Sáng ngày 18-3 (19-2 âm lịch), tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2025.
Lễ hội diễn ra với mong muốn lan tỏa thông điệp về tình thương yêu, thể hiện tấm lòng vị tha noi gương Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu cho Quốc Thái Dân An, đất nước luôn được hòa bình ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh. Năm nay là năm thứ 3 lễ hội được tổ chức với quy mô cấp thành phố cùng các chương trình, hoạt động phong phú, hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và du khách gần xa.
Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách trong nước, mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam; giao lưu văn hóa của các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Toàn cảnh Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn
Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày từ 16 đến 18-3-2025 với nhiều hoạt động: Dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa; Lễ tế xuân cầu quốc thái - dân an và các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gồm: Pháp đàn đại bi, thiền tọa, thuyết pháp, Quán đảnh Quán Âm, hoa đăng, lửa trại… được tổ chức xuyên suốt lễ hội. Đặc biệt, trong khuôn khổ lễ hội năm nay có 2 hoạt động ý nghĩa, đó là Chương trình đi bộ vì hòa bình và Tọa đàm “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”. Đây là những hoạt động thiết thực phát huy giá trị và nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, tại lễ hội còn có hoạt động diễu hành xe hoa trên các tuyến đường của thành phố để tuyên truyền cho lễ hội và chào mừng 50 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng đài sen ngọc”, không gian “Ẩm thực chay Việt”.
Bên cạnh đó còn diễn ra các hoạt động nghệ thuật đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng đài sen ngọc” của nhà hát Trưng Vương; biểu diễn các tác phẩm đặc san Diệu Âm và nghệ thuật múa Thái Lan do chùa Quán Thế Âm và Hội nghệ sĩ phật tử Đà Nẵng thực hiện; chương trình nghệ thuật do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố biểu diễn.
Ngoài ra còn có các hoạt động: hô hát bài chòi; các góc trà thư pháp kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc; triển lãm ảnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, hội họa, tranh ảnh, thư pháp; trưng bày và biểu diễn chế tác nghệ thuật đá mỹ nghệ Non Nước; múa lân sư rồng; nhảy sạp; không gian “Ẩm thực chay Việt”… do các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện.
Cũng trong dịp này, Ban tổ chức trưng bày, tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quan Âm - Mùa lễ hội”; cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi và trình diễn trực họa, ký họa về Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn; cuộc thi hùng biện sách “Văn học với Phật giáo”; riển lãm mỹ thuật tranh sen vẽ bằng chất liệu sơn dầu của họa sĩ Kim Chi Hoàng; triển lãm các tranh ảnh, đá, thư pháp, thư họa… và ra mắt đặc san Diệu Âm lễ hội Quán Thế Âm năm 2025.
DIỆU VŨ