Nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục

Festival Áo bà ba tỉnh Hậu Giang năm 2023 thu hút sự tham gia của người dân - Ảnh: Hạnh Thùy

1. Mở đầu

Tây Nam Bộ (đồng bằng sông Cửu Long) là một vùng đất giàu văn hóa và lịch sử, với 13 tỉnh và thành phố, chiếm hơn 18% dân số và 21% diện tích của cả nước. Tây Nam Bộ là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa, trong đó đặc trưng nhất là các nền văn hóa của ba dân tộc Kinh - Khmer - Chăm. Một trong những thứ nổi bật nhất của mảnh đất này là trang phục, một phần của cuộc sống hằng ngày do con người chọn mặc và thể hiện tính cách, đặc trưng văn hóa của họ. Mỗi mảnh đất, mỗi khu vực đều mang trong mình một câu chuyện độc đáo và trang phục truyền thống thể hiện tinh tế về tính cách và văn hóa của người dân. Là một trong những vùng địa lý đa dạng và văn hóa phong phú nhất của Việt Nam, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp thiên nhiên mà còn đa dạng về văn hóa và con người. Trang phục truyền thống của người dân Tây Nam Bộ không chỉ đơn thuần là một phần của cuộc sống hằng ngày, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện bản sắc văn hóa và tính cách độc đáo của họ.

Tính cách của người Việt Tây Nam Bộ có nhiều nét khác biệt với người Việt ở các vùng miền khác do điều kiện địa lý tự nhiên và điều kiện giao lưu văn hóa đặc thù của vùng đất Tây Nam Bộ. Tính linh động, cởi mở, phóng khoáng, bao dung, đã trở thành những nét đặc trưng trong tính cách của người Việt và các tộc người khác sinh sống trên địa bàn Tây Nam Bộ. Ngoài ra, những trang phục của người dân nơi đây còn góp phần làm nổi bật tính cách và đặc trưng văn hóa của họ. Những chi tiết trang phục truyền thống, như áo dài, áo bà ba đều là biểu tượng văn hóa Tây Nam Bộ. Từ việc chọn màu sắc, chất liệu, đến cách cắt may và trang trí, mỗi yếu tố trong trang phục đều chứa đựng một phần tính cách và tâm hồn của người Việt Tây Nam Bộ.

Với sự kết hợp giữa vùng sông nước cùng với văn hóa đa dạng tạo nên một nét đẹp về tính cách và đặc trưng văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích và làm rõ tính cách của người Việt ở Tây Nam Bộ thông qua các đặc trưng văn hóa trang phục nơi đây. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao và bảo tồn giá trị văn hóa trang phục từ nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ.

2. Nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục

Trang phục không chỉ đơn giản là một lớp vật lý che kín cơ thể mà chúng ta mặc hằng ngày. Nó còn là một biểu tượng, một cách thể hiện tính cách và một tấm gương phản ánh văn hóa của con người. Trên khắp thế giới, từng khu vực và quốc gia đều có những đặc điểm độc đáo trong trang phục truyền thống và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Có thể nói, văn hóa vùng Tây Nam Bộ là sản phẩm tổng hợp của ba nhân tố chính: truyền thống văn hóa dân tộc, sự tiếp biến văn hóa, bối cảnh tự nhiên - xã hội Tây Nam Bộ. Ba nhân tố này tạo thành một hệ tọa độ, hình thành hai đặc trưng văn hóa cơ bản của vùng Tây Nam Bộ là: đặc trưng đồng bằng sông nước (văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn) và sự tiếp biến các yếu tố văn hóa của người Chăm, người Khmer, người Hoa vào văn hóa Việt trong vùng (văn hóa dung hợp hay hỗn dung văn hóa). Xét về mức độ, hai yếu tố này là hai nét nổi trội của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, bởi yếu tố sông nước, thực ra, cũng có mặt trong các vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, nhưng chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mới nổi lên thành một đặc trưng chủ đạo, chi phối toàn diện cuộc sống cũng như các thành tố văn hóa khác của các cộng đồng dân cư. Và mặc dù các vùng văn hóa đồng bằng ở Bắc Bộ và Trung Bộ đều có sự tiếp biến văn hóa của các tộc người khác nhau, nhưng chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, nét văn hóa các tộc người thiểu số cộng cư mới đủ sức giao thoa với văn hóa của cư dân Việt trong vùng đến mức làm cho nó trở nên vừa quen thuộc, vừa mới lạ đối với chính người Việt đến từ miền Bắc, miền Trung.

