LỄ HỘI NGHINH ÔNG KIÊN HẢI, NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở KIÊN GIANG

Ở vùng biển Lại Sơn (Kiên Hải) của tỉnh Kiên Giang, hàng năm vào ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch ngư dân khắp nơi tập trung về tổ chức lễ hội nghinh ông với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Tập tục thờ cá ông là nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân miền biển, lễ cúng cá ông ở Lại Sơn tồn tại hơn 100 năm. Đối với người dân đảo Hòn Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá nên lễ hội nghinh ông Nam Hải là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của huyện Kiên Hải. Khai thác nguồn lực văn hóa lễ hội nghinh ông nhằm góp phần phát triển du lịch đang là hướng đi mang lại hiệu quả của Kiên Giang.

Trong tâm thức ngư dân Việt Nam nói chung hay ngư dân vùng biển Kiên Giang nói riêng, cá ông hay cá voi là loài sinh vật biển hiền lành, thân thiện và hay giúp đỡ người đi biển vượt qua sóng to gió lớn. Vì vậy, họ xem cá ông là vật linh, tôn đặt tước hiệu Nam Hải Đại tướng quân và khi loài cá này bị nạn trôi dạt vào bờ thì cư dân miền biển nhiệt tình cứu hộ hoặc tổ chức ma chay đình đám long trọng, từ đó hình thành tập quán tín ngưỡng thờ ông Nam Hải, vị thần phù trợ người đi biển. Lễ hội nghinh ông tại các vùng biển trên cả nước đã phần nào cụ thể truyền thống tâm linh này. Nghinh ông là lễ hội của ngư dân vùng biển, gắn liền với tục thờ cá ông. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như lễ rước cốt ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá ông, lễ cúng ông, lễ nghinh ông thủy tướng, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm cá ông là sinh vật thiêng ở biển, cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Lễ hội nghinh ông là dịp cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đặc biệt cầu mong một mùa bội thu cho những người đi biển… Lễ hội vừa là dịp cho ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống được no ấm thịnh vượng, hạnh phúc trường tồn, vừa là dịp để các địa phương thu hút khách du lịch góp phần nâng cao doanh thu cho các ngành kinh tế. Ngoài ra, lễ hội nghinh ông còn là nơi cho mọi người tưởng nhớ đến việc báo nghĩa, đền ơn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Độc đáo lễ hội nghinh ông

Trong lịch sử triều Nguyễn có ghi lại: khi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ngoài đảo Phú Quốc (Kiên Giang) bị bão lớn, thuyền sắp đắm, ông đã cầu nguyện và được cứu thoát nạn. Sau khi phục quốc lên ngôi, vua Gia Long (tức chúa Nguyễn Ánh) phong cho cá voi là Nam Hải cự tộc, Ngọc Lân Thượng đẳng thần và truyền dụ cho các làng chài mà thuyền của ông từng cập bến phải lập lăng, dựng miếu phụng thờ. Sau đó, vua Minh Mạng phong cho cá ông là Đại càng Nam Hải đại tướng quân và đặt tên cho cá ông là Nhân Ngư. Kể từ TK XVIII, triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong Đại càng quốc gia Nam Hải cho các thôn làng để đưa vào miếu, đình thờ như một thành hoàng và nó trở thành tín ngưỡng không thể thiếu đối với ngư dân vùng biển. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá ông (cá voi) thành một vị thần thiêng liêng, chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người bị hiểm nguy đe dọa.

Đình thần Nam Hải Đại Tướng quân tọa lạc tại ấp Thiên Tuế, xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, cách trung tâm huyện khoảng 30km về hướng Tây Nam. Đình thần nơi đây gắn liền với những tập tục và truyền thuyết của một vùng dân cư lâu đời như giai thoại về vua Gia Long thời bôn tẩu đến đây lúc quân lính đói khát, được rái cá bắt cá dâng cho và dẫn đường đến suối nước. Sau khi lên ngôi, vua phong cho loài rái cá ở đây tước vị Lang lại Tướng quân và đặt tên đảo là Hòn Sơn Rái, hay Hòn Sơn (xã Lại Sơn), nhìn trên cao xuống giống như một con rái cá đang lội về hướng Rạch Giá.

