Lễ cầu may, cầu phúc Tết Mạ Grợ: nghi lễ tâm linh của người Khơ Mú ở Sông Mã (Sơn La)

Sơn La là tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam, gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Mông, Mường, Dao, Xinh Mun, Khơ Mú, Lào, Kháng, La Ha, Tày, Hoa. Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán mang bản sắc văn hóa riêng, cần được bảo tồn và phát triển. Ở Sơn La, người Khơ Mú thường cư trú tại Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã và Sốp Cộp. Trong đó, chủ yếu ở huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Bài viết tập trung giới thiệu nghi lễ cầu may, cầu phúc trong Tết Mạ Grợ - một nghi lễ mang tính tâm linh sâu sắc của đồng bào Khơ Mú ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Chủ nhà Quàng Văn Biên làm lễ cúng cầu hồn, vía cho mọi người trong gia đình - Ảnh: Hồng Vân

Một vài nét về dân tộc Khơ Mú

Người Khơ Mú còn có tên tự gọi là Khmụ, Kừm mụ hay Kưm mụ. Họ sinh sống hầu hết ở các tỉnh dọc biên giới Việt - Lào như Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Họ sống thành từng mảng và luôn có sự cộng cư với người Thái, Mông, Xinh Mun, Kháng. Họ cũng có sự giao lưu văn hóa tương đối gần gũi với các nhóm Thái và các tộc người khác cùng ngôn ngữ Môn - Khmer.

Người Khơ Mú là một trong những nhóm tộc người nói ngôn ngữ Môn - Khmer thuộc ngữ hệ Nam Á, là những cư dân bản địa vùng bán đảo Đông Dương. Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc tộc người Khơ Mú tại Việt Nam. Khi nói về nguồn gốc và lịch sử cư trú, nhiều ý kiến cho rằng, người Khơ Mú là cư dân bản địa đã cư trú lâu đời ở vùng Tây Bắc và có ý kiến cho rằng, miền Tây Bắc Việt Nam là nơi hình thành của tộc người Khơ Mú qua chuyện kể hay các tập sử thi của người Thái. Về nội dung này, nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn sau những lần điền dã nghiên cứu cổ sử Thái Tây Bắc đã chứng minh người Khơ Mú không phải là cư dân bản địa ở Tây Bắc mà di cư từ Lào sang Việt Nam. Do vậy, hiện nay nhiều phong tục tập quán của người Khơ Mú vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều của văn hóa Lào.

Dân tộc Khơ Mú có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú, chịu sự chi phối bởi tín ngưỡng, tôn giáo. Người Khơ Mú có rất nhiều nghi lễ vòng đời (sinh đẻ và nuôi dạy con; cưới xin, tang ma) và nhiều nghi lễ quanh năm (lễ cúng bản, lễ tra nương, lễ chia lửa, lễ mừng cơm mới…). Họ có văn hóa nương rẫy, tiêu biểu là lễ Tết ăn củ, trong đó khoai sọ là thức ăn chính trong nghi thức. Một trong những nghi lễ quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc của đồng bào Khơ Mú là lễ cầu may, cầu phúc trong Tết Mạ Grợ.

Lễ cầu may, cầu phúc Tết Mạ Grợ của người Khơ Mú

Hằng năm, sau khi mùa màng được gặt hái xong, khoảng tháng 11, 12 âm lịch, các gia đình Khơ Mú lại chuẩn bị các đồ lễ, chọn ngày đẹp để tổ chức Tết Mạ Grợ cầu may, cầu phúc. Đối với người Khơ Mú, ngày đẹp để tổ chức nghi lễ phải tránh ngày mất của bố mẹ. Người dân trong bản sẽ tổ chức lễ cúng mỗi hôm ở vài nhà cho đến khi hết các gia đình của bản. Đây cũng là một dịp để con cháu dâng lễ lên tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết.

