Giữ gìn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn trong xã hội hiện đại

Lễ hội truyền thống (LHTT) là một trong những giá trị văn hóa phi vật thể vô vùng quý giá của dân tộc Tày, được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong xã hội hiện đại, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho cộng đồng người Tày, các dân tộc thiểu số trong vùng và du khách đến với vùng miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, quá trình tổ chức LHTT trong xã hội hiện đại cũng đặt ra nhiều thách thức như: truyền thống và hiện đại, văn hóa và kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch… Từ đó, đòi hỏi phải nghiên cứu việc giữ gìn, phát huy giá trị LHTT của dân tộc Tày trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn.

Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: tác giả cung cấp

Những giá trị trong LHTT của dân tộc Tày ở Lạng Sơn

LHTT của dân tộc Tày ở Lạng Sơn là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, đậm đà sắc thái tộc người và địa phương. Cũng như các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, LHTT của dân tộc Tày Lạng Sơn thường được tổ chức vào mùa Xuân, Tết Nguyên đán hoặc sau mùa vụ.

Cho đến nay, đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu và cách thống kê, phân loại LHTT ở Lạng Sơn. Tác giả Bảo Anh cho rằng, Lạng Sơn có gần 500 lễ hội được tổ chức trong năm, có thể phân thành 6 loại: lễ hội Lồng tồng; hội cầu mùa; hội hát; hội chợ; lễ hội đình, đền, chùa; lễ hội cách mạng (1).

Theo tác giả Nguyễn Ngọc Thanh, lễ hội Tày, Nùng trên địa bàn Việt Bắc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng được phân loại thành 4 nhóm: lễ hội liên quan nông nghiệp (lễ hội Lồng tồng, lễ hội Nàng Hai hay còn được gọi là Nàng Trăng, lễ hội cầu mùa, cầu mưa, cúng rừng); lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo (hội đình, hội chùa); hội hát giao duyên (hát sli, hát lượn); lễ hội mang tính thượng võ (hội tranh đầu pháo) (2).

Theo Hoàng Văn Páo, LHTT ở Lạng Sơn phân thành 5 nhóm: lễ hội có tính chất tín ngưỡng nông nghiệp (lễ hội Lồng tồng, lễ hội cầu mùa, cầu diệt sâu bọ hại lúa, lễ hội Nàng Hai…); lễ hội hát giao duyên; lễ hội đình, đền, chùa; chợ hội; lễ hội lịch sử cách mạng (3).

Lễ hội có tính chất nông nghiệp, điển hình là lễ hội Lồng tồng, lễ hội Phài lừa, lễ hội Ná nhèm, lễ hội Nàng Hai, lễ hội Trò ngô. Trong đó, có lễ hội Lồng tồng được tổ chức ở nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn nhưng cũng có một số lễ hội chỉ được tổ chức ở một địa phương và trở thành truyền thống riêng của địa phương đó.