Vào khoảng cuối TK XIX và đầu TK XX, vùng biển này còn hoang sơ, rải rác vài ngôi nhà của những lưu dân từ các nơi đến đây lập nghiệp. Ngoài sinh kế chính là đánh bắt hải sản, họ còn trồng rau màu như một nghề phụ. Ăn sóng, nói gió, đem sức người chống thiên nhiên, nhất là chống chọi với biển cả mênh mông, đời sống của họ gặp nhiều vất vả. Trong tâm tưởng cũng như trong không gian bao la ấy, phần lớn họ cảm thấy bất lực, muốn viện đến một năng lực siêu nhiên để tự an lòng, cân bằng cuộc sống, mong được phù hộ khỏi tai ách, làm ăn khá giả... vì vậy, thờ cúng cá ông, thờ cúng các linh vật biển ra đời.

Đình thờ Nam Hải đại tướng quân được lập đầu tiên vào năm 1900, tại ấp Bãi Giếng, ban đầu chỉ là một ngôi đình nhỏ được dựng bằng cây lá, sau đó được dời lên mũi Hà Bá thuộc ấp Bãi Giếng, xã Lại Sơn. Lần thứ ba năm 1940, được dựng lại và gọi là dinh ông Nam Hải ở gần vị trí thờ hiện nay. Năm 2003, dinh ông được trùng tu, tôn tạo lại khang trang, tôn nghiêm để phục vụ cho việc thờ tự và được gọi là đình thần Nam Hải đại tướng quân. Ngày 15-11-2006, UBND tỉnh Kiên Giang đã xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hiện nay, lễ hội nghinh ông ở Kiên Hải đã trở thành lễ hội dân gian cấp tỉnh.

 
 
 
Lễ hội Nghinh ông ở Kiên Hải - Kiên Giang. Ảnh Thế Hạnh 
 
 

Trong quan niệm của cư dân ven biển, cá ông đại diện cho lòng tốt, tính hướng thiện (cứu giúp người gặp nạn ở biển và giúp cho dân được mùa biển), một cốt cách của cuộc sống tốt đẹp là an lành, vì vậy cá ông được liệt vào phúc thần hàng đầu trong hệ thống thần linh biển cả của tín ngưỡng thờ thần biển của ngư dân ở đây cũng như nhiều cư dân ở ven biển khác. Cho nên, trong đời sống cũng như trong tâm thức cư dân biển (và nhiều khi cả cư dân xa biển), sự tôn trọng, kính cẩn, thiên hóa cá ông lúc đầu như là một biểu tượng của lòng tốt. Và có lẽ, từ một nhu cầu đời thường, sự kính trọng cá ông đã dần dần hằn sâu vào quan niệm, tâm thức, trở thành tín ngưỡng thờ cúng cá ông phổ biến, được bồi đắp dần để có nội hàm phong phú như hiện nay với lễ hội và các nghi thức, nghi lễ chặt chẽ.

Xuyên suốt một thế kỷ qua, người dân Lại Sơn, Kiên Hải luôn giữ lệ nghinh ông hàng năm, tổ chức lễ hội một cách trang trọng, thành kính, chu đáo. Những ngày sắp diễn ra lễ hội, ngư dân vùng biển Kiên Hải trang trí lại bàn thờ gia tiên, các nơi thờ linh vật biển rồi chăng đèn, kết hoa lên thuyền đánh cá và bày biện lễ vật như đón tết cổ truyền. Khắp đường quanh đảo, cờ tổ quốc, băng rôn, cờ lễ trang hoàng nhộn nhịp. Nhà nhà chuẩn bị lễ vật, bày trí công phu với tâm niệm dâng lên ông tấm lòng của người ngư dân quanh năm bám biển.

