Nhạc ngũ âm gắn liền với đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số Khmer - Ảnh: baoangiang.com.vn
1. Đặt vấn đề
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân tộc Khmer trong cả nước có 1.319.652 người, trong đó tại An Giang có 75.878 người chiếm 3,98% dân số toàn tỉnh. Người Khmer là cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên vùng đất này, tập trung đông nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa (GTVH) đặc trưng của tộc người như kiến trúc chùa, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công, các loại hình nghệ thuật dân gian… Đây là những tài sản quý giá, nguồn tài nguyên du lịch nhân văn để khai thác phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Thực hiện việc khai thác các GTVH để phát triển DLCĐ tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn sẽ mang lại hiệu quả kép: vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống, vừa phát triển, ổn định kinh tế cho người dân địa phương.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương ở tỉnh An Giang đã có sự quan tâm tới việc phát triển du lịch ở địa phương. Đặc biệt từ khi hội đua bò Bảy Núi được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thu hút hàng chục ngàn người tham dự, đã thúc đẩy hoạt động du lịch nơi đây có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, sự phát triển DLCĐ ở An Giang chưa thực sự tương ứng với tiềm năng vốn có. Vì vậy, cần có những đánh giá một cách hệ thống và toàn diện về khai thác các GTVH của người Khmer để phát triển du lịch.
2. Những GTVH của người Khmer có thể khai thác để phát triển DLCĐ
Chùa Khmer
Nói đến đặc trưng văn hóa Khmer không thể không nhắc đến những ngôi chùa. Chùa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tôn giáo của cộng đồng người Khmer và là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Chùa Khmer chứa đựng nhiều tiềm năng có thể khai thác thành sản phẩm du lịch, đồng thời mang tới cho du khách những trải nghiệm thanh tao về các triết lý sâu sắc của Phật giáo Nam Tông (1). Đến với An Giang, du khách được tham quan, tìm hiểu, chiêm bái, chiêm ngưỡng, thưởng thức, trải nghiệm không gian nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, kết cấu bài trí trong không gian văn hóa các ngôi chùa Khmer. Một số ngôi chùa Khmer tiêu biểu ở An Giang như: Hang Còng (chùa Krăng Krốch), chùa Xvayton, chùa Koh Kas, chùa Tà Pạ, chùa Phnom Pi Tri Tôn, chùa Tức Phốs, chùa Thơmit (xã Vĩnh Trung), chùa Rô (xã An Cư), chùa Văn Râu (xã Văn Giáo)…
Đặc biệt, trong chùa Khmer còn lưu giữ các bộ kinh lá buông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer. Hiện nay, loại kinh này còn được lưu giữ tại nhiều chùa Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với khoảng 108 bộ và 736 quyển.
Nhà ở
Nhà của người Khmer khá đơn giản, cửa thường hướng ra sông, rạch hoặc đường, hai bên có cửa sổ nhỏ. Nhà được làm bằng những vật liệu đơn giản như gỗ, tre, mây, mái lá dừa hoặc lá thốt nốt. Bài trí trong nhà cũng khá đơn giản với một gian bếp và phần để ở. Bàn thờ Phật được đặt ở gian tiếp khách. Qua cách xây dựng và cách bài trí trong ngôi nhà của người Khmer Nam Bộ, cho thấy được sự bình đẳng trong mối quan hệ gia đình, dòng họ cũng như thấy được cả về tính cách của họ. Đó là lối sống không bon chen, không màu mè. Theo tinh thần Phật giáo, họ quan niệm, giá trị đích thực của con người được thể hiện qua việc làm được nhiều điều thiện hay điều ác trong cuộc sống hằng ngày.
Trang phục
Trang phục truyền thống của nam giới Khmer gọi là sam pốt. Đó là một tấm vải rộng giống như chăn được quấn quanh người từ hông trở xuống. Phần vải ở phía trước được kéo luồn qua giữa 2 chân vòng ra phía sau, nhìn như một chiếc quần phồng to, ngăn ngang gối.
