Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở Thành phố Hồ Chí Minh: Từ lý luận đến thực tiễn

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ đề rất mới, cần được nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn. Bài viết phác thảo những nét chính về lý luận không gian văn hóa của lãnh tụ và không gian văn hóa của lãnh tụ ở một vùng lãnh thổ. Từ đó áp dụng vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM.

Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Ảnh: dangcongsan.vn

1. Dẫn nhập

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một khái niệm rất mới, được nêu ra trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI (2020). Tra cứu theo từ khóa này, có thể tìm thấy hai bài công bố trên trang tin điện tử của Đảng bộ TP.HCM đề cập đến cơ sở lý luận của thuật ngữ này là khái niệm không gian văn hóa.

Trên cơ sở những tên gọi không gian văn hóa đang có (như: không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa kiến trúc, không gian văn hóa cồng chiêng…), tác giả Vân Tâm trong bài Tìm hiểu về không gian văn hóa và không gian văn hóa Hồ Chí Minh quan tâm đến không gian văn hóa theo nghĩa hẹp, để chỉ “những khu vực, môi trường có các hoạt động văn hóa hoặc gắn với văn hóa”; đó là: “môi trường văn hóa đặc sắc gắn liền với một không gian cụ thể nào đó, một vùng lãnh thổ cụ thể nào đó, một cộng đồng người cụ thể nào đó, trong một khoảng thời gian cụ thể nào đó”. Theo tác giả, không gian văn hóa gắn liền với lãnh thổ nhưng có sự linh hoạt nhất định theo thời gian; không gian văn hóa gắn liền với một cộng đồng dân cư cụ thể sẽ khiến cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM có điểm khác với không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các địa phương khác. Từ đó, “trên cơ sở đặc điểm về điều kiện kinh tế, văn hóa, lịch sử, tập quán… của mình, người dân TP.HCM sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách… của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân thành phố”, sẽ “hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với các đặc điểm riêng có của thành phố… như các yếu tố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình…” (1).

Theo Dương Đông trong bài Tìm hiểu vài khía cạnh về không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì không gian văn hóa là khái niệm dùng để chỉ “phạm vi không gian được xây dựng từ các chủ thể XYZ để hình thành ra nét đặc trưng của một nơi nào đó… không gian văn hóa và không gian văn hóa Hồ Chí Minh không khác biệt nhau nhiều, vì cùng nói lên cái đặc thù được sở hữu, đó là một bên chỉ về vùng, miền, lãnh thổ, quốc gia, còn một bên là nói về con người”. Từ đó, tác giả đề nghị: “muốn xây dựng một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì phải quảng bá sâu và dài lâu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; phải chú trọng đến dòng sông và bến tàu, nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước, là hai địa chỉ đặc trưng mà TP.HCM riêng có; chú trọng đến những nét đặc thù của vùng đất Nam Bộ mà thành phố đại diện như nhân ái, nghĩa tình; hồn hậu, mến khách; năng động, cởi mở… (2).

Quan niệm của Vân Tâm về không gian văn hóa và không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM thì khá toàn diện, nhưng vì thế mà thiếu trọng tâm, thiếu điểm nhấn. Quan niệm của Dương Đông thì cụ thể, nhưng lại khá đơn giản, sơ sài. Thành ra cuối cùng, người đọc vẫn chưa thấy được diện mạo cụ thể của không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM một cách thuyết phục. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa nghiên cứu lý luận đủ sâu, đủ kỹ. Mà thiếu lý luận thì không thể nào đi xa. Vì vậy, chúng ta cần bắt đầu từ việc nghiên cứu lý luận về không gian văn hóa một cách nghiêm túc và bài bản.

2. Không gian văn hóa: bình diện lý luận

Mối quan hệ giữa không gian và văn hóa bắt đầu được các ngành khoa học địa lý học, dân tộc học, văn hóa học bàn đến từ cuối TK XIX, đầu TK XX.

