Hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước trong năm nay: 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930–3/2/2025); 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2025); 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (19/8/1945–19/8/2025), Bộ Công an phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận “Ký ức để lại” tại Quảng trường Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ tỉnh Tây Ninh. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, tiếp sóng trên các kênh TNTV, ANTV vào hồi 20 giờ 10 ngày 12-4-2025.
Chương trình được dàn dựng theo hình thức bán thực cảnh (có phần trình diễn trên sân khấu được dựng ở quảng trường, có phần được phối dàn dựng và biểu diễn trong không gian thật tại Tây Ninh). Hình tượng nghệ thuật trung tâm của chương trình chính là những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của lực lượng An ninh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó khắc họa thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tá Tô Quyền cùng những tấm gương anh dũng, kiên trung của các nhà cách mạng tiền bối tại Trung ương Cục miền Nam và Ban An ninh trung ương Cục miền Nam.
Với nhiệm vụ khá nặng được đặt ra cho chương trình, Tổng đạo diễn Tuyết Minh đã dành nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu về thời kỳ đặc biệt, những nhân vật đặc biệt… mà chị sẽ khắc họa. Từ tư liệu hình ảnh, sách vở, hỏi chuyện, gạn lọc qua lời những nhân chứng còn sống… đến thực tế hoàn cảnh sống, chiến đấu của các nhà cách mạng tiên phong ngày đó, chị đã quyết định dùng hình thức nghệ thuật chính luận sử thi với thiết kế sân khấu bán thực cảnh ngoài trời nhằm tạo được sự tương tác tối đa của khung cảnh tại địa phương từng diễn ra nhiều trận chiến trước đây để tạo sự sinh động, sáng tạo gần gũi và mang lại sức hấp dẫn cho người xem.
Chương trình có sự tham gia của gần 500 diễn viên chuyên nghiệp và 120 chiến sĩ công an của PX03 tỉnh Tây Ninh, đội quân khuyển, kỵ binh, khí tài… Biên đạo múa Tuyết Minh đã tận dụng mọi lợi thế công nghệ, tạo hiệu ứng tốt nhất cho đêm diễn. Chị cho biết, chương trình sẽ dùng hệ thống màn hình Led, hiệu ứng công nghệ, khói lửa và kỹ thuật âm thanh ánh sáng đa tầng tạo ra một sự giao thoa nhịp nhàng giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại tác động đến người xem. Chị hy vọng, sự hấp dẫn của chương trình sẽ giúp kết nối lịch sử với khán giả trẻ, khắc sâu thêm niềm tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, lòng biết ơn và tri ơn sâu sắc với sự hy sinh của cha ông tới thế hệ trẻ hôm nay.
Chương trình sẽ gồm phần giới thiệu là bộ phim ngắn Ký ức để lại, chỉ với 8 phút nhưng ôm chứa nội dung từ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp cho tới kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước thành công; khắc họa ý chí, tư tưởng, khát vọng của cả một thế hệ anh hùng, trong đó đặc tả chân dung Đại tá Tô Quyền từ thủa thơ ấu nơi quê hương Xuân Cầu đến khi trưởng thành tham gia hoạt động cách mạng, chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Tiếp đó là sự trình diễn của ca - múa - nhạc kịch… với ba chương (Xuân Cầu ký ức đỏ; Đường Trường Sơn huyền thoại; Đất lửa Tây Ninh) và cái kết nhấn vào nội dung Ký ức để lại với tổng thời lượng 90 phút.
Biên đạo, tổng đạo diễn Tuyết Minh tâm sự, càng nghiên cứu tư liệu, đi thực tế phỏng vấn chắp nối lại những mảnh ký ức của những nhà cách mạng tiền bối đã sống, chiến đấu, hy sinh tuổi trẻ của mình nơi chiến trường miền Đông Nam Bộ khốc liệt, dưới mưa bom bão đạn, chất độc hóa học, càng nổi rõ hình ảnh những người chiến sĩ an ninh mưu trí, can trường, dũng cảm hiệp đồng với toàn quân và đồng bào miền Nam, chiến đấu và chiến thắng các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”. Nhất là hình tượng người chiến sĩ an ninh, điệp báo, lực lượng trinh sát vũ trang với những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại khi hoạt động đơn tuyến. Họ anh dũng đối mặt với hy sinh, mưu trí trước những thủ đoạn của kẻ thù, sẵn sàng chấp nhận và nén chịu những oan trái vì vỏ bọc của mình, thiệt thòi không những đến với chính họ mà còn với gia đình, người thân, những chiến công đôi khi chỉ là một mẩu tin, một tài liệu được bảo mật… khiến chị rưng rưng tràn đầy cảm xúc và lòng biết ơn sâu sắc. Chị hy vọng, chương trình của mình thể hiện được phần nào những cảm nhận phong phú đó.
Một số hình ảnh sẽ được sử dụng trong chương trình
Chương trình do Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an chỉ đạo nội dung; Chỉ đạo thực hiện: Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an; Cố vấn nghiệp vụ: Phòng Tuyên truyền, Giáo dục; Chủ nhiệm sản xuất: Thượng tá Nguyễn Thị Vân Anh; Kịch bản và Tổng đạo diễn: Ths Nguyễn Thị Tuyết Minh; Điều phối sản xuất: Ngọc Anh; Quay phim: Bùi Hiếu; Biên đạo múa: Ths Tuyết Minh, NSƯT Văn Dũng, NSƯT Hoàng Yến, Lê Hải; Hòa âm - Phối khí: Hoàng Huy; Thiết kế sân khấu: Khánh Toàn; Trang phục và đạo cụ: Phương Anh, Khánh Diệp; Thi công sân khấu: Công ty Năm sao; Màn Led: Việt Hưng.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ: Trọng Tấn, Anh Thơ, Đào Mác, Khánh Ngọc, NSƯT Thanh Tâm, Khắc Tiệp, Hoàng Ngọc, Dàn hợp xướng Sài Gòn và CLB Thiếu nhi TP.HCM; các nghệ sĩ múa: NSƯT Hoàng Yến, NSƯT Phi Điệp, Quàng Việt, Minh Tâm, Thái Bình, Viết Phong, Văn Giang, tập thể nghệ sĩ Đoàn múa Sài Gòn và vũ đoàn Việt Hải cùng 120 chiến sĩ Công an PX03 thành phố Tây Ninh, đội Quân khuyển CAND; Nghệ sĩ kịch: NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Hoàng Khải, NSƯT Anh Hòa, Trung Tuấn.
THANH TÂM