Lễ hội Lồng tồng, dịch theo nghĩa tiếng Tày là lễ hội xuống đồng, một nghi lễ nông nghiệp cổ xưa nhằm ăn mừng thắng lợi sau thu hoạch mùa màng, kết thúc năm cũ và đón năm mới với nhiều hy vọng tốt đẹp; phát động mọi người trong cộng đồng thôn bản xuống đồng, khởi động một mùa sản xuất mới. Lễ hội thường được tổ chức ở sân đình hoặt khu ruộng bằng phẳng được gọi là nà thồng, tức là ruộng để dân bản tổ chức lễ hội. Phần lễ thể hiện phong tục thờ thần của dân tộc Tày Lạng Sơn bao gồm thờ Thổ thần, thờ Thành Hoàng, thờ thần Nông. Phần hội phong phú với nhiều trò diễn, trò chơi dân gian (trò “sĩ, nông, công, thương”, tung còn, đánh yến, chơi cờ người, kéo co, bắn cung, đi cà kheo, đánh sảng, đánh khăng, chơi bị, đánh đáo, nhảy bao…). Một lễ hội Lồng tồng điển hình ở Lạng Sơn là lễ hội Bủng Kham ở xã Đại Đồng, huyện Tràng Định gắn với truyền thuyết về 7 nàng tiên trốn vua cha Ngọc Hoàng xuống trần gian, dừng chân ngắm cảnh, chơi cờ, tắm nước suối trong; do mải mê tắm đến lúc nghe tiếng gọi của Thiên Đình vội mặc xiêm áo bay về trời mà quên 7 dải lụa lại ở trần gian và chúng biến thành 7 dòng sông xanh uốn lượn quanh cánh đồng Thất Khê phì nhiêu, màu mỡ. Nhân dân quanh vùng quan niệm những nơi tiên nữ xuống vãn cảnh, chơi cờ, tắm là đất thiêng nên vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm, nhân dân làm lễ cúng thần tiên để được phù hộ, mùa màng bội thu, gia đình no ấm, hạnh phúc.

Lễ hội Phài lừa (bơi lừa) - thi bơi bè mảng, là lễ hội cầu mưa, cầu đảo của đồng bào dân tộc Tày và thường được tổ chức ở địa phương có bề mặt sông nước rộng. Lễ hội được tổ chức ở nhiều nơi, điển hình như ở xã Hồng Phong, huyện Bình Gia; xã Quốc Việt, huyện Tràng Định; xã Chí Minh, huyện Tràng Định. Trong phần lễ, đồng bào cúng lễ một con lợn khoảng 40-50kg, 1 mâm xôi, 2 con gà luộc, 4 bát nước gừng, chủ lễ là người được bản tôn cử từ một dòng họ và được duy trì theo hình thức cha truyền con nối. Tham gia có 6 người cùng làm lễ dâng hoa, dâng trà, dâng quả, dâng rượu; cuối cùng là đọc bài văn tế. Sau phần tế lễ là phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào dân tộc Tày, trong đó có thi bơi mảng, thi bơi tự do trên sông nước. Thi bơi bè mảng phải trải qua 3 vòng, vòng cuối cùng lộn 3 lần mà không bị rơi xuống nước, về đến đích trước là thắng cuộc.

Lễ hội Ná nhèm (lễ hội mặt nhọ) diễn ra ngày 15 tháng Giêng, là hoạt động văn hóa dân tộc Tày ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Công tác chuẩn bị được tiến hành trước đó hai tuần với sự phân công rõ ràng: người cao niên tổ chức khóa lềnh, khóa mo, khóa hội giữa năm cũ với năm mới; người tham gia tập vai diễn, làm đạo cụ phục vụ trò diễn, quyên góp tiền, chuẩn bị lễ vật. Lễ hội Ná nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng gắn với sự tích đánh giặc; diễn tả cảnh đánh giặc giữ bản cùng với các nghi lễ, nghi thức mang đậm tính chất cầu mùa.

Lễ hội Nàng Hai được đồng bào người Tày ở huyện Tràng Định tổ chức vào đêm có trăng để cầu mùa màng. Tín ngưỡng thờ thần của lễ hội này là thờ Nàng Hai hay còn gọi là Mẹ Trăng. Lễ hội này xuất phát từ hai truyền thuyết tiêu biểu được lưu truyền trong nhân dân. Một là, truyền thuyết về mối tình đẹp đẽ giữa chàng nông dân và Nàng Hai, con gái út của Ngọc Hoàng nhưng không được chấp nhận nên phải chia xa. Hai là, truyền thuyết về một năm vùng núi Tràng Định bị hạn hán, dân bản đã làm lễ cầu trời và được trời thương cử 7 nàng tiên trên cung trăng xuống giúp, làm phép cho mưa thuận gió hòa, xong việc các nàng tiên bay về trời để lại lòng lưu luyến trong người dân bản nên hằng năm người dân làm lễ đón Nàng Hai - Mẹ Trăng vào ngày mồng 4-2 và lễ tiễn ngày 18-3 (âm lịch). Ngày nay, nhân dân Tràng Định tổ chức lễ hội Nàng Hai để kỷ niệm mối tình đẹp giữa chàng nông dân và Nàng Hai; làm nghi lễ cầu khấn nàng tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc (4).

