Định hướng phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (1). Phát triển văn hóa, con người có mối quan hệ chặt chẽ và gắn bó hữu cơ với nhau. Phát triển văn hóa nhằm phát triển con người, không ngừng hoàn thiện con người và chính con người lại tạo ra sự phát triển cao hơn của văn hóa. Vì vậy, quan tâm phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở nước ta hiện nay. Do đó, bên cạnh việc đánh giá thực trạng, việc xác định những định hướng là hết sức cần thiết để tổ chức thực hiện trên thực tế.

1. Phát triển văn hóa phải góp phần xây dựng, phát triển con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, lối sống

Văn hóa và con người có mối quan hệ chặt chẽ, văn hóa góp phần vào việc xây dựng con người, điều này đã được Hồ Chí Minh khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa do con người sáng tạo ra, đến lượt nó, những giá trị văn hóa tạo ra môi trường văn hóa, góp phần hình thành và phát triển nhân cách con người. Văn hóa góp phần xây dựng con người, thể hiện ở chỗ văn hóa tác động trực tiếp tới năng lực tư duy, sáng tạo, thế giới cảm xúc, tư tưởng, tình cảm và khả năng hoạt động thực tiễn của con người. Văn hóa bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho con người. Các giá trị văn hóa trở thành những chuẩn mực nuôi dưỡng tâm hồn, lý tưởng, khơi dậy khát vọng sáng tạo, cổ súy ý chí vươn lên, vì một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn. Văn hóa góp phần nâng cao hiểu biết, hoàn thiện nhận thức của mỗi người trên mọi lĩnh vực, hướng con người vào những nhu cầu và lợi ích chính đáng để tạo thành động lực mạnh mẽ trong phát triển xã hội. Vì vậy, mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng vào xây dựng con người phát triển cả ba mặt: lý tưởng, năng lực và đạo đức, lối sống.

Hoạt động văn hóa góp phần vào xây dựng và phát triển con người Việt Nam. Chẳng hạn, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng vừa cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân, vừa tham gia xây dựng nhân cách thông qua việc phát hiện, tôn vinh, làm lan tỏa các giá trị nhân văn; lên án, loại trừ cái ác, cái xấu, những mặt tiêu cực trong xã hội. Hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam toàn diện cả về thể lực, đạo đức, lối sống cũng như những kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các hoạt động văn học, nghệ thuật cũng trực tiếp góp phần xây dựng nhân cách, là con đường ngắn nhất để đến với trái tim, là con đường để có thể vào sâu và đánh thức những tâm hồn. Yêu cầu đối với các loại hình văn học, nghệ thuật là tạo ra và lan tỏa các giá trị nhân văn; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử cách mạng, góp phần vào việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự cường cho con người Việt Nam thời kỳ mới.

Thời gian qua, các hoạt động văn hóa bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, chưa có các tác phẩm tiêu biểu, điển hình phản ánh được những giá trị cao đẹp của con người trong thời kỳ đổi mới. Một vài tác phẩm văn học, nghệ thuật đi vào các chủ đề vụn vặt làm mờ nhạt các chủ đề chính, đề cao cái đời thường, lấn át cái cao cả, xoáy vào những vấn đề cá nhân, xem nhẹ các vấn đề xã hội, giá trị truyền thống, thậm chí truyền bá lối sống thực dụng… đã tác động tiêu cực đến việc xây dựng con người mới. Một số tờ báo, trang mạng có xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, chủ yếu cốt sao thu hút người đọc, “câu view, câu like” bằng các chủ đề giật gân, khai thác các câu chuyện tệ nạn hay mặt tối của xã hội; thích viết về đời sống riêng của các nghệ sĩ, ngôi sao nổi tiếng mà không chú ý tìm tòi, phát hiện, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở các địa phương có lúc có nơi còn chưa hiệu quả, cá biệt còn gây nên những bức xúc trong dư luận. Hoạt động giáo dục, đào tạo dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả chưa thực sự góp phần hiệu quả vào việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới phát triển toàn diện. Giáo dục thời gian qua còn quá nhấn mạnh đến dạy chữ mà chưa chú ý đúng mức đến giáo dục đạo đức, lối sống. Trong dạy chữ cũng quá nhấn mạnh đến dạy kiến thức mà không gắn với thực tiễn, không chú ý rèn luyện kỹ năng, năng lực tư duy sáng tạo. Một số cơ sở giáo dục, đào tạo chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh số lượng mà không chú ý đến chất lượng đào tạo. Vấn đề bằng giả, bằng thật học giả vẫn còn tồn tại.

