Đề cương về văn hóa Việt Nam và hệ nguyên tắc vận động, xây dựng, phát triển văn hóa ở nước ta

Đến nay, đã tròn 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, đi vào thực tiễn cách mạng và phát huy tác dụng rộng lớn, sâu sắc trong đời sống văn hóa của dân tộc. Những quan điểm, luận chứng, ý kiến được nêu lên trong Đề cương về văn hóa Việt Nam với khá nhiều nội dung bao quát, trong đó có nhiều vấn đề, đến nay, vẫn còn giữ nguyên giá trị cũng như tính thời sự của nó, chẳng hạn: phạm vi của vấn đề văn hóa bao gồm cả tư tưởng học thuật và nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; quan niệm của người cộng sản về vấn đề văn hóa; tính chất xã hội chủ nghĩa của nền văn hóa; nguyên tắc vận động văn hóa; nhiệm vụ của các nhà hoạt động văn hóa... góp phần giúp chúng ta nhận dạng và thúc đẩy việc xây dựng, phát triển văn hóa theo hướng bền vững; gia tăng sức mạnh hội nhập của văn hóa Việt Nam với văn hóa nhân loại.

Một cuộc họp của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

1. Nhìn sơ quát hành trình lý luận và thực tiễn văn hóa, văn nghệ cách mạng, có thể thấy, trong suốt chặng đường dài đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều quan điểm, đường lối, chủ trương, giải pháp đúng đắn và cụ thể về văn hóa, tạo động lực to lớn cho cả dân tộc vừa kháng chiến kiến quốc, vừa xây dựng đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Ngay từ những năm 1930 của TK XX, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương (1930), Đảng ta đã sớm đề ra những định hướng và nhiệm vụ quan trọng về xây dựng văn hóa trong đời sống thực tiễn như mở trường học, làm báo, vận động đọc sách, báo cách mạng... để thức tỉnh lòng yêu nước, mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài và xây dựng xã hội. Đến Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), hệ nguyên tắc vận động và thực hành văn hóa (gồm ba nội hàm: dân tộc, đại chúng, khoa học) đã được chú trọng, khẳng định như là một phương châm xây dựng, phát triển văn hóa và bản thân văn hóa được nâng tầm như một mặt trận trong ba mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. Năm 1948, về mặt lý luận, tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, với việc đề ra những nội dung về quan hệ văn hóa và xã hội, về lập trường văn hóa mác-xít, văn hóa dân tộc, văn hóa dân chủ mới, mặt trận văn hóa thống nhất, về một số vấn đề cụ thể trong lý luận, phê bình văn học nghệ thuật... đã khẳng định một cách toàn diện quan điểm văn hóa mác-xít nhằm xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam gồm cả ba tính chất dân tộc, đại chúng, khoa học; về mặt thực tiễn, tác phẩm Đời sống mới của Tân Sinh (Hồ Chí Minh) đã đề cao và kêu gọi thực hành xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống mới trong quảng đại quần chúng nhân dân... Sau đó, trong từng thời kỳ, các quan điểm về việc tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó có cách mạng tư tưởng văn hóa; phát triển nền văn hóa mang nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc; xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội; xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa là một trong ba chân kiềng quan trọng của phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học... đã được Đảng ta đề xướng, triển khai và ngày càng có ý nghĩa động lực cho sự phát triển đời sống xã hội. Như vậy, có thể thấy, cả trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn, cả trong đường lối của Đảng lẫn trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, vấn đề xây dựng thể chế văn hóa, hoàn thiện chính sách văn hóa, phát triển văn hóa, con người theo hướng bền vững ngày càng được quan tâm đặc biệt, ngày càng được đánh giá cao hơn trong vai trò là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước trước đây và trong giai đoạn hội nhập toàn diện hiện nay.