Lễ hội Trò ngô được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng tại làng Giàng, xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng. Lễ hội này dựa theo truyền thuyết về một năm ở làng Giàng diễn ra những trận đánh giặc cứu dân của hai đạo quân do Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát và ông nghè Vũ Lôi Quận Công chỉ huy. Đạo quân do Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát cùng bốn tướng đánh giặc ở đèo “Cây Vông”; đạo quân do Vũ Lôi Quận Công cùng 4 tướng tiến quân đến cánh đồng Hữu Liên để đánh giặc (5). Theo phong tục, làng Giàng tổ chức lễ hội Trò ngô để tái hiện trận đánh hào hùng năm xưa. Các dòng họ trong làng sẽ chuẩn bị mâm lễ xôi, thịt lợn, rượu trắng để tế thần và khao quân. Phần hội diễn ra các trò hội như trò nhảy dậm (múa gươm), đánh đu, ném còn, đi cà kheo; cuối cùng là dân làng tổ chức liên hoan thụ lộc, tạo nên không khí văn hóa cộng đồng đầu xuân ấm cúng, đoàn kết.

Hội hát giao duyên có từ lâu đời ở Lạng Sơn. Hội hát thường tổ chức vào cuối mùa Xuân, là hội của nam nữ thanh niên đến hội hát các làn điệu sli, lượn để làm quen bạn mới, gửi lời giao duyên thầm kín. Hội còn là cơ hội cho những đôi nam nữ trước đây yêu nhau không lấy được nhau được tâm tình vui vẻ.

Chợ hội theo phiên và cứ năm ngày có một phiên. Trong năm có một số ngày chợ hội đông vui, nổi tiếng nhất là chợ Kỳ Lừa, họp hội hai phiên là ngày 27-3 và 12-8 (âm lịch).

Lễ hội đình, đền, chùa của dân tộc Tày Lạng Sơn chịu nhiều ảnh hưởng của dân tộc Kinh di dân từ miền xuôi lên, nên được tổ chức ở những ngôi chùa thờ Phật; ngoài ra được tổ chức ở đền, miếu thờ các vị thánh thần của dân tộc, các vị nhân thần của địa phương, sơn thần, thủy thần. Các lễ hội này thu hút nhân dân, du khách tới thăm quan, dâng hương cầu xin phúc lộc và thưởng thức các trò chơi dân gian, các làn điệu sli, lượn, các món ăn ẩm thực đặc sắc của xứ Lạng. Có thể điểm một số lễ hội đình, đền, chùa tiêu biểu của Lạng Sơn như: lễ hội đền Kỳ Cùng, đền Tả Phủ, đền Bắc Lệ, đền Vua Lê; lễ hội chùa Bắc Nga, chùa Tam Thanh; lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa…

Giá trị của LHTT dân tộc Tày thể hiện trên rất nhiều mặt như: lịch sử, văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, quân sự… Lễ hội phản ánh môi trường sống của người dân gắn với thiên nhiên, khí hậu miền núi phía Bắc và phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp lúa nước. Ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên (đất, nước, rừng, núi, sông, suối, khí hậu…) tới đời sống vật chất, tinh thần của người dân rất rõ nét thể hiện qua tín ngưỡng thờ các lực lượng siêu nhiên được thần thánh hóa từ những yếu tố thiên nhiên. Người Tày chịu ảnh hưởng của quan niệm phương Đông “thiên nhân hợp nhất”, ngoài ra còn có quan niệm “vạn vật hữu linh”; cho rằng vận mệnh con người phụ thuộc nhiều vào thần thánh, lực lượng siêu nhiên nên trong tín ngưỡng người Tày thể hiện sâu sắc tục thờ thần thánh, cầu cho sự sinh sôi nảy nở, cầu sự bình an, con người luôn khỏe mạnh. Qua các LHTT, đồng bào dân tộc Tày giáo dục thế hệ con cháu về cách ứng xử trân trọng, biết ơn và trách nhiệm giữ gìn thiên nhiên đã nuôi dưỡng, bảo vệ con người; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, là dịp để con cháu báo công với tổ tiên, thần linh, tạ ơn thần Thổ địa, thần Thành Hoàng, thần Nông đã phù hộ cho một năm an lành, ấm no, mùa màng tươi tốt.

