Thiết chế văn hóa cơ sở trong xây dựng đời sống văn hóa ở Việt Nam hiện nay

Thiết chế văn hóa (TCVH) đã và đang đồng hành với đời sống hằng ngày của nhân dân, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... của đất nước. Quản lý các TCVH và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao… là nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về văn hóa, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc sử dụng các TCVH hiện nay đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên công tác quản lý các TCVH ở cơ sở vẫn còn một số tồn tại. Nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của TCVH trong xây dựng đời sống văn hóa là nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân và chính quyền các cấp trong giai đoạn hiện nay

Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa - thể thao trong xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương -  Nguồn: hcmcpv.org.vn

1. Vai trò của TCVH

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, “Thiết chế văn hóa là chỉnh thể văn hóa hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức, nhân sự, quy chế hoạt động, nguồn kinh phí; chỉ riêng ngôi nhà hoặc công trình văn hóa chưa đủ để gọi là thiết chế văn hóa” (1). Như vậy, hệ thống các TCVH giữ vai trò chuyển tải các giá trị văn hóa đến mỗi người trong xã hội, là điều kiện vật chất đảm bảo cho các hoạt động văn hóa được diễn ra.

Trong thời gian gần đây, vấn đề quản lý, sử dụng và phát huy vai trò các TCVH đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa” (2). Chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng nông thôn mới (trong đó có TCVH) được thể hiện qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, thông tư như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) Về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 khóa X (2008) Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Qua một số nghị quyết, chỉ thị, quyết định, có thể thấy vai trò và nhiệm vụ đặc biệt của TCVH cơ sở với phát triển văn hóa, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, góp phần nâng cao vai trò của TCVH cũng chính là một nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng đời sống văn hóa.

TCVH ở làng, thôn, bản, ấp… là một bộ phận nằm trong hệ thống TCVH nói chung. Việc xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa ở các thiết chế này là nội dung cơ bản trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Hệ thống TCVH được xây dựng nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa tại địa phương. Những năm qua, TCVH đã phát huy được vai trò tích cực của mình trong xây dựng đời sống văn hóa mới. Trước tiên, với tính chất là nơi sinh hoạt cộng đồng và diễn ra những sự kiện lớn của địa phương, TCVH đóng vai trò như trung tâm chính trị - hành chính, duy trì sự thống nhất, ổn định trong bộ máy quản lý của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Hệ thống TCVH đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nó còn có chức năng tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống lành mạnh, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, đẩy lùi tệ nạn xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng. Việc tổ chức tốt đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư, bảo đảm đúng định hướng tư tưởng của Đảng trong các hoạt động văn hóa.

Bên cạnh đó, TCVH không chỉ là nơi người dân hưởng thụ các giá trị văn hóa mà còn là nơi kích thích, ươm mầm cho những ý tưởng, khát vọng sáng tạo; nơi trao truyền, quảng bá, lan tỏa những sản phẩm văn hóa; nơi người dân trình diễn, sinh hoạt nghệ thuật dân gian. Chính sức hấp dẫn của các TCVH đã huy động được tinh thần đoàn kết của nhân dân, giúp họ thêm yêu quý và gắn bó với quê hương đất nước. Hệ thống TCVH còn có chức năng giáo dục thẩm mỹ, hình thành nhân cách con người mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. TCVH làm tốt chức năng của mình sẽ cung cấp cho xã hội những sản phẩm văn hóa nghệ thuật có chất lượng cao và nó cũng chính là chiếc cầu nối giữa người thực hành nghệ thuật, nghệ sĩ sáng tạo, công chúng thưởng thức nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi diễn ra quá trình chuyển tải các giá trị văn hóa truyền thống tới cộng đồng.

2. Thực trạng công tác quản lý các TCVH ở nước ta hiện nay

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hóa đi đôi với đổi mới nội dung, phương thức quản lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao trong lĩnh vực văn hóa. Đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả” (3).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chung tay góp sức của nhân dân cùng chính quyền các cấp, trong những năm qua, các địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển các TCVH, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, rèn luyện sức khỏe của nhân dân.

Về cơ bản, hệ thống TCVH, thể thao ở một số địa phương được củng cố phát triển đồng bộ, khai thác có hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của nhân dân; đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao giữa các vùng, miền và khu vực trong cả nước, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tại Hội nghị Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở do Bộ VHTTDL tổ chức năm 2020 đã đặt ra các vấn đề cần giải quyết: tiếp tục triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống TCVH, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020 tầm nhìn 2030. Nghiên cứu các nội dung hoạt động và đa dạng hơn nữa để thu hút mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Đặc biệt là việc khai thác các TCVH truyền thống để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở như: giáo dục, sưu tầm, truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống… Khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phù hợp với điều kiện kinh tế, nhu cầu, thị hiếu của người dân cũng như nâng cao hoạt động của các TCVH ở cơ sở.

“Hiện nay, trên cả nước có 67 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 683 quận, huyện có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 91,3%; 7.194 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, đạt tỷ lệ 73,2%; 75.327 làng, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 74,4%. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, hệ thống trung tâm văn hóa các cấp đã phát huy vai trò tiên phong trong triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các công trình thể dục thể thao cũng từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, kiến trúc hiện đại được đầu tư xây dựng... Tuy nhiên, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hiện vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý là thực trạng nhiều địa phương chưa quan tâm thực hiện quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, thậm chí có nơi dùng quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích khác. Nhiều thiết chế trung tâm văn hóa ở các tỉnh đã xuống cấp, có nơi chỉ có trụ sở làm việc, có nơi không có trụ sở độc lập, phải hoạt động chung trong các thiết chế khác” (4).