Ở Đức, nhà địa lý học và dân tộc học Friedrich Ratzel (1844-1904) đã nói đến quan hệ giữa không gian và văn hóa trong một loạt công trình mà đỉnh điểm là bộ sách hai tập: Anthropogeographie (ra mắt năm 1882 và 1891), trong đó ông là người đầu tiên đưa vào sử dụng thuật ngữ không gian sống (lebensraum). Ở Mỹ, nhà địa lý học Carl Sauer (1889-1975) đã nêu ra khái niệm cảnh quan văn hóa trong tác phẩm Hình thái học cảnh quan (The Morphology of Landscape) xuất bản năm 1925.

Phát huy truyền thống của trường phái địa lý học nhân văn Pháp, nhà khảo cổ học và nhân học người Pháp A. Leroy-Gourhan (1911-1986) trong các tác phẩm: Con người và vật chất (L’homme et la matiere, Paris, 1943), Môi trường và kỹ thuật (Milieu et techniques, Paris, 1945) đã đề cập đến những đặc điểm không gian của các yếu tố văn hóa vật chất như tầm quan trọng của chiều dài và khối lượng của chúng; sự khác biệt trong nhận thức về không gian ở các nền văn hóa khác nhau, với những cách thức đảm bảo cuộc sống khác nhau. Nhà triết học Mác-xít và xã hội học người Pháp H. Lefebvre (1901-1991) trong các công trình Nhà nước, không gian, thế giới (State, Space, World) và Sản xuất không gian (La production de l’espace) xuất bản năm 1974 sử dụng phổ biến khái niệm không gian xã hội. Không gian xã hội, theo H. Lefebvre, là một sản phẩm đặc biệt của các quan hệ xã hội, nó vừa là sản phẩm, vừa là phương thức hoạt động, vừa là mạng lưới giao tiếp. Tiếp tục đi theo hướng này, về sau với tiếp cận cấu trúc luận, nhà dân tộc học Pháp nổi tiếng G.Condominas (1921-2011) trong cuốn Không gian xã hội vùng Đông Nam Á xuất bản năm 1980 đã định nghĩa: “Không gian xã hội là cái không gian được xác định bởi tập hợp các hệ thống quan hệ đặc trưng cho một nhóm người nào đó” (3).

Ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh trong cuốn Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam định nghĩa: “Không gian văn hóa là một chỉnh thể không gian cung cấp các điều kiện cho phép một cộng đồng sinh tồn và sáng tạo, tiếp nhận, thực hành, trao truyền các giá trị cơ bản nhằm đảm bảo tính liên tục văn hóa của cộng đồng đó”. Theo ông, không gian văn hóa tồn tại trên hai cấp độ, theo hai nghĩa: về nghĩa cụ thể, đây là một không gian địa lý xác định, trong đó, một hiện tượng (hay tổ hợp hiện tượng) văn hóa nảy sinh, tồn tại, biến đổi và liên kết với nhau thành một hệ thống. Về nghĩa trừu tượng, đây là một trường bao chứa một hiện tượng (hay tổ hợp hiện tượng) có khả năng tiếp nhận và lan tỏa, tạo cho văn hóa đó một không gian rộng hẹp khác nhau (4). Với cách tiếp cận chức năng luận, trong bài Từ không gian văn hóa đến không gian văn hóa tộc người, Đặng Hoàng Giang nói đến cấu trúc không gian văn hóa gồm bốn thành phần: không gian sinh kế, không gian cư trú, không gian sinh hoạt cộng đồng, và không gian sinh hoạt tâm linh (5).

Ở Nga, trong cuốn Cội nguồn của không gian văn hóa Nga công bố năm 2008, E.G. Zinkov đưa ra định nghĩa: “Không gian văn hóa là hình thức tồn tại của văn hóa trong sự thống nhất giữa các sản phẩm với khuôn mẫu vật chất và tinh thần của nó [văn hóa], thể hiện mức độ phổ biến của chúng [các sản phẩm và khuôn mẫu], mức độ tác động của chúng đến ý thức và hành vi của con người, chiều sâu của sự lĩnh hội và tiếp nhận của họ [con người] về nội dung giá trị - ngữ nghĩa của văn hóa. Ba yếu tố này tạo nên các chiều kích của không gian văn hóa” (6).