LHTT của dân tộc Tày tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Việt. Trong một số lễ hội luôn có phần nghi lễ gắn với việc phụng thờ những nhân vật lịch sử, người có công dẹp giặc ngoại xâm, khai hóa đất đai, mở mang sản xuất, phát triển kinh tế, bảo vệ bản làng, biên cương Tổ quốc. Chẳng hạn, lễ hội đền Kỳ Cùng và đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn) gắn với phụng thờ hai vị quan triều đình dưới miền xuôi lên là những người lập nhiều chiến công hiển hách, bảo vệ nhân dân, hướng dẫn nhân dân làm ăn, sản xuất.

Lễ hội được tổ chức vào mùa Xuân được coi là thời điểm linh thiêng để làng xã, thôn, bản, gia đình, dòng họ tổ chức tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc và sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất có ý nghĩa. Thông qua đó, sự gắn kết, niềm tự hào dân tộc được tăng cường đồng thời tạo nên sức hấp dẫn cho kinh tế du lịch phát triển; mang lại những “món ăn tinh thần” bổ ích không chỉ cho nhân dân địa phương mà cả du khách trong nước và quốc tế; góp phần quảng bá văn hóa xứ Lạng và đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Thực trạng giữ gìn, phát huy giá trị LHTT của dân tộc Tày ở Lạng Sơn

Trong những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có di sản văn hóa của dân tộc Tày, chính quyền, cơ quan chuyên môn tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm tuyên truyền, giáo dục, quản lý, bảo tồn các LHTT. Hiện nay, Lạng Sơn có 5 LHTT được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: lễ hội Trò ngô (huyện Hữu Lũng), lễ hội Ná nhèm (huyện Bắc Sơn), lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn), lễ hội Phài lừa (huyện Bình Gia), lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định). Để bảo tồn văn hóa truyền thống, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai phục dựng một số lễ hội dân gian, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn, tư liệu hóa các lễ hội cả phần lễ và phần hội; phục dựng một số nghi thức trong LHTT đảm bảo phần lễ trang trọng, phù hợp; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về nguồn gốc lễ hội, giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, phòng chống mê tín, dị đoan.

Việc tổ chức các LHTT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống một cách thiết thực; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng văn hóa cộng đồng, tăng cường sự đoàn kết khối phố, bản làng, thôn xóm; giáo dục các thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển; nhiều sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực truyền thống đặc sắc của tỉnh được giới thiệu và tiêu thụ; văn hóa văn nghệ, trang phục, ngôn ngữ dân tộc được giữ gìn và phát huy. Nhân dân địa phương rất phấn khởi, tin tưởng vào đường lối văn hóa của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, phát triển kinh tế du lịch.