Các thành viên trong gia đình tham gia phần hội - Ảnh: Hồng Vân

Đồng bào Khơ Mú quan niệm, tổ tiên là ma nhà và con cháu sống trong nhà có được yên ổn hay không là nhờ tổ tiên phù hộ. Ban thờ ma nhà được làm ngay cạnh bếp lửa và “ông, bà cụ, kỵ trở lên không được thờ mà phải đi lang thang để cuối cùng đầu thai vào con cháu… Tổ tiên vốn được hiểu là khái niệm chung chung, thường trú ngụ ở một trong ba ông đầu rau ở bếp lửa, có vai trò rất quan trọng. Đó cũng là ma bảo vệ mùa màng, nòi giống cho gia đình” (1).

Nghi lễ cầu may, cầu phúc là Tết lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, được diễn ra trong quy mô từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản. Đây không phải là nghi lễ bắt buộc, mà tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình. Họ quan niệm, trong Tết Mạ Grợ, các gia đình làm lễ để cầu mong cho các thành viên khỏe mạnh; tiễn năm cũ đi cùng tất cả những xui xẻo, ốm đau, bệnh tật, mong được đón một năm mới với nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc. Nghi lễ gồm phần lễ và phần hội.

Phần lễ

Để tiến hành nghi lễ, gia đình chủ lễ phải chuẩn bị 1 con lợn, 2 con gà (1 con trống, 1 con mái), gạo nếp, rượu cần, rượu trắng, các sản vật, củ quả, rau, các loại hoa rừng, quần áo… Quần áo mới được trưng bày trên mâm cúng để gia tiên biết được điều kiện của nhà mình. Theo nghệ nhân Vì Văn Thương, trong mâm xính lễ, lợn không cúng cả con mà chỉ dùng một số bộ phận như đầu, chân, xương sườn và phải đủ cả bộ lòng. Khoai sọ là loại củ không thể thiếu được trong lễ cúng bởi theo quan niệm của người Khơ Mú, khoai sọ vừa thơm, vừa bùi, là một loại củ rất lành, và cũng mang tính linh thiêng trong các nghi lễ của đồng bào.

Trước tiên, con cháu trong gia đình mổ lợn, gà và chuẩn bị mâm lễ cúng. Mọi người trong gia đình đều tập trung tại gian thờ tổ tiên, gần chum rượu cần. Người con trai cả bắt vào 1 con gà trống, lấy con dao nhọn đưa vào cho ông chủ nhà. Ông chủ nhà rửa con dao, rồi dùng dao cắt tiết gà. Ông chủ nhà một tay cầm hai cánh gà, một tay cầm đầu gà vừa khấn, vừa bôi máu con gà lên đầu gối những người trong gia đình lần lượt từ người nhỏ tuổi nhất đến người lớn tuổi nhất, cuối cùng bà chủ nhà sẽ bôi cho ông chủ. Sau khi bôi xong tiết con gà trống, người con trai cả đem con gà trống ra ngoài, bắt tiếp con gà mái và cũng thực hiện các nghi lễ tương tự. Trong lúc bôi tiết gà, ông chủ khấn cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn, mong cho tổ tiên phù hộ… Những người tham dự lễ cũng đồng thanh khấn theo ông chủ, chúc phúc, cầu may, cầu sức khỏe cho mọi người trong nhà. 2 con gà sau đó được mang đi mổ để làm xính lễ.

Khi lợn, gà chín, ông chủ nhà sắp xếp mâm cúng lên trên bàn thờ tổ tiên gồm các xính lễ, củ quả đã được làm chín, cùng chum rượu cần và khấn lễ.

Sau khi khấn xong lễ cúng ở bàn thờ tổ tiên, gia chủ thực hiện nghi thức uống rượu cần: ông, bà chủ nhà ngồi cạnh chum rượu cần, bà chủ nhà cầm sừng trâu để tiếp nước vào rượu, ông chủ lấy ra một đôi đũa tre (giống đôi đũa cả, dài khoảng 20cm), một tay ông vít 2 cần rượu, 1 tay ông dùng đũa cả gắp bã rượu trong chum ra, bón qua một cái lỗ sàn nhà (đã được đục sẵn từ trước), ngụ ý mời bố, mẹ về ăn Tết, uống rượu cần, vừa bón ông vừa khấn, mời bố mẹ uống rượu cần và ăn Tết với con cháu, cầu mong bố mẹ phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, gia đình hòa thuận, làm ăn phát đạt. Khi ông chủ cất lời cúng thì những người già, người lớn cũng khấn theo để cầu mong cho tổ tiên phù hộ cho gia chủ, các con, các cháu.

