Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành VHTTDL. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, nhiều mô hình văn hóa ở các địa phương đã ngày càng được nhân rộng, lan tỏa, đi vào chiều sâu chất lượng, góp phần nâng cao đời sống, tinh thần của nhân dân cũng như làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống, gia đình và cộng đồng dân cư.
Nằm trong các chuỗi sự kiện chào mừng Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) và chào mừng ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023), Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội chiều 28/8 sẽ là dịp để những người làm văn hóa cả nước chia sẻ bài học kinh nghiệm quý báu trong thực hiện công tác, trong đó có xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số mô hình tiêu biểu.
Phụ nữ thôn Lục Liễu, xã xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đóng góp hiệu quả trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu - Ảnh: Cổng thông tin - giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc
Mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” tại tỉnh Vĩnh Phúc
Điển hình tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có Đề án xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” giai đoạn 2023-2030, với mục tiêu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, có đột phá trong việc xây dựng các làng, thôn, bản khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; gắn kết chặt chẽ với các tiêu chí xây dựng “thôn nông thôn mới kiểu mẫu” nhưng có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, có yếu tố khác biệt, đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Công trình nhà văn hóa Tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình xuyên - một trong những địa phương được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh: Cổng thông tin - giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc
Mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” được thực hiện với 3 nội dung chủ yếu: đầu tư các khu thiết chế văn hóa – thể thao; hoàn thành 14 tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (dựa trên các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nhưng ở mức độ cao hơn, toàn diện hơn), trong đó lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch gồm có 2 tiêu chí: tiêu chí về văn hóa, thể thao và tiêu chí chấp hành pháp luật, hương ước, quy ước…; để hoàn thành các tiêu chí nêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 16 chính sách, trong đó, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 5 chính sách: Hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ mô hình du lịch Homestay, Farmstay; Hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được xếp hạng; Hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống; Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Xác định xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”trên địa bàn tỉnh đến 2030 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” và lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2030 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu” do cấp có thẩm quyền ban hành…
Việc xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh Vĩnh Phúc, hướng tới mục tiêu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.
Mô hình “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch” tại Đà Nẵng
Xây dựng Môi trường văn hóa luôn được thành phố Đà Nẵng chú trọng quan tâm và được xác định là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các điểm đến du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng. Đó vừa là môi trường để hoạt động du lịch phát triển, vừa là tài nguyên, là yếu tố hấp dẫn khách du lịch đến với cộng đồng. Việc xây dựng, khai thác các yếu tố, các giá trị của môi trường văn hóa trong phát triển du lịch đã và đang được triển khai tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, triển khai Chương trình “Nghiên cứu xây dựng môi trường văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” do Bộ VHTTDL chủ trì, thành phố Đà Nẵng đã đưa vào thực hiện các nội dung, mang lại hiệu quả cao. Cụ thể:
Về phát triển hoàn thiện thiết chế văn hóa, bảo vệ giữ gìn cảnh quan văn hóa, trong những năm qua, thành phố đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhiều công trình văn hóa, thể thao quan trọng có quy mô lớn. Các thiết chế trên đã góp phần tạo cơ sở vật chất và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố giao và phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân và du khách.
Phố đi bộ An Thượng với các gian hàng sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm của du khách - Ảnh: Cổng thông tin du lịch TP Đà Nẵng
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa đã được chính quyền thành phố quan tâm thông qua việc đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, đồng thời khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch; phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Đến nay, thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 67 di tích cấp thành phố và 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê. Đã có 6 di sản văn hóa phi vật thể của địa phương được Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 6 hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã chung tay cùng các địa phương Trung bộ xây dựng Hồ sơ “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ của Việt Nam” và đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Ma Nhai thuộc Danh thắng Ngũ Hành Sơn được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới châu Á - Thái Bình Dương.
Hoạt động bảo tàng được chú trọng nâng cao chất lượng. Đến nay, TP Đà Nẵng có 9 bảo tàng... góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. Các bảo tàng có nhiều phương thức hoạt động, thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế đến ngày càng đông…
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nếp sống văn minh được thành phố Đà Nẵng xác định là một trong những yếu tố bảo đảm sự phát triển bền vững và thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố. Nhiều Chỉ thị, Đề án, Kế hoạch xây dựng văn hóa, văn minh đô thị đã được ban hành và được các ngành, đoàn thể, địa phương đồng loạt chỉ đạo, triển khai. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng tích cực của người dân, đã đem lại cho thành phố một diện mạo thật sự đổi thay; văn hóa giao tiếp, ứng xử của người dân Đà Nẵng được xem là một trong những nét đặc trưng để níu chân du khách với lối sống thân thiện, nhiệt tình và mến khách…
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được triển khai thực hiện đồng bộ, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, đi vào chiều sâu trên cơ sở tiếp tục phát huy các kết quả đạt được từ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”… Thông qua các hoạt động của Phong trào và Đề án, đời sống văn hóa cơ sở, môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh được tiếp cận tốt hơn đối với người dân. Kết quả của Phong trào và Đề án đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự…
Điều đó cho thấy, phát triển du lịch ở Đà Nẵng gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng. Những hiệu quả đạt được trong thời gian qua trong xây dựng môi trường văn hóa để phục vụ phát triển du lịch ở Đà Nẵng đã được nhân dân và du khách yêu mến...
