Hướng tới kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945- 28/8/2023): Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch là mô hình đã được nhiều địa phương chú trọng quan tâm, triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả tốt. Bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản không chỉ đưa di sản trở thành sản phẩm văn hóa đến với đông đảo du khách, góp phần đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển bền vững đất nước.

“Mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái”

Là một tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, với hơn 30 dân tộc sinh sống, Yên Bái được biết đến là vùng đất mang những dấu ấn riêng biệt về văn hóa, với những sắc thái văn hóa đa dạng, độc đáo hòa quyện, đan xen lẫn nhau đã tạo nên một vùng văn hóa đa sắc màu, đặc biệt trong đó có kho tàng di sản văn hóa với nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp cụ thể, trong đó có: “Xây dựng và phát triển mô hình đội văn nghệ bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Mô hình không chỉ là nhân rộng các đội văn nghệ thông qua truyền dạy, tôn vinh các nghệ nhân, mà còn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Đàn Tính - hồn dân ca, dân vũ của người Tày Yên Bái - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Yên Bái 

Để mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, tỉnh đã có các chính sách kịp thời và hỗ trợ đúng đối tượng. Chỉ trong năm 2021 và 2022, đã có 154 đội văn nghệ trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng chính sách với tổng số tiền là 2.460 triệu đồng, với mức không quá 60 triệu đồng đối với đội văn nghệ nhóm I; và 40 triệu đồng đối với đội văn nghệ nhóm II; và hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động hằng năm cho các đội văn nghệ với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/đội.

Với các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiện nay, tỉnh Yên Bái có 312 nghệ nhân đang nắm giữ, thực hành các di sản trong cộng đồng, là nòng cốt để duy trì các đội văn nghệ bảo tồn văn hóa dân tộc. Cùng với đó, để di sản văn hóa phi vật thể được lan tỏa trong cộng đồng, tỉnh đã nhân rộng mô hình bằng việc mở các lớp dạy do chính các nghệ nhân truyền dạy. Sau hai năm triển khai (năm 2021 và 2022), tỉnh đã mở được 15 lớp truyền dạy trong lĩnh vực di sản phi vật thể như: biểu diễn khèn Mông; hát Khắp Cọi, dân ca, dân vũ dân tộc Tày; dân tộc Cao Lan; dân ca Thái (Khắp Thái)… Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 150 mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số tham gia hoạt động du lịch thường xuyên, hiệu quả trong việc, tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch homestay ở các bản văn hóa, những lễ hội của địa phương, sự kiện văn hóa truyền thống… đã góp phần nâng cao nhận thức về lòng tự hào cũng như ý thức của người dân trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc thiểu số, đồng thời quảng bá các giá trị của di sản, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của Yên Bái. Năm 2022, toàn ngành Du lịch Yên Bái đón trên 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 28.000 lượt khách. 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 670.350 lượt khách (tăng 27,5% so với cùng kỳ), trong đó, khách quốc tế là 19.930 lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 481 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.

Việc xây dựng các mô hình đội văn nghệ bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một hướng đi đúng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Yên Bái tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm” gắn với phát triển du lịch ở Gia Lai

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khấu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25-11-2005. Là một tỉnh năm ở phía Bắc của Tây Nguyên, trong gần 20 năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc góp phần giữ vững cam kết với UNESCO bằng nhiều hành động cụ thể, trong đó, “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm” là một trong những mô hình đã được thực hiện trong thời gian qua với mục đích bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện để cồng chiêng được trở về với môi trường vốn có, do các nghệ nhân nắm giữ và thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước.

Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm” được Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai tổ chức lần đầu tiên vào dịp 30/4 – 1/5/2022, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku. Được các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai luân phiên trình diễn. Mô hình có sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân, thực hành vào vào tối thứ 7 hằng tuần trong khung giờ từ 19 giờ đến 21 giờ.

Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - nét văn hóa độc đáo thu hút  du khách đến với Gia Lai - Ảnh: Trang thông tin điện tử Sở VHTTDL Gia Lai

Đến với “Cồng chiêng cuối tuần”, du khách được trải nghiệm: Trình tấu cồng chiêng kết hợp múa truyền thống (suang), hát dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ làm từ tre nứa, phục dựng trích đoạn các nghi lễ, lễ hội truyền thống. Ngoài ra, du khách còn được giao lưu, chụp ảnh cùng các nghệ nhân, tìm hiểu về văn hóa truyền thống; tham gia trải nghiệm về múa hay đánh chiêng cùng thưởng thức rượu ghè, gà nướng do các đoàn nghệ nhân chuẩn bị.

Cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng trong chương trình đều là dạng nguyên bản, đúng với truyền thống, cơ bản không có yếu tố hiện đại, cách tân. Hoạt động diễn ra trong một không gian tự nhiên thoáng đãng trên thảm cỏ xanh, dưới những tán cây, không sân khấu hóa, không có sự can thiệp của bàn tay đạo diễn. Các đoàn nghệ nhân tham gia với tâm thế tự do, thoải mái thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mô hình Cồng chiêng cuối tuần còn là dịp để những nghệ sĩ buôn làng có không gian thực hành di sản, thỏa sức sáng tạo di sản mình đang nắm giữ và khơi dậy lòng tự hào vốn có đối với văn hóa truyền thống dân tộc…

Để chương trình không bị trùng lặp liên tiếp, luôn đổi mới và hấp dẫn người xem, mỗi đoàn nghệ nhân sẽ không biểu diễn quá một lần trong tháng, và dành nhiều thời gian tương tác với khán giả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên các đoàn nghệ nhân từ các địa phương vùng xa ít có cơ hội được tham gia chương trình, nếu không có sự ủng hộ từ phía chính quyền cấp huyện sở tại (hỗ trợ nghệ nhân tiền ăn ở, đi lại như An Khê, Đak Pơ, Chư Sê, Mang Yang và Phú Thiện)…

Mô hình Cồng chiêng cuối tuần đã thu hút hàng nghìn lượt du khách và người dân tham dự, nhiều người đã nắm tay nhau nối rộng vòng suang (múa) cùng các nghệ nhân Bahnar, Jrai. Không chỉ có du khách trong và ngoài nước, rất nhiều học sinh các cấp cũng đã xem chương trình là một điểm đến thú vị, sự bổ sung cần thiết cho chương trình giáo dục địa phương mà các em phải học ở trường. Phần lớn khán giả đến với Cồng chiêng cuối tuần đều sử dụng mạng xã hội, nhờ đó, sức lan tỏa của sinh hoạt này mỗi ngày một thêm rộng lớn. Hàng ngàn lượt người xem đã truyền tải hình ảnh đất nước, con người Gia Lai, trong đó có văn hóa cồng chiêng ra khắp đất nước và một phần thế giới. Điều đặc biệt là không chỉ có người lớn, ngày càng có nhiều gia đình cho con em ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng tham gia Cồng chiêng cuối tuần vào mỗi tối thứ 7 để vui chơi, trải nghiệm. Những người tổ chức mô hình Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và trải nghiệm vẫn luôn trăn trở và không ngừng hy vọng, nó sẽ có chút đóng góp nhỏ bé nhưng tích cực vào công cuộc chung của tỉnh nhà, một địa phương còn nhiều khó khăn ở bắc Tây Nguyên.

Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi,  gắn kết với phát triển du lịch ở thành phố Hội An

Nghệ thuật Bài chòi đã gắn bó với người dân Quảng Nam và các tỉnh miền Trung từ rất lâu đời. Hiện nay, Bài chòi là thế mạnh của phong trào văn nghệ, sinh hoạt văn hóa của người dân Hội An, được các tầng lớp nhân dân yêu mến, được lớp trẻ kế thừa và trở thành bộ môn nghệ thuật không thể thiếu trong các chương trình biểu diễn ở thành phố, các xã, phường, các trường học, doanh nghiệp.

Nghệ thuật Bài chòi được xác định là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, vừa là sản phẩm du lịch độc đáo, là nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của phố cổ Hội An. Các lớp học hát dân ca, hô - hát Bài chòi được mở trong Khu phố cổ (hằng đêm) dạy cho các em thiếu nhi và du khách. Đặc biệt, nghệ thuật và trò chơi Bài chòi còn phục vụ 2 suất/ ngày (lúc 10 giờ, 15 giờ) tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và phục vụ hằng đêm dưới hình thức “nghệ thuật đường phố” tại “Phố đêm” trong Khu phố cổ, hoạt động này thu hút đông đảo khách du lịch tham gia, họ vô cùng thích thú với loại hình nghệ thuật dân gian này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng tổ chức các hội Bài chòi dân gian để phục vụ du khách tham quan. Nghệ thuật Bài chòi cũng “mang chuông đi đánh xứ người” tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và quốc tế. Chính vì thế, đây là sản phẩm du lịch văn hóa tồn tại 25 năm qua được người dân và du khách đánh giá cao.