Tuy mới chỉ điểm qua một số trường phái và quan điểm tương đối tiêu biểu, chúng ta đã thấy dù các trường phái và các tác giả có những quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, nhưng những điểm khác biệt này hầu như không mâu thuẫn với nhau mà ngược lại, chúng có tiềm năng bổ sung, hỗ trợ cho nhau và có thể được tổng hợp lại thành một cách hiểu chung.

Để làm cơ sở cho việc tổng hợp, cần bắt đầu từ khái niệm gốc là định nghĩa về văn hóa. Định nghĩa văn hóa mà chúng tôi đề xuất năm 1995-1996 coi văn hóa là một hệ thống giá trị với chủ thể là con người, chủ thể này sáng tạo các giá trị trong một môi trường là không gian tự nhiên, xã hội và các giá trị này được tồn tại, tích lũy trong thời gian (7) có thể dùng làm cơ sở. Từ đó, chúng ta có thể định nghĩa ngắn gọn: Không gian văn hóa của một chủ thể là nơi tồn tại và tác động của một hệ thống giá trị do chủ thể đó sáng tạo và tích lũy trong thời gian tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội.

Không gian văn hóa theo cách hiểu này chính là: “ánh xạ không gian mà sự tiến hóa (phát triển) của nền văn hóa đã tích lũy được tại một khu vực địa lý nhất định” (C.Sauer). Do đặc tính hệ thống của “các quan hệ đặc trưng” (G.Condominas) và hoạt động đặc trưng của chủ thể trong thời gian (như hoạt động nhận thức, quan hệ và hoạt động tổ chức, quan hệ và hoạt động ứng xử), ánh xạ không gian này là một trường “có khả năng tiếp nhận và lan tỏa” các giá trị (Ngô Đức Thịnh). Do vậy, không gian văn hóa không nhất thiết trùng với không gian địa lý mà chủ thể tồn tại. Một không gian văn hóa như vậy chính là cái mà con người có thể sản xuất được (H. Lefebvre).

Các không gian văn hóa của chủ thể X có thể được phân chia theo đặc tính của chủ thể X thành hai loại. Loại thứ nhất có X là địa danh, tên đất (ví dụ: Không gian văn hóa TP.HCM, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…) và loại thứ hai có X là nhân danh, tên người (ví dụ: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh). Hai loại không gian này: một bên có X là địa danh, còn bên kia X là nhân danh, là rất khác nhau.

Thứ nhất là sự khác biệt về cấu trúc của chủ thể tạo ra văn hóa. X trong hai loại không gian này chưa phải là chủ thể tạo ra văn hóa. Ở loại thứ nhất (X = địa danh), chủ thể tạo ra văn hóa là cộng đồng người sinh sống tại X (ở “không gian văn hóa TP.HCM” thì chủ thể là cộng đồng cư dân TP.HCM) - đây là loại chủ thể đơn. Ở loại thứ hai (X = nhân danh), chủ thể tạo ra văn hóa bao gồm X và cộng đồng người tiếp nhận hệ giá trị của X (ở “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thì chủ thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cư dân TP.HCM - cộng đồng cư dân tiếp nhận hệ giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh) - đây là loại chủ thể kép.

Thứ hai là sự khác biệt về quan hệ giữa không gian tồn tại của X và không gian văn hóa. Ở loại thứ nhất (X = địa danh), mà địa danh chính là tên gọi của một không gian địa lý; mà không gian địa lý thì có phạm vi khá gần với không gian văn hóa. Ở loại thứ hai (X = nhân danh), mà nhân danh X thì hầu như không có không gian địa lý riêng biệt.

