Khoan dung Hồ Chí Minh - những cảm nhận từ bản Di chúc lịch sử

  ​​​​​​​50 năm trước, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc bất hủ. Trong bản Di chúc lịch sử này, Hồ Chí Minh, bằng tấm lòng nhân ái bao la, bằng nỗi “lo muôn mối như lòng mẹ” đã dặn dò, lo lắng, bao quát hết mọi công việc của Đảng và đất nước, quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội, trong đó có cả những người là “nạn nhân của chế độ xã hội cũ”. Những lời căn dặn thiết tha của Người, đặc biệt quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội bất kể họ là ai, khắc họa rõ nét và trọn vẹn nhất tư tưởng nhân ái, khoan dung Hồ Chí Minh. Và, với những lời căn dặn trong bản Di chúc này, tư tưởng nhân ái, khoan dung của Hồ Chí Minh thực sự là một dòng chảy văn hóa xuyên suốt trong cuộc đời Người từ thuở thiếu thời cho đến khi đi xa.

 

  1. Tư tưởng khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  Đọc lại Di chúc của Hồ Chí Minh, chúng ta cảm nhận rất rõ tấm lòng nhân ái bao la, sự khoan dung, độ lượng của Người. Người căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng, Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi... Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v, thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện...” (1).

  Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, mà còn là nhà thực hành tư tưởng vĩ đại. Tấm lòng nhân ái, khoan dung của Hồ Chí Minh bao la, dung chứa tất cả mọi người. Tướng Valuy, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1947 - 1948 đã đánh giá về Hồ Chí Minh: “Hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi ích riêng tư. Trong ánh mắt những người xung quanh và người đối thoại, Hồ Chí Minh là người vô cùng đức độ” (2). Tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đại diện đặc biệt của Tổng Giám đốc UNESCO, đã phát biểu: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng, Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này” (3).

  2. Vận dụng tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh trong vấn đề hòa hợp dân tộc

  Sau khi Hồ Chí Minh qua đời, những tư tưởng khoan dung của Người đã tiếp tục được vận dụng, góp phần trong đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Hòa hợp, hòa giải dân tộc không phải là một sách lược mà là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Chúng ta không phủ nhận do điều kiện khách quan lịch sử, có lúc hòa hợp và hòa giải vẫn tiến triển chậm và gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, có lẽ thấu hiểu nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra nên ngay từ rất sớm, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và ban hành những chủ trương, chính sách nhằm thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc.

  Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc, lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai” (4). Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (5).

  Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định các quan điểm, chủ trương về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước” (6).

  Ngày 12 - 11 - 2016, phát biểu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM đồng tổ chức với chủ đề Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo những điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với quê hương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đất nước luôn chào đón những người con của dân tộc trở về, đem theo tấm lòng, hoài bão, ý tưởng, nguồn lực, để đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc” (7). Chính phủ sẽ luôn hỗ trợ và mong bà con kiều bào ta thành đạt ở nước sở tại, phát huy truyền thống dân tộc, cùng nhau xây dựng cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; gìn giữ tiếng nói, chữ viết, cốt cách cao đẹp của con dân đất Việt và phát huy hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, ứng xử văn minh, đóng góp vào tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời hướng về quê hương Tổ quốc bằng những hành động thiết thực, phù hợp.

  Cùng với những chủ trương, chính sách nhất quán về hòa hợp dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực để những chủ trương, chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng những việc làm hết sức cụ thể và thiết thực. Ngay từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị mới được ban hành, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và nhiều bộ, ngành, địa phương khác đã đề ra Chương trình hành động của mình để triển khai, khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống và tạo nên xung lực quan trọng trong việc gắn kết hoạt động của các cơ quan chức năng với công tác vận động kiều bào, như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ban hành kèm theo Quyết định số 110/2004/QĐ-TTg ngày 23-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ với rất nhiều nội dung chính, từ công tác thông tin, tuyên truyền; các biện pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước; phát huy tiềm năng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài trong hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh… Bộ Ngoại giao cũng ban hành Chương trình hành động của Bộ Ngoại giao thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ban hành kèm theo Quyết định số 1912/QĐ ngày 1-9-2004 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực: xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài (tháng 9-2007); Luật Quốc tịch sửa đổi tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thể giữ quốc tịch Việt Nam trong khi mang quốc tịch nước khác (tháng 11-2008); Luật sửa đổi điều 121 Luật Đất đai và điều 126 Luật Nhà ở mở rộng thêm đối tượng và quyền cho kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước (tháng 6-2009)… Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết kiều bào ở trong và ngoài nước ngày càng có nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn, như tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước dịp Quốc khánh, Quốc giỗ Vua Hùng, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào... Nổi bật trong thời gian gần đây là các chương trình Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo; tổ chức đại lễ cầu siêu…

  Liên hợp quốc đã chọn năm 1995 là năm quốc tế về khoan dung. Thế giới mặc dù đã đi một đoạn đường gần 20 năm của TK XXI, nhưng những tranh chấp, xung đột vẫn ngày càng diễn ra gay gắt, mà nguyên nhân chính yếu là tham vọng và không hiểu lẫn nhau. Thế giới đang rất cần một ý tưởng chung để mọi người, mọi dân tộc hiểu nhau và chung sống với nhau trong hòa bình. Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, trong hành trang mà dân tộc Việt Nam mang theo chắc chắn có nhiều giá trị tinh thần, trong đó có giá trị tinh thần cao đẹp từ tư tưởng nhân ái, khoan dung Hồ Chí Minh. Và, trong bối cảnh hiện nay, tư tưởng khoan dung của Hồ Chí Minh sẽ mãi là biểu tượng của truyền thống hòa bình, hòa hiếu, hữu nghị của đất nước và dân tộc Việt Nam mà nhà thơ nổi tiếng người Nga Ôxip Mandenxtam gọi đó là “nền văn hóa của tương lai”.

_______________

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.616, 617.

  2. Trần Quân Ngọc, Bác Hồ với bạn bè quốc tế, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2013, tr.bìa.

  3. thehehochiminh.wordpress.com.

  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, 2008.

  5. www.mattran.org.vn.

  6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158-159.

  7. vpcp.chinhphu.vn.

 

Tác giả: Vũ Trung Kiên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9 - 2019

 

 

;