Để mọi hoạt động văn hóa hướng trọng tâm vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, tất cả những người tham gia vào hoạt động văn hóa, từ đội ngũ giáo viên, các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, nhà báo, các nhà quản lý văn hóa… cần phải nhận thức rõ nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là thiên chức cao cả nhất của đội ngũ các nhà hoạt động văn hóa. Tất nhiên, để làm được điều này, bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cần có những chính sách phù hợp, thích đáng và sự tự ý thức của những người tham gia vào hoạt động văn hóa.

Múa Thái - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

2. Văn hóa phải phát triển tương xứng và đồng bộ với kinh tế

Phát triển văn hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ, vừa thúc đẩy lẫn nhau, vừa chứa đựng những tác động ngược chiều, do vậy, cần phát huy những tác động thuận chiều và hạn chế những tác động ngược chiều.

Thứ nhất, phát triển văn hóa góp phần vào việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương phát triển thị trường các sản phẩm văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa chính là để góp phần phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Cùng với thị trường sức lao động, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường khoa học công nghệ, trong thời gian qua, thị trường văn hóa phát triển đạt được những thành tựu to lớn. Nhờ chủ trương khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm kinh tế thông qua hoạt động du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa, nhiều di sản văn hóa đã đạt doanh thu cao đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương. Chẳng hạn di sản có doanh thu cao nhất, trên nghìn tỷ là vịnh Hạ Long, trên dưới năm trăm tỷ là Quần thể danh thắng Tràng An, Quần thể di tích cố đô Huế... Bên cạnh đó, với tính định hướng giá trị, chức năng điều tiết của văn hóa, văn hóa còn góp phần đảm bảo tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Đó là nền kinh tế phát triển theo hướng nhân văn, tiến bộ, vì con người, vì sự phát triển bền vững, là nền kinh tế “phát triển không đánh đổi bằng mọi giá”. Hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh có văn hóa sẽ hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng hủy hoại môi trường và sức khỏe của con người. Sản xuất kinh doanh có văn hóa sẽ hạn chế tình trạng bóc lột tàn tệ sức lao động của người công nhân, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội trong phát triển kinh tế. Sản xuất có văn hóa sẽ vì uy tín, chất lượng, danh dự, hướng tới phục vụ lợi ích của người tiêu dùng trên cơ sở đó thu lại lợi nhuận.

Thứ hai, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ thúc đẩy phát triển văn hóa. Trong kinh tế thị trường, với động lực lợi ích cá nhân, những hoạt động sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa gia tăng chóng mặt. Khả năng tiếp cận với nhiều sản phẩm văn hóa của quần chúng được phát triển tối đa. Các hoạt động văn hóa trở nên năng động, đáp ứng nhiều loại nhu cầu của công chúng. Thông qua thị trường, công chúng tự tìm đến các sản phẩm văn hóa. Sự tiếp xúc giữa người sáng tạo, biểu diễn và người hưởng thụ các sản phẩm văn hóa diễn ra thường xuyên, nhanh chóng, tạo điều kiện để người sáng tạo, biểu diễn phát triển sự tìm tòi sáng tạo của mình, đáp ứng tối đa nhu cầu của công chúng. Không có thị trường về văn hóa thì người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa khó mà nắm bắt được nhu cầu đa dạng của công chúng, các sản phẩm văn hóa cũng khó đến với công chúng một cách rộng rãi, nhanh chóng. Thị trường góp phần mở rộng trao đổi, quảng bá các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa một cách năng động, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội. Thị trường kích thích nhu cầu tiếp nhận văn hóa, văn học nghệ thuật của xã hội, góp phần dân chủ hóa trong hưởng thụ văn hóa. Thị trường góp phần phân bổ nguồn lực, kích thích và đa dạng hóa tài năng trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá, đánh giá các sản phẩm văn hóa. Thị trường tạo điều kiện, cơ hội huy động nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa, xã hội. Chính động lực thị trường đã thúc đẩy các hoạt động văn hóa diễn ra sôi động, mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn hóa của công chúng. Khi các giá trị và di sản văn hóa được đưa vào phát triển kinh tế thì sẽ có động lực và có nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy các giá trị và di sản văn hóa đó. Nhiều di sản văn hóa khi được đưa vào khai thác du lịch, tiền thu từ bán vé đã đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phục hồi di sản.