Thứ ba là sự khác biệt về vai trò của các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong hai loại không gian này. Ở loại thứ nhất (X = địa danh), vai trò của các giá trị văn hóa vật thể là khá lớn (có thể chiếm tới khoảng 60-70%), phần còn lại là vai trò của các giá trị văn hóa phi vật thể. Ở loại thứ hai (X = nhân danh), vai trò chi phối mang tính quyết định đối với không gian văn hóa thuộc về các giá trị văn hóa phi vật thể (chiếm khoảng 60-70%); các giá trị văn hóa vật thể chỉ giữ vai trò phụ trợ, mang tính minh họa.

Kết quả so sánh hai loại không gian văn hóa được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Sự khác biệt của hai loại không gian văn hóa

3. Nội hàm khái niệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM

Như vậy, khái niệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh đòi hỏi phải xác định được hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh (đó là các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách... của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Còn khái niệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM đòi hỏi đồng thời với việc xác định hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, còn phải xác định cả hệ giá trị văn hóa của TP.HCM (đó là các đặc điểm riêng có của thành phố như các yếu tố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình…).

Song, điều quan trọng nhất cần lưu ý là: không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM không phải là phép cộng của hai hệ giá trị nêu trên. Việc hiểu không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM theo cách đơn giản sẽ dẫn đến hậu quả là về hình thức tưởng như mọi thứ ổn cả, đúng cả, nhưng khi triển khai trên thực tế thì sẽ rơi vào tình trạng dường như cái gì cũng có nhưng không ai thấy rõ được diện mạo của không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM.

Vậy nội hàm của khái niệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM phải hiểu như thế nào? Nói một cách đơn giản, không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM là không gian tồn tại và tác động không phải của tất cả các giá trị trong hai hệ giá trị văn hóa cộng lại, mà là của phần chung, phần giao nhau giữa hai hệ giá trị ấy; phần còn lại gồm những giá trị ̣ tuy cũng rất đặc sắc của hai hệ giá trị nhưng không nằm trong tâm điểm, không phải là điểm nhấn.

Hình 1. Hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM

Như vậy, không gian văn hóa của lãnh tụ tại một vùng lãnh thổ phải là: một không gian văn hóa thống nhất lấy các giá trị tinh thần (nói rộng hơn là phi vật thể) làm gốc; một không gian văn hóa có sự đồng nhất giữa các giá trị văn hóa của lãnh tụ giá trị văn hóa của vùng lãnh thổ; vùng lãnh thổ của không gian văn hóa đó phải là nơi thực hiện một chính sách văn hóa thống nhất, theo một quan điểm phát triển thống nhất.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM hiểu như vậy không chỉ hợp lý và có sức thuyết phục trên bình diện lý luận vì nó rõ ràng, có điểm nhấn, mà còn có hiệu quả thiết thực trên bình diện thực tế: Người dân TP.HCM sẽ hiểu được một cách đơn giản, rõ ràng và ngắn gọn nội dung của khái niệm; từ chỗ hiểu được sẽ dẫn đến hành, nhờ vậy dần dần sẽ hình thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự riêng có ở TP.HCM, khác với mọi địa phương khác trên cả nước.

Hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM, tức là phần giao nhau giữa hai hệ giá trị gồm có các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó phần trung tâm là các giá trị văn hóa phi vật thể (hay hẹp hơn là các giá trị văn hóa tinh thần), chiếm khoảng 60-70%.

Các giá tri ̣ văn hóa phi vật thể của hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM nên bao gồm những giá trị nào? Phần giá trị phi vật thể (tinh thần) giao nhau giữa hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và hệ giá trị văn hóa của TP.HCM có khá nhiều, nhưng để tạo điểm nhấn, có thể chọn bốn cặp giá trị sau đây làm những giá trị chung nổi bật:

Năng động và sáng tạo: Tính năng động là khả năng hoạt động tích cực một cách tự tin và quyết đoán; tính sáng tạo là khả năng hoạt động tạo ra cái mới hữu ích. Năng động và sáng tạo là một cặp đặc trưng luôn đi cùng với nhau. Thực tế xác nhận đây là cặp đặc trưng hàng đầu của TP.HCM. Năng động và sáng tạo cũng chính là cặp đặc trưng hàng đầu của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chính là nhờ có tính năng động và sáng tạo mà trong khi các vị tiền bối hô hào Đông du thì Nguyễn Ái Quốc đã đi sang phương Tây để tìm đường cứu nước. Sau năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề xướng hàng loạt sáng kiến như các phong trào chống giặc đói, giặc dốt, cổ vũ xây dựng “Đời sống mới”, phong trào thi đua Hai tốt... Nguyên tắc ứng xử của Bác trong mọi tình huống là: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Đi đầu và dám chấp nhận thử thách: Sau “Năng động và sáng tạo” thì “Đi đầu và dám chấp nhận thử thách” là cặp đặc trưng thứ hai luôn đi liền với nhau. Đi đầu là phải chấp nhận đối mặt với những khó khăn chưa có tiền lệ. Với tinh thần “đi đầu và dám chấp nhận thử thách” mà ngay từ trước 1945, Bác đã chủ động tìm cách liên hệ với Mỹ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh giúp Việt Nam chống Nhật và chỉ trong hơn một năm sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tám lần gửi thông điệp, thư, điện liên lạc với Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đề nghị Mỹ ủng hộ nền độc lập của Việt Nam và mong muốn hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. “Đi đầu và dám chấp nhận thử thách” cũng là cặp đặc trưng nổi bật của TP.HCM. Nhiều chủ trương lớn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều sáng kiến hữu ích xuất phát từ TP.HCM và Nam Bộ. TP.HCM là nơi làm thí điểm thị trường chứng khoán, nơi khơi mào dịch vụ tín dụng hiện đại (như ATM), khởi đầu mạng lưới siêu thị, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đi đầu trong các hoạt động khoa học và công nghệ.

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa: Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa là một trong những tư tưởng quan trọng hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng ngày 11-2-1960, Bác nói: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước… Phát triển kinh tế và văn hóa để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta” (8). Thực thi lời dạy của Bác, TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế. Sau kinh tế và cùng với kinh tế, TP.HCM đã luôn coi trọng đầu tư cho phát triển văn hóa. Hơn đâu hết, ở TP.HCM thể hiện rất rõ mối quan hệ biện chứng: Phát triển kinh tế là cơ sở và điều kiện cho phát triển văn hóa; văn hóa phát triển góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Khoan dung và nhân ái: Khoan dung là có cái nhìn rộng mở đối với những giá trị khác biệt, tôn trọng sự khác biệt. Nhân ái là thương người, yêu người. Khoan dung và nhân ái là một cặp giá trị rất nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ có lòng khoan dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích hợp được những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa Đông-Tây, học được những cái hay của tất cả các vị tiền bối như Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên… Với lòng khoan dung và nhân ái, trong kháng chiến chống Pháp, Bác từng chỉ thị cho Bộ Tài chính cấp cho mỗi binh lính và dân thường Pháp bị bắt mỗi tháng 200 đồng (trong khi mức ǎn của bộ đội ta chỉ có 150 đồng). Khoan dung và nhân ái đồng thời cũng là một cặp giá trị nổi bật của TP.HCM. Với lòng khoan dung và nhân ái, TP.HCM và Nam Bộ là nơi có truyền thống dung nạp sự đa dạng về xã hội, không kỳ thị trên dưới, sang hèn; dung nạp sự đa dạng về văn hóa, tôn trọng sự khác biệt về tôn giáo, phong tục, ngôn ngữ của mọi vùng miền; dung nạp cả những tính cách trái ngược nhau. Với lòng khoan dung và nhân ái, TP.HCM đã trở thành nơi hội tụ, thành miền đất hứa để mọi tầng lớp dân chúng từ mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp.

