Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số

Sáng 23-8, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp với Netflix đã tổ chức Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số”.

Tham dự Hội thảo gồm đại diện các cơ quan quản lý của các bộ, ban, ngành: Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông và đại diện lãnh đạo các sở, ngành địa phương; cùng đại diện lãnh đạo các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các Trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo các nhà hát Trung ương và địa phương; các chuyên gia nghiên cứu, hoạch định chính sách về giáo dục- đào tạo, người thực hành văn hóa sáng tạo trong nước và quốc tế.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, TS Nguyễn Phương Hòa phát biểu khai mạc Hội thảo

Mong muốn có nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Việt Nam phát triển trong thời đại số

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho biết: Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, kinh tế sáng tạo, thể thao và du lịch giữa Bộ VHTTDL và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) mà Netflix là thành viên.

TS Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ số, kết nối toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội trên toàn cầu, trong đó có lĩnh vực văn hóa nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo nói riêng, đòi hỏi các ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo phải có sự thích ứng, chuyển đổi, bằng cách áp dụng công nghệ số, đổi mới mô hình kinh doanh, cũng như biến đổi chuỗi giá trị từ các khâu sáng tạo - sản xuất - phổ biến - tiêu thụ. Nhưng đồng thời, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đảm bảo sự tiếp cận dân chủ cho tất cả mọi người, đồng thời văn hoá, sáng tạo trở thành nguồn lực, mục tiêu phát triển kinh tế một cách bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, sự thống trị hàng hoá, dịch vụ văn hoá từ các nước phát triển, lấn át tiếng nói của các nước đang phát triển, đe doạ sự đa dạng văn hoá… tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành và sáng tạo văn hóa.

Theo Cục trưởng Nguyễn Phương Hòa, tại Việt Nam, Văn hoá được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế, xã hội. Trong văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh “khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa”, trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới…

Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL phối hợp cùng các cơ quan liên quan, với sự hỗ trợ của Netflix tổ chức Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu, giới truyền thông và những người thực hành văn hóa, nghệ thuật… trao đổi về bối cảnh trong nước, quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo trong môi trường số, phân tích các cơ hội, thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt.

Đồng thời, lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và cùng nhau đề xuất các giải pháp để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo của Việt Nam phát triển trong thời đại số, đáp ứng nhu cầu người làm sáng tạo, của công chúng nói chung và cụ thể hoá lộ trình nhằm đạt được mục tiêu mà Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt ra là đến năm 2030 giá trị gia tăng các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP.

Toàn cảnh Hội thảo

“Các kết quả của hội thảo là đầu vào quan trọng cho Bộ VHTTDL xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Chính phủ phê duyệt, trong đó, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với quá trình chuyển đổi số và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Cục trưởng Nguyễn Phương Hoà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với vai trò là đâu mối quốc gia Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, mà Việt Nam là một thành viên của liên chính phủ Công ước nhiệm kỳ 2021- 2025, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) đang chủ trì xây dựng lộ trình quốc gia thực hiện Công ước này trên môi trường số, vì vậy Hội thảo mong muốn nghe ý kiến của các chuyên gia và đây sẽ là nguồn tài liệu quý giá để triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần vào sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong thời gian tới.

Cơ hội và thách thức cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số

Sau khi nghe trình bày kết quả nghiên cứu về: Thực trạng phát triển chính sách các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong môi trường số ở Việt Nam  của Nhóm nghiên cứu từ Bộ Thông tin và Truyền thông và Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hội thảo tiến vào Phiên 1: Cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số.

Các chuyên gia thảo luận Phiên 1: Cơ hội và thách thức cho ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong môi trường số

Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức khi đưa công nghệ số với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vào phục vụ du khách đến thăm quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: công nghệ số có tác động tới tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội ở việt Nam cũng như trên thế giới. Đối với lĩnh vực di sản văn hóa, công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu và đã làm thay đổi cách tiếp cận cũng như bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc Công nghệ làm cho di sản hấp dẫn, gần gũi và sống động hơn với công chúng, điều đó đã được chứng minh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là bảo tàng quốc gia, nơi  lưu giữ những báu vật về mỹ thuật của Việt Nam. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Bảo tàng không phải là điểm đến thú vị của du khách, và rất ít người quan tâm. Trước đây, mỗi năm, Bảo tàng chỉ đón được khoảng 50 nghìn lượt khách – một con số khiêm tốn, trong đó 90% là khách quốc tế, chỉ có 10% là khách trong nước và chủ yếu những người nghiên cứu và quan tâm đến mỹ thuật, đây là một thách thức lớn. Đồng thời, theo một khảo sát, thì các hướng dẫn viên du lịch “rất sợ” đưa khách đến bảo tàng, bởi họ không am hiểu các tác phẩm nên không thể thuyết minh cho du khách.