Áo bà ba - biểu tượng văn hóa miền Tây Nam Bộ: áo bà ba, một biểu tượng không thể tách rời khi nói về trang phục truyền thống của Tây Nam Bộ Việt Nam. Loại áo này thường được làm từ những chất liệu mỏng, thoáng mát và có màu sắc tươi sáng. Áo bà ba giản dị, không có cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, dải khuy cài khít từ cổ áo chạy xuống, tà xẻ vừa phải ở hai bên hông. Chính trong những chi tiết nhỏ như cách cắt may, hoa văn trang trí và cách buộc nơ, người dân Tây Nam Bộ thể hiện tính cách thân thiện, bình dị và mộc mạc của họ. Áo bà ba không chỉ là một chiếc áo mặc hằng ngày mà còn là một biểu tượng của văn hóa miền Tây Nam Bộ.

Sự gắn bó với cuộc sống sông nước: cuộc sống sông nước là nét đặc trưng của khu vực Tây Nam Bộ, đã tạo nên sự ảnh hưởng mạnh mẽ đối với trang phục của người dân nơi đây. Trong đó, áo mưa, nón lá và dép đi trong bãi lầy trở thành những phần quan trọng trong trang phục hằng ngày. Trang phục này không chỉ đơn giản là sự thích nghi với điều kiện tự nhiên mà còn là biểu tượng của sự gắn bó sâu sắc của họ với môi trường sông nước, và cách họ ứng dụng trang phục để thích nghi với cuộc sống sông nước đã phản ánh tính cách sáng tạo và kiên nhẫn của người dân Tây Nam Bộ.

Văn hóa miệt vườn và sự dung hòa giữa các tộc người: Tây Nam Bộ là vùng đất trũng thấp, có nhiều kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, cùng với nó là những chiếc ghe, chiếc xuồng. Hình ảnh này gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân nơi đây. Có thể nói chiếc ghe, chiếc xuồng là phương tiện để truyền tải văn hóa dân gian đi khắp nơi. Trải qua quá trình phát triển, hình ảnh đó ngày càng được tôn vinh, gìn giữ, tạo nên sắc thái văn hóa riêng, đặc sắc của vùng sông nước. Chính vì thế, Tây Nam Bộ là vùng đất của văn minh nông nghiệp và còn là nền văn minh lúa nước với những biểu hiện hết sức phong phú trong phương thức trồng trọt, trong ẩm thực, lễ hội, phong tục tập quán, âm nhạc và văn học nghệ thuật.

Về đặc trưng văn hóa dung hợp (hỗn dung văn hóa): vùng Tây Nam Bộ là nơi cư dân “tứ xứ” về sinh sống nên có nhiều tộc người, nhiều tôn giáo (thậm chí có tộc người, tôn giáo chỉ hiện hữu ở nơi đây mà không ở các vùng khác như tộc Khmer, đạo Cao Đài, Hòa Hảo). Do nhiều phong tục, tập quán và tín ngưỡng khác nhau cùng tồn tại nên Tây Nam Bộ là vùng giao thoa, tiếp biến văn hóa rất lớn, tạo thành đặc trưng văn hóa dung hợp. Theo Chu Xuân Diên, ở Nam Bộ “quá trình giao lưu văn hóa mau lẹ, dẫn đến những hiện tượng hỗn dung văn hóa phức tạp, thậm chí có tính chất pha tạp. Nguyên nhân là bản thân các lớp cư dân người Việt cũng có tính chất là những người tứ xứ, họ đến vùng đất mới với một tinh thần phóng khoáng, cởi mở, nên dễ dung hòa, dễ tiếp nhận những yếu tố văn hóa khác” (1). Chính đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ làm cho con người nơi đây sống rất nghĩa khí, hòa hiệp, bao dung, năng động, sáng tạo, cởi mở, phóng khoáng, lạc quan, yêu đời, rất quý trọng tình nghĩa và mến khách.

