Đa dạng hoạt động văn hóa của các thiết chế văn hóa

Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Nhà nước ta đã đề ra mục tiêu chung là: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

Việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được nêu ra: bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng thông qua các trung tâm văn hóa nghệ thuật cùng với các thiết chế văn hóa khác nhau như bảo tàng, thư viện…

1. Các khái niệm liên quan

Thiết chế văn hóa là cơ quan hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực văn hóa hay còn gọi là cơ quan sự nghiệp văn hóa, thuộc các sở hữu khác nhau, hoạt động theo chuyên môn hẹp hoặc đa năng, có thể theo cấp bậc.

Để trở thành một thiết chế văn hóa, mỗi tổ chức ít nhất phải có 4 yếu tố: mục tiêu hoạt động văn hóa; có một bộ máy nhân sự được tổ chức thành hệ thống; có thể chế (luật, lệ) để vận hành; có trụ sở và các thiết bị chuyên dùng, gọi chung là cơ sở vật chất để tồn tại và hoạt động lâu dài. Mạng lưới thiết chế văn hóa hiện tại của đất nước, phải đảm đương một số nhiệm vụ như sau:

Tổ chức các hoạt động sản xuất (sáng tạo) trong lĩnh vực văn hóa (bao gồm cả việc nghiên cứu khoa học), tạo ra những sản phẩm văn hóa, công trình nghệ thuật, phát minh khoa học làm giàu thêm cho cuộc sống con người; tổ chức sưu tầm và bảo quản vốn di sản văn hóa dân tộc cũng như của nhân loại; nâng cao trình độ dân trí cho người dân, để có thể tiếp cận thuận lợi với những thành tựu mới nhất trong cách mạng khoa học và công nghệ; tổ chức tốt đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, tạo nên tâm lý vui tươi trong lao động xây dựng đất nước, bảo đảm định hướng tư tưởng đúng đắn của Đảng trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội.

Trung tâm văn hóa (nhà văn hóa) công lập

Chức năng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương; thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công và phục vụ quản lý của Nhà nước.

Nhiệm vụ, quyền hạn về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công: cung cấp dịch vụ sự nghiệp cơ bản, thiết yếu; tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng, tuyên truyền lưu động; cổ động trực quan phục vụ nhiệm vụ chính trị; các dịch vụ sự nghiệp công khác được cấp có thẩm quyền ban hành; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa. Tổ chức các dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền, triển lãm, quảng cáo, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí theo quy định của pháp luật; hợp tác, giao lưu trao đổi nghiệp vụ với các đơn vị có liên quan trong nước và quốc tế.

Các trung tâm văn hóa cấp tỉnh có thể thực hiện bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn sau: phục vụ các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật, biểu diễn; các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực điện ảnh (nếu trung tâm văn hóa sáp nhập với các cơ sở điện ảnh của Nhà nước). Hợp tác, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực điện ảnh, phát hành, phổ biến phim và các hoạt động dịch vụ giải trí điện ảnh, tổ chức tuyên truyền, chiếu phim phục vụ các sự kiện, nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần về lĩnh vực điện ảnh cho nhân dân; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, thẩm định việc thực hiện các quy định về kinh doanh, chất lượng nội dung đĩa hình, phim, xuất bản phẩm và các hoạt động chiếu phim lưu động tại rạp; sản xuất, phát hành và phổ biến băng đĩa phim, phóng sự, tài liệu, video, clip, dịch và lồng tiếng, thuyết minh phim dân tộc, các thể loại khác thuộc lĩnh vực điện ảnh; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các tuần phim, đợt phim kỷ niệm các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; tham gia tổ chức sự kiện điện ảnh quốc tế tại địa phương. Các dịch vụ sự nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (nếu các trung tâm văn hóa được sáp nhập với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nhà nước). Tổ chức sáng tác, dàn dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế do Bộ VHTTDL tổ chức. Các Trung tâm văn hóa thuộc các đoàn thể bộ, ngành khác của cộng đồng… hoạt động theo quy định chung của pháp luật.