Để khắc phục tình trạng đó, thì công nghệ chính là bài toán tháo gỡ những khó khăn. Vì thế, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Công ty Cổ phần Phần mềm Ứng dụng Di động Việt Nam (VINMAS) xây dựng đề án trình Bộ VHTTDL. Sau hai năm triển khai, tháng 5-2021, dự án thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA đã được đưa vào sử dụng với 8 ngôn ngữ, sắp tới sẽ trở thành 9 ngôn ngữ, giúp khách tham quan trải nghiệm ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới. Trong năm đầu tiên, bảo tàng đã thu được gần 600 triệu từ khách tham quan công nghệ từ trực tuyến và trực tiếp tại bảo tàng. Đây là con số nhỏ, nhưng thể hiện sự thành công của dự án hợp tác công- tư, đồng thời còn có ý nghĩa khi trong giáo dục lịch sử, văn hóa, mỹ thuật. Thời gian tới, Bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm nhằm lan tỏa  tình yêu nghệ thuật đối với công chúng trong nước và quốc tế.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, TS Nguyễn Anh Minh chia sẻ về những thuận lợi và thách thức khi đưa công nghệ số với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA vào phục vụ du khách đến tham quan Bảo tàng

Bà Lê Quỳnh Như, Đồng sáng lập/ COO/ Quản lý, DeeDee Animation Studio chia sẻ kinh nghiệp về Làm thế nào để tiếp cận, tìm được hỗ trợ và các đối tác từ nước ngoài

Làm thế nào để tiếp cận, tìm được hỗ trợ và các đối tác từ nước ngoài, là những kinh nghiệm mà bà Lê Quỳnh Như, Đồng sáng lập/ COO/ Quản lý, DeeDee Animation Studio (là studio sản xuất hoạt hình 2D tiêu chuẩn quốc tế tại Hà Nội) chia sẻ tại Hội thảo. Bà Lê Quỳnh Như cho biết DeeDee Animation Studio được thành lập năm 2016, giữa bối cảnh nền kinh tế bước sang giai đoạn 4.0, và làn sóng khởi nghiệp đang dần có thêm sức bật. Đồng thời, vào thời điểm đó, tại Việt Nam chỉ có một vài đơn vị đủ khả năng sản xuất hoạt hình chuyên nghiệp, như Hãng phim hoạt hình Việt Nam, Sunrise Media, hay những tên tuổi mới như Red Cat Motion, hay Colory Studio...  Những ngày đầu mới thành lập, chúng tôi đã có chiến lược là tiếp cận thị trường nước ngoài trước, sau đó mới về tiếp cận thị trường Việt Nam. Bởi, khi ra thị trường nước ngoài sẽ được học hỏi công nghệ đạt được chất lượng quốc tế… thông qua thực hiện các dự án các đối tác nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ cho chúng ta, đó chính là con đường nhanh và ngắn nhất; cùng với đó, DeeDee tìm cách kết nối với các công ty để thực hiện dự án, tạo sự uy tín nhất định, qua đó sẽ tiếp cận được vốn của các nhà đầu tư… Sau khi học hỏi, cung cấp được dịch vụ, DeeDee bước đến bước tiếp theo là ngồi đàm phán hợp tác, cùng đầu tư sản xuất, khai thác giá trị của các dự án tiếp theo… Một trong những kinh nghiệm để bước ra thế giới là phải chủ động, sẵn sàng dấn thân, dám thử; phải tỉnh táo và thận trọng trong việc ký kết và thực hiện các dự án…

Trong hai năm đầu tiên DeeDee tập trung vào các sản phẩm của công ty và gửi đi dự các liên hoan phim thế giới, tất cả các hội chợ về phim hoạt hình trên thế giới, tham gia các hội thảo… và chúng tôi đặt ra là phải các sản phẩm do chính công ty làm ra và phải tự tin rằng khách hàng muốn mua, sau đó chúng tôi đã gặt hái được những thành công nhất định…

Phát triển chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong môi trường số tại Việt Nam

Trong Phiên 2 của Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về  Phát triển chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong môi trường số tại Việt Nam

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều sự tương đồng, và những kinh nghiệm về phát triển văn hóa của Hàn Quốc sẽ là những gợi ý thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện. Ngành công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc là ngành công nghiệp có tốc độ phát triển rất nhanh. Nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc, Netflix đã công bố khoản đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD vào Hàn Quốc trong vòng 4 năm tới, nguồn đầu tư này không chỉ sử dụng trong việc sản xuất các nội dung văn hóa mà còn được sử dụng để tăng cường các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hóa để phát triển hơn nữa.