Đông đảo du khách thưởng thức nghệ thuật Bài chòi ở Quảng Nam (Ảnh minh họa)

Để nghệ thuật Bài chòi được lan tỏa rộng rãi và mọi người Quảng Nam yêu thích như hiện nay, trước năm 2000, Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An đã mở các lớp truyền dạy dân ca Bài chòi, các lớp nhạc cụ dân tộc cho cơ sở để đào tạo diễn viên, nhạc công cho phong trào. Tiếp nối, năm 2004, Trung tâm Văn hóa đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố đưa dân ca, Bài chòi vào trường học; mỗi năm học sẽ tổ chức dạy hát dân ca theo dạng cuốn chiếu cho 2 trường THCS vào thứ hai hàng tuần giáo viên là các nghệ nhân, diễn viên của Trung tâm Văn hóa – Thể thao truyền dạy. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm tiếp tục mở lớp học hát dân ca, Bài chòi hằng đêm trong khuôn khổ hoạt động “Phố đêm” trong khu phố cổ cho 2 trường THCS nội thị là Trường Nguyễn Duy Hiệu và Trường Kim Đồng. Vào mỗi đêm, có khoảng 20-30 em học sinh của 2 lớp đến học hát, mỗi em sẽ tham gia lớp học 1 đêm/ tuần. Đến nay, đã thu hút gần 5 ngàn lượt học sinh được học hát để tiếp cận và dần yêu thích bộ môn Bài chòi, các em chính là sứ giả làm cho nghệ thuật Bài chòi thẩm thấu vào từng gia đình, trường học, xóm thôn, khối phố. Nhiều em trở thành các hạt nhân của phong trào hô, hát Bài chòi ở cơ sở, đã tham gia và đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn; có em đã trở thành diễn viên hô hát dân ca, Bài chòi chuyên nghiệp…

Để duy trì và phát triển phong trào ở cơ sở; Trung tâm Văn hóa - Thể thao luôn tích cực phối hợp với các đoàn thể, các doanh nghiệp, các xã, phường tổ chức các hội thi, liên hoan dân ca, Bài chòi; tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng thu hút đông đảo lực lượng diễn viên chuyên và không chuyên của toàn thành phố tham gia; Trung tâm Văn hóa – Thể thao đã đưa ra tiêu chí bắt buộc phải có ít nhất 1/3 chương trình là các tiết mục dân ca, Bài chòi (hát đơn, song, tốp, ca cảnh…). Nhờ cách làm này mà phong trào hô, hát Bài chòi được phát huy mạnh mẽ.

Hiện nay, toàn thành phố Hội An có khoảng 10 Đội/ Nhóm hô - hát Bài chòi, thường xuyên tham gia các chương trình lễ hội hằng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An, Quảng Nam. Nghệ thuật Bài chòi còn được đưa đi tham dự các liên hoan, giao lưu cấp khu vực, quốc gia. Tại các cuộc liên hoan, hội thi của các cơ quan, ban ngành của thành phố cũng như các sự kiện văn hóa - du lịch do thành phố và tỉnh Quảng Nam tổ chức luôn có sự hiện diện của nghệ thuật Bài chòi.

Đồng thời, nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, là điểm nhấn của “Đêm phố cổ” Hội An. Kể từ khi nghệ thuật Bài chòi trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch thì Bài chòi được đầu tư viết kịch bản và dàn dựng bài bản hơn trước. Giờ đây, nghệ thuật Bài chòi của Hội An còn trở thành sản phẩm “văn hóa ngoại giao”, phục vụ các hội nghị cấp cao quốc gia cũng như quốc tế, từ châu Âu (CHLB Đức, Hunggary), sang châu Á (Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản) và châu Úc… và xuất hiện trong nhiều lễ hội, sự kiện quan trọng của đất nước. Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân phố Hội và cả du khách, trở thành sản phẩm du lịch - văn hóa độc đáo, góp phần trong hoạt động kinh tế mũi nhọn của thành phố và tỉnh Quảng Nam.

NGỌC BÍCH

;