Để đạt được kết quả như vậy trong tổ chức LHTT dân tộc Tày là nhờ có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tỉnh Lạng Sơn: cán bộ, công chức cơ quan hành chính các cấp, cơ quan chuyên môn không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm trong công tác quản lý, tuyên truyền, hỗ trợ, định hướng lễ hội theo xu hướng tích cực, tiến bộ. Người cao niên, nghệ nhân, người yêu thích văn hóa truyền thống dân tộc Tày và các tầng lớp nhân dân ở địa phương tích cực cống hiến sức lực, tâm huyết trong quá trình tham gia tổ chức lễ hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy LHTT của dân tộc Tày ở Lạng Sơn vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Trong quá trình tổ chức lễ hội, bên cạnh việc lược bỏ những yếu tố rườm rà, lạc hậu thì cũng loại bỏ đi một số lễ nghi, trò chơi dân gian; bổ sung yếu tố hiện đại một cách tự phát, thiếu tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng làm mất đi một phần hồn cốt, bản nguyên của lễ hội xưa; chính vì thế cũng làm giảm sự hấp dẫn của lễ hội và làm mai một bản sắc văn hóa LHTT. Khi kinh tế, đời sống vật chất nâng cao, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, đời sống tinh thần được người dân chú trọng hơn trước, nhưng đôi khi thái quá gây lãng phí về cả thời gian và tiền bạc, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất như mời khách đến gia đình ăn uống nhân ngày lễ hội hoặc đi dự các lễ hội và tụ tập ăn uống gần như diễn ra trong suốt tháng Giêng. Tại địa điểm diễn ra lễ hội, một bộ phận người dân tụ tập, ăn uống liên hoan, chè chén say sưa, xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu nguồn gốc, ý nghĩa của từng lễ hội để hiểu về lịch sử, ý nghĩa giáo dục sâu xa mà cha ông muốn truyền dạy cho con cháu thông qua lễ hội bị coi nhẹ dẫn đến hiện tượng nhiều người tham gia lễ hội chỉ chú ý đến phần hội mà không chú ý đến phần lễ, không hiểu hết ý nghĩa của lễ hội. Yếu tố hiện đại, kinh tế thị trường ở các LHTT chủ yếu thể hiện ở việc xuất hiện rất nhiều hàng quán bán đồ ăn, đồ uống, đồ lưu niệm, bên cạnh có những sản phẩm tuân thủ quy định an toàn thực phẩm, sản phẩm rõ nguồn gốc thì cũng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Lạng Sơn có đường biên giới giáp với Trung Quốc nên ở lễ hội hàng hóa Trung Quốc chiếm một tỷ trọng đáng kể so với hàng hóa địa phương, hàng nội địa. Những trò chơi hiện đại, vui chơi có thưởng tạo nên không khí sôi động, hấp dẫn, lôi cuốn người tham gia lễ hội nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội và nếu không kiểm soát tốt có thể làm ảnh hưởng đến kết quả tổng thể của một LHTT.

Nguyên nhân của hạn chế là công tác nghiên cứu, công tác chuẩn bị của một số lễ hội, nhất là lễ hội ở cấp cơ sở như cấp thôn bản, cấp xã chưa được chu đáo; kịch bản lễ hội chưa được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo về việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại; công tác quản lý lễ hội còn thiếu chặt chẽ dẫn đến phát sinh những yếu tố thị trường tiêu cực, tự phát, khó kiểm soát; chưa phát huy được sự tham gia của người cao niên, nghệ nhân và cộng đồng người dân tộc Tày ở địa phương trong các khâu chuẩn bị và tổ chức LHTT; kinh phí tổ chức, cơ sở vật chất cho lễ hội còn thiếu thốn, một số thiết chế văn hóa phục vụ lễ hội bị xuống cấp mà chưa có điều kiện tu bổ, xây dựng.

Một số giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị LHTT của dân tộc Tày trong sự phát triển của xã hội hiện đại

Thứ nhất, ngoài lễ hội mang tầm cỡ, quy mô lớn như lễ hội cấp tỉnh, cấp liên tỉnh thì cần chú trọng công tác tổ chức lễ hội do bản, làng, xã tổ chức do gắn với không gian văn hóa và chủ thể văn hóa chính là đồng bào người dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Tày. Tổ chức lễ hội tại bản, làng, xã giúp tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cho các thế hệ người dân tộc Tày đồng thời tạo cơ hội cho sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.