Các chuyên gia thảo luận trong Phiên 2: Phát triển chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong môi trường số tại Việt Nam

Từ giữa những năm 90, Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch phát triển nội dung văn hóa trở thành nền công nghiệp trọng yếu của quốc gia. Từ năm 1996, Cục công nghiệp văn hóa lần đầu tiên được thành lập trực thuộc Bộ VHTTDL Hàn Quốc. Ngoài ra, Bộ VHTTDL Hàn Quốc cũng đã thành lập hơn 30 Trung tâm văn hóa Hàn Quốc trên khắp thế giới hỗ trợ cho việc tăng cường quảng bá văn hóa ra nước ngoài.  Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng thành lập cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc ở nhiều nơi trên thế giới nhằm phát triển, quảng bá các nội dung về văn hóa Hàn Quốc ở nhiều nơi trên thế giới ở từng hạng mục, lĩnh vực riêng biệt.  

Về chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa trong công nghệ số của Hàn Quốc với ba nội dung chính: Trước hết, đó là bồi dưỡng nguồn nhân lực với khả năng sáng tạo. Nền giáo dục công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo của con người rất lớn, vì thế Chính phủ Hàn quốc cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể của ngành công nghiệp văn hóa. Ngành công nghiệp giáo dục văn hóa là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng về mặt kỹ thuật, chuyên môn cũng như công nghệ. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã nhận thức sâu sắc điều đó và đầu tư không ngừng để phát triển kỹ thuật mới, công nghệ mới trong ngành công nghiệp văn hóa. Chính phủ không thể một mình hoàn thành những hỗ trợ đó mà xây dựng cơ chế hợp tác, kết hợp giữa trường học và doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho những người thuộc lĩnh vực công nghệ văn hóa sáng tạo. Ví dụ, trường học và doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau để xây dựng lên một chương trình đào tạo kết hợp, kéo dai khoảng hơn một năm, sau đó doanh nghiệp sẽ tiến hành cung cấp cơ hội thực tập trong một năm ở chính doanh nghiệp, đồng thời Chính phủ hỗ trợ tiền nhân công, chi phí lương cho đối tượng được thực tập trong một năm tại doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, sẽ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, chuyên môn tốt cho các doanh nghiệp.

Ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển công nghiệp văn hóa tại Hàn Quốc

Tiếp theo là hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, chúng ta có thể nhận thấy có một đặc điểm ở các doanh nghiệp khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu tiên, và cũng có những doanh nghiệp sẽ gặp thất bại. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống xác định quá trình phát triển của các doanh nghiệp ở từng giai đoạn, và sẽ đề xuất ra những chính sách hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn để có thể phát triển liên tục.

Cùng với đó là hỗ trợ về tài chính, đây chính là hỗ trợ quan trọng nhất. Ví dụ như ngành Điện ảnh, với một bộ phim từ khâu bắt đầu, đến khâu sản xuất đến khi ra mắt, mất khoảng thời gian khá dài. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã vận hành các quỹ dành cho các nội dung nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc thông qua các cơ quan trực tiếp vận hành các quỹ đó, các cơ quan sẽ lựa chọn những bộ phim có tiềm năng và sẽ sử dụng quỹ mà Chính phủ xây dựng để đầu tư cho phim, tạo cơ hội cho bộ phim đó được thực hiện. Quan trọng nhất ở đây, là Chính phủ không trực tiếp lựa chọn các phim được đầu tư đó mà Chính phủ thông qua các đơn vị, cơ quan vận hành các quỹ để  lựa chọn các bộ phim phù hợp, có tiềm năng, và các cơ quan đó sẽ sử dụng quỹ để đầu tư cho các đơn vị làm phim đó... Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng cho các lĩnh vực văn hóa, như chúng ta đã biết đối với phim truyền hình là một mảng tốn rất nhiều chi phí, vì thế Chính phủ sẽ vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ cho truyền hình và sẽ cho doanh nghiệp thuê với giá ưu đãi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp…

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cấp cao, BHD – Vietnam Media Corp nêu ý kiến về sản phẩm trí tuệ

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cấp cao, BHD – Vietnam Media Corp nêu ý kiến thảo luận: nước ta có một thị trường rất lớn cho bất kỳ lĩnh vực nào trong công nghiệp văn hóa. Đồng thời, nền văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam có những nét tương đồng nhau, chính vì thế, chúng ta có thể học tập rất nhiều kinh nghiệm từ đất nước Hàn Quốc về phát triển công nghiệp văn hóa.

Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, vấn đề quan trọng nhất của các lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa, đó là tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ là tâm huyết của những người làm văn hóa làm ra. Vị trí của tài sản trí tuệ nằm ở đâu trong Luật Việt Nam. Ví dụ: BHD phát hành phim Cô ba Sài Gòn ở rạp chiếu, các bạn trẻ vào xem phim và quay hình bộ phim đó,  phát tán ra ngoài. Trong khi bộ phim phải bỏ hơn 3 triệu USD để sản xuất. Sau khi tìm được bạn trẻ đã quay  bộ phim, thì công an chỉ phạt hành chính có 3 triệu đồng… Điều đó là không tương xứng. Để phát triển công nghiệp văn hóa, thì điều quan trọng nhất là phải coi sản phẩm của công nghiệp văn hóa là sản phẩm trí tuệ, được định giá và có giá trị.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: Theo tôi xây dựng mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý là rất quan trọng, và cần được xây dựng trên mối quan hệ “đồng nghiệp”, bởi vì có cùng một lợi ích. Công nghiệp văn hóa có những lợi nhuận hay thành công của các dự án là nhiệm vụ của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Nếu không xây dựng được mối quan hệ “đồng nghiệp” một cách chuyên nghiệp nhất sẽ xảy ra nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp có sự tin tưởng, xây dựng điều đó bằng chính sản phẩm của mình… mở rộng ra được sự nỗ lực sáng tạo của nghệ sĩ.  

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng giữa nhà quản lý và doanh nghiệp, những người sáng tạo cần xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ về các giải pháp nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa

Chia sẻ về các giải pháp nhằm góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: chúng ta đã có các giải pháp, chính sách, nhưng vì sao chưa có sự đột phát, vấn đề nằm ở đâu? Theo cá nhân tôi, nút thắt ở đây chính là con người. Nước ta chưa có bề dày lịch sử về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, những người tham gia vào các lĩnh vực của ngành công nghiệp này ở trong các khâu chưa tìm được sự đồng cảm. Cái thiếu đồng cảm đó vì chưa hiểu được bản chất của ngành công nghiệp văn hóa là gì khi gắn với môi trường công nghệ số. Vì thế, chưa có sự lưu thông về mặt nhận thức, chưa có nhiều kinh nghiệm được học, nên khát vọng thì có, mong muốn thì nhiều, nhưng kỹ năng, kiến thức chưa mạnh.

"Trong thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã bị dừng lại một thời gian, và hiện nay chương trình đang được xây dựng lại nhằm chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình, sẽ có được nguồn kinh phí đầu tư trung hạn cho phát triển văn hóa, trong đó công nghiệp văn hóa với tính chất là một ngành công nghiệp liên ngành, sẽ có được sự tập trung mục tiêu: nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của những người hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa, để có thể hiểu được thế nào là công nghiệp văn hóa, quy trình như thế nào, giá trị của sức sáng tạo, sự bảo hộ bản quyền ra sao… Điều nữa, là các nhà quản lý để có thể tạo điều kiện cho những người sản xuất, sáng tạo thì phải hiểu được tính chất, quy trình sản xuất và am tường về quản lý  trong hoạt động gắn với môi trường công nghệ số… Vì vậy, tôi rất mong muốn, trong chương trình mục tiêu quốc gia cho phát triển văn hóa sẽ dành một phần kinh phí cho đào tạo một cách bài bản đội ngũ những người làm trong lĩnh vực này. Đồng thời có nguồn kinh phí để kết nối được nguồn tài nguyên di sản, các cơ chế hợp tác quốc tế… để tạo ra được môi trường thực sự để phát triển ngành công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột của ngành kinh tế…” – PGS, TS. Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

NGỌC BÍCH - Ảnh: TRUNG NGUYỄN

;