Huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ: Một số giải pháp nâng cao chất lượng “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”

Thời gian qua, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hóa, phong trào “Người tốt, việc tốt”, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tài năng, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn nghệ, xây dựng lối sống văn minh hiện đại, tập quán, lễ thức tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc và phù hợp với trào lưu văn hóa tiến bộ của nhân loại.

Cờ Đỏ là huyện ngoại thành cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 50 km. Huyện có 10 đơn vị hành chính (gồm 9 xã, 1 thị trấn, trong đó 9/9 xã đã được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”); diện tích đất tự nhiên 31.981 ha. Toàn huyện hiện có 30.292 hộ, với 115.505 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó dân tộc thiểu số có 2.237 hộ và 6.960 khẩu; đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn huyện có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia  là địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Đây là những điều kiện thuận lợi để huyện mở rộng hợp tác, giao lưu, tiếp cận với những giá trị văn hóa tiên tiến làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được coi là bước đi ban đầu của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm hình thành nhân cách công dân, để mỗi người có ý thức đầy đủ về quyền hạn và nghĩa vụ công dân, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật; sống theo đạo lý “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; có ý thức lao động tự giác, có phẩm chất đạo đức trong sáng, lành mạnh, đồng thời tham gia vào quá trình sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Với bản chất là hiện tượng xã hội, văn hóa là sự phát huy nguồn lực con người nhằm làm chủ thiên nhiên, xã hội và bản thân, thể hiện ra trong hoạt động sáng tạo và trong những hoạt động sáng tạo đó, thúc đẩy sự phát triển nhân cách và sự phát triển của xã hội theo hướng đạt tới cái đúng, cái tốt và cái đẹp.

Trong những năm qua, quán triệt đường lối của Đảng, dưới sự lãnh chỉ đạo của các cấp chính quyền ở địa phương, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện đến cơ sở đã cụ thể hóa kịp thời việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế như: một bộ phận nhân dân đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn; một số tiêu chí trong phong trào chưa thật sự mang tính bề vững, nhất là tiêu chí tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng cảnh quan môi trường; chất lượng hiệu quả hoạt động của nhiều Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, thị trấn và Nhà văn hóa ấp còn hạn chế, chưa thể hiện tốt vai trò của một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Lễ công nhận xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ  đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 
 

Để nâng cao chất lượng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” trong thời gian tới, Cờ Đỏ cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa và công tác gia đình, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chăm lo giáo dục gia đình, nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương, đơn vị.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền đến từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 2/12/2011 của Bộ VHTTDL, quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 4/7/2018 của UBND thành phố Cần Thơ quy định tiêu chí xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Ba là, xây dựng và nhân rộng các mô hình Gia đình văn hóa tiêu biểu, có nề nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; cần tiếp thu và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới, đề xuất hướng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực Gia đình; thực hiện một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm, kiên quyết không để tái diễn những tồn tại, hạn chế mang tính chủ quan. Hằng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết... qua đó đánh giá kết quả các giải pháp nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, biểu dương, khen thưởng kịp thời những Gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình có nhiều thành tích đóng góp cho địa phương.

Bốn là, cần sự quan tâm đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, sửa chữa nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở kịp thời, kết hợp phương châm đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, tạo nền tảng cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

Năm là, thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở để truyền tải hiệu quả những chủ trương, chính sách đến người dân trong xây dựng gia đình; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, nhằm trang bị kiến thức, nâng cao chất lượng xây dựng Gia đình văn hóa.

Sáu là, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ như xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tạo sức lan tỏa thành phong trào rộng lớn. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; phát huy vai trò các thiết chế văn hóa ở cơ sở, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của người dân.

Bảy là, xây dựng văn hóa phải gắn liền với xây dựng con người và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nên bắt nguồn từ nền tảng xây dựng văn hóa gia đình, ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới bởi đây là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người, mọi nhà.

 

MINH LÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;