2. Trong hành trình lý luận và thực tiễn văn hóa, văn nghệ cách mạng ấy, nổi lên vai trò cương lĩnh, dẫn dắt, nền tảng của văn kiện Đề cương về văn hóa Việt Nam. Có thể nói, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thực sự trang bị một vũ khí tư tưởng sắc bén cho các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa; đã đặt nền móng cho việc hình thành đường lối phát triển văn hóa ở nước ta. Ba nguyên tắc vận động văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam có thể được coi là động lực và định hướng cho việc xây dựng, phát triển nền văn hóa mới ở Việt Nam từ đó đến nay. Trên cơ sở khẳng định phạm vi khái niệm văn hóa; tính chất, mục tiêu và nhiệm vụ của cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta trong bối cảnh thực tiễn lịch sử, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề ra hệ nguyên tắc vận động văn hóa gồm ba nguyên tắc lớn, cốt lõi, cơ bản nhằm bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng văn hóa ở nước ta. Đó là dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); khoa học hóa (chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ) (1). Khi cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc đang trở thành vấn đề cấp thiết số một thì nguyên tắc dân tộc hóa là “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập”, là đưa văn hóa trở về với đại chúng, là vì đại chúng, phục vụ đại chúng chứ không thể vì một đối tượng nào khác. Đây thực sự là một sự thay đổi tận gốc, là cuộc cách mạng chứ không phải là một xu hướng cải cách mang tính cải lương. Nêu phương châm dân tộc hóa lên đầu tiên, gắn nó với cuộc cách mạng giành độc lập cho đất nước như là nhiệm vụ hàng đầu của văn hóa chính là đưa văn hóa áp sát đời sống, làm cho nó hữu ích, thiết thực với quảng đại quần chúng. Khoa học hóa văn hóa giai đoạn này chính là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”, mà thực chất là chống lại tư tưởng Đại Đông Á của Nhật, tư tưởng nô dịch và những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân. Đại chúng hóa là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng” (2). Có thể khẳng định đây là hệ nguyên tắc hết sức quan trọng trong quá trình vận động văn hóa, tạo cơ sở, động lực cho hoạt động văn hóa, khiến hình thành và phát triển đời sống văn hóa mới ở nước ta khi đó và những năm sau này. Một điều cần nhấn mạnh, sở dĩ Đề cương về văn hóa Việt Nam tách riêng và nhấn mạnh từng nguyên tắc là bởi nhu cầu khẳng định tầm quan trọng của từng nguyên tắc trong tổng thể chung của một hệ nguyên tắc nhất quán. Thực chất, cả trong lý luận và thực tiễn, ba nguyên tắc này thống nhất hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động và chi phối lẫn nhau. Nếu chỉ nhấn mạnh dân tộc hóa, tức là làm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập, mà coi nhẹ tính khoa học, tính đại chúng thì rất dễ dẫn tới bảo thủ, lạc hậu, cực đoan, khó hòa nhập được với quốc tế. Nhưng nếu chỉ chú ý tới khoa học hóa, bỏ quên tính dân tộc, tính đại chúng thì nền văn hóa sẽ đánh mất cá tính, phong vị, bản sắc dân tộc, trở nên xa lạ với nhân dân... Về mối quan hệ thống nhất và tác động lẫn nhau giữa ba nguyên tắc vận động văn hóa, đồng chí Trường Chinh, từ những năm 1980 TK XX cũng đã có những phân tích khá sáng rõ: “Một nền văn hóa dân tộc mà không có tính khoa học và nhân dân thì rất có thể vì quyền lợi ích kỷ và hẹp hòi của dân tộc mình mà đi ngược lại bước đường tiến hóa của lịch sử, cố níu kéo những cái cổ truyền đã lỗi thời của dân tộc mình mà không đặc biệt chú ý đến những nguyện vọng tha thiết của công nông là số đông người cần cù và yêu nước nhất trong dân tộc. Văn hóa có tính nhân dân mà không có tính dân tộc và khoa học thì sẽ trở nên hẹp hòi, chỉ nhìn thấy lợi ích công nông mà không chú ý lợi ích chung cả dân tộc, hoặc theo đuôi quần chúng” (3). Do vậy, việc thực hành ba nguyên tắc vận động văn hóa càng nhuần nhuyễn, thống nhất, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử bao nhiêu thì hiệu quả vận động văn hóa, hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa mới càng to lớn và thiết thực bấy nhiêu.