Bên cạnh đó, việc sử dụng các TCVH cơ sở ở nước ta còn tồn tại một số hạn chế và bất cập:

Một là, tình trạng các TCVH hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí cho Nhà nước. Nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa không hoạt động hoặc hoạt động sai chức năng, không phát huy được vai trò của nơi sinh hoạt cộng đồng với những hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao bổ ích. Trang thiết bị hoạt động đã cũ, không được đầu tư mới. Không đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền cũng như phục vụ chính trị, sự kiện lớn. Một số TCVH ở cấp xã, thôn được đầu tư xây dựng mới nhưng do thiếu kinh phí hoạt động nên hoạt động cầm chừng gây lãng phí…

Hai là, trình độ của cán bộ quản lý, người làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong các TCVH nhìn chung còn hạn chế, nhiều nơi ở vùng sâu vùng xa còn thiếu và yếu. Đối với nhân lực ở cấp thôn, làng, bản, ấp gần như 100% là cán bộ kiêm nhiệm, họ hầu như không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, thậm chí chưa được tập huấn qua các lớp ngắn hạn. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ này ở mức thấp so với mặt bằng chung của xã hội.

Ba là, nội dung hoạt động và phương thức quản lý, vận hành của các TCVH không bắt kịp đòi hỏi cao và luôn thay đổi của công chúng. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ 4.0 đã tạo ra rào cản lớn trong các hoạt động của TCVH. Sự phát triển của internet kéo theo tình trạng người dân không mặn mà tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao ở các TCVH.

Bốn là, nguồn ngân sách hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước và địa phương. Các hoạt động tại một số thiết chế còn đơn điệu, chủ yếu là hội họp, chưa thu hút được quần chúng nhân dân tham gia. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có tới 34% nhà văn hóa chỉ tổ chức hoạt động 1 lần/ tháng (5).

3. Một số giải pháp phát triển hệ thống TCVH trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống TCVH phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như:

Trước tiên là vấn đề đầu tư kinh phí xây dựng và tổ chức hoạt động của các TCVH. Trong đó, có sự đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho các hoạt động thường xuyên, tu sửa các TCVH phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải chạy theo thành tích, ảnh hưởng đến hoạt động của các TCVH. Trong xây dựng các TCVH phải ưu tiên công năng, kiến trúc phù hợp với đặc trưng văn hóa vùng, miền, dân tộc.

Thứ hai, quy hoạch, đào tạo và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ. Có chính sách đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ trong các TCVH cơ sở. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng chuyên ngành văn hóa ở các cơ sở đào tạo. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học trong các cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới chính sách thu hút cán bộ văn hóa đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở, tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền vận động của ngành VHTTDL; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống TCVH cơ sở... Xây dựng cơ chế để các TCVH thường xuyên kiểm tra, phối hợp với nhau, đồng thời có chính sách tạo điều kiện và hướng dẫn hoạt động của các thành viên trong đơn vị hướng đến mục tiêu chung. Kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch, tiêu cực, có biện pháp giải quyết phù hợp. Đồng thời có hình thức khen thưởng, kỷ luật thích đáng đối với hành vi chống đối, gây mất đoàn kết nội bộ và không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, ổn định chính trị, an sinh xã hội. Các cấp chính quyền cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức quản lý các TCVH, phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng đối với sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa.

Thứ năm, trong công tác quản lý, vận hành các TCVH, cần thường xuyên học hỏi, tiếp thu những kinh nghiệm, mô hình hoạt động có hiệu quả từ các địa phương. Từ đó xây dựng những mô hình điển hình tiên tiến, các địa phương có thể tham khảo, lựa chọn những mô hình phù hợp với đặc điểm dân cư và xã hội của địa phương mình, để các TCVH nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, phát huy hết vai trò tích cực của nó trong sự nghiệp phát triển văn hóa chung của cả nước...

4. Kết luận

Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở cơ sở là hết sức quan trọng. Hạ tầng mạng lưới viễn thông, internet đã vươn tới các thôn bản, vùng sâu vùng xa. Văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, trong TCVH nói riêng. Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Nhiều luật quan trọng liên quan đến văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật khác góp phần hoàn thiện thể chế văn hóa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Nhiều chiến lược phát triển văn hóa đã được phê duyệt, làm căn cứ để triển khai các hoạt động văn hóa trong thực tiễn. Việc nhận thức, đổi mới và nâng cao vai trò của TCVH sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả của xây dựng đời sống văn hóa, góp phần vào sự phát triển văn hóa và sự phát triển chung của đất nước.

______________________

 1. Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.28.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.257.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.146-147.

4. Phương Anh, Nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa: Lấp đầy những khoảng trống, baovanhoa.vn, 19-6-2020.

5. Nguyễn Thanh, Hoạt động tại các thiết chế văn hóa: Được và chưa được, hanoimoi.com.vn, 23-6-2019.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Minh Chính, Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở: Thực trạng và giải pháp phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 524, 2-2023.

2. Cục Văn hóa cơ sở, Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Đề xuất định hướng và giải pháp thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020, 2019.

3. Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý thiết chế văn hóa ở nước ta hiện nay, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông, 8-2021.

Ths ĐINH VĂN HIỂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;