"Làng Bảo Toàn" - Thuyền lướt cần vui!

Nhờ duyên cơ, tôi từng được trò chuyện hỏi han, quan chiêm trực tiếp số nhiều lượt, lần nhiều tác phẩm trước sau của nghệ sĩ Bảo Toàn ở xưởng nhà, hay chỗ làm công tác của ông trước đây. Hay thi thoảng còn được đóng vai “tiểu tốt” - rong chơi vài lần với các nhóm bậc trên, nghe cười đến vừa đau mề, vừa trào nước mắt về những giai thoại từng diễn ra trong nhiều quãng đời của ông. Trừ bè bạn đồng nghiệp thân, ít người biết đầu tiên, ông mê mải nghiệp vẽ vời từ khi chưa bước vào tuổi “tam thập”, trước lúc ông đặt hẳn chân rồi nổi danh thiên hạ với ngành Gốm. Đến mức ông lấy tên gọi của các đồ vẽ, đặt thành tên luôn cho các con mình. Vậy nên, việc bày đa phần tranh, và ít gốm lần này, có thể hình dung tương đương như việc xoáy trôn ốc vòng tròn, trở lại thực trọn vẹn niềm đam mê tuổi xanh, ở nấc cao - rộng hơn nhiều tầng.

Sinh năm 1950, cuộc sống và nghiệp riêng của ông từng va đụng cả cái sự bình thường lẫn vài lần nguy biến. Đụng độ mạn, mũi “con thuyền mình” với nhiều tầu, thuyền lớn nhỏ lung tung beng, từ suối, sông ra đến biển... Sự nghiệp của ông gồm Gốm - Tranh - Sắp đặt đã xứng thành danh trong nước và quốc tế một cách rõ ràng. Tác phẩm của ông đã đón nhiều bình luận chí lý, “chụp X-quang nghệ thuật” xác thực - chính định của các cao nhân, thế hệ trước hay các bậc đồng niên - đồng hệ trước sau trong giới. Nên ở đây, tôi không thể dài lời, mà chỉ đưa ra một vài nhận định mang “ánh thu quang” của thế hệ sau thôi…!

Làng, mực nho, 2022

Đầu tiên, nhờ cảm ứng khi xem loạt tranh mới của ông, tôi khoái chá khi phát hiện lại tầm ý nghĩa của một “thuật từ” thú vị trong tiếng ta thuần. Đó là từ “Nước” - một từ mang nhiều nới, cỡ, cung bậc phức hợp của: đại - danh - tính - trạng từ và khẩu ngữ “lóng”. Từ lời nói thường đến văn vẻ, chỉ sự vật từ cụ thể đến trừu tượng mênh mang. Ví dụ phổ thông nhất là cực hiếm ngôn ngữ dân tộc nào trên thế giới dùng từ “Nước” để chỉ vắn tắt hẳn một quốc gia như trong tiếng Việt. Và, cũng không biết làm sao ông lại tìm ra được chất Sóng trong hình tượng làng, một nét huyết mạch dân tộc tính vô hình, tiêu biểu của Làng Việt cổ truyền. Và, tại sao ông chọn “nhịp Sóng bố cục” trong cấu trúc lối họa riêng, đo phong vũ biểu những tốp hình hút mắt qua mái, cổng… làng xưa đã đành. Mà dòng sông núi, cây cỏ tượng hình trên dưới xung quanh cũng vần vũ bằng “làn sóng âm” Biểu hiện - Trừu tượng vậy. 

Chưa kể, đương khi ngắm tranh, tôi còn phải giấu mặt ngoảnh đi cười hấp háy… Vì chợt nhớ lại ra, một nhận xét hài hước trong lời xưa của một cao nhân - chuyên gia nghiên cứu cơ cấu làng Việt cổ truyền Bắc bộ. Là: đố mà tìm thấy được ở bất kỳ ngôi làng nào, một con đường làng lớn vừa thẳng tưng, vừa bằng phẳng lì, mà lại dài quá được khoảng trên… trăm mét!

Xem tranh, ngoài việc khoái mắt ra, cứ như được ngắm cảnh từ đầu tầu thủy nhìn dọc ngang, hay ngồi trên tầu bay ngó xuống dưới. Còn thấy được tác giả tung hoành thoải mái như chơi, thảo tay nhuyễn khí trải dài, qua chất liệu giấy các cung bậc, rồi sơn dầu, rồi acrylic; khuôn khổ ngắn, vuông, hay buông chữ nhật... Còn cảm được rằng từng bức “chạm khắc mảnh hai chiều” ấy còn đậm chất nhạc, thoảng chất “thơ không lời” thắm thiết ẩn hiện ở từng khoảng trống… 

Làng, bột màu, 2021

Chưa kể, tôi lại còn sinh ra thêm dăm cảm thức “tăng động” mang tính câu hỏi của người đi sau, khi hình dung rộng ra về “Làng”, về “Nước”, về “Sóng” rung rinh. À nhỉ, thế nào là nguồn năng lượng tài nguyên hữu hình - và vô hình của “Sinh thể sống - Làng”? Sinh thể Làng này dạo bước trên kiềng mấy chân? Những lượt sóng vần vũ trên đầu và dưới chân Làng (trên - trong - dưới khối hình - mầu chủ đạo ấy) có báo cho ta hay, là cái chân kiềng nào, lúc nào đã, sẽ và… đang chao đảo nhất? Những chân nào còn đương khỏe khoắn gồng ghềnh???

VŨ LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

;