Điều kiện phát triển kinh tế hiện nay đã tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng cao. Cũng như văn hóa, lễ hội đã và đang được quan tâm tổ chức dưới nhiều cấp độ khác nhau. Từ những lễ hội cổ truyền được quan tâm phục dựng với các yếu tố mới lạ cũng như nhiều lễ hội văn hóa du lịch (VHDL) được tổ chức tại các địa phương đã đặt ra cho công tác quản lý nhiều vấn đề cần giải quyết.
1. Hoạt động tổ chức lễ hội VHDL trong giai đoạn hiện nay
Lễ hội VHDL
Năm 2001, Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) ban hành Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT kèm theo quy chế tổ chức lễ hội, quy chế này đã đưa ra 4 loại lễ hội ở nước ta thuộc đối tượng cần điều chỉnh là: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong quy chế này, lễ hội VHDL chưa được đề cập đến. Ngày 18-1-2006, Chính phủ ra Nghị định số 11/2006/NĐ-CP về việc ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Trong chương VI, điều 23 về tổ chức lễ hội có quy định lễ hội bao gồm: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội VHDL và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Như vậy, lễ hội VHDL mới được thừa nhận khoảng gần 10 năm và là loại hình lễ hội liên quan đến lễ kỷ niệm một sự kiện nào đó như: kỷ niệm tròn 5 năm, 10 năm của ngành, địa phương hoặc được chính quyền tổ chức định kỳ đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân. Lễ hội VHDL thường được địa phương hay một đơn vị tổ chức thực hiện quảng bá văn hóa với mục đích thu hút du khách. Đặc điểm của loại hình lễ hội này là chính quyền và đơn vị đăng cai tổ chức lễ hội huy động kinh phí cho mọi hoạt động diễn ra từ nguồn tài trợ của các thành phần kinh tế khác với hình thức xã hội hóa. Những hoạt động diễn ra tại lễ hội có mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân trên địa bàn cũng như du khách từ nơi khác đến. Đơn vị tổ chức dựa theo kịch bản được duyệt huy động số lượng lớn các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên tập luyện, trình diễn các loại hình nghệ thuật; mời gọi các doanh nghiệp tham gia triển lãm, hội chợ thương mại... Tùy từng chủ đề, các nhà viết kịch bản và đạo diễn có sử dụng kết hợp các loại hình văn hóa đương đại với loại hình văn hóa truyền thống. Do lễ hội được tổ chức với mục đích phụ thuộc vào chủ quan của một số người nên nội dung luôn được thay đổi sau mỗi lần tổ chức, dẫn đến người dân địa phương hay khách du lịch đến với lễ hội thường chỉ là đối tượng thụ hưởng giá trị văn hóa một cách bị động, chứ không phải là chủ thể tham gia một cách chủ động, tự giác, phi vụ lợi như người dân trong những lễ hội truyền thống trước đây. Vì nguyên do này, một số nhà nghiên cứu còn băn khoăn có nên gọi loại hình này là lễ hội VHDL không? hay chỉ nên gọi đó là một loại hình sự kiện VHDL. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nếu xét dưới góc độ của những yếu tố cấu thành một lễ hội, đồng thời xem xét xu thế phát triển chung của lễ hội ở các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á những năm gần đây, trong đó yếu tố lễ ngày một giảm, yếu tố hội gắn với vui chơi, giải trí tăng lên; sự tham gia của người dân vào các sự kiện văn hóa giảm phần trực tiếp mà tăng phần gián tiếp, thông qua sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà tự giác hòa đồng vào không gian sự kiện, được quay phim, chụp ảnh, phấn khích, reo vui... bộc lộ cảm xúc cá nhân, thì sự kiện VHDL này được xem là một loại hình lễ hội với tính chất hiện đại của nó.
Tuy nhiên, những lễ hội VHDL ở các địa phương gần đây đều diễn ra một cách tuần tự như: khai mạc truyền hình trực tiếp, mở đầu là lãnh đạo địa phương phát biểu, tiếp đến là màn tái hiện lịch sử dân tộc, địa phương với các chương trình múa hát minh họa và kết thúc là khí thế vươn lên xây dựng quê hương đất nước... Kịch bản thường được xây dựng theo hướng sân khấu hóa với các hoạt cảnh lắp ghép, xen lẫn màn ca múa minh họa, nội dung và chất lượng nghệ thuật trong nhiều lễ hội chưa cao, nhiều nơi thể hiện hời hợt, đơn điệu. Những tiết mục xa rời thực tế và lạm dụng sân khấu hóa đã làm cho lễ hội nhàm chán, thiếu sáng tạo và hấp dẫn. Sự giống nhau về nội dung, hình thức dàn dựng cũng như một số hoạt động nghệ thuật biểu diễn khiến công chúng không hào hứng với lễ hội.
