Ảnh hưởng tích cực của hương ước xưa với quá trình xây dựng Nông thôn mới ở Phú Thọ trong giai đoạn hiện nay

Người dân xã Đồng Xuân, huyện Thanh Ba chăm sóc hàng cây, hoa hai bên đường, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã NTM nâng cao

 

Hương ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc ứng xử do cộng đồng cư dân cùng thoả thuận để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của người dân, góp phần hỗ trợ cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.  Đây cũng là di sản văn hóa được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, là tri thức dân gian được tích luỹ, đúc kết qua nhiều thế hệ, nó không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Tài liệu cổ nhất hiện còn cho biết, hương ước có từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497), tồn tại tương đối phổ biến trong các làng Việt ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Đây là nguồn tài liệu quý có giá trị nghiên cứu về nhiều mặt văn bản học, sử học, luật học để từ đó chúng ta nghiên cứu phương thức quản lý nông thôn truyền thống khá hiệu quả của cha ông, suy nghĩ các biện pháp đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới, Làng văn hóa hiện nay.

Hương ước gồm các điều ước quy định về nhiều mặt đời sống làng xã: sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, cơ cấu tổ chức và quan hệ xã  hội, an ninh làng xóm, thờ cúng, khuyến học, khuyến tài, đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước; giữ gìn bảo tồn văn hóa dân tộc, phong tục tập quán thuần hậu… Những điều đó trải qua nhiều thế hệ, được cộng đồng tuân thủ đã trở thành “Luật tục” của từng cộng đồng dân cư nông thôn. Hương ước chứa đựng một tri thức dân gian về quản lý cộng đồng. Thời phong kiến, làng được coi là đơn vị cơ sở. Nhà  nước chỉ quản lý tới làng, còn làng quản lý trực tiếp tới từng người dân. Làng là khâu trung gian nối liền giữa Nhà nước với người dân, làng tồn tại như một thực thể tương đối độc lập. Đó là một tổ chức mang tính tự quản rõ nét. Nhìn lại lịch sử ta thấy rất rõ mỗi bước phát triển thăng trầm của chế độ phong kiến đều để lại dấu vết trong làng xã, được biểu hiện ít nhiều trong các quan hệ xã hội thông qua hương ước. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cơ cấu làng xã phong kiến bị xóa bỏ, hương ước không còn tồn tại với tư cách là một công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ trong làng xã. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thi hành nhiều chính sách, biện pháp để cải tạo nông thôn cũ xây dựng nông thôn mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, những tục lệ cũ, lạc hậu vẫn còn sức sống dai dẳng có lúc tưởng chừng đã xóa bỏ được thì nay lại trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành lực cản xã hội. Mặt khác, chúng ta cũng chưa thấy hết mặt tích cực nhất là tính tự quản cộng đồng trong hương ước xưa nên khi áp dụng một số quy định mới một cách áp đặt tỏ ra ít hiệu quả. Vì vậy, từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 19/6 về việc xây dựng và thực hiện hương ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; các bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản triển khai hướng dẫn thực hiện quy ước, hương ước ở cơ sở. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước; Bộ VHTTDL ra tài liệu hướng dẫn năm 2019 và tổ chức việc rà soát, kiểm tra, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Đi sâu vào nghiên cứu hương ước và việc quản lý làng xã bằng hương ước trước đây chính là bảo đảm cơ sở khoa học cho việc kế thừa, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt hạn chế, tiêu cực khi chúng ta xây dựng, thực hiện quy ước văn hóa trong quản lý nông thôn hiện nay; xây dựng làng, khu dân cư văn hóa và nhất là nông thôn kiểu mẫu. Ở Phú Thọ, những quy ước đề cao việc ứng xử giữa con người với con người trong làng xã chiếm số lượng tương đối lớn trong số lượng hương ước hiện còn lưu giữ. Các điều tập trung đề cao tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau và một điều rất đáng ghi nhận là lòng mong muốn của người dân muốn lập hương ước để giữ gìn, duy trì các mối quan hệ tốt đẹp ấy. Ví dụ rất nhiều hương ước đoạn mở đầu có ghi: “Từng nghe nước có trăm điều pháp lệnh để làm cho chính sự được ngay ngắn, xóm làng có khoán lệ để giúp cho phong tục thêm thuần hậu. Trên thuận dưới hòa, anh thương, em kính, phong tục dần thêm tốt đẹp, tình người ngày một hợp hoà. Người lắm việc nhiều cùng sống ấm êm hạnh phúc… do vậy làm ra khoán ước để làm quy tắc cho muôn đời sau”.

