Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2021: Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc

Tối ngày 26/12/2021, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền năm 2021 do Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng tổ chức đã khép lại với chương trình Bế mạc và công diễn các tiết mục xuất sắc. Hội diễn đã góp phần bảo tồn và từng bước làm sống dậy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ bị thất truyền.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng

 

Hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia Hội diễn

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID- 19, Cục Văn hóa cơ sở đã lựa chọn phương thức tổ chức Hội diễn với hình thức các đơn vị tổ chức ghi âm, ghi hình chương trình dự thi. Dữ liệu được lưu trữ qua USB và gửi Ban Tổ chức để Ban Giám khảo chấm điểm. Đó là minh chứng cho những nỗ lực và quyết tâm lưu giữ di sản văn hóa dân tộc. Thành công của Hội diễn chính là sự thích ứng với mọi hoàn cảnh, sân khấu nghệ thuật được ghi âm, ghi hình, một thành tựu công nghệ 4.0. Đây có lẽ chưa phải là cách làm hay nhất nhưng là lựa chọn phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.

Cách đây 6 năm, tại tỉnh Kiên Giang, Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền lần thứ nhất được tổ chức. Từ đó, theo định kỳ 3 năm tổ chức 1 lần và đã dần trở thành truyền thống, khơi dậy sự say mê, sưu tầm, bảo tồn của đội ngũ anh chị em văn nghệ sĩ tại địa phương và từng bước làm sống dậy nhiều làn điệu dân ca, dân vũ có nguy cơ bị thất truyền. Qua đó, khẳng định thành công và hiệu quả của Đề án: "Xây dựng, tổ chức và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ VHTTDL".

Thành công của Hội diễn còn được thể hiện ở con số gần 130 tác phẩm dự thi qua phần thể hiện của 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 23 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Mỗi tiết mục được trình diễn dù bằng hình thức nào, thành công đến đâu, sức lay động trái tim người nghe ra sao đều mang đến cho cả người diễn và người nghe  cảm nhận: được chìm đắm trong một không gian đầy ắp vẻ đẹp của nghệ thuật hát, múa phong phú và đa dạng.

Việc trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ mà chứa đựng sâu thẳm trong đó tiếng nói trái tim, tình yêu quê hương trong thời đại mới. Điều đó được thể hiện qua các tiết mục của các đơn vị khu vực phía Bắc: Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Tuyên Quang… mang đậm hơi thở đặc trưng dân ca Bắc Bộ. Với những đặc điểm dễ nhận biết qua các từ đệm trong câu hát kết hợp nhuần nhuyễn với bộ nhạc lễ và nhạc sân khấu đậm đà đặc trưng của miền di sản, nơi bắt nguồn đa dạng vốn văn hóa cổ truyền, dòng chảy tình cảm của các liền anh, liền chị. Hòa quyện với những vũ điệu xuân tình  lúng liếng là những màn đối đáp hóm hỉnh, trao duyên và các ca khúc ngợi ca mùa màng bội thu.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương trao Huy chương Vàng chương trình cho các đơn vị xuất sắc
 

Các đơn vị thuộc khu vực Duyên hải miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa… lại mang đến Hội diễn những điệu thức riêng với những âm sắc, thổ ngữ không thể nhầm lẫn. Nhưng vượt lên tất cả, vẫn toát lên một khí phách hào hùng, quả cảm của những chàng trai, cô gái mang tâm hồn và ước vọng vượt sông ra biển lớn.

Sự phong phú, đa dạng của kho tàng nghệ thuật dân ca Việt Nam còn được thể hiện ở 3 đơn vị Tây Nguyên: Gia Lai - Kon Tum - Lâm Đồng. Các tiết mục sử dụng nhịp điệu (tempo) kết hợp với dàn nhạc cụ: Tinh ninh, T'rưng, Đinh năm… rộn ràng thanh âm, đồng vọng tiếng ru đại ngàn, trong các nghi thức thờ thần lúa linh thiêng, qua phần trình diễn tình cảm, lôi cuốn của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên da nâu, mắt sáng.

Các làn điệu dân ca đến từ khu vực Nam Bộ như: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Tây Ninh…, lại mang theo sự phóng khoáng cùng nét chấm phá cảnh sắc đất rừng phương Nam, đặc trưng sông nước. Không ai có thể quên được những lời ca nhấn nhá, tài tử của anh Hai, chị Ba gắn chặt với các địa danh quê hương mình. Đồng thời, xen lẫn trong đó là cách làm mới dân ca qua một vài thể nghiệm, cách tân gắn với hơi thở của cuộc sống đương đại.