Mô hình “Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động thông qua các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ tại các khu công nghiệp” tại tỉnh Bình Dương
Bình Dương là một tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng số lao động hơn 1,3 triệu người, trong đó lao động trẻ chiếm đa số, lao động nữ chiếm khoảng 56%, lao động đến từ các tỉnh, thành khác chiếm khoảng 85%. Vì thế, Bình Dương luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có vị trí hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của người dân và cộng đồng dân cư, trong đó Công nhân lao động trong các khu công nghiệp là một chủ thể quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa.
Trong những năm qua, Bình Dương đã quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao cho Nhân dân. Một số công trình được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng như: Sân vận động tỉnh đạt tiêu chuẩn tổ chức thi đấu các giải cấp quốc gia, quốc tế; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Thư viện; Bảo tàng; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao… Bên cạnh hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao do ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, các Khu công nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chính trị cũng đầu tư xây dựng một số thiết chế như: Khu công nghiệp Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) đầu tư xây dựng nhà hát sân khấu ngoài trời; Cụm sân bóng đá KCN Mỹ Phước với 6 sân đạt tiêu chuẩn và hằng năm đều duy trì tổ chức Đại hội thể dục thể thao cơ sở…
Cổng KCN Tân Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - Ảnh: Sở VHTTDL Bình Dương
Bên cạnh đó Liên đoàn Lao động tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình “Trung tâm Văn hóa Thể thao công nhân lao động Bình Dương” tại TP Thuận An. Đây là công trình lớn có ý nghĩa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho công nhân lao động...
Song song với đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm tổ chức thực hiện như: Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng: Có nhiều bước phát triển về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có trên 350 cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và duy trì đội, nhóm văn nghệ quần chúng, hàng năm tổ chức được các chương trình biểu diễn và sinh hoạt văn nghệ.
Mỗi năm, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức trung bình 140 buổi biểu diễn tuyên truyền lưu động phục vụ Nhân dân ở cơ sở.
Hệ thống Thư viện tỉnh với mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng thời gian qua luôn không ngừng sáng tạo để phục vụ bạn đọc, qua đó giúp cho công nhân lao động có thể tiếp cận được với nguồn sách báo, góp phần nâng cao văn hóa đọc…
Về phong trào thể dục thể thao: Toàn tỉnh có hơn 300 đội bóng chuyền, 1.500 đội bóng đá phong trào, trên 8.000 vận động viên cầu lông, bóng bàn là công nhân viên chức lao động. Toàn tỉnh hiện có khoảng 40.000 thanh niên công nhân tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao hàng ngày, chiếm 3% tổng số công nhân toàn tỉnh… Hằng năm, có khoảng 1.700 hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao do các cấp Công đoàn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức cho công nhân theo hình thức hội thi, hội diễn, giải đấu, thu hút khoảng 42.000 lượt công nhân tham gia.
Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã góp phần phục vụ nhu cầu văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao của người dân nói chung, công nhân khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương nói riêng.
Mô hình “Ấp văn hóa kiểu mẫu” tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre
Tỉnh Bến Tre triển khai Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từ năm 1999, trên cơ sở kết hợp 2 cuộc vận động xây dựng “Nếp sống văn minh - gia đình văn hoá” và“Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”, đồng thời lồng ghép một số nội dung, tiêu chí, danh hiệu của các ngành, đoàn thể vào phong trào chung. Đến nay, qua hơn 20 năm thực hiện, đã có nhiều tiêu chí được xây dựng như: “Người tốt, việc tốt”, “Trẻ em chăm ngoan”, “Gia đình văn hóa”… Đặc biệt, với cuộc vận động xây dựng “Ấp, khu phố văn hoá” đã trở thành phong trào và lan tỏa rộng, với các nội dung, tiêu chí, khá toàn diện, cụ thể, có kế thừa và phát triển vững chắc trên cơ sở nền tảng là xây dựng và nâng chất danh hiệu Gia đình văn hóa…
Tuy nhiên, những năm gần đây khi có sự tập trung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã gặp một số hạn chế. Do đó, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã mạnh dạn triển khai thực hiện xây dựng danh hiệu “Ấp văn hóa kiểu mẫu” và ban hành Bộ tiêu chí để các xã, thị trấn hướng dẫn các ấp, khu phố triển khai thực hiện với mục tiêu thi đua phát triển địa phương chính từ vai trò góp sức của từng cộng đồng dân cư.
Theo đó, các chỉ tiêu “Ấp, khu phố văn hóa kiểu mẫu” sẽ cao hơn từ 5% đến 10% so với chỉ tiêu ấp văn hóa theo quy định chung và có bổ sung thêm một số chỉ tiêu về: tỷ lệ trẻ em biết bơi; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn theo quy định; hệ thống cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường; thu gom rác thải; chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”; nhân đạo từ thiện và đặc biệt là xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh tạo cảnh quan sạch, đẹp, nổi bậc của ấp…
Đến nay, tại huyện Giồng Trôm đã công nhận 7 “Ấp văn hóa kiểu mẫu” được Ban Chỉ đạo tỉnh Bến Tre xem là một “Điểm sáng” đánh giá cao như là khâu đột phá, nhằm xây dựng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở mang tính bền vững, hiệu quả, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
“Ấp văn hóa kiểu mẫu” đã góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại địa phương đi vào thực chất, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
NGỌC BÍCH