Kinh nghiệm tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thực tiễn các dự thảo chính sách của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đã là chính sách thì cái nào cũng tác động đến xã hội ở mức độ khác nhau, về nguyên tắc, chính sách nào cũng cần được truyền thông. Tuy nhiên, những chính sách tác động lớn đến xã hội thì yêu cầu về truyền thông lại gắn với sự sống còn của chính sách.

Với ngành VHTTDL, mục đích cuối cùng của các chính sách đều hướng về con người, về dân tộc và đây cũng là cội nguồn của những chính sách cơ bản của ngành VHTTDL.

Do đặc thù, phần lớn các chính sách của ngành VHTTDL liên quan, tác động đến tinh thần của con người, trong đó có cả ý chí, niềm tin, nhân cách, góp phần hun đúc nên sức mạnh nội sinh của dân tộc; không chỉ tác động đến hiện tại, tương lai mà cả quá khứ, thậm chí cả truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm. Nhìn một cách tổng thể, các chính sách cốt lõi của ngành VHTTDL đều có tác động lớn đến xã hội, nhưng vì nó có tính trừu tượng, thậm chí một số chính sách không nhìn thấy ngay được mà kết quả hay hệ quả của nó nhiều năm, thậm chí cả thế hệ mới nhận thấy được. Chính sách của ngành VHTTDL mặc dù tác động lớn, nhưng chưa thiết yếu, trực tiếp, nhận diện thấy ngay được trong xã hội, từng nhà, từng người như đi lại, ăn mặc, ở, y tế, giáo dục… thậm chí có người còn ví von là chính sách chưa cháy nhà, chết người nên chậm một chút cũng được, ít một chút cũng xong, thuộc loại chính sách mưa dầm thấm lâu.

Do vậy, nhận diện sự tác động lớn của chính sách đến xã hội, trước hết là từ cơ quan chủ trì xây dựng không chỉ về quy mô, mức độ, đối tượng… tác động mà cả sự vận động, tác động bền bỉ, lâu dài của chính sách. Khi đã xác định trúng, đúng chính sách và đánh giá mức độ tác động của nó đến xã hội là cơ sở quan trọng để tiến hành việc truyền thông chính sách. Với đặc thù các chính sách của ngành VHTTDL, đòi hỏi truyền thông chính sách cần hết sức linh hoạt, vừa có bề rộng, lại vừa có chiều sâu, vừa liên tục lại vừa có điểm nhấn.

Thực tế cho thấy, tính phức tạp và mức độ tác động lớn đến xã hội mang tính đặc trưng chính sách của ngành VHTTDL. Một số chính sách liên quan đến nhiều ngành khác và tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến đời sống xã hội, cả trước mắt và lâu dài. Ví dụ, chính sách khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ văn nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là của ngành, mà còn liên quan đến các chính sách về tài chính, nhân sự… không chỉ tác động trực tiếp đến văn nghệ sĩ - đối tượng thụ hưởng của chính sách, mà qua đó khơi nguồn sáng tạo, động lực để họ cống hiến, xả thân, hình thành các tác phẩm để đời, từ đó tác động đến tư tưởng, định hướng thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, thậm chí tác động đến nhân cách, đạo đức, lối sống của cả một thế hệ. Lịch sử đã ghi nhận có tác phẩm văn học, bài ca đã động viên thế hệ thanh niên lên đường xả thân vì Tổ quốc, những thế hệ nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đã góp phần vào công cuộc giành độc lập và kiến quốc.

Tọa đàm Trao đổi về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ tại Bộ VHTTDL - Ảnh: Xuân Trường

Yêu cầu tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội

Từ thực tiễn sinh động, đặc thù các chính sách của ngành VHTTDL, đặt ra yêu cầu cũng mang nét riêng về truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành VHTTDL, đặc biệt với các chính sách có tác động lớn đến xã hội.