Thứ hai, công tác nghiên cứu về quy trình, các sự tích lễ hội, nghi trượng, nghi thức của các LHTT cần tiếp tục đi vào chiều sâu dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu và những tài liệu đã được nghiên cứu, lưu trữ trước đó. Có thể nói, thời gian qua, công tác kiểm kê, nghiên cứu, phục dựng, xây dựng kho tư liệu về LHTT đã được tỉnh Lạng Sơn quan tâm. Song, trong thời gian tới, việc tổ chức lễ hội cần tiếp tục được nghiên cứu dựa trên sự kế thừa kết quả đạt được để nâng tầm tổ chức các lễ hội ở tất cả các khâu từ lên kịch bản, tập dượt kỹ càng về nội dung, hình thức; khắc phục tình trạng pha tạp, lai căng, mai một giá trị văn hóa dân tộc.

Thứ ba, chính quyền, các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng, cơ quan chuyên môn là ngành Văn hóa phải nâng cao trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức, quản lý lễ hội theo đúng định hướng của Đảng về phát triển văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; kế thừa có chọn lọc giá trị truyền thống, bổ sung giá trị hiện đại tạo nên sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, kinh tế với văn hóa nhằm giữ gìn, phát huy cái tích cực, khắc phục, hạn chế cái tiêu cực trong tổ chức LHTT.

Thứ tư, chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền ý nghĩa của lễ hội; phát huy những truyền thống tốt đẹp kết tinh trong các LHTT như: giáo dục lòng yêu nước, yêu thiên nhiên; tinh thần anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm; cần cù chăm chỉ trong lao động sản xuất; đoàn kết, thân ái trong ứng xử cộng đồng…

Thứ năm, chú trọng phát huy vai trò của nhân dân trong tất cả các khâu từ nghiên cứu, chuẩn bị, tổ chức và tổng kết rút kinh nghiệm sau lễ hội với vai trò là chủ thể văn hóa. Thông qua đó kết hợp hài hòa hai phương pháp bảo tồn văn hóa: bảo tồn tĩnh (nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, ghi âm, quay phim, chụp ảnh để in thành sách, đĩa để lưu trữ) và bảo tồn động (tôn trọng, phát huy sự sáng tạo của nhân dân trong quá trình tổ chức lễ hội theo định hướng phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc).

Kết luận

LHTT của dân tộc Tày ở Lạng Sơn rất phong phú, chứa đựng nhiều giá trị về giáo dục, văn hóa, lịch sử… đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần. Để giữ gìn, phát huy những giá trị của LHTT dân tộc Tày đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, việc nghiên cứu thấu đáo về lễ hội; làm tốt công tác chuẩn bị, tuyên truyền, định hướng, quản lý và thu hút sự tham gia của đồng bào dân tộc Tày sẽ quyết định sự thành công của lễ hội và góp phần phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn nói riêng, vùng miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung.

____________________

1. Bảo Anh, Hội hè trên đất Lạng Sơn, Tạp chí Dân tộc và Thời đại, số 33, Hà Nội, 2001, tr.11-12, 36.

2. Nguyễn Ngọc Thanh, Đặc trưng lễ hội truyền thống của người Tày, Nùng ở Việt Bắc, Tạp chí Dân tộc học, số 4, Hà Nội, 2005, tr.3-8.

3, 5. Hoàng Văn Páo, Lễ hội Lồng thồng của dân tộc Tày ở Lạng Sơn, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 2009, tr.122-123, 136.

4. Hoàng Văn Páo, Lễ hội dân gian Lạng Sơn, Sở Văn hóa - Thông tin Lạng Sơn xuất bản, thành phố Lạng Sơn, 2002, tr.61

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 03-NQ/TW về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, 16-7-1998.

2. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lạng Sơn, Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, 23-4-2019.

TS NGUYỄN THÀNH NAM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;