Thứ ba, kinh tế thị trường cũng chứa đựng những mặt trái có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của văn hóa, con người Việt Nam. Khi các sản phẩm văn hóa được đưa vào thị trường, nghệ sĩ sáng tạo ra các sản phẩm đó phải có sự hài hòa, giữa thực hiện thiên chức của nghệ sĩ là lan tỏa những giá trị nhân văn, định hướng con người phát triển theo hướng tốt đẹp với mục tiêu lợi nhuận mà mình thu được. Nếu xem các giá trị văn hóa nghệ thuật như những hàng hóa thông thường, người sáng tạo, phổ biến các giá trị đó chỉ nhằm vào mục tiêu lợi nhuận - khi đó tất yếu xuất hiện xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa. Xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa, do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường sẽ làm hủy hoại cả một nền văn hóa. Xu hướng thương mại hóa, chạy theo thị hiếu thấp kém của một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hay vì mục tiêu lợi nhuận của một số cơ sở giáo dục, nhà xuất bản trong thời gian qua đang làm văn hóa đánh mất các chức năng, vai trò của mình.

Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều cán bộ đã bị tha hóa bởi đồng tiền. Những vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã và đang bị xử lý cho thấy, kinh tế thị trường có những tác động nhất định, có thể làm gia tăng tính khó khăn trong việc định hướng những giá trị tốt đẹp cho con người. Vì vậy, để phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển văn hóa, con người với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao phát huy những tác động thuận chiều và hạn chế những tác động ngược chiều.

3. Phát triển văn hóa, con người Việt Nam phải đủ sức đối thoại với các nền văn hóa khác trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, muốn đối thoại với các nền văn hóa khác, trước hết văn hóa Việt Nam phải khẳng định được bản sắc của mình. Bản sắc văn hóa là cái riêng có, cái độc đáo của dân tộc, là cái để chúng ta có thể đối thoại với các nền văn hóa khác. Bản sắc văn hóa còn là bộ lọc để chúng ta lựa chọn, tiếp thu, tiếp biến những giá trị văn hóa từ bên ngoài. Do đó, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, trước hết phải chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhưng bản sắc dân tộc phải thường xuyên được cập nhật hơi thở của thời đại, phải mang tính tiên tiến trong ý thức hệ, trong tư duy, trong lối sống và trong cơ sở vật chất. Muốn vậy, chúng ta cần nâng cao hai năng lực: năng lực thu hút, dung nạp văn hóa ngoại lai và năng lực bức xạ văn hóa dân tộc ra bên ngoài. Có thể coi đây là cách để cân bằng văn hóa trong phát triển.

