Vận dụng sáng tạo những đặc trưng trong phong cách Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới hiện nay

Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, dân tộc ta, mãi mãi là nguồn sáng bất tận, soi rọi vào tâm hồn mỗi người Việt Nam. Phong cách Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện qua phong cách dân chủ, nêu gương, ứng xử văn hóa, làm việc khoa học, tự học tập…, mà đó còn là phong cách của người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa.

Phong cách là những đặc điểm về lề lối, cách thức, cung cách, phong thái, phong độ và phẩm chất đã trở thành nề nếp ổn định của một chủ thể, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt…, tạo nên những giá trị, tạo nên những nét riêng biệt của chủ thể đó.

Theo tác giả Nguyễn Quốc Ninh: “Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống bao gồm: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách sống thanh cao, trong sạch, giản dị; phong cách dân chủ, quần chúng, tự mình nêu gương…”. Tác giả Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng: “Phong cách Hồ Chí Minh là một hệ thống, một chỉnh thể gắn bó chặt chẽ với nhau, phát triển theo logic, đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện qua việc làm, qua ứng xử, sinh hoạt hằng ngày” .

Từ các quan niệm trên, có thể hiểu, phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể thống nhất, có hệ thống được phát triển theo logic đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện qua sinh hoạt. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ.

 

Những đặc trưng trong phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách dân chủ

Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Cơ sở của phong cách dân chủ là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, biết lắng nghe ý kiến của dân, quan hệ tốt với dân, học hỏi dân. Hồ Chí Minh luôn khẳng định chế độ ta “dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ phải biết cách tập hợp được tài năng, trí tuệ của nhiều người, của tập thể để phấn đấu cho mục tiêu chung. Mà muốn làm được như vậy, phải tạo ra được một không khí dân chủ thực sự trong nội bộ. Theo Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề. Người viết: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó có quan hệ chặt chẽ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái, khi đó người khác sẽ học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”. Vì vậy, Người kịch liệt phê phán những cán bộ quan liêu, những người “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”. Bởi vậy, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải sửa đổi lối làm việc, “phải thật sự thi hành dân chủ trong Đảng và trong quần chúng”. Hồ Chí Minh không chỉ đề ra hệ thống quan điểm về dân chủ, mà bản thân Người còn là tấm gương sáng ngời về phong cách lãnh đạo dân chủ. Dù là lãnh tụ với uy tín tối cao, Người luôn tôn trọng tập thể, lắng nghe cấp dưới, cho phép cấp dưới tự do thể hiện quan điểm, khuyến khích cán bộ phê bình mình... Những quan điểm đúng đắn, sáng tạo và sự mẫu mực trong thực hành dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học lớn cho toàn thể cán bộ, đảng viên noi theo.

Phong cách nêu gương

Theo Hồ Chí Minh, nêu gương trước hết là phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, nói phải đi đôi với làm. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng, tự rèn luyện để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là một tấm gương sáng để quần chúng nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư tật xấu. Nói về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì và trong hoàn cảnh nào, cán bộ lãnh đạo, đảng viên cũng phải luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải ra sức tham gia công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phải gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người khẳng định rõ: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng. Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ, cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Đảng muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân phải thông qua những cán bộ lãnh đạo tốt, đảng viên tốt, luôn gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực. Hồ Chí Minh khẳng định: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên mà vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng, làm sai chính sách, pháp luật của Nhà nước, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, lợi dụng chức quyền để trục lợi, vun vén cá nhân, ưu ái cho gia đình, người thân, thì nói chẳng ai tin, không ai phục. Cho nên, nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của cán bộ, đảng viên.

Thăm nhà máy sứ Hải Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh để tặng 4  chữ: “Cố gắng, tiến bộ” trên chiếc lọ hoa, sản phẩm của nhà máy (26/7/1962). Ảnh: tư liệu

 