Thứ nhất, phải xác định trúng, đúng chính sách, đánh giá tác động chính sách toàn diện, khách quan tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật với đối tượng chịu sự tác động là nhà nước, công dân và doanh nghiệp, từ đó phân tích, so sánh, kiến nghị các giải pháp tối ưu; theo đó, cần phát huy tối đa kết quả các cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến, nhiệm vụ khoa học, công nghệ có liên quan để củng cố cơ sở khoa học cho chính sách, chú trọng các cứ liệu, dữ liệu được tổng hợp, phân tích, đánh giá từ thực tiễn. Qua đó, là cơ sở phân loại, xác định mức độ tác động của chính sách cần truyền thông, định rõ các chính sách tác động trực tiếp, gián tiếp, mới, sửa đổi, bổ sung, trước mắt, lâu dài, đối tượng đặc thù, hạn chế, khắc phục tính định tính của nhiều chính sách của ngành VHTTDL. Lưu ý đánh giá, phân loại cả những chính sách liên quan đến lịch sử, phong tục tập quán như: tín ngưỡng, lễ hội, việc cưới, việc tang, hương ước, quy ước…

Thứ hai, lựa chọn trong chính sách vấn đề căn cốt tác động lớn đến xã hội, đặc tính đối tượng chịu sự tác động, xây dựng lộ trình, phương thức truyền thông gắn với nội dung, đối tượng, những chính sách nhạy cảm, đối tượng đặc thù cần tập trung truyền thông riêng; đặt chính sách cần truyền thông trong hệ thống các chính sách để thấy được sự tương hỗ, đan xen, bổ trợ hoặc xung đột; đặt truyền thông chính sách trong cả quá trình phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật.

Thứ ba, tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội của ngành VHTTDL theo kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên cần sự linh hoạt, thích ứng với thực tiễn diễn biến truyền thông, lưu ý tôn trọng sự khác biệt, tính đa dạng của đối tượng, phương thức, đề cao cơ chế lắng nghe, tiếp nhận, phản hồi. Với các chính sách tác động trực tiếp, chuyên sâu cho nhóm đối tượng đặc thù như văn nghệ sĩ của ngành VHTTDL, nghệ nhân dân gian… cần truyền thông, tiếp cận tương tác, chuyên đề thiết thực và chủ động đặt vấn đề, tình huống truyền thông, tạo sự chia sẻ, gần gũi, cởi mở để đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách tham gia có trách nhiệm vào xây dựng chính sách, tránh hình thức, chiếu lệ.

Thứ tư, bố trí nguồn lực truyền thông hợp lý, tương thích với các chính sách cần truyền thông, chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực của ngành VHTTDL, đồng thời phát huy vai trò đội ngũ văn nghệ sĩ, người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong đối tượng chịu sự tác động của chính sách; huy động sự tham gia của các tổ chức hội nghề nghiệp; chú trọng các công cụ truyền thông chính sách qua mạng xã hội, tăng tính tương tác, thích ứng với xu hướng xã hội số, công dân số.

Thứ năm, chuyển hóa các chính sách đã được truyền thông thành các quy định bảo đảm tính khách quan, trung thực, đồng bộ, thống nhất, điều kiện bảo đảm thực hiện; chú trọng tiếp nối quá trình truyền thông chính sách, đảm bảo chu trình xuyên suốt từ đề xuất, xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách.

Triển khai công tác truyền thông chính sách

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng truyền thông chính sách đã được Bộ VHTTDL triển khai trong những năm gần đây từ khi có Kết luận  80-KL/TW và Quyết định số 1521/QĐ-TTg với phương châm từ sớm, từ xa, hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm và thực sự chuyển biến tích cực từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027 vào tháng 3-2022. Hơn một năm qua, việc triển khai truyền thông chính sách của Bộ bước đầu đã nhận được sự vào cuộc của các đơn vị chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với những nét chính như:

Một là, thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai: Bộ đã ban hành 6 văn bản về truyền thông chính sách, trong đó có 3 văn bản chỉ đạo, 3 kế hoạch triển khai; Lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo việc truyền thông chính sách tại các cuộc họp về công tác xây dựng pháp luật định kỳ hằng quý, họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập các văn bản; các cơ quan chuyên môn về phổ biến, giáo dục pháp luật và kế hoạch, tài chính phối hợp hướng dẫn các đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị khi triển khai truyền thông chính sách.

Hai là, cơ quan chuyên môn về phổ biến, giáo dục pháp luật có các buổi làm việc với Cổng Thông tin điện tử của Bộ và các cơ quan báo chí thuộc Bộ về tăng cường truyền thông chính sách, như mở chuyên mục, tuyến bài về truyền thông chính sách đối với các văn bản quy phạm pháp luật đang xây dựng trong chương trình năm 2022, 2023, trọng tâm là các chính sách có tác động lớn đến xã hội về di sản văn hóa, quảng cáo… bước đầu thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, đối tượng chịu sự tác động của chính sách. Qua 4 tháng đầu năm 2023, đã có gần 50 tin, bài về truyền thông chính sách được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, Báo Điện tử Tổ quốc và Báo Văn hóa.