Hiện nay, những lễ hội VHDL chú trọng quá tới các yếu tố trình diễn kỹ thuật, không có nhiều tác động qua lại giữa chủ thể và người tham dự, chủ yếu là những yếu tố trình diễn tác động đến giác quan của người xem. Có một tỷ lệ nhỏ các lễ hội VHDL của nhiều địa phương tổ chức với chi phí tốn kém, ngày càng mở rộng về quy mô, mời nhiều quan khách nhưng hiệu quả thấp. Cộng đồng tuy là chủ thể nhưng lại thành người đi xem hội.
Một số lễ hội VHDL điển hình
Carnaval Hạ Long: từ năm 2007 sự kiện này được tổ chức hàng năm ở tỉnh Quảng Ninh, trở thành bữa tiệc sắc màu văn hóa, với những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu thu hút hàng vạn du khách, người dân địa phương. Carnaval Hạ Long 2015 với chủ đề Hội tụ tinh hoa - Lan tỏa nụ cười là điểm nhấn nằm trong chuỗi hoạt động VHTTDL đặc sắc của Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh 2015, nhằm giới thiệu về miền đất, văn hóa, con người đất mỏ. Chương trình nghệ thuật trong lễ hội có kết hợp giữa ca - múa - nhạc - trình diễn trên sân khấu với sự tham gia của hơn 2.700 diễn viên chuyên, không chuyên trong tỉnh gồm 11 khối diễn, 10 xe hoa, các mô hình, sàn diễn di động được trang trí ấn tượng theo chủ đề: Đến với carnaval Hạ Long, Phố hoa, Về với Hạ Long, Phố biển, Những viên ngọc đen, Nắng vàng và biển xanh, Nụ cười Hạ Long... Lễ hội cũng thu hút sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nước ngoài như Thái Lan, Lào, Trung Quốc... Theo thống kê, carnaval Hạ Long 2015 thu hút hơn 40.000 người dân và du khách tham gia.
Ngoài những mặt tích cực, làm phong phú đời sống văn hóa của người dân, carnaval Hạ Long 2015 vẫn tồn tại nhiều bất cập như: sự dàn trải trong số lượng diễn viên, tiết mục mà không quan tâm đến đầu tư trong yếu tố chất lượng nghệ thuật (chú trọng bề rộng mà không quan tâm đến chiều sâu); tình trạng chặt chém khách vẫn tồn tại gây nhiều bức xúc cho những người tham gia lễ hội...
Festival hoa Đà Lạt 2015: diễn ra từ ngày 29-12-2015 đến ngày 02-01-2016 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Xuyên suốt lễ hội là các cuộc diễu hành xe hoa, nhóm biểu diễn nghệ thuật trên đường phố, nhóm biểu diễn thời trang rau, hoa, hóa trang ấn tượng hoặc mang sắc thái cổ tích… Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật chào mừng lễ khai mạc tại quảng trường Lâm Viên. Những hoạt động nghệ thuật diễn ra trong khoảng 40 phút mang tính hiện đại, chuyên nghiệp, đổi mới hình thức thể hiện với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và kết hợp với diễu hành theo các tuyến phố chính của thành phố. Những ca khúc trong chương trình nghệ thuật chủ yếu là tình khúc bất hủ gắn với địa danh và hoa Đà Lạt. Trong lễ hội, những hoạt động nghệ thuật khác như: thư pháp, hội họa, nhiếp ảnh về hoa, tranh bút lửa được diễn ra tại công viên Xuân Hương. Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng thu hút đông du khách và nhân dân tham gia như: thi cắm hoa, thi thời trang hoa, vẽ tranh hoa… Hiệu ứng của festival hoa Đà Lạt 2015 đã thể hiện bởi 500.000 lượt khách tham dự trong đó có 250.000 lượt là du khách. Các hoạt động nghệ thuật và trưng bày của festival có nhiều đổi mới, tạo cơ hội cho khán giản, du khách được tham gia và sáng tạo nghệ thuật, tạo nên không khí vui vẻ, hứng khởi trong lễ hội. Bên cạnh đó, những hạn chế có thể thấy như: việc đầu tư các không gian hoa, sản phẩm du lịch mới chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng một số chương trình còn hạn chế, chưa được đầu tư về ý tưởng nghệ; hoạt động mua bán diễn ra ngay tại không gian lễ hội gây phản cảm (không gian giới thiệu sản phẩm nông sản); tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trong những giờ cao điểm…
2. Giải pháp phát huy giá trị của lễ hội VHDL trong bối cảnh hiện nay
Dù xuất hiện dưới hình thức nào thì lễ hội VHDL phải là hoạt động văn hóa được tổ chức do dân, vì dân, hướng tới nâng cao các giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, nơi diễn ra lễ hội. Để nâng cao chất lượng các hoạt động nghệ thuật, các nhà tổ chức cần thay đổi tư duy làm lễ hội, xây dựng những chương trình phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng, đặc biệt cần có sự tham gia tích cực của người dân sở tại với vai trò là chủ thể của lễ hội.