Trang phục nữ giới ngày thường được làm bằng tơ lụa, màu sắc khá rực rỡ, bao gồm váy, áo dệt bằng tơ tằm, hay chỉ kim tuyến thêu hoa văn khác nhau. Áo tầm vông (còn gọi là áo cổ vòng), được kết hợp hài hòa với xà rông và “sbay”. Xà rông là một mảnh thổ cẩm rộng khoảng 1m, dài 3,5m được mặc bằng cách cuốn lại che nửa người phía dưới. “Sbay” - một loại khăn lụa được cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải tôn thêm nét dịu dàng của người phụ nữ. Trên các loại trang phục còn đính thêm hạt cườm, kim sa và các loại hoa văn khác để cho màu sắc thêm rực rỡ. Trong trang phục đi dự lễ, Tết, đi chùa... người phụ nữ Khmer thường mặc xà rông có đính chuỗi hạt cườm; các loại hoa văn màu trắng hoặc màu vàng được ưa dùng trong trang phục lễ chùa vì nó gợi không khí hội hè. Trong lễ cưới cô dâu mặc áo dài màu vàng thêu kim tuyến và đính hạt cườm ở phía trước.
Ẩm thực
Ẩm thực đặc trưng của địa phương cũng là thứ mà bất kỳ khách du lịch nào cũng muốn thử khi đi du lịch tới một điểm nhất định. Đặc biệt đối với hoạt động DLCĐ khám phá đặc trưng văn hóa của địa phương, tộc người thì đây là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua. Một số món ăn đặc trưng của người Khmer ở An Giang phải kể đến là:
Mắm bò hóc: đây là món ăn được làm từ các loại cá trong đồng, rạch, ao đìa như cá rô, cá sặt, cá chốt, cá trê, cá lóc... Cá được làm sạch (đánh vảy, không mổ bụng) cho vào khạp, hũ... rải muối hạt vào rồi gài chặt, đạy nắp để trong một thời gian, sau đó đem ra chế biến thành nhiều món như: mắm chưng, mắm kho hay ăn mắm sống. Mắm là món đặc trưng của người Khmer, vì vậy nó được sử dụng để nêm vào nhiều món ăn như: canh sim lo, bò xào lá giang, canh môn, nước bún cari... hay làm nước chấm cho các loại đồ nướng.
Các loại bún nước (Num b”chốc): các món nước đi đôi với bún, cũng rất phong phú, đa dạng như bún nước cá, bún nước ngãi, bún cari... Nước để ăn cùng món bún thường nấu với cá lóc, cá trê, hoặc tép, tôm khô... được tán ra từng miếng nhỏ vào trong nồi nước tổng hợp, có gia vị, nấu với ngãi (bún ngãi), nấu với sả, nghệ, cari (bún cari)... nhưng đặc biệt phải có nêm thêm một ít mắm (bò hốc) và chút nước cốt dừa. Bún được làm thủ công nên cọng bún dai và sợi lớn một chút. Ăn kèm với bún có giá, bắp chuối xắt mỏng, rau muống xắt mỏng, rau thơm (rau răm, diếp cá, quế...). Riêng bún cari, bún ngãi có nơi rắc lên thêm ít đậu phộng giã nhỏ.
Các món canh: món canh đặc trưng của người Khmer phải kể đến là canh sim lo (canh sim lo thập cẩm, sim lo mít, sim lo bình bát...). Ngoài ra, còn có các món canh khác như: canh môn, canh thốt nốt non, canh củ hũ dừa, củ hũ đủng đỉnh... cũng được người Khmer ưa chuộng. Các món canh cũng không thể thiếu gia vị mắm bò hóc, điều này đã làm nên đặc trưng trong các món ăn của người Khmer ở An Giang.
Kà tum: là loại bánh nếp lâu đời và đặc trưng của đồng bào Khmer An Giang. Bánh Kà tum mang ý nghĩa là sự đủ đầy, sung túc. Không chỉ ấn tượng bởi hình thức độc đáo của vỏ bánh bên ngoài, mà từ cách gói, cách ăn bánh kà tum cũng rất cầu kỳ và thú vị. Ngoài ra, còn có món bánh bò thốt nốt là đặc trưng của vùng bảy núi.