Trong đời sống tâm linh cộng đồng, hương ước quy định lịch thờ cúng, tế lễ hằng năm, lễ vật thờ cúng (số lễ vật , loại lễ vật).Việc thờ cúng, làng giao cho các giáp thay nhau hoặc cùng nhau đảm nhận. Nhiều làng dùng ruộng công để phục vụ cho việc biện lễ. Việc thờ cúng, lễ hội làng có khá nhiều điều quy định cụ thể từ khâu chuẩn bị đến khâu thực hiện. Ngoài các nội dung trên, hương ước của nhiều làng có các điều khoản quy định bảo vệ môi trường, nguồn nước, đê điều, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, lập Quỹ Khuyến học, Quỹ Nghĩa  thương… các hình thức khen thưởng mà nhiều làng áp dụng là thưởng tiền, hiện vật (chủ yếu là thóc gạo cho người có công). Với các điều khoản, hương ước đã kiểm soát thái độ ứng xử của từng thành viên không phân biệt già trẻ, trai gái ở bất kỳ giai tầng xã hội nào. Các hành vi từ ăn mặc, đi đứng, nói năng, thăm hỏi, học hành cho đến nghĩa vụ đối với gia đình, họ hàng, xóm giềng trong việc ma chay, cưới xin, khao vọng, tế lễ, khao thọ, việc tuần phòng canh gác chống trộm cướp đều được quy định tỉ mỉ, chặt chẽ trong các điều khoản của cộng đồng với mỗi người trong làng. Nhiều tục lệ của hương ước vốn là tục lệ cổ sơ của làng trong đó có quy định thành viên, bảo vệ an ninh, “bảo vệ phong hóa”, tổ chức thờ cúng được dựa trên tập quán với những quan niệm về đạo đức truyền thống từ ngàn xưa nên đã ăn sâu vào đầu óc của người nông dân. Trong hương ước, ta thấy có rất nhiều điều khuyến khích con người ăn ở hòa thuận, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống thường ngày, ngăn ngừa và xử phạt các hành vi đánh cãi chửi nhau, rượu chè cờ bạc bê tha, quan hệ nam nữ bất chính, khuyến khích mọi người đóng góp xây dựng xóm làng. Nhiều làng còn đưa vào hương ước việc tuyên đọc hằng năm 3 lần ở đình làng để mọi người dân cùng nghe. Đây cũng là cách làm để tăng thêm tính pháp lý, tính giáo dục, tính thiêng để mọi người chấp hành những điều đã cam kết. Có thể khẳng định, hương ước dựa trên truyền thống để rồi trở thành truyền thống, đó là bài học kinh nghiệm trong quản lý làng xã mà đến hôm nay nó vẫn còn giá trị đối với với các nhà quản lý, cấp chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới.

Qua nghiên cứu hương ước xưa ở tỉnh Phú Thọ, có mặt tích cực và hạn chế. Trước hết, hương ước góp phần làm hình thành trong làng xã và người nông dân nhiều đức tính truyền thống quý báu. Đó là truyền thống đoàn kết và cố kết làng xã. Hương ước không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân mà còn quy định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường ngày. Mọi người tìm thấy ở xóm làng không chỉ là chỗ dựa về vật chất mà chủ yếu là ở tinh thần, một sự đùm bọc giúp đỡ vô tư giữa những người lao động; người đi xa nhớ về quê hương, nhớ về làng của mình với tình cảm mặn nồng. Lễ, Tết ở làng, người lưu tán có điều kiện đều trở về thăm quê, thăm gia đình, thăm xóm giềng. Đây chính là chất keo cố kết gắn bó họ lại thành truyền thống đùm bọc thương yêu nhau. Mọi giá trị của cá nhân đều phải hướng vào giá trị cộng đồng và cá tính không được coi trọng mà phụ thuộc vào tập thể “Xấu đều hơn tốt lỏi”, “Chết một đống hơn sống một người”... Người ta coi trọng nhân cách hơn là trọng tài năng và sự giàu có, vì trọng nhân cách nên họ sống vì danh “Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp”; làm xấu danh hoặc đánh mất danh của mình cũng chính là làm mất danh của cả xóm ngõ, dòng họ, gia đình mình, có khi để giữ thanh danh của gia đình, dòng họ nên ai đó phải  bỏ làng ra đi. Vì vậy, người nông dân luôn giữ mình và răn dạy con cháu không làm việc gì xấu, có hại cho nhân cách, hổ thẹn với xóm làng. Đó là mặt tích cực của hương ước và việc quản lý làng xã bằng hương ước. Trong hương ước, các điều còn thể hiện sự quan tâm đến việc công ích, tích cực đóng góp xây dựng làng xã, hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, chủ động trong bảo vệ an ninh, thực hiện vai trò tự quản, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa.