Bảo tàng

Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng. Theo Luật Di sản văn hóa thì hệ thống bảo tàng ở Việt Nam hiện nay gồm bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập. Hệ thống bảo tàng công lập gồm có: Bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành thuộc bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, bảo tàng cấp tỉnh. Bảo tàng ngoài công lập do tổ chức, cá nhân thành lập và tổ chức hoạt động khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật. Bảo tàng có các nhiệm vụ sau: sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật; nghiên cứu khoa học phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của bảo tàng; quản lý cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật; thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Bảo tàng Quảng Ninh địa điểm tham quan thu hút du khách - Nguồn: halongcity.gov.vn

Thư viện

Thư viện là thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục khoa học thực hiện việc xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, cung cấp tài nguyên thông tin phục vụ nhu cầu của người sử dụng. Chức năng nhiệm vụ của thư viện: xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện; tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin dịch vụ thư viện; truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí; góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người sử dụng thư viện; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hóa thư viện; phát triển văn hóa đọc và góp phần tạo môi trường học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Các thư viện tư nhân, thư viện của nước ngoài ở Việt Nam hoạt động theo Luật Thư viện (2019).

2. Thực trạng các thiết chế văn hóa

Trong bài Tạo đột phá trong phát triển văn hóa (1), tác giả Phong Điệp viết: Quan tâm chăm lo, bồi đắp đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu của người dân trong hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa là cách thiết thực để văn hóa phát huy vai trò trong đời sống và thật sự trở thành “sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc”. Để làm được điều này, phải cần sự đột phá trong phát triển văn hóa, chú trọng xây dựng những thiết chế văn hóa đồng bộ hiện đại góp phần tạo dựng đời sống văn hóa phong phú lành mạnh của cộng đồng ở mọi vùng miền trên cả nước, đồng thời nâng tầm thương hiệu quốc gia bằng văn hóa. Theo những số liệu thống kê, trong số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước hiện có 44 địa phương không có nhà hát, rạp chiếu phim. Rõ ràng, nhu cầu hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân là cần thiết và chính đáng. Bởi nếu không có nhà hát, rạp chiếu phim, khán giả biết thưởng thức các tác phẩm điện ảnh, sân khấu ở đâu?

Xã hội hóa các thiết chế văn hóa rất cần thiết nhưng cũng không thể phó mặc, nới lỏng việc mở rộng hệ thống rạp phim, nhà hát cho tư nhân. Bởi bên cạnh các hoạt động mang tính giải trí, dịch vụ thì các thiết chế văn hóa này còn có chức năng thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền và giáo dục. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTG ngày 12-11-2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và một trong những mục tiêu được đề ra là: “Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Hiện nay, một số địa phương quá chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ văn hóa. Nhiều trung tâm thương mại được xây dựng nhưng thiếu vắng điểm sinh hoạt cộng đồng, thiếu hệ thống rạp phim, nhà hát… không đáp ứng nhu cầu của người dân. Có nơi, một số rạp, nhà hát bị xóa sổ, thu hồi đất, thay đổi công năng; trên đất bị thu hồi mọc lên những tổ hợp thương mại giải trí. Qua khảo sát các thiết chế văn hóa tại một số địa phương (Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Nam Định, Quảng Ngãi…), chúng tôi thấy, không ít các thiết chế văn hóa hoạt động đơn điệu, thụ động, chỉ thực hiện một số nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động trong các dịp lễ, sự kiện lớn của đất nước, của địa phương. Nhiều thiết chế văn hóa (chủ yếu là các nhà văn hóa) chưa được khai thác một cách hiệu quả.

3. Đa dạng hóa các hoạt động văn hóa tại các thiết chế văn hóa

Tại sao phải đa dạng hóa?

Nhu cầu thưởng thức văn hóa và nhu cầu giải trí của người dân ngày một tăng lên. Chính nhu cầu này của người dân là một điều kiện thuận lợi để các thiết chế văn hóa có thể mở rộng cánh cổng của mình chào khán, thính giả, khách tham quan, bạn đọc... Nhưng đó cũng là một thách thức lớn vì người ta phải lựa chọn nên đi đâu, xem gì với quỹ thời gian rất eo hẹp của mỗi người.

Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, các thiết chế văn hóa chưa phải nghĩ nhiều đến việc “tự nuôi sống mình”. Sự bao cấp đã dẫn đến tình trạng trì trệ của các thiết chế văn hóa, làm mất đi tính năng động trong các hoạt động của các thiết chế này. Giờ đây, các thiết chế văn hóa không còn đứng ngoài quy luật kinh tế thị trường nữa. Thiết chế văn hóa không thể coi nhẹ đối tượng phục vụ, mà phải vận động và tìm cách thu hút công chúng đến với các thiết chế văn hóa vì chính họ mang lại nguồn thu quan trọng cho các thiết chế văn hóa (nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng) và nhu cầu chủ quan của thiết chế văn hóa (nhu cầu nâng cao nguồn thu để nuôi dưỡng các hoạt động nghiệp vụ) mà các thiết chế văn hóa phải đa dạng hóa các hoạt động của mình với chất lượng cao.

Công chúng giữ vai trò sống còn đối với các thiết chế văn hóa nên việc tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan, khán thính giả, bạn đọc… giờ đây không hề dễ dãi chấp nhận bất cứ “món ăn” nào mà thiết chế văn hóa cung cấp, mà họ có sự lựa chọn cho mình.

4. Giải pháp đa dạng hóa hoạt động

Một là, liên kết các thiết chế văn hóa trong cùng địa bàn hoặc địa phương hoặc theo ngành, để tạo ra sức mạnh của sự hợp tác, bổ sung cho nhau những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu để thiết chế văn hóa hoạt động mạnh mẽ, làm tăng tính đa dạng mà mỗi thiết chế có thế mạnh.

Hai là, các thiết chế văn hóa cần áp dụng mô hình hiện đại đối với các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng hoạt đông quản lý thì như doanh nghiệp, trong đó có sự vận dụng những nguyên tắc tự đánh giá, bằng cách các nhà quản lý trả lời các câu hỏi sau đây: Sứ mạng của chúng ta là gì?; Khách hàng của chúng ta là ai?; Kết quả của chúng ta là gì?; Kế hoạch của chúng ta là gì?

Tự đánh giá dẫn đến hành động và không còn ý nghĩa nếu không được hành động. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển và thành công trong một môi trường thường xuyên thay đổi và đòi hỏi cao của công chúng, các thiết chế phải tập trung vào sứ mạng, thể hiện trách nhiệm và đạt được những thành quả.

Ba là, ứng dụng marketing hỗn hợp trong quản lý thiết chế văn hóa. Marketing hỗn hợp hay còn gọi là chiến lược chung marketing. Ở cấp cao nhất của thiết chế văn hóa hình thành chiến lược này, thông qua các chính sách sản phẩm, giá cả, phân phối và giao tiếp được hình thành một cách chi tiết. Từ những chính sách này hình thành nên những quyết định chiến lược được đưa ra hằng ngày. Nội dung của các chính sách này là:

Chính sách sản phẩm: đó là việc xác định chất lượng, đặc điểm, sự lựa chọn, kiểu, mác, bao bì, kích cỡ, dịch vụ bảo hành đối với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Chính sách giá cả: là việc quy định vùng hoặc biên độ của giá từng hàng hóa, các điều kiện bán và chính sách cước phí của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Chính sách phân phối và bán hàng: việc lựa chọn chu trình và các lệnh chi phối, xác định quan hệ với cấp trung gian về phương thức trả công, tuyển chọn, đào tạo, kiểm tra người bán của thiết chế văn hóa.

Chính sách giao tiếp và khuếch trương: là việc lựa chọn các phương tiện chủ yếu dành để thông tin và gây ảnh hưởng đến khách hàng của thiết chế văn hóa. Đặc biệt là việc quy định ngân sách giao tiếp và khuếch trương, lựa chọn các phương tiện thông tin và yểm trợ, quảng cáo, lựa chọn các chủ đề quảng cáo… cho các sản phẩm, dịch vụ của các thiết chế văn hóa.

Bằng các cách đó thiết chế văn hóa (bảo tàng, trung tâm văn hóa, thư viện…) mới đa dạng hóa được hoạt động, sản phẩm và dịch vụ văn hóa do mình cung cấp cho xã hội.

____________________

1. Phong Điệp, Tạo đột phá trong phát triển văn hóa, nhandan.vn, 13-9-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Peter F.Drucher và những người khác, Năm câu hỏi quan trọng nhất đối với mọi tổ chức, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2010.

2. Nhiều tác giả, Ứng dụng marketing trong quản lý văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004.

PGS, TS PHAN VĂN TÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;