Nghề thủ công
Các làng nghề truyền thống của người Khmer huyện Tịnh Biên, Tri Tôn chứa đựng những tiềm năng du lịch rất lớn. Một số làng nghề nổi tiếng như: thổ cẩm của làng dệt Văn Giáo không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia với thương hiệu “Silk Khmer” được nhiều khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm này cần được đầu tư và khai thác trong hoạt động DLCĐ ở An Giang.
Sản phẩm đường thốt nốt của An Giang cũng được yêu thích. Đây là loại đường thiên nhiên, có hàm lượng dinh dưỡng cao, an toàn với sức khỏe, có vị ngọt thanh và mùi thơm rất đặc trưng. Tại khu vực Tịnh Biên và Tri Tôn vẫn còn những xưởng sản xuất đường thốt nốt theo kiểu truyền thống. Du khách có thể xem quy trình chế biến và mua những sản phẩm về sử dụng hoặc làm quà tặng.
Gốm Phnôm Pi được làm thủ công, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Gốm Phnôm Pi không nung bằng lò nung mà nung bằng củi và rơm. Khi nung, rơm phải được phủ kín để không lọt hơi ra ngoài. Đây chính là bí quyết để có mẻ gốm vừa đẹp mắt, vừa có độ bền cao. Thời gian nung cho gốm chín khoảng 1 tiếng.
Việc khai thác tốt làng nghề vào hoạt động du lịch sẽ giúp đồng bào Khmer tăng thêm thu nhập, bảo tồn làng nghề truyền thống của dân tộc và góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho địa phương.
Lễ hội
Cùng với đặc trưng của cư dân theo Phật giáo Nam tông, người Khmer ở An Giang có nhiều lễ hội điển hình như: Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, lễ nhập hạ, xuất hạ và đặc biệt là hội đua bò Bảy Núi trong dịp lễ Sen Dolta... Đây là một môn thể thao “độc nhất vô nhị” mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer tỉnh An Giang. Hiện nay, vào mỗi dịp lễ hội thu hút rất nhiều du khách từ các địa phương tới tham dự. Hội đua bò An Giang có thể đầu tư nâng cấp thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng.
Ngoài ra, còn nhiều nghi lễ trong các chùa Khmer được người dân nơi đây gìn giữ bao đời như: lễ dâng cơm, lễ dâng áo cà sa, tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người… Đến với các phum, sóc của người Khmer, khách du lịch sẽ được trải nghiệm một cuộc sống và đặc trưng văn hóa của cư dân theo Phật giáo Nam tông. Đây cũng là một thế mạnh để An Giang khai thác phát triển DLCĐ, nâng cao đời sống cho người dân.
Các loại hình nghệ thuật dân gian
Các loại hình nghệ thuật truyền thống này được xem là kho tàng văn hóa giá trị để An Giang có thể khai thác phát triển những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Một số hình thức nghệ thuật của người Khmer ở An Giang phải kể tới đó là: nghệ thuật múa dân gian Lâm Thôn, nghệ thuật tuồng cổ dì kê, dù kê, nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây… đều là những nét văn hóa đặc sắc có thể khai thác hiệu quả trong hoạt động DLCĐ.
Người Khmer ở An Giang còn có dàn nhạc ngũ âm với 8 loại nhạc cụ được thường xuyên sử dụng là: Sakho-thôm (trống lớn), Kha so-somphô (trống nhỏ), Rô-Niết-ek (đàn thuyền dẫn đầu), Rô-Niết-thung (đàn thuyền), Rô Neat Det (đàn sắt), Kung Toch (đàn đồng nhỏ), Kung Thum (đàn đồng lớn), Chhung (thành sắt gõ). Nhạc ngũ âm không đơn thuần chỉ là âm nhạc mà còn mang tính gần gũi, thân thuộc, thiêng liêng, cao quý trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Du khách có thể thưởng thức các tiết mục văn nghệ từ dàn nhạc ngũ âm và cũng có thể trải nghiệm sử dụng những loại nhạc cụ đó.
Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật dân gian có đàn ca hát. Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân hay người nghệ sĩ biểu diễn vừa đàn từng đoạn nhạc, sau đó vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn. Điều thú vị là người biểu diễn không chỉ biểu diễn các bài có sẵn mà còn tự sáng tác trong quá trình biểu diễn. Điều này sẽ mang đến sự hấp dẫn cho người xem.
Sân khấu dù kê cũng là một loại hình nghệ thuật đặc trưng cần tìm hiểu của người Khmer ở An Giang. Đây chính là thể loại kịch hát với những đề tài rất phong phú và mang tính giáo dục sâu sắc. Những nhân vật điển hình được khắc họa bằng hình tượng nghệ thuật thông qua cách thể hiện, diễn xuất của các nghệ nhân, nghệ sĩ phản ánh bức tranh xã hội, cuốn hút người xem, làm cho khán giả có lúc như đang hòa mình cùng nhân vật trên sân khấu... Vào mỗi dịp diễn ra các lễ hội của người Khmer thì đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Múa Rô-băm là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa và đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Nhạc cụ sử dụng trong Rô-băm có 5 loại: trống đùi (Sko Thum), trống tay (Sko Sampo), kèn Sro Lay, cồng (Kuông Skôr), cồng không núm (Khmuôh). Kèn Sro Lay đóng vai trò định âm cho giai điệu và thể hiện tính cách của từng nhân vật. Các nhạc cụ còn lại để đệm và giữ tiết tấu các điệu múa và nhạc nền cho hát nói (2).
Như vậy, với kho tàng các giá trị văn hóa phong phú, người Khmer ở An Giang có đủ điều kiện để khai thác các giá trị văn hóa đó vào phát triển DLCĐ. Điều này sẽ góp phần bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế cho đồng bào Khmer ở An Giang.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác các giá trị văn hóa của người Khmer ở An Giang để phát triển DLCĐ
Trong khai thác các GTVH để phát triển DLCĐ của người Khmer ở An Giang cần thực hiện một số giải pháp sau:
Trước tiên, địa phương cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Địa phương cần hỗ trợ cho người dân thực hiện hoạt động du lịch bằng nhiều cách đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng dẫn người dân bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa một cách có hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng đến một số vấn đề trong khai thác các GTVH truyền thống của người Khmer ở An Giang như:
Bảo tồn và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo sự đa đạng văn hóa của người Khmer
Trong phát triển DLCĐ, ngoài nguồn tài nguyên cảnh quan tự nhiên thì các GTVH truyền thống của tộc người chính là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng để phát triển du lịch. Vì vậy, cần xác định, muốn khai thác một cách có hiệu quả các GTVH vào hoạt động du lịch cần khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng.
Sự đa dạng về văn hóa, lịch sử vùng miền chính là thế mạnh của người Khmer để thu hút khách du lịch. Từ các GTVH có thể xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng mà du khách chỉ đến với người Khmer ở An Giang mới có thể được tham gia trải nghiệm.
Để có thể bảo tồn và duy trì tính đa dạng của các GTVH, lịch sử truyền thống của người Khmer thì trước tiên chúng ta cần hiểu và tôn trọng nó. Không phải cứ cái cũ là lạc hậu, cái mình không thích thì cho rằng nó là xấu và không phù hợp. Văn hóa vô cùng đa dạng. Mỗi thực hành văn hóa đều có những lý do để hình thành và tồn tại. Vì vậy cần hiểu rõ và có sự tôn trọng trước khi đưa ra những nhận định nhất là phê phán về văn hóa của các tộc người.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa của người Khmer
Để thu hút khách du lịch, xây dựng các sản phẩm DLCĐ đặc trưng là rất quan trọng. Trên cơ sở những GTVH của người Khmer có thể xây dựng được nhiều sản phẩm đặc trưng trong ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, lễ hội, phong tục… gắn với đặc trưng văn hóa Khmer. Trong quá trình xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cần chú ý đến việc tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch, vừa giữ gìn đặc trưng văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện nay. Cần thấy rằng, các GTVH khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình “hàng hóa hóa”. Tuy nhiên, cần phải hài hòa giữa nhu cầu của khách du lịch và văn hóa truyền thống để không làm mất đi đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, địa phương.
