Đà Nẵng: Tọa đàm khoa học di sản Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

Trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2025, sáng ngày 17-3-2025 Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn”.

Tọa đàm di sản Ma Nhai tại Ngũ Hành Sơn

Tọa đàm đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý đến tham dự và có những tham luận giá trị. Các bài tham luận tập trung chủ yếu vào 2 chủ đề chính: Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là hệ thống gồm 78 văn bản Hán Nôm được khắc trên vách đá và hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn bởi các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học khác nhau, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi các giá trị về mặt lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Năm 2022, Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức được ghi danh là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ma Nhai tại Ngũ Hành Sơn

Trong lịch sử, Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt trên bước đường Nam tiến của dân tộc, với sự hình thành những ngôi quốc tự nổi tiếng: Tam Thai, Linh Ứng và lưu dấu bước chân hành hóa của bao bậc cao tăng đạo hạnh trong nhiều thế kỷ. Do đó, sự ảnh hưởng và hình bóng của Phật giáo trong Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn vô cùng rõ nét. Mặt khác, những di sản tư liệu này đã trở thành nguồn sử liệu quý về Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn rất đa dạng về hình thức, phong cách biểu hiện. Giá trị nghệ thuật còn được thể hiện rõ nét qua các bia Ma nhai dạng bia ký niên đại thời chúa Nguyễn, trong số đó có hai bia nổi bật nhất là Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạcPhổ Đà Sơn Linh Trung Phật. Cả hai bia Ma nhai này có niên đại vào thế kỷ XVII, sớm nhất trong số các bia hiện còn. Kiểu thức trang trí của nó có sự khác biệt, mang đậm dấu ấn thời chúa Nguyễn.

Bên cạnh đó, các bia Ma nhai này cung cấp những thông tin quý giá về nghệ thuật chạm khắc đá thủ công của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Hiện nay, nhằm nâng cao năng suất và sự đa dạng sản phẩm, những người thợ của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã sử dụng máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hầu hết các công đoạn sản xuất, vì vậy những kỹ năng thủ công, kinh nghiệm nghề nghiệp truyền thống đã không còn phổ biến.

Có thể nói Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn có các ý nghĩa và giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, là loại hình di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Nó đặc trưng cho giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa các nước Đông Á, biểu hiện cho tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa cho tới ngày hôm nay.

DIỆU VŨ

;