Phát triển văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế về văn hóa, có cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là giúp văn hóa dân tộc tiếp nhận những giá trị tiến bộ của nhân loại, làm giàu thêm văn hóa của dân tộc mình, đồng thời văn hóa Việt Nam có cơ hội quảng bá rộng rãi ra thế giới. Toàn cầu hóa cùng với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, văn hóa Việt Nam có cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới với tốc độ và độ phổ ngày càng lớn. Cho nên, giao lưu văn hóa chính là động lực để phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Nhưng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng chứa đựng những nguy cơ có thể suy kiệt văn hóa, đó là sự du nhập và áp đặt của các sản phẩm văn hóa từ bên ngoài, các giá trị và lối sống phương Tây. Khác với các thập kỷ trước, sự áp đặt văn hóa giờ đây không phải chủ yếu bằng con đường chính trị mà thông qua sản phẩm văn hóa. Sự xâm lăng văn hóa ngày nay song hành với sự bành trướng thị trường các sản phẩm văn hóa. Sự mới lạ dù có thể chưa tốt, không phù hợp nhưng thường hấp dẫn giới trẻ, dễ làm chúng bị choáng ngợp, từ đó nảy sinh thái độ sùng ngoại, bài nội hoặc xem nhẹ giá trị văn hóa của dân tộc. Do vậy, để đối thoại sòng phẳng với các nền văn hóa khác, văn hóa Việt Nam một mặt phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác cần tích cực, chủ động tiếp thu, tiếp biến các giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là nếu chỉ chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống thì văn hóa sẽ thiếu lực đẩy, sớm muộn cũng sẽ rơi vào trì trệ, ngược lại, nếu chỉ quan tâm các giá trị văn hóa nước ngoài thì sớm muộn văn hóa dân tộc cũng sẽ bị lai căng.

4. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam gắn liền với quá trình chống những yếu tố cản trở quá trình phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay

Phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay cần phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Xây trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam chính là gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển của đất nước hôm nay và tiếp thu, bổ sung những giá trị mới còn thiếu hụt nhưng cần thiết cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Chống là chống những tàn dư, những yếu tố tiêu cực, lạc hậu đang cản trở sự phát triển trong văn hóa truyền thống, chống những mặt tiêu cực của phát triển văn hóa trong bối cảnh mới, chống âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên mặt trận văn hóa, tư tưởng để làm thay đổi tư tưởng, tình cảm, lối sống của dân tộc theo hướng tiêu cực, phục vụ cho những mưu đồ chính trị của chúng. Xây và chống có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, củng cố những giá trị cũ tốt đẹp, xây dựng các giá trị mới tiến bộ chính là tạo ra sức đề kháng để chống lại những luồng tiêu cực trong văn hóa đang va đập vào con người, văn hóa Việt Nam. Xây dựng văn hóa tốt tức là đã chống được phần nào những hiện tượng phản văn hóa. Nếu xây dựng được những phong trào văn hóa rộng lớn, lành mạnh, bổ ích thì chắc chắn sẽ góp phần kéo được một số đối tượng, nhất là thanh thiếu niên rời khỏi những tệ nạn xã hội và độc tố để tắm mình trong sự mát lành của văn hóa truyền thống dân tộc. Ngược lại, nếu chống không thành công, thì quá trình xây dựng cũng sẽ bị thất bại khi để cho những mặt tiêu cực lấn át những giá trị tốt đẹp mà chúng ta cần xây dựng.

Hiện nay, cuộc đấu tranh chống những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn là cuộc đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những mặt trái, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống những quan điểm, hành vi tiêu cực, sai trái, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch cả ở trong nước và nước ngoài. Bằng nhiều cách thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tận dụng mạng xã hội và sự thiếu hiểu biết của người dân, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân cũng như phủ nhận những thành tựu của quá trình đổi mới ở nước ta. Đồng thời cổ súy lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, vô cảm, sống gấp, sống ảo… với mục đích tiêu giảm ý chí vươn lên, hình thành lối sống tiêu cực, đi ngược lại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhiệm vụ đấu tranh chống lại những mặt tiêu cực ảnh hưởng xấu đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam cần được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

5. Để phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay cần phát huy đầy đủ vai trò của nhân dân

Vai trò của nhân dân trong sáng tạo, gìn giữ và phát huy văn hóa cộng đồng được xác định là một trong bốn mục tiêu cần thực hiện của thập kỷ phát triển văn hóa (1987-1997) do UNESCO phát động.