Xu hướng du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số đang được nhiều người lựa chọn, vì vậy cần xây dựng những sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với đời sống và văn hóa của người Khmer cho du khách. Các hoạt động gắn với trải nghiệm cuộc sống lao động, làm đồ thủ công (dệt thổ cẩm, làm đường thốt nốt, làm gốm Phnôm Pi…) cũng cần được chú trọng. Bên cạnh đó cũng có thể xây dựng các hoạt động trải nghiệm liên quan đến tôn giáo - đặc trưng của người Khmer để có thêm sự đa dạng cho khách du lịch khi đến An Giang. Tuy nhiên, mỗi đối tượng khách hàng đều có những yêu cầu riêng, họ muốn trải nghiệm một không gian thực hành văn hóa đậm chất truyền thống chứ không phải chỉ là vỏ bọc giả tạo bên ngoài. Đặc biệt là với du khách nước ngoài, họ rất chú trọng đến điều này. Vì vậy, sản phẩm du lịch phải đa dạng và mang đặc trưng văn hóa của tộc người.
Mở các lớp tập huấn cho người dân
DLCĐ hướng tới việc để người dân tự tham gia tổ chức và quản lý hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác các lợi thế ở địa phương, dân tộc mình và được hưởng lợi từ hoạt động du lịch đó. Người Khmer với tính cánh hiền hòa, thật thà, kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn trong lao động, nắm giữ nhiều GTVH truyền thống của tộc người… tuy nhiên còn thiếu kiến thức về làm DLCĐ, vì vậy, việc mở các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân là rất cần thiết để hoạt động DLCĐ có thể triển khai và vận hành. Đối với người dân, cần triển khai các lớp theo kiểu thực hành cầm tay, chỉ việc để đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, để việc khai thác các GTVH truyền thống của người Khmer phục vụ phát triển DLCĐ có hiệu quả, cần thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các doanh nghiệp, người dân, các bên liên quan trong xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ DLCĐ. Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để tạo niềm tin, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch.
Địa phương cần có những hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh của các di sản văn hóa người Khmer để thúc đẩy hoạt động du lịch, mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Đây cũng là động lực để người dân địa phương bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc mình.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, ý thức du lịch có trách nhiệm, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch. Bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, bao gồm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiệu quả kinh tế, sự phát triển cho địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội. Đây sẽ là động lực để người Khmer ở An Giang giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.
_______________
1. Sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào cộng đồng người Khmer ở An Giang, vtr.org.vn, 14-5-2019.
2. N Dương, Nghệ thuật múa Rô-băm của người Khmer, dangcongsan.vn, 25-10-2022.
Tài liệu tham khảo
1. Dự án chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do liên minh châu Âu tài trợ, 2014.
2. Đào Ngọc Cảnh, Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Sản phẩm du lịch đặc thù dựa vào cộng đồng của người Khmer ở An Giang, 2019.
3. Đại học Thái Nguyên, Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, Đề tài khoa học cấp tỉnh, 2020.
4. Nguyễn Văn Lùng, Nguyễn Thị Tâm Anh, Kinh lá buông: di sản văn hóa phi vật thể của người Khmer ở An Giang, Tạp chí Khoa học xã hội, số 16 (1), 2021, tr.97-101.
5. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên), Văn hóa Khmer Nam Bộ, nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2012.
7. Tổng điều tra dân số và nhà ở (2019).
8. Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. 2020.
TS VŨ THỊ UYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024