Ba là, việc phân tích, đánh giá tác động của chính sách, đối tượng chịu sự tác động và nội dung, phương thức truyền thông cũng được cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan phối hợp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu triển khai truyền thông có trọng tâm, trọng điểm, hướng về vấn đề còn đặt ra, còn khúc mắc trong các chính sách, dự báo vấn đề nhạy cảm để xây dựng phương án truyền thông phù hợp.

Bên cạnh những kết quả ban đầu, công tác truyền thông chính sách của Bộ VHTTDL còn gặp một số khó khăn, như việc phân loại, đánh giá chính sách vẫn chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của đơn vị chủ trì soạn thảo, sự chủ động phối hợp của các cơ quan liên quan còn chưa cao, đặc biệt liên thông các dữ liệu, kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ liên quan còn rời rạc. Việc truyền thông tăng cường, tập trung cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và vào thời điểm phù hợp vẫn còn cứng nhắc theo tiến độ, kế hoạch mà chưa linh hoạt, thích ứng vào thực tế. Nhân lực thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu kỹ năng truyền thông chính sách, chưa được tập huấn, bồi dưỡng và thiếu tài liệu hướng dẫn, dữ liệu liên quan.

Đánh giá bước đi ban đầu về truyền thông chính sách so với thực tiễn và yêu cầu đặt ra đối với các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những chính sách đặc thù, cốt lõi của ngành VHTTDL còn nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần nỗ lực hơn trong thời gian tới, trong đó có cả những thách thức, khó khăn đối với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần được đúc rút để hoàn thiện hơn.

Bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai truyền thông chính sách

Trước tiên, nhận thức là bài học đầu tiên và xuyên suốt trong việc triển khai truyền thông chính sách. Như đã đề cập ở trên, đối với chính sách tác động lớn đến xã hội, truyền thông không chỉ đóng vai trò trong xây dựng văn bản mà nếu được làm thực chất, hiệu quả, nó còn góp phần quan trọng tạo dựng sức sống của chính sách. Nếu cơ quan chủ trì ý thức được vấn đề này chủ động, thực tâm triển khai khi nghiên cứu xây dựng chính sách sẽ khác với quan niệm truyền thông cho có, đơn thuần là một công đoạn của phổ biến, giáo dục pháp luật khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí còn xác định chưa trúng nội dung truyền thông chính sách, làm lạc hướng, không thu hút sự chú ý, tham gia của đối tượng chịu sự tác động của chính sách.

Với đặc thù nhiều chính sách của ngành VHTTDL tác động lớn nhưng không trực tiếp ngay mà âm thầm, bền bỉ qua thời gian, trong khi quãng đời của các chính sách lại có hạn, nên việc nhận thức chủ động truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và thực thi pháp luật.

Thông điệp hướng đến

Để tiếp nối, gia tăng hiệu quả việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành VHTTDL, thời gian tới cần cân nhắc 5 điểm.

Truyền thông chính sách không chỉ là một công đoạn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, mà dần trở thành xu hướng, yêu cầu trong xây dựng và thực thi chính sách, nhất là những chính sách có tác động lớn đến xã hội. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết 33-NQ/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan, việc tiếp tục hoàn thiện đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật ngành VHTTDL đặt ra những yêu cầu cao hơn trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó có những chính sách tác động lớn đến xã hội cần và phải được truyền thông một cách bài bản, đúng vị thế, vai trò của truyền thông và phù hợp với đặc thù các chính sách của ngành VHTTDL.

______________________

Tài liệu tham khảo

1. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

2. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

3. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12-5-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

4. Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

5. Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.

6. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12-5-2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

7. Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

8. Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027.

9. Quyết định số 3853/QĐ-BVHTTDL ngày 30-12-2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2022-2026.

10. Trần Thị Thanh Thủy, Vai trò và các yêu cầu đối với truyền thông chính sách, quanlynhanuoc.vn, 5-1-2021.

NGUYỄN THANH SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;