Góc nhỏ yêu thương

Ở Cát Lái, Sài Gòn có ngôi trường đại học đẹp lạ - Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (UMT), nửa bên này giáp phố, nửa bên kia giáp sông. Phía phố thì ồn ào, náo động, nhộn nhịp người xe. Phía sông thì giữ mình lặng yên, phải ngồi im lâu mới nghe được triều sóng vỗ.

UMT nằm khuất sau những dãy cao tầng. Muốn đến nơi, mình phải băng qua những con đường tán xanh, những con đường dáng phượng. Ở cuối con đường 60CL, ngay ở giao điểm chạm mặt với hàng hàng container chồng chất, có một tòa nhà hướng dựng thiên thanh. Phải nói thật lòng, cái tòa nhà Sáng tạo dễ khiến lòng yêu mến. Vì mến yêu rồi mà muốn được sống trải thật lâu.

Cái chất hiện đại của tòa nhà hiện lên trong từng đường nét kiến trúc. Vào bên trong, mỗi tầng đều được bài trí theo phong cách riêng với công năng riêng. Sáng tạo ở đây như khởi tạo một không gian mời gọi mỗi chúng ta cùng khám phá, nghiệm trải và kiến tạo nên những giá trị.

Tôi về đây đầy đặn ba năm, được chứng kiến những điều mới mẻ. Cái tươi trẻ, khỏe khoắn của ngôi trường mới thắp dựng sức trẻ đương lên. Tôi tìm thấy cái hơi thở đôi mươi của tôi trong nhịp chân các bạn sinh viên tới lớp.

Nhưng có lẽ UMT còn có một khuôn mặt khác - khuôn mặt thiên nhiên. Cái chất thiên nhiên ấy không hề đối lập hay từ khước cái tính hiện đại sôi nổi kia. Song trùng tồn tại, sánh bước cùng nhau. Hiện đại mà không giữ được mối giao hòa với thiên nhiên thì đổ vỡ. Thiên nhiên mà không có hiện đại thì mãi mãi là đứa trẻ bế bồng.

Thiên nhiên ở đây với tôi là mưa nắng trên đầu, trăng treo trên nóc; là hoa cỏ bốn mùa, là tiếng chim hót mời nắng mai lên và gọi tà dương xuống.

Tôi luôn có một UMT hoa cỏ trong trái tim mình. Một sớm mai nào hong nắng, rong bước triền sông, mình sẽ thấy nắng lên trong lá, hương lên trong quả. Một chiều nào nắng buông, dạo bước lãng du, mình sẽ thấy mênh mông mây trắng về quanh vườn trường. Khi nắng ửng hồng, sương giăng đầu cỏ, bạn thử nghiêng nhìn sẽ thấy triệu triệu UMT lung linh. Khi tà dương vào sâu mắt lá, chim bay về tổ, bạn thử nghiêng nhìn sẽ thấy UMT sắc màu giữa chiều vỡ nắng. Khi mưa hồng mấy độ, lá cỏ xô nghiêng, ngàn hoa mở khép, mình sẽ thấy mình gội rửa, mát mẻ, thanh tân.

Tôi vẫn thường độc thoại với cỏ cây vì tôi tin cỏ cây cũng là bè bạn. Tiếng cỏ cây là lời gió, mắt cỏ cây là mi xanh, lòng cỏ cây là nắng đọng, tình yêu là ban mai xanh. Nếu