Thông qua kết quả thu thập được ở (bảng 1), nhìn chung về nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục đều có mức trên trung bình khá. Hệ số Cronbach’s Alpha là 0,866 cho thấy thang đo được sử dụng có độ tin cậy cao. Trong đó tiêu chí “trang phục của người dân Tây Nam Bộ đã thay đổi theo thời gian” có điểm trung bình cao nhất 3,62 , tiếp đến “Trang phục của người dân miền Tây Nam Bộ phản ánh về văn hóa và tính cách của họ” với điểm trung bình 3,47 và “việc hiểu về trang phục của người dân Tây Nam Bộ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Việt Nam ” điểm trung bình 3,40 , cuối cùng là “giữ gìn và phát huy văn hóa trang phục truyền thống của người dân Tây Nam Bộ là quan trọng” điểm trung bình 3,37. Điều này chứng tỏ mức độ nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục khá phù hợp với bản chất và ý nghĩa của nó.

Bảng 1. Đánh giá về nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục

3. Giải pháp nâng cao về nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục

Nhìn chung, qua kết quả nghiên cứu nhận được đánh giá khá cao về nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận chưa nhìn nhận và hiểu rõ về vấn đề này. Chính vì thế, dưới đây là một số giải pháp góp phần nâng cao nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục đúng nghĩa và phù hợp.

Thứ nhất, giao lưu văn hóa người Việt và tính cách thông qua trang phục ở vùng Tây Nam Bộ: Tây Nam Bộ là một trong những vùng đất đa dạng về văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về con người và đặc trưng văn hóa của vùng này, giao lưu thông qua trang phục truyền thống là một phương pháp tuyệt vời để hiểu rõ tính cách văn hóa của họ thông qua trang phục. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống đặc biệt là trang phục sẽ góp phần phản ánh rõ nét những đặc trung vốn có và tính cách của các nhóm dân tộc khác nhau.

Thứ hai, giới thiệu trang phục truyền thống trong giáo dục: Việc giới thiệu trang phục truyền thống vào giáo dục có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức các ngày hội hoặc sự kiện tại các trường học, nơi học sinh có thể mặc trang phục truyền thống và tìm hiểu về ý nghĩa văn hóa của chúng. Ngoài ra, các chương trình học cũng có thể bao gồm các bài giảng hoặc bài học về lịch sử và ý nghĩa của các loại trang phục này. Giáo dục trang phục truyền thống trong giáo dục không những mang đến những màu sắc mới và độc đáo trong truyền đạt kiến thức tới người học mà còn gìn giữ nét đẹp truyền thống dân tộc qua trang phục.

Thứ ba, thúc đẩy sản phẩm thời trang có gốc từ Tây Nam Bộ: để thúc đẩy việc sáng tạo trong ngành công nghiệp thời trang, các nhà thiết kế và doanh nghiệp có thể được khuyến khích để tạo ra các sản phẩm thời trang dựa trên trang phục truyền thống của Tây Nam Bộ. Với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay tạo ra nhiều cơ hội cho các ngành nghề thời trang phát triển, đặc biệt là thời trang cách tân từ trang phục truyền thống. Điều này không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa thông qua thời trang hiện đại, mà còn tạo ra những sản phẩm độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa.