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta chú trọng đến việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trên cơ sở các quan điểm của Nghị quyết, thời gian tới cần phải tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ: chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…
Trong nghị quyết cũng đã xác định các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa cụ thể: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở. Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa. Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế.
Vận dụng những giải pháp đã được đề ra trong nghị quyết vào việc quản lý lễ hội VHDL trong tình hình hiện nay, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau:
Trong bối cảnh hiện nay, lễ hội VHDL ra đời như là sự phát triển tất yếu trong đời sống văn hóa, loại hình này không những phát huy bản sắc văn hóa từng vùng miền, mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế. Cho nên việc quản lý lễ hội VHDL nói chung, quản lý hoạt động nghệ thuật trong lễ hội nói riêng cần chú trọng đến vai trò, trách nhiệm, sự tham gia tích cực của cộng đồng. Qua đó, những giá trị tích cực của truyền thống dân tộc được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách tự nhiên theo đúng sự phát triển tất yếu của nó. Ngoài ra, thông qua những lễ hội VHDL cũng để chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, đón nhận những giá trị nhân văn, tinh hoa văn hóa nhân loại.
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc trong lễ hội VHDL cần được quan tâm trong đời sống đương đại, ở đó đã và đang phản ánh các mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại, cũ và mới, bảo tồn và phát huy. Trong lễ hội VHDL có nhiều loại hình lễ hội với tính chất và mục đích khác nhau. Có những lễ hội thuần túy khai thác thế mạnh đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch như canaval Hạ Long và festival hoa Đà Lạt... nhưng cũng có lễ hội kết hợp được cả những yếu tố hiện đại và văn hóa truyền thống như festival Huế... do đó sẽ là cứng nhắc nếu xây dựng một nguyên lý chung trong việc quản lý lễ hội VHDL. Ðứng ở góc độ quản lý di sản, cần chú ý tới quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội VHDL theo hướng bảo tồn động, là hợp lý trong trường hợp này, vì không bao hàm một sự chối bỏ các nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng. Vấn đề là lựa chọn một quan điểm bảo tồn thích hợp, được cuộc sống chấp nhận. Vì thế, các yếu tố đặc trưng của lễ hội VHDL cần được giữ nguyên, coi đó như là linh hồn và cốt tử của loại hình lễ hội này. Trong đó, khẳng định vai trò chủ thể của cộng đồng như là hạt nhân của quy trình tổ chức lễ hội. Họ là chủ thể của lễ hội thông qua vai trò tổ chức, đóng góp, quản lý và truyền tải thông điệp về sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Điều này phù hợp với tinh thần của nghị quyết, đó là huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới… Qua việc tham gia lễ hội cũng giúp cộng đồng hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.
Nhà nước cần có định hướng cho những hoạt động trong lễ hội VHDL nói chung và hoạt động nghệ thuật nói riêng tồn tại được trong đời sống đương đại. Về mặt kỹ thuật, nhà nước có thể đóng vai là nhà đầu tư, bảo trợ, tuyên truyền song không là người làm thay, không nên biến một hiện tượng văn hóa của cộng đồng thành sự kiện văn hóa nhà nước.
Cần áp dụng một số nguyên lý của tổ chức sự kiện phù hợp tinh thần thời đại. Các công cụ tiếp thị, gây quỹ, truyền thông và quảng bá không làm biến dạng loại hình lễ hội này khi quá chú trọng vào yếu tố thương mại mà xem nhẹ các yếu tố văn hóa.
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thông qua vào cuối năm 2014, được xem là kim chỉ nam cho những giải pháp liên quan đến văn hóa, trong đó có lễ hội VHDL. Qua phân tích một số lễ hội VHDL điển hình, cho thấy loại hình lễ hội này trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay là một mẫu văn hóa điển hình cho việc dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa nhu cầu bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc cũng như đón nhận yếu tố tinh hoa của văn hóa nhân loại, kết hợp sự tham gia của người dân địa phương với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp… cho nên việc nghiên cứu loại hình lễ hội này để đưa ra giải pháp nhằm khai thác cũng như quản lý tốt là công việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 403, tháng 1 - 2018
Tác giả : TRẦN THỤC QUYÊN