Thực hiện nghi lễ xong, mọi người cùng nhau uống rượu cần và ăn củ quả. Chủ nhà mời những người lớn tuổi, có chức sắc trong bản, rồi những người khác và khách tham dự. Những người được mời uống rượu vừa vít cần rượu, vừa nói lời cảm ơn chủ nhà và cầu mong cho các con cháu trong gia đình khỏe mạnh, năm mới nhiều may mắn, mọi người ngồi xung quanh cũng khấn theo.

Sau khi thực hiện lễ cúng tại ban thờ tổ tiên, ông chủ nhà tiến hành lễ cầu hồn, vía cho mọi người trong nhà. Nghi lễ được thực hiện tại gian thờ nơi mời tổ tiên ăn Tết với một mâm lễ được bà chủ nhà chuẩn bị sẵn. Mâm lễ là một phên tre, đặt các loại củ, quả đã được đồ chín, gà, lợn chín, chặt ra để lên mâm, bát canh, 1 bát muối ớt, đặt 4 thìa, 4 đôi đũa ở 4 góc mâm, 1 ép xôi to.

Ông bà chủ nhà tập trung tất cả con, cháu trong gia đình từ bé đến lớn ngồi xung quanh mâm lễ. Ông chủ bắt đầu làm lễ, ông mặc trang phục bình thường, nhưng vắt lên vai một chiếc khăn để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên. Ông mở ép xôi cốm, vê xôi thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, chấm chấm vào các đồ lễ, rồi dính lên tóc của con, cháu, theo thứ tự từ người bé nhất đến người lớn nhất đều được dính mỗi người 2 miếng xôi (người nào đội khăn thì có thể dính lên trán). Ai có gia đình rồi mà con cái đi vắng không về dự được thì dính thêm 1 miếng xôi lên tóc của bố, mẹ. Vừa dính xôi, ông chủ vừa cúng khấn cầu mong cho con cháu khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, không rủi ro, tai nạn... Cuối cùng, bà chủ nhà sẽ vê xôi dính lên tóc ông chủ nhà và cầu khấn cho ông khỏe mạnh, may mắn, nhiều phúc, nhiều lộc. Trong khi ông, bà chủ nhà cúng khấn thì mọi người tham gia cũng đồng thanh cúng khấn theo, xin thần linh, tổ tiên phù hộ cho gia chủ khỏe mạnh, may mắn.

Cúng xong cho mọi người trong gia đình, ông chủ thực hiện nghi lễ mời tổ tiên về ăn Tết. Ông cũng vê từng miếng xôi nhỏ chấm vào các bát thức ăn rồi dính vào mặt mâm, vừa dính xôi, ông vừa khấn mời tổ tiên ăn Tết, cầu khấn tổ tiên phù hộ cho mọi người trong gia đình khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, gia xúc, gia cầm sinh sôi.

Phần hội

Trong khi chủ nhà thực hiện các nghi lễ, người nhà chuẩn bị thức ăn, xôi, củ quả để tổ chức ăn Tết, tùy vào số lượng người trong gia đình, người tham dự nhiều hay ít để dọn mâm, thường mỗi gia đình dọn từ 5-7 mâm cỗ.

Thực hiện nghi lễ xong, gia đình chủ lễ mời mọi người ăn cơm, vừa ăn cơm, vừa uống rượu cần và múa xòe. Trong lúc múa xòe thì có người dùng củ, quả đã đồ sẵn bôi lên những người tham gia, ai cũng phải bôi một ít để lấy lộc, lấy phúc của chủ nhà. Cuộc vui này có thể đến khuya, càng về khuya, cuộc vui, càng rộn ràng, mọi người càng bôi quả, củ vào nhau nhiều hơn. Đây cũng là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Khơ Mú.

