KHAI THÁC GIÁ TRỊ MÙA NƯỚC NỔI VÀO HOẠT ĐỘNG DU LỊCH Ở ĐỒNG THÁP

Đồng Tháp là một trong những tỉnh đón nhận nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đầu tiên so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Mùa nước nổi không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn được xem là một nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Đồng Tháp. Những năm qua, nguồn tài nguyên thiên nhiên này đã được ngành du lịch của tỉnh khai thác để phát triển du lịch. Việc khai thác hiệu quả giá trị mùa nước nổi góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu du lịch của tỉnh, có thể đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững du lịch Đồng Tháp trong thời kỳ hội nhập.

1. Tiềm năng phát triển du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp

Cảnh quan mùa nước nổi

Đồng Tháp hội đủ điều kiện về tài nguyên thiên nhiên phong phú cho hoạt động du lịch mà đặc biệt là du lịch mùa nước nổi, một loại hình du lịch mới và hết sức thú vị. Đồng Tháp mùa nước nổi gần như không thấy đất, chỉ thấy bốn bề là nước, với những địa điểm lý tưởng khi mùa nước về: khu du lịch Gáo Giồng, vườn Quốc gia Tràm Chim... ngập trong rừng tràm du khách có thể len lỏi với chiếc xuồng ba lá thưởng thức hệ sinh thái ngập nước phong phú, đặc sắc. Vẻ đẹp bình dị, đầy sống động, nhiều sắc màu của mùa nước nổi đã góp phần làm cho cảnh quan thiên nhiên Đồng Tháp có nhiều nét độc đáo và hấp dẫn du khách.

Ẩm thực mùa nước nổi

Những tour du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp đem lại cho du khách những bữa ăn ngon với nhiều sản vật chỉ có trong mùa nước nổi như: canh chua cá linh bông súng, bông điên điển, cá linh kho mía, bông súng kho mắm, tắc kè xào lăn, cơm gỏi lá sen... Những mâm cơm với cá đồng, rau sạch vừa ngon, vừa bổ, dễ làm hài lòng tất cả du khách. Mùa nước nổi đã mang đến cho Đồng Tháp nhiều món ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn từ ếch đồng và chuột đồng. Ếch vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Sau mỗi mùa gặt, người dân vùng Cao Lãnh lại bắt đầu săn những con chuột béo múp do ăn nhiều thóc lúa để chế biến thành các món khác nhau nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất vẫn là món chuột quay lu.

Các lễ hội và làng nghề truyền thống

Du khách đến Đồng Tháp vào mùa nước nổi sẽ được tham gia những lễ hội sôi động như: lễ hội Gò Tháp, lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường... Ngoài ra, đây cũng là mùa làm ăn của nhiều làng nghề truyền thống như đan lát, đan lưới, làm mắm... Đến thăm các làng nghề truyền thống ở Đồng Tháp trong mùa nước nổi, du khách được tìm hiểu sự đa dạng của các loại ngư cụ cũng như những cách đánh bắt cá vô cùng độc đáo của người dân nơi đây.

Tắm đồng

Tắm biển đã là hình thức khá phổ biến đối với du khách ở các thành phố, nhưng một khi đã đến với Đồng Tháp họ sẽ có thêm trải nghiệm mới là tắm đồng. Hoạt động tắm đồng thường diễn ra ở những cánh đồng lớn không có chướng ngại vật và không có dòng nước chảy xiết để đảm bảo an toàn cho du khách. Những cánh đồng lớn mênh mông ở huyện Hồng Ngự, Tân Hồng là địa điểm tắm lý tưởng được khai thác trong các tour du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp. Thời gian tắm đồng thích hợp nhất là lúc con nước gần đứng và chuẩn bị rút (tháng 9, 10 âm lịch).

Du lịch homestay

Du lịch homestay (ở nhà dân) là một điểm nhấn của các chương trình du lịch mùa nước nổi. Địa điểm lưu trú của du khách không phải là những khách sạn sang trọng đầy đủ tiện nghi, hiện đại mà là những ngôi nhà sàn, nhà ghe giản dị. Du khách sẽ trở thành thành viên trong gia đình, được trải nghiệm các hoạt động trong cuộc sống đời thường của cư dân mùa nước nổi như giăng chài, thả lưới, câu cá, đặt vó, đặt lờ, hái bông điên điển, bông súng... Đặc biệt là tour săn chuột đồng thu hút đông đảo du khách. Với những chiến lợi phẩm thu được, du khách sẽ tự tay chế biến bằng nhiều hình thức như nướng vỉ, nướng trui... Bữa ăn được dọn trên ghe, ngay giữa đồng nước nổi, đem lại cảm giác ngon miệng và ấn tượng khó quên đối với du khách.

Các tiềm năng khác

Nhiều dự án bảo tồn và phát triển những sinh vật quý hiếm đang được triển khai tại Đồng Tháp. Trong đó, việc tổ chức cho du khách tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái các loài động thực vật đặc trưng trong mùa nước nổi được xem là một sản phẩm du lịch độc đáo.

Các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương thường xuất hiện trong các chương trình du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp như: khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt Gò Tháp, khu di tích Xẻo Quýt, lăng cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Phước Kiển...

2. Thực trạng khai thác giá trị mùa nước nổi vào hoạt động du lịch ở Đồng Tháp

Sở hữu những nét đặc trưng riêng về mùa nước nổi, thời gian qua, nguồn tài nguyên này đã được tỉnh Đồng Tháp quan tâm khai thác phục vụ du lịch. Tỉnh đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho du lịch, nhờ đó lượt khách du lịch đến Đồng Tháp và tổng thu nhập du lịch của tỉnh đã tăng lên. Theo số liệu của Sở VHTTDL, năm 2017, Đồng Tháp đón 3,3 triệu lượt du khách, tăng 23,19% so với năm 2016. Tổng doanh thu du lịch đạt 650 tỷ đồng, tăng 33,04% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch 450 tỷ đồng (1).

