra biển cả… cũng có rất nhiều cảnh được quay ở Huế. Huế trong quá khứ luôn tồn tại hai mặt: góc giầu sang, lộng lẫy với gác tía, lầu son dành cho vua chúa, hoàng tộc, quan lại và một Huế vất vả, lầm than với những người dân mưu sinh nơi hè đường, phố thị. 

Cảnh sắc Huế đậm đặc trong Nàng thơ xứ Huế

Một trong những nét được khai thác nhiều nhất ở Huế là kiến trúc. Những không gian mang đậm phong vị Huế mà đặc sắc nhất là các biệt phủ hay nhà vườn với những khuôn cửa gỗ, vườn tược mang nét bình yên, thư thả. Một trong những phim khai thác rõ nhất nét đẹp này là Trăng nơi đáy giếng. Khuôn nhà mái ngói, cửa gỗ choán hết mặt tiền với sân vườn sau trước như gói gọn không gian, chốn sinh hoạt của các gia đình xứ Huế.

Nổi tiếng với phim chiếu rạp, nhiều đoàn làm phim truyền hình cũng lấy bối cảnh Huế như Ngọn nến hoàng cung, Dòng sông phẳng lặng... khai thác cuộc sống của triều đại cuối cùng của nhà Nguyễn hay cuộc chiến đấu của nhân dân Huế trong chiến tranh chống Mỹ. Dù tái hiện cảnh hoàng cung hay chiến tranh thì thiên nhiên, phong cảnh, kiến trúc  Huế vẫn làm nên nét khác biệt, sự cuốn hút của các bộ phim. 

Nếu phim truyện gắn Huế với câu chuyện của những nhân vật thì phim tài liệu lại khai thác được nhiều nét đẹp, nét riêng của Huế ở trong những thời khắc, bối cảnh, không gian khác nhau. Thành phố bên sông Hương, Làng biển Phương Điền, Huế mùa mai đỏ, Tết Huế... là những bộ phim như thế. Tùy cách chọn đề tài, có phim đi sâu vào kiến trúc Huế gắn với dòng sông Hương thơ mộng, hiền hòa, luôn đi cùng với sự thăng trầm, phát triển của Huế. Ngoài kiến trúc, Huế còn nổi tiếng ở những làng nghề như nghề làm hoa giấy, làm hương hay những đặc sản, bánh trái xứ Huế nức tiếng xa gần. Trong di sản văn hóa phi vật thể, Huế còn có ca Huế, nhã nhạc cung đình, hò Huế... vẫn làm đắm say du khách khi mỗi lần đến Huế.  

Tiềm năng còn nhiều

Mảnh đất Huế từ lâu không chỉ nổi tiếng qua sử sách, bưu ảnh, truyền hình… thông qua các bối cảnh phim, du khách càng hiểu thêm về Huế. Sau khi phim Mắt biếc ra rạp, nhiều khán giả  đã tìm về một trong những bối cảnh của phim là làng Hạ Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền - một địa danh rất nổi tiếng ở Huế. Hạ Cảng có những cánh đồng xanh mướt, chạy ven con sông Bồ. Tại nơi đây có cây vông đồng lớn (khi vào phim có tên là cây cô đơn) khiến nhiều du khách mê mải khi tìm về và check in bên gốc cây. 

Cũng đi và khám phá theo phim, hàng loạt các địa danh quen thuộc khác như phố cổ Bao Vinh, đồi Thiên An, thắng cảnh đồi Vọng Cảnh, di tích lăng Khải Định… cũng được biết đến nhiều hơn khi bộ phim Gái già lắm chiêu 5 - Những cuộc đời vương giả ra mắt. Khu di tích cung An Định đã đón khá nhiều đoàn du khách đến tham quan khi phim ra mắt và tạo được hiệu ứng. Ngoài hiện trạng sẵn có, đoàn làm phim Gái già lắm chiêu 5 - Những cuộc đời vương giả đã trồng thêm một vườn Bạch Trà rộng khoảng 500m2 làm bối cảnh chính của phim. Sau khi phim quay xong, vườn Bạch Trà này đã được tặng lại cho khu di tích tiếp tục chăm sóc và trở thành một điểm tham quan, check - in mới của du khách, của giới trẻ sau khi xem phim. 

Còn hàng loạt những di tích sẵn có trong Hoàng thành Huế như Ngọ Môn, Duyệt Thị Đường, Trường Lang Tử Cấm Thành rồi lăng Minh Mạng, cầu Dã Viên... cũng nhờ gắn với câu chuyện phim mà nóng trở lại khi du khách, giới trẻ muốn mục sở thị bối cảnh đã diễn ra câu chuyện. Ngoài hoàng cung, lăng tẩm, một góc khác của Huế cũng được rất nhiều đoàn làm phim mến mộ là các biệt phủ, nhà vườn. Trong Gái già lắm chiêu 3, nhà vườn An Hiên, biệt phủ Bội Trân, di tích Nghinh Lương Đình, sông An Cựu... đều là những bối cảnh được đưa nhiều vào phim. Với khoảng 70% bối cảnh được quay tại Huế, bộ phim Kiều của đạo diễn Mai Thu Huyền cũng tận dụng được nhiều cảnh đẹp của Huế để đưa vào phim như Đại nội Huế, lăng Gia Long, bến đò ven sông Ô Lâu ở làng cổ Phước Tích, biệt phủ Thảo Nhi... 

Cầu Trường Tiền - Huế trong phim Em và Trịnh

Gắn bối cảnh thiên nhiên, kiến trúc, đường phố, nhà vườn, biệt phủ với những câu chuyện từ quá khứ tới hiện tại, Huế như một vùng đất mà mỗi nghệ sĩ đều tìm thấy trong đó những dấu tích, lớp lang để khám phá và truyền tải. Nắm bắt xu hướng đó, Huế cũng đã có hàng loạt hoạt động quảng bá bối cảnh, thiên nhiên, văn hóa Huế qua các hoạt động như Lễ hội Áo dài, Lễ hội Ẩm thực, Triển lãm ảnh: Sáng kiến Điểm đến an toàn - Huế và bạn, Tọa đàm Hướng đi cho điện ảnh Thừa Thiên Huế, Trình diễn áo dài và điện ảnh… trên các phương tiện khác nhau  từ báo chí, truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội đến bảng biển… Ngoài ra, Huế còn tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh Huế bằng nhiều hình thức  như tổ chức chương trình tham quan để các đoàn làm phim, đạo diễn, nghệ sĩ được khám phá, khảo sát, trải nghiệm thực tế các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên và con người xứ Huế. Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Thừa Thiên Huế cho biết: “Qua các hoạt động, triển lãm Huế hy vọng các nghệ sĩ sẽ hình thành những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới, sử dụng bối cảnh đẹp để xây dựng những bộ phim, những clip, MV âm nhạc cho những dự án trong tương lai. Không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người đến với công chúng và bạn bè trong nước, quốc tế, Huế sẽ tạo điều kiện tối ưu nhất để các nhà làm phim khám phá, tìm kiếm ý tưởng sản xuất phim”. 

Thực tế, ngoài những phim điện ảnh, phim tài liệu, gần đây nhiều nghệ sĩ cũng chọn nhiều điểm di tích, thắng cảnh nổi tiếng ở Huế làm bối cảnh để quay MV như Chúng ta của hiện tại của Sơn Tùng M-TP, Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy…

Với du khách, với các nghệ sĩ, Huế - mảnh đất cố đô - vẫn còn đó nhiều sức hút, những bí ẩn, những tầng sâu văn hóa để nghệ thuật tiếp tục tìm kiếm và thể hiện.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

 

;