Nghi lễ cầu may, cầu phúc của người Khơ Mú là dịp để con cháu trong gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ về tổ tiên; là nghi lễ truyền thống của người Khơ Mú, thể hiện tính cộng đồng, đoàn kết của những người trong gia đình, dòng họ, làng bản.

Theo chủ nhà Quàng Văn Biên: Nghi lễ cầu may, cầu phúc của người Khơ Mú huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La hiện nay vẫn được duy trì, bảo tồn. Nhiều gia đình có điều kiện, họ tổ chức hằng năm, những gia đình không có điều kiện kinh tế, họ có thể không tổ chức hoặc mấy năm tổ chức một lần. Để các nghi lễ của đồng bào không bị mai một, rất mong Đảng và Nhà nước ban hành nhiều hơn chủ trương chính sách phát triển kinh tế, văn hóa cho đồng bào để họ có điều kiện thực hành các hoạt động nghi lễ, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa dân tộc mình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới vấn đề dân tộc thiểu số, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày 12-3-1996, đồng chí Nông Đức Mạnh đã nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số là nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước thực hiện bình đẳng dân tộc trên thực tế (…). Đối với các phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số, chúng ta cần biết phân loại, trong truyền thống văn hóa của các dân tộc cái gì tốt đẹp thì phải bằng mọi cách giữ gìn và phát huy, cái gì cần cải tạo thì phải tiến hành với tinh thần “gạn đục khơi trong”. Đời sống văn hóa ở các vùng dân tộc thiểu số cần được xây dựng trên cơ sở mỗi dân tộc phát huy bản sắc văn hóa của mình, đồng thời tiếp thu văn hóa của các dân tộc khác, góp phần phát triển nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” (2). Việc nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào cũng chính là tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào phát huy giá trị các phong tục, tập quán, di sản văn hóa bởi “các sinh hoạt văn hóa, các giá trị văn hóa chỉ phát huy tác dụng tối đa khi chúng lại thành tế bào sống trong nền văn hóa đương đại. Ở đây, chúng được sống, được cọ xát với điều kiện xã hội mới. Đó chính là thử thách để chúng được nhân dân hoàn thiện, phát triển mang những chất lượng mới, làm cơ sở cho những sáng tạo hôm nay, góp phần tiếp nối và phát triển văn hóa dân tộc” (3).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số... Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số” (4).

Những năm gần đây, Sơn La luôn nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện. Lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế, xã hội. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao chất lượng sống của nhân dân” (5).

Có thể nói, dân tộc Khơ Mú ở Sơn La đã bảo tồn được nhiều nét văn hóa truyền thống. Với ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, chúng ta cũng tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, bản làng người Khơ Mú sẽ ngày càng thay đổi, cuộc sống của họ sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc. Các giá trị văn hóa của đồng bào sẽ được bảo tồn, phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng và giàu tính dân tộc; nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khơ Mú tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục được bảo tồn và sống mãi với thời gian.

____________________

1. Khổng Diễn (chủ biên), Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1999, tr.276.

2. Nông Đức Mạnh, Kế thừa, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, in trong Văn hóa và sự phát triển các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2019, tr.134-135.

3. Lưu Trần Tiêu, Một số vấn đề về bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc, in trong Văn hóa và sự phát triển các dân tộc ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, 2019, tr.155-156.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144-145.

5. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, sonla.gov.vn, 5-10-2020.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2. Vương Xuân Tình (chủ biên), Các dân tộc ở Việt Nam, tập 3, quyển 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.

3. Thanh Tra, Các nghi lễ tết trong năm của người Khơ Mú ở tỉnh Sơn La, bandantoc.sonla.gov.vn, 28-4-2021.

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 563, tháng 3-2024

;