 
 
 
Du lịch Đồng Tháp. Ảnh Nam Phong 
 
 

Trong thời gian qua, vấn đề khai thác giá trị mùa nước nổi phát triển du lịch ở Đồng Tháp đã đạt được một số thành tựu và còn tồn tại hạn chế:

Thành tựu

Ngành du lịch Đồng Tháp chính thức đưa vào khai thác loại hình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi năm 2012, khi có sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp và Tổng công ty du lịch Saigontourist với tour Đồng Tháp Mười mùa nước nổi. Đến năm 2013, Vườn quốc gia Tràm Chim xây dựng các chương trình du lịch trải nghiệm mùa nước nổi và tái hiện lại cuộc sống của người dân vùng Đồng Tháp phục vụ du khách. Nhiều điểm du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp như Vườn quốc gia Tràm Chim, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng... được đánh giá là vẫn giữ được nét nguyên sơ của cảnh quan vùng nước nổi. Bên cạnh đó, các cảnh quan đặc trưng khu vực đầu nguồn mùa nước nổi với cảnh sắc núi non hùng vĩ nằm cạnh những cánh đồng nước mênh mông chính là yếu tố quan trọng thu hút đông đảo du khách. Trong năm 2017, Vườn quốc gia Tràm Chim thu hút hơn 134 nghìn lượt khách, tăng 28,87% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu đạt hơn 7,7 tỷ đồng, tăng 118,71% so với cùng kỳ năm 2016 (2).

Đồng Tháp là một trong những tỉnh đầu tiên nhận con nước về nên sản vật mùa nước nổi ở đây được đánh giá là phong phú và dồi dào hơn các tỉnh lân cận. Những đặc sản tươi ngon, bổ dưỡng từ thiên nhiên góp phần tạo nên thương hiệu cho văn hóa ẩm thực mùa nước nổi ở Đồng Tháp. Sự hấp dẫn của các món ăn truyền thống cùng với sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn lớn cho ngành du lịch Đồng Tháp.

Hạn chế

Hoạt động du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch một cách hệ thống. Hiện tại chỉ có một số sản phẩm du lịch kết hợp giữa tham quan thắng cảnh bằng phương tiện đường thủy tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, khu du lịch Gáo Giồng, khu di tích Xẻo Quýt chủ yếu là các hoạt động ngắm phong cảnh bao la của rừng tràm, ngắm nhìn chim, cò từng đàn bay về độ chiều tà, trải nghiệm làm ngư dân với các hoạt động bắt cua, ốc, lươn, cá, chèo thuyền đưa du khách tham quan khu vực đầm sen, vườn chim trong khu du lịch.

Hoạt động khai thác du lịch mùa nước nổi của Đồng Tháp chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Còn nhiều khía cạnh của du lịch mùa nước nổi chưa được khai thác như: tìm hiểu một số ngành nghề gắn liền với con nước, các lễ hội du lịch chưa được chú trọng trong tuyên truyền quảng bá rộng rãi đến khách du lịch... Ngoài ra, mô hình du lịch homestay chưa thu hút khách khi ngành du lịch Đồng Tháp đa phần chỉ có thể tổ chức các tour tham gia trải nghiệm với các hoạt động giăng câu, thả lưới, đặt lợp, đặt trúm... Hoạt động lưu trú tại nhà dân tổ chức chưa hiệu quả và du khách chưa trải nghiệm đầy đủ cuộc sống của người nông dân trong mùa nước nổi.

Để Phát triển du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời khai thác và phát huy hiệu quả giá trị mùa nước nổi tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, thì tỉnh cần thực hiện một số giải pháp:

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về ý nghĩa và tầm quan trọng của giá trị mùa nước nổi trong hoạt động du lịch. Thể hiện rõ quan điểm mùa nước nổi không chỉ là tiềm năng mà còn là thế mạnh về du lịch mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đồng Tháp.

Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp... các tiềm năng du lịch mùa nước nổi, từ đó, rút ra những tiềm năng mang tính khả thi cho hoạt động du lịch và kết hợp với địa phương để khai thác các giá trị đó để xây dựng thành những sản phẩm du lịch phù hợp.

Phát huy các giá trị văn hóa lễ hội sông nước bằng một số hoạt động như tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về giá trị những lễ hội diễn ra trong năm; tổ chức các chương trình tour trong các đợt lễ hội để khách du lịch có điều kiện tham gia và tìm hiểu sâu thêm về nét văn hóa lễ hội đặc sắc của địa phương.

Phát triển mô hình xã hội hóa du lịch đến với từng người dân tại mỗi địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó các cấp quản lý cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích từng hộ gia đình, các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư phát triển du lịch mùa nước nổi. Việc đảm bảo cho sự phân chia lợi ích phù hợp giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng cư dân địa phương, nâng cao đời sống và phát triển du lịch là yếu tố tiên quyết để tạo sự thành công cho du lịch của tỉnh.

Việc khai thác những tiềm năng sẵn có, với định hướng lâu dài và nhiều giải pháp đồng bộ tạo điều kiện để phát triển du lịch mùa nước nổi của địa phương. Đây cũng là việc làm thiết thực góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của Đồng Tháp trong xu thế phát triển chung của du lịch đồng bằng sông Cửu Long.

____________

1. Bích Liễu, Đồng Tháp đón 3,3 triệu lượt du khách, baodongthap.vn, 2017.

2. Chương Đài, Vườn quốc gia Tràm Chim phát triển du lịch theo hướng bền vững, baomoi.com, 2017. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 405, tháng 3 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH NGỌC

;