Về những hạn chế của hương ước: đó là tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái và những điều khoản của hương ước chỉ liên quan đến công việc, tới tập tục từng làng xã, do vậy nó góp phần tạo ra tâm lý chỉ quan tâm đế lợi ích của làng mình : “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng đó thờ” mà ít quan tâm đến quyền lợi làng khác. Tính tự trị, tự quản của làng xã, cục bộ của người nông dân có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận quyền lợi làng mình với làng khác, suy rộng ra đối với quốc gia, góp phần làm tăng các hủ tục nặng nề, tốn kém trong đám cưới, đám tang, khao vọng, lễ hội…

 Hiện nay, việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở gắn với xây dựng Nông thôn mới và văn hóa nông đang đặt ra nhiều vấn đề cho người nông dân chủ - thể của xây dựng nông thôn - rất nhiều mối quan hệ không chỉ trong ứng xử mà còn là việc thực hiện các quy định chung về môi trường cảnh quan, mùa màng, không gian thoáng đãng của hội hè, đình đám trong các di tích đình, chùa, đền, miếu... Quy ước làng, khu dân cư văn hóa phải bám sát tình hình thực tế của từng địa phương, truyền thống văn hóa của từng dân tộc để quy định những điều khoản liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế -  xã hội ở mỗi làng, đến sự nghiệp nâng cao dân trí, xây dựng Nông thôn mới. Chính vì quy ước làng văn hóa xuất phát từ nhu cầu tổ chức và quản lý xã hội trong nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới  nên quy ước đó trước hết bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động, phù hợp với lợi ích của đất nước, củng cố và nâng cao hiệu quả mọi mặt  của mối quan hệ làng với nước, vừa không đối lập, vừa không thể vượt lên trên pháp luật mà bổ sung, góp phần điều chỉnh hành vi công dân thi hành pháp luật của Nhà nước. Chúng ta đều biết, pháp luật chứa đựng những nguyên tắc xử sự chung  nhưng hành vi của công dân còn chịu sự điều chỉnh bởi nhiều quy phạm xã hội khác như: đạo đức, tập quán, dư luận, các đoàn thể chính trị xã hội, các tín điều tôn giáo.

Thực hiện Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức việc bàn giao giữa Sở Tư pháp và Sở VHTTDL về công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức lễ bàn giao theo quy định. Năm 2020, có 2.233 bản hương ước, quy ước được rà soát trong đó có 2.161 bản đã được phê duyệt, 72 bản đang chờ phê duyệt. Theo đánh giá của các cơ quan và địa phương, thời gian qua, hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới, xây dựng làng, khu dân cư văn hóa, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, giữ gìn môi trường sạch đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy. Đó là việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, phục hồi các lễ hội gắn với phát triển du lịch, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc vùng đất Tổ đã được UNESCO tôn vinh. Một kinh nghiệm rất quý báu của cha ông trong việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, gia đình có nhiều công lao đóng góp, xây dựng phát triển làng quê suy cho cùng cũng là việc thực hiện tốt hương ước, quy ước. Việc này thực hiện công khai có sự động viên, khuyến khích lớn “Trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Để thực sự đưa hương ước, quy ước thực sự phát huy tốt tác dụng, hằng năm ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới phải tiến hành rà soát các nội dung của hương ước, quy ước, những nội dung nào không còn phù hợp phải đưa ra khỏi quy ước, mặt khác cần nghiên cứu đưa thêm nội dung mới phù hợp như: văn hóa tham gia giao thông, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, chống lạm dụng tình dục , xâm hại trẻ em, phòng chống đuối nước cho trẻ em… Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến hương ước, quy ước để mọi người dân đều nắm vững và thực hiện, Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh phải có kế hoạch kiểm tra, kịp thời uốn nắn sửa chữa những điểm lệch lạc ở cơ sở, cần có sự tổng kết sâu sắc từ những địa phương làm tốt và những địa phương làm chưa tốt mới mong có được những đánh giá, nhận định chính xác.

Thực tiễn xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa ở Phú Thọ hơn ba chục năm qua đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của nó trong công tác quản lý xã hội, góp phần điều chỉnh, giải quyết các mối quan hệ cụ thể, sinh động ở thôn làng, khu dân cư mà pháp luật chưa thể điều chỉnh, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống đặc sắc vùng đất Tổ, phát huy mở rộng dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng Nông thôn mới.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023

 

;