Ở Việt Nam vai trò của nhân dân trong phát triển văn hóa, con người được thể hiện ở quyền văn hóa của người dân. Đó là quyền tham gia vào quá trình sáng tạo, thụ hưởng, sản xuất truyền bá, phát triển các dịch vụ văn hóa và hoạt động văn hóa. Quyền văn hóa của người dân được khẳng định trong các văn kiện của Đảng, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Trong thời gian qua, quyền tham gia của người dân vào phát triển văn hóa đã từng bước được chú trọng, nâng cao. Tuy nhiên, có thể do nhận thức hoặc do thói quen mà các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, thậm chí các doanh nghiệp nhiều lúc, ở nhiều nơi đã làm thay vai trò của nhân dân trong các hoạt động văn hóa. Chẳng hạn, ở một số nơi, khi tiến hành xây dựng nếp sống mới đã bỏ đi nhiều phong tục, tập quán cổ truyền, thay vào đó là những quy định xa lạ với truyền thống người dân, cho nên khi triển khai người dân thờ ơ không tham gia hoặc tham gia cho có lệ. Kết quả, sau một thời gian những quy định, công trình văn hóa ấy đã không còn ai nhớ đến hoặc bị bỏ hoang.

Chủ trương khôi phục lễ hội truyền thống cũng vậy, trước đây lễ hội do hội đồng của làng quản lý và người dân là chủ thể thực hiện lễ hội. Nhưng hiện nay nhiều lễ hội do chính quyền địa phương, thậm chí cấp huyện, tỉnh, Nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện, từ kịch bản, nghi lễ đến các hoạt động văn hóa. Bởi vậy, khá nhiều trường hợp, kịch bản của lễ hội truyền thống giống như kịch bản tổ chức sự kiện, nó vừa phi truyền thống, vừa không ăn nhập với lễ hội. Người dân trong làng, số ít được chọn làm diễn viên đóng vai trò thụ động, còn phần lớn trở thành khán giả với vị thế người ngoài cuộc. Do vai trò chủ thể của nhân dân không được phát huy, nên không huy động sự tham gia của người dân trong tổ chức và quản lý lễ hội. Từ đó dẫn đến các hoạt động văn hóa dần thiếu sức sống, không còn thu hút sự tham gia của cộng đồng, các giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội dần dần bị mai một.

Vì vậy, để phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay, chúng ta cần chú ý phát huy đầy đủ vai trò của nhân dân. Muốn vậy, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước và nhân dân trong các hoạt động văn hóa cộng đồng. Theo chúng tôi, nhà nước nên chỉ làm công tác quản lý về hành chính, pháp luật còn việc quản lý nhân lực, vật lực, tài lực thì giao cộng đồng tự quản. Ví dụ trong tổ chức lễ hội, nhà nước chỉ quản lý vấn đề trật tự an ninh công cộng, an toàn vệ sinh thực phẩm, còn những nội dung cụ thể trong lễ hội giao người dân bản địa trực tiếp quyết định và tổ chức thực hành. Ở những nơi người dân còn chưa nắm được quy trình diễn ra các nghi lễ, hoạt động cũng như ý nghĩa của các hoạt động đó thì các nhà làm văn hóa hướng dẫn cho người dân kỹ năng để họ thực hành những nghi lễ truyền thống, tự trình diễn được những diễn xướng mang tính nghi lễ và tự tổ chức các trò chơi dân gian trong lễ hội, trang bị cho họ nghi trượng, nghi vật để có thể thực hành những nghi lễ và diễn xướng này.

Lễ hội cổ truyền là nơi giúp cho cộng đồng lưu giữ, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Lễ hội chỉ trường tồn khi nó trở thành hoạt động văn hóa tự thân của nhân dân, là nhu cầu và tài sản của họ. Vì thế cần trao trả vai trò tự quản lý lễ hội cho cộng đồng, bởi bất cứ hoạt động văn hóa cộng đồng nào cũng cần thu hút sự tham gia đóng góp của nhân dân.

Tóm lại, phát triển văn hóa và phát triển con người có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phát triển văn hóa với trọng tâm là phát triển con người, vì con người và phát triển con người là tiền đề, động lực cho phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa, con người Việt Nam là khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy động lực tinh thần, khát vọng, ý chí tự cường xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chúng tôi xin mạn phép dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay cho lời kết: “Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới” (2).

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.216.

2. Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cộng sản, số 979, 12-2021, tr.14.

TS NGUYỄN TIẾN THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;