Bảng 2. Phần giao của Hệ giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và Hệ giá trị văn hóa TP.HCM

4. Xây dựng các giá trị văn hóa vật thể trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM

 Cho đến nay, sau hơn hai năm triển khai, ở chính quyền và các ban ngành, đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, tôn giáo…) ở các cấp quận/ huyện, phường xã, các trường học... đã xây dựng được khá nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh dưới dạng các phòng trưng bày, triển lãm… các hình ảnh, sách vở, hiện vật… về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cách thức vật thể hóa không gian văn hóa Hồ Chí Minh, là những hoạt động thể hiện tấm lòng kính yêu vô biên đối với lãnh tụ của người dân thành phố.

Trong điều kiện hạ tầng kỹ thuật thông tin rất tốt, mọi người dân đều tiếp cận với không gian mạng hằng ngày như hiện nay. Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nên lập dự án xây dựng một bảo tàng ảo, một thư viện ảo thống nhất với chất lượng cao nhất để mọi người có thể tiếp cận từ mọi nơi, vào mọi lúc. Thư viện đó cần sưu tập, đưa lên toàn bộ sách vở, phim ảnh (gồm các phim tài liệu và phim truyện) về Bác. Tất cả các bức ảnh đen trắng và phim tài liệu đen trắng cần được phục hồi dưới dạng ảnh màu, phim màu với độ phân giải cao và chất lượng chân thực nhất. Cần tổ chức viết các loại sách, làm các loại phim (phim truyện, phim hoạt hình 3D, 4D) và các loại hình nghệ thuật khác về Bác (với các kỹ thuật truyền thống và hiện đại) theo các chủ đề giá trị của không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM.

5. Kết luận

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ đề rất mới, cần được nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn. Chúng tôi đã trình bày về “không gian văn hóa” như một khái niệm nền tảng để trên cơ sở đó phác thảo những nét chính về lý luận không gian văn hóa của lãnh tụ và không gian văn hóa của lãnh tụ ở một vùng lãnh thổ. Từ đó áp dụng vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TP.HCM.

Chúng tôi định nghĩa không gian văn hóa của một chủ thể là nơi tồn tại và tác động của một hệ thống giá trị do chủ thể đó sáng tạo và tích lũy trong thời gian tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Không gian văn hóa của lãnh tụ ở một vùng lãnh thổ phải là: Một không gian văn hóa thống nhất lấy các giá trị tinh thần (nói rộng hơn là phi vật thể) làm gốc; có sự đồng nhất giữa các giá trị văn hóa của lãnh tụ và giá trị văn hóa của vùng lãnh thổ; vùng lãnh thổ của không gian văn hóa đó phải là nơi thực hiện một chính sách văn hóa thống nhất, theo một quan niệm phát triển thống nhất.

Áp dụng vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM, có thể chọn ra bốn cặp giá trị phi vật thể chung nổi bật: Năng động và sáng tạo; Đi đầu và dám chấp nhận thử thách; Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa; Khoan dung và nhân ái. Trong quá trình vật thể hóa, không gian văn hóa Hồ Chí Minh không nên xem là một phép cộng các phòng trưng bày, triển lãm… của các ban ngành, đoàn thể ở các địa phương. Nên có phương án xây dựng một bảo tàng ảo, một thư viện ảo thống nhất với chất lượng cao nhất để mọi người đều có thể tiếp cận từ mọi nơi, vào mọi lúc.

______________

1. Vân Tâm, Tìm hiểu về không gian văn hóa và không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hcmcpv.org.vn, 15-2-2021.

2. Dương Đông, Tìm hiểu vài khía cạnh về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hcmcpv.org.vn, 8-3-2022.

3. Condominas G., (Ngọc Hà, Thanh Hằng dịch), Không gian xã hội vùng Đông Nam Á (L’Espace social À propos de l’Asie du Sud-Est), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.16.

4. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 37.

5. Đặng Hoàng Giang, Từ không gian văn hóa đến không gian văn hóa tộc người, Tạp chí Văn hóa học, số 3, 2015, tr.18-19.

6. Зинков Е.Г., Генезис культурного пространства России (Cội nguồn của không gian văn hóa Nga), Matxcơva, РАП, 2008, tr.32.

7. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 1996, tr.27.

8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.470.

GS, TS TRẦN NGỌC THÊM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;