Công sức, nỗ lực tuyệt vời của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tham gia biểu diễn đã cống hiến hết mình để có những chương trình hay, những tiết mục đặc sắc, xứng đáng là những chiến sĩ văn hóa, đang góp phần gìn giữ kho tàng nghệ thuật văn hóa dân gian nước nhà.

Tiết mục “11 cô gái sông Hương” của Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế
 

Hun đúc tình yêu với nền văn hóa nước nhà

Nhìn lại chặng đường đã qua của Hội diễn Đàn, hát dân ca 3 miền, tại lễ Bế mạc, 10 tiết mục xuất sắc đã được lựa chọn công diễn: Mẹ và lời ru (Trung tâm Văn hóa Thành phố Cần Thơ); 11 cô gái sông Hương (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế); Hát chèo: Nhớ về Hải Dương (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hải Dương); Múa lúa trời (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang), Tình quê (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi), Pơ Toi Erih nao - Lễ bỏ mả (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum); Múa Hồn quê (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh); Diễn xướng dân gian Sắc bùa Phú Lễ Đẩy lùi COVID người ơi (Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bến Tre); Chuyện tình Dung Lang (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng); Dro’h P’nu - Những chàng trai cô gái (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng). Theo đánh giá của Ban Tổ chức, hầu hết các tiết mục làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống của các đơn vị tham gia Hội diễn gửi đến Ban Tổ chức đều tập trung vào nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam; truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc; phản ánh những đổi thay, những thành tựu của đất nước trên bước đường xây dựng và phát triển; giáo dục truyền thống cách mạng, nêu tấm gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất; xây dựng Nông thôn mới; xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ qua tiết mục của Đoàn Kon Tum
 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và hiệu quả mang lại, Hội diễn lần này vẫn còn không ít “hạt sạn” như: Một số tác phẩm múa sử dụng âm nhạc trôi nổi trên mạng không phù hợp, kém hiệu quả, thậm chí có thể dẫn tới rủi ro trong vấn đề bản quyền tác giả. Đồng thời, chưa tận dụng lợi thế của việc thu âm, ghi hình nên tình trạng hát chênh, phô, không đều còn diễn ra. Bên cạnh đó, việc phổ lời mới mang âm hưởng dân ca vô tình làm mất đi yếu tố: Tích, trò mà cha ông ta đã khéo léo gửi gắm bằng phương pháp ẩn dụ nên một số tác phẩm tham gia Hội diễn lần này có phần giống với một bản nghị quyết được phổ nhạc hơn là một tác phẩm nghệ thuật.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc Hội diễn, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban giám khảo chia sẻ: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn lại mở ra cơ hội để chúng ta tìm cách thích ứng. Việc tổ chức Hội diễn qua hình thức băng đĩa hình trong thời điểm giãn cách xã hội là một minh chứng cho những nỗ lực và quyết tâm nhằm lưu giữ di sản văn hóa dân tộc. Không chỉ với tư cách được giao nhiệm vụ ghi nhận, chứng kiến kết quả, thành công Hội diễn mà đây thực sự là hạnh phúc, vinh dự của chúng tôi khi được góp phần hun đúc tình yêu với nền văn hóa nước nhà. Chỉ tiếc rằng, cách đây vài ngày ngồi trong phòng kín, đối diện với màn hình xung quanh là các thiết bị máy móc, làm công tác kiểm đếm các tác phẩm dự thi giữa tiết trời đông lạnh Hà Nội, nhìn từng gương mặt, từng giọng hát của các nghệ sĩ thoáng qua sao thấy gần mà xa quá xa. Điều đó khiến chúng tôi nhớ ánh đèn sân khấu và nhớ người diễn vô cùng.

Hội diễn đã ghi nhận được những thành công ngoài mong đợi. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa của các loại hình văn hóa nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền gắn với đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân; cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, cán bộ làm công tác văn hóa văn nghệ trên cả nước được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị âm nhạc dân tộc truyền thống trên khắp mọi miền đất nước.

Ban Tổ chức đã trao 9 Huy chương Vàng và 14 Huy chương Bạc cho các chương trình xuất sắc, 23 Huy chương Vàng, 46 Huy chương Bạc cho các tiết mục xuất sắc.

 

MAI TUYẾT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;