Phong cách ứng xử văn hóa

Trong văn hóa ứng xử, Người vừa khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm vừa linh hoạt, biến hóa, lại chân tình, nồng hậu có lý, có tình chứa đựng những giá trị nhân bản của con người, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi cần nhắc nhở, Người không quên chỉ vẽ tận tình. Khi cần phê bình, Người rất nghiêm khắc nhưng rất độ lượng, bao dung, không bao giờ bao che, nhằm nâng con người lên chứ không hạ thấp, vùi dập. Phong cách ứng xử văn hóa còn được thể hiện với nhiều đối tượng khác nhau ở bên kia chiến tuyến. Người luôn mong muốn thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng với thái độ hiểu biết, nhân nhượng lẫn nhau. Điều đó cũng được nhà chính trị Jean Sainteny trong hồi ký về sự kiện ký Hiệp định Sơ bộ 1946 bày tỏ: “Những lời nói của ông, những cử chỉ của ông, thái độ của ông, con người thật của ông, tất cả đều khẳng định ông không muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực... Chính tư tưởng này đã khiến ông trở thành một nhân vật hiền từ, nhân hậu, được gọi là Bác Hồ...”. Chính tình yêu bao la và cách ứng xử đầy văn minh của Người đã tạo nên một huyền thoại về lòng nhân ái Hồ Chí Minh. Thế nên, phong cách ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh là phong cách của một con người với cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái hành mực thước. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua ứng xử văn hóa thực sự là tấm gương cho mọi người trong mọi thời đại noi theo, học tập. Không chỉ người Việt Nam, mà cả những người nước ngoài cũng cảm thấy gần gũi, không xa lạ với phong cách ứng xử văn hóa của Người.

Phong cách làm việc khoa học

Đây là một trong những yếu tố làm nên ảnh hưởng to lớn và lâu bền của nhân cách Hồ Chí Minh đối với Đảng, với dân tộc Việt Nam. Với 24 năm liền trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Người đã có một phong cách làm việc mẫu mực trong công tác, để lại tấm gương lớn cho các thế hệ mai sau. Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh không hề xa lạ mà rất chân thật, gần gũi, được thể hiện không chỉ qua tư tưởng mà còn bằng hành động thực tế của Người. Phong này này đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối, cách thức làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, phất phơ, cốt cho hết ngày, không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc; làm việc một cách tự do, tùy tiện, thiếu kế hoạch, thiếu ngăn nắp, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người sức của; làm việc thiếu cụ thể, thiết thực, thiếu tầm nhìn xa trông rộng… Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh là một quy trình áp dụng từ việc to cho đến việc nhỏ, từ những việc của cá nhân cho tới những công việc của Đảng và Nhà nước giao phó. Người đã chỉ rõ quy trình đó là “Phải quyết định mọi vấn đề cho đúng”. “Phải tổ chức sự thi hành cho đúng”, “Phải tổ chức sự kiểm tra, kiểm soát”. Người chỉ ra mối quan hệ giữa các nội dung này: “Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi song, nguồn gốc đi tới thắng lợi thực sự còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách có đúng mấy cũng vô ích” . Có thể nói, trong nhiều vấn đề về phong cách Hồ Chí Minh thì phong cách làm việc khoa học có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức hiện nay.

Thực vậy, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ, đảng viên mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách dân chủ, nêu gương, ứng xử có văn hóa, làm việc khoa học, tự học tập... Đây là cách tốt nhất để giữ được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là việc thực hiện phong cách dân chủ, nêu gương, ứng xử văn hóa, làm việc khoa học, tự học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý là có một số cán bộ có chức, có quyền còn biểu hiện quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, hách dịch, thiếu dân chủ, chưa thực sự nêu gương cho quần chúng nhân dân noi theo, ứng xử thiếu văn hóa, làm việc theo kinh nghiệm, cảm tính, thói quen tùy tiện, chưa coi trọng tính khoa học trong làm việc, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo, đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Mặt khác, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân lười học tập lý luận chính trị, ít nghiên cứu sách, báo, tạp chí…, tình trạng học để đối phó, học để đủ điều kiện bổ nhiệm, để “thăng quan tiến chức” vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vận dụng những đặc trưng trong phong cách Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay

Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hai là, thường xuyên tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chăm lo, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; kiên trì đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần thực sự hiệu quả, trở thành thói quen tự giác, việc làm thường xuyên, mỗi người cần xác định rõ mục đích, lý tưởng học tập của mình, học là để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng từng ngày, từng giờ làm những việc có lợi cho dân, cho nước.

Bốn là, tiếp tục nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, gần gũi, dễ học, dễ hiểu, tạo sức lan tỏa, khơi dậy được niềm tin, nhiệt huyết và lý tưởng từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân. Mặt khác, cần có những cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực; đồng thời có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh, uốn nắn các nhận thức, hành vi lệch lạc, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.n

_________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Kim Dung, Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua lối sống, Đặc san Hồ Chí Minh học, số 1/2015.

2. Trịnh Nguyễn, Phong cách Hồ Chí Minh, Báo Thanh niên, số 128, ngày 7/5/2020.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, 5, 6, 7, 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

 

PHẠM NGỌC HÒA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

;