Thứ tư, tổ chức hội thảo và triển lãm trang phục truyền thống: các hội thảo và triển lãm có thể được tổ chức tại các địa điểm lịch sử hoặc văn hóa quan trọng trong vùng Tây Nam Bộ. Các sự kiện này không chỉ giúp giới thiệu trang phục truyền thống của người dân Tây Nam Bộ cho công chúng rộng rãi, mà còn tạo cơ hội cho những người nghiên cứu và yêu thích văn hóa có thể trình bày nghiên cứu và chia sẻ kiến thức của mình. Qua các sự kiện hay triển lãm trang phục truyền thống còn quảng bá được hình ảnh trang phục truyền thống với nhiều nét đẹp từ các dân tộc trong cả nước, giúp nhiều người biết đến những trang phục đó hơn cũng như các giá trị truyền thống lâu đời.

Thứ năm, kết nối với cộng đồng người Việt Tây Nam Bộ: việc hợp tác chặt chẽ với cộng đồng người Việt Tây Nam Bộ là rất quan trọng để thúc đẩy việc mặc trang phục truyền thống và bảo tồn văn hóa. Các hoạt động cộng đồng, như các buổi họp mặt hoặc sự kiện văn hóa, có thể được tổ chức để khuyến khích mọi người mặc và tôn vinh trang phục của họ. Ngoài ra các hoạt động này còn góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, yêu thương lẫn nhau giữa các dân tộc.

Việc nhận diện tính cách và đặc trưng văn hóa người Việt Tây Nam Bộ thông qua trang phục góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của người Việt Tây Nam Bộ. Trang phục áo bà ba hiện được coi là biểu tượng của văn hóa miền Tây Nam Bộ, thể hiện sự mộc mạc, bình dị và hiếu khách của người dân nơi đây. Ngoài ra, trang phục còn phản ánh sự gắn bó của người dân với cuộc sống sông nước, văn hóa miệt vườn và sự dung hòa giữa các tộc người. Thông qua việc tìm hiểu trang phục của người Việt Tây Nam Bộ còn gợi mở tính cách và đặc trưng văn hóa của người dân nơi đây, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

__________________

1. Phạm Ngọc Hòa, Giải pháp giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo ở vùng Tây Nam Bộ, tcnn.vn, 4-4-2018.

2. Kiểm định Cronbach Alpha: là một phép kiểm định nhằm đo độ tin cậy của thang đo bằng cách phản ánh mức độ tương quan chặt chẽ giữa các biến quan sát trong cùng một nhân tố.

Tài liệu tham khảo

1. Cao Mỹ Khanh, Nguyễn Đức Toàn, Khai thác di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ, số 43, 2016.

2. Mai Phú Hợp, Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng người Khmer Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Quốc tế AGU, số 7 (2), 2019, tr.68-78.

3. Nguyễn Chí Hải, Giá trị tín ngưỡng văn hóa từ các lễ hội truyền thống của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Nghiên cứu các lễ hội truyền thống tiêu biểu, Tạp chí Triết học Quốc tế, số 8 (4), 2020, tr.82-87.

4. Lý Tùng Hiếu, Môi trường văn hóa và diện mạo mới của văn hóa Nam Bộ, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, số 18 (4), 2015, tr.61-76.

5. Trần Ngọc Thêm, Giao lưu văn hóa ở Nam Bộ và vai trò của nó trong sự phát triển văn hóa Việt Nam, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, số 16 (1), 2013, tr.5-12.

6. Nguyễn Văn Chuộng, Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nam Bộ và sự giao lưu, tiếp biến trong các quan hệ tộc người, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 21, 2017, tr.34-38.

7. Minh Nguyệt, Áo bà ba, vẻ đẹp thuần hậu, Tạp chí Làng Việt, số 18, 2010.

8. Đinh Xuân Dũng, Gìn giữ, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tuyengiao.vn, 2-12-2019.

Ths CHÂU THÚY AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024

;