Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật: lần đầu lưu diễn tại “Xứ sở mặt trời mọc”

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản, đầu tháng 10-2023, nhiều nghệ sĩ giao hưởng Việt Nam tới từ các nhà hát quốc gia và tư nhân dưới sự quản lý của Bộ VHTTDL như: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (VNAM), Dàn nhạc Tre nứa Sức sống mới… sẽ đến Nhật Bản để kết hợp với các dàn nghệ sĩ Nhật Bản, cùng tạo nên “Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật”.

“Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật” lưu diễn tại Nhật Bản gồm 60 nhạc sĩ, trong đó một nửa đến từ Nhật Bản, một nửa đến từ Việt Nam. Đặc biệt trong đó, soloist là Nguyễn Việt Trung, ngôi sao trẻ đầu tiên của Việt Nam lọt vào chung kết Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin sau 4 thập kỷ. Nghệ sĩ piano Nguyễn Việt Trung đã theo học tại Học viện Âm nhạc Bydgoszcz (Ba Lan), là một học trò ưu tú của NSND Đặng Thái Sơn. Anh từng chiến thắng cuộc thi Chopin Interpretations of the Young lần thứ 17 (năm 2021) và lọt vào chung kết cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin tại Warsaw (Ba Lan) (năm 2021). Sau giải Nhất của NSND Đặng Thái Sơn, Nguyễn Việt Trung là nghệ sĩ thứ 2 của Việt Nam lọt vào chung kết cuộc thi piano danh giá hàng đầu này. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một nhạc trưởng người Việt Nam - Đồng Quang Vinh đến từ VNOB sẽ chỉ huy dàn nhạc quốc tế Việt - Nhật, lưu diễn tại 6 thành phố tại Nhật Bản.

Ban Tổ chức, các nghệ sĩ và nhà tài trợ tham gia dự án chương trình lưu diễn tại Nhật Bản

Ngoài Thủ đô Tokyo, các buổi diễn cũng được tổ chức tại tỉnh Gunma, nơi có nhiều người Việt sinh sống và các tỉnh Iwate, Fukushima, Miyagi tại vùng Tohoku. Tohoku là nơi mối quan hệ ngoại giao Việt - Nhật càng thêm gắn bó qua sự giúp đỡ của Việt Nam vào thời điểm xảy ra trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản. Những buổi biểu diễn này cũng là dịp để bạn bè hai nước đoàn tụ. Buổi diễn cuối cùng được dự kiến là một buổi diễn votive tại Đại Phật điện của chùa Todaiji ở Nara, nơi ghi dấu những cuộc giao thương với Việt Nam đã diễn ra trong hàng nghìn năm.

Tại buổi họp báo ngày 22-8-2023 tại VNOB, Giám đốc dự án - bà Matsuda Ayuko cho biết: “Theo dự kiến, ngoài Tokyo, các nghệ sĩ 2 nước sẽ biểu diễn tại tỉnh Gumma - nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Sau đó, các nghệ sĩ sẽ trình diễn tại các tỉnh Iwate, Fukushima, Miyahi tại vùng Tohoku. Đây là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi động đất, sóng thần 12 năm trước. Ban Tổ chức dành 100 vé mời cho các gia đình chịu thiệt hại nặng nề bởi động đất, sóng thần và gia đình người Việt Nam đang sinh sống tại khu vực này. Đêm diễn được coi là hoạt động tưởng nhớ những người đã mất vì thiên tai, đồng thời mong muốn người dân nơi đây, từ những mất mát, đau thương, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cho rằng: “Âm nhạc là ngôn ngữ không khoảng cách, không cần phiên dịch, công chúng vẫn có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong mỗi tác phẩm. Thông qua âm nhạc, mọi người tìm thấy sự đồng cảm, hòa hợp. Lần này lưu diễn tại Nhật Bản, chúng tôi cảm thấy khá “áp lực” bởi người Nhật Bản rất am hiểu về âm nhạc, đặc biệt nhạc cổ điển. Do đó, là người chỉ huy dàn nhạc Việt Nam - Nhật Bản, tôi phải tìm ra cách phù hợp với các nghệ sĩ của cả 2 nước”. Nhạc trưởng cũng chia sẻ, điểm nhấn của chương trình chính là sự kết hợp độc đáo giữa dàn nhạc giao hưởng với nhạc cụ truyền thống Việt Nam, kết hợp giữa âm nhạc cổ điển phương Tây với âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Ban Tổ chức chia sẻ thông tin về chương trình lưu diễn tại Nhật Bản của “Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt Nam - Nhật Bản”

Theo Ban Tổ chức, chủ đề của chuyến lưu diễn là “Tình hữu nghị, cầu siêu và hy vọng”. Nhạc mục trong chuyến lưu diễn của “Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt - Nhật” gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới, trong đó có bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ Op.67 còn có tên là: Định mệnh của thiên tài âm nhạc L.V.Beethoven. Đây là một trong những bản giao hưởng âm nhạc cổ điển nổi tiếng nhất và phổ biến nhất, thường được trình diễn tại các buổi hòa tấu. Cùng với đó, chương trình còn có sự trình diễn kết hợp với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Ông Phan Mạnh Đức - Giám đốc VNOB chia sẻ: “Có thể nói đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Đối với chúng tôi, làm nghệ thuật, đây là dịp để góp một tiếng nói chung trong rất nhiều sự kiện quốc gia, để đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm. Đây là một vinh dự nhưng cũng rất áp lực đối với các nghệ sĩ. Tất cả các nghệ sĩ sẽ phải làm việc rất nỗ lực cùng các ê-kíp khác để dự án thành công và tiếp tục các dự án khác sau đó”.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio, đã dành lời khen cho sự thành lập của dàn nhạc Việt - Nhật: “Nét cơ bản trong sự hài hòa của âm nhạc cho thấy sự hòa hợp trong trái tim mọi người bất kể ngăn cách bởi biên giới hay biển cả. Sự thành lập của dàn nhạc trong mơ gồm 60 thành viên thể hiện một cách đẹp đẽ chiều sâu và sự bền vững của tình hữu nghị hài hòa mà Nhật Bản và Việt Nam đã khôi phục và phát triển trong hơn 60 qua”.

Dự kiến, chương trình lưu diễn Nhật Bản của “Dàn nhạc giao hưởng lễ hội Việt Nam - Nhật Bản” sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 10-10-2023.

Bài, ảnh: LIÊN HƯƠNG

;