Lễ hội nghinh ông gồm có 2 phần. Phần lễ, có đoàn ghe dẫn đầu là chiếc ghe chủ lễ và cùng với 20 chiếc ghe khởi hành di chuyển vòng quanh hòn để nghinh ông. Phần lễ chính được diễn ra tại chính điện, có đầy đủ nhạc lễ, có lễ cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi. Phần lễ có một cặp mực và một cặp cá đao lớn. Theo truyền thuyết, cá ông có nhiệm vụ giúp đỡ những thuyền bè bị tai nạn ngoài biển, có lúc làm không xuể phải bị phạt và cá đao chính là người thực hiện nghiêm lệnh đó. Thông thường, cá ông ít phải hứng chịu hình phạt vì đã có cặp mực phun nước đen để giải nguy. Phần lễ luôn giữ được nét văn hóa tâm linh như: an chức sự, lễ cung thỉnh các vị thần linh, lễ cầu an, lễ cầu siêu, lễ kiến quân, lễ nghinh thần, lễ chánh tế Nam Hải đại tướng quân... Phần hội, các chàng trai, cô gái, từ người già đến người trẻ xum vầy bên nhau ca hát, đối đáp, chơi các môn thể dục thể thao đua thuyền, bơi lội, kéo co, thi ẩm thực đặc trưng các món miền biển... Những năm gần đây phần hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: giải bóng đá 7 người mở rộng, giải việt dã leo núi (nam nữ), chương trình văn nghệ khai mạc chào mừng lễ hội do các diễn viên đến từ Trung Tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang, chương trình giao lưu không gian đờn ca tai tử Nam Bộ do các nghệ nhân, tài tử ca đến từ câu lạc bộ Đờn ca tài tử Phù Sa Kiên Giang, câu lạc bộ Đờn ca tài tử các xã trên địa bàn huyện Kiên Hải phối hợp thực hiện…

Hàng trăm tàu, thuyền neo đậu trước đình thần Nam Hải trong dịp lễ hội diễn ra. Du khách đến lễ hội không những được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, chiêm bái, cúng tế vị thần của biển đã phù trợ, che chở cho mình, mà còn được thưởng thức vô số các món ẩm thực đậm đà miền biển. Tham gia các hoạt động trò chơi dân gian mang tính đặc thù của miền biển đảo, thưởng thức gian hàng ẩm thực hải sản tươi sống, với đặc sản nước mắm Hòn Sơn, món gà rẫy, ngắm bình minh trên núi, hoàng hôn dưới biển…

Nguồn lực văn hóa góp phần phát triển huyện đảo

Theo thống kê, năm 2017 xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đón trên 61.000 khách du lịch, tăng gấp hơn 5 lần năm 2016. Khách du lịch có thể thỏa thích khám phá đời sống, văn hóa, lao động của người dân và sự nguyên sơ bằng phương tiện xe gắn máy, xe ô tô, xe điện. Lại Sơn có một số di tích lịch sử, công trình văn hóa, cảnh quan thiên nhiên phong phú, kết hợp hài hòa giữa biển và núi với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ như: bãi Bàng, Bấc, Cây Dừa… Tại bãi Bàng hiện đã có dịch vụ mô tô nước phục vụ giải trí, thể thao, lặn ngắm san hô, thẻ mực, câu cá...

Lại Sơn hiện có trên 30 cơ sở lưu trú với trên 300 phòng nghỉ đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan, nghĩ dưỡng. Nhiều món ngon như: gỏi cá ăn với rau rừng, nhum nướng mở hành, mực hấp gừng, bạch tuộc hấp nước dừa, các loại ốc với nhiều cách chế biến hấp dẫn như luộc, nướng, xào lăn, trộn gỏi… kết hợp với nước mắm Hòn Sơn sẽ trở thành đặc sản đậm đà hương vị Hòn Sơn.

Có thể thấy, biển giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân ta từ ngàn đời xưa đến nay. Biển không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế mà còn mang đến đời sống văn hóa, tâm linh và tín ngưỡng của người Việt. Người Việt Nam đã gắn bó lâu đời với biển đảo, vì vậy đã tạo ra nét văn hóa ứng xử với biển cả rất riêng và độc đáo. Chính môi trường biển đảo đã tạo nên lối sống, phong tục, tập quán và sáng tạo ra những giá trị văn hóa rất riêng. Nó trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc.

Mục tiêu phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 là đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo. Góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, khai thác nguồn lực văn hóa lễ hội nghinh ông gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển đảo sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế du lịch của tỉnh biên giới Tây Nam. Thực hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 404, tháng 2 - 2018

Tác giả : VÕ THANH XUÂN

;