3. Như vậy, những quan điểm được thể hiện qua hệ nguyên tắc trên, có thể thấy rằng ngay từ rất sớm, Đảng ta đã định hướng rất đúng đắn đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa ở nước ta. Đó là nền văn hóa dân tộc; nền văn hóa khoa học, tiến bộ; nền văn hóa của quảng đại quần chúng nhân dân. Những nội dung này, qua từng chặng đường cách mạng, từng bước được vận dụng, kế thừa, bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn cách mạng, thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Có thể khẳng định rằng, sự bổ sung, phát triển ấy vẫn cơ bản dựa trên sự kế thừa những cốt lõi, hạt nhân, bản chất vấn đề văn hóa đã được khẳng định trong Đề cương về văn hóa Việt Nam. “Nếu coi Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 như là cương lĩnh thứ nhất của Đảng về văn hóa thì Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như những cương lĩnh mới về văn hóa của Đảng thì không thể không nhận thấy những tiếp nối, phát triển nhiều luận điểm quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943. Mặc dù đã trải qua chặng đường 80 năm, dù thực tế đã thay đổi và nội dung, tính chất, nhiệm vụ, phương thức tổ chức, xây dựng một nền văn hóa mới của văn hóa Việt Nam thời hội nhập đã khác nhưng những định hướng cơ bản về tư tưởng, nội dung và những nguyên tắc của nền văn hóa mới vẫn còn mang ý nghĩa lớn với chúng ta” (4). Trong 80 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, nền văn hóa mới Việt Nam đã đạt được những thành tựu không nhỏ. Văn hóa ngày càng in đậm, thấm sâu vào từng thiết chế xã hội, từng cộng đồng, gia đình, cá nhân, tạo nên một đời sống văn hóa cao đẹp, lành mạnh. Sự phát triển đó chắc chắn có phần mở hướng, tác động và đóng góp không nhỏ của Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, ba nguyên tắc, mà sự gắn quyện, thống nhất của nó được coi như phương châm hoạt động văn hóa, dân tộc - khoa học - đại chúng đã được thực tiễn hóa thành những nội dung hoạt động văn hóa đa dạng, hình thành một mặt trận văn hóa rộng lớn và tiếp tục được mở rộng trong quá trình phát triển văn hóa phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước hiện nay. Có thể coi Đề cương về văn hóa Việt Nam là một văn kiện lớn; hệ nguyên tắc dân tộc - khoa học - đại chúng trong xây dựng, phát triển văn hóa là quan điểm văn hóa lớn của Đảng, đặt nền móng và mở đường cho những bước phát triển mới của nền văn hóa Việt Nam những năm sau này. Sự thống nhất biện chứng giữa ba nguyên tắc được đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là phương châm định hướng cho mọi hoạt động văn hóa, là điều kiện để thực hiện thắng lợi cuộc vận động văn hóa, cuộc cách mạng văn hóa không chỉ trong giai đoạn lịch sử khi đó mà còn cả trong những bước chuyển của văn hóa, đời sống văn hóa sau này. Phương châm ấy ngày càng được phân tích, đánh giá, kế thừa, phát triển phù hợp với từng giai đoạn cách mạng mới, tạo nên những hiệu quả và thành tựu mới.

4. Như vậy, từ hệ nguyên tắc, đồng thời cũng là phương châm dân tộc, đại chúng, khoa học trong vận động và thực hành văn hóa, qua mô hình xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc; nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc đến định hình đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam... là một quá trình kế thừa, phát triển biện chứng, khẳng định tính đúng đắn của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong 80 năm qua. Trong những vấn đề này, cần nhấn mạnh đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Nghị quyết số 03) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nội dung của hai nghị quyết này thực sự thể hiện tầm cao mới về nhận thức đối với các vấn đề văn hóa và về phương pháp lãnh đạo văn hóa trong bối cảnh mới. Ngoài việc nhận thức rộng về khái niệm văn hóa, hai Nghị quyết này đã đề ra quan điểm lớn để xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới; tiếp tục khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất, toàn dân với hai đặc trưng cơ bản: tiên tiến, và đậm đà bản sắc dân tộc. Không gì khác hơn, nền văn hóa tiên tiến phải gắn với nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, phải có cái độc đáo, cái riêng, cái bản thể truyền thống, tâm hồn, tính cách, lối sống, phong tục... của người dân Việt Nam, những biểu hiện văn hóa có nguồn gốc lâu đời sâu xa, bền vững trong truyền thống lịch sử và đời sống văn hóa dân tộc… Như vậy, có thể tìm thấy trong các đặc trưng tiên tiếnđậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa hiện nay những yếu tố dân tộc, đại chúng, khoa học đã được Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện như là những nguyên tắc sống còn của sự vận động văn hóa. Có điều, những yếu tố đó đã được mở rộng hơn, nâng cao thêm, được nhìn nhận dưới những chất lượng mới phù hợp với sự phát triển của dân tộc và nhân loại trong bối cảnh mới. Và, cũng có thể thấy rằng, những nội dung được khởi thảo vắn tắt trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó có ba nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, đã tạo nên một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện đường lối văn hóa của Đảng, thúc đẩy sự vận động và phát triển của nền văn hóa, đời sống văn hóa xã hội nước ta theo hướng bền vững.

5. Trong bối cảnh đời sống của nhân dân ta vô cùng ngột ngạt dưới ách thống trị của Nhật - Pháp; giới trí thức nước nhà lâm vào khủng hoảng và bế tắc, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam thực sự có ý nghĩa, vai trò và giá trị lịch sử quan trọng, có sức mạnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết giới trí thức và toàn dân vào sự nghiệp văn hóa cứu quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng văn hóa. Với phương châm vận động văn hóa theo nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về thực hành cách mạng văn hóa; về mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa và cách mạng xã hội, cách mạng chính trị; về đặc trưng của nền văn hóa cũng như đời sống văn hóa ở nước ta trong bối cảnh đó... Những quan điểm và nội dung đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự, mặc dù, trong bối cảnh hiện nay, nhiều nội hàm, nhiều vấn đề được chúng ta quan niệm và hiểu khác hơn nhiều. Chẳng hạn, phạm vi của văn hóa hiện nay được hiểu với nội hàm rộng lớn, không khuôn hẹp trong ba lĩnh vực được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam là tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Hay nội dung của ba nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, đã liên tục được nhận thức sâu rộng hơn, bổ sung những yếu tố mới để hình thành quan điểm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó đáng chú ý là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đang phát triển rộng khắp, có chất lượng trên cả nước. Dù thế, một lần nữa, cần khẳng định Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đặt ra rất nhiều vấn đề lớn, bao quát, mang tính chiến lược, có tác dụng tạo tiền đề và điều kiện cho những bước chuyển văn hóa những giai đoạn sau. Từ hệ nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa trong vận động và thực hành văn hóa đến những chuyển biến về chất trong nội dung đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam mỗi giai đoạn là cả một quá trình kế thừa, phát huy, bổ sung, nâng cao những quan điểm, đường lối xuyên suốt của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Trong từng giai đoạn, những hạt nhân đúng đắn, hợp lý được kế thừa và phát triển; những yếu tố, nội dung còn hạn hẹp hay không còn thích hợp được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp điều kiện mới. Tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, với những nội dung quan trọng, trong đó có hệ nguyên tắc, đồng thời là phương châm vận động cách mạng văn hóa: dân tộc - khoa học - đại chúng, đã phản ánh và đáp ứng những đòi hỏi mới của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Nó cũng gợi ra những vấn đề quan trọng, tạo tiền đề cho việc xây dựng, phát triển nền văn hóa trong những thời kỳ mới theo hướng bền vững. Trong đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là hết sức quan trọng.

6. Dưới tác động to lớn của cương lĩnh văn hóa Đề cương về văn hóa Việt Nam; của hệ nguyên tắc vận động cách mạng được nhấn mạnh trong nội dung Đề cương về văn hóa Việt Nam; của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng qua từng giai đoạn, được kế thừa, phát triển từ sự khai mở của Đề cương về văn hóa Việt Nam, sự nghiệp văn hóa nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo nên một xã hội dân trí cao với những con người có văn hóa; một đời sống văn hóa, xã hội đa dạng, lành mạnh, cao đẹp, trong đó toàn dân cùng đoàn kết để thực hành văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đặt một mốc son trong việc khởi động, định hướng sự phát triển của văn hóa và đời sống văn hóa dân tộc cũng như trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện tại và tương lai, có thể một vài nội dung được phác họa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam đã không còn phù hợp với bối cảnh mới. Song, hàng loạt những vấn đề thể hiện quan điểm của Đảng lúc đó về văn hóa, trong đó có vấn đề về hệ nguyên tắc xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam với tính chất dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa, vẫn có sức sống mãnh liệt. Quan điểm này đã được khẳng định, kế thừa, bổ sung, hình thành đường lối văn hóa của Đảng trong thời kỳ mới: xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Và, chính sự kế thừa và phát triển này cho phép khẳng định rằng Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng như không ít vấn đề, nội dung được phác thảo trong đó, đến nay vẫn còn nguyên vẹn tính chất động lực và ý nghĩa thời sự trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững.

_______________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.319.

2, 4. Phạm Quang Long, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943: Ý nghĩa khai phóng của một cuộc cách mạng văn hóa, baovanhoa.vn, 8-2-2023.

3. Trường Chinh, Về văn hóa và nghệ thuật, Nxb Văn học, Hà Nội, 1986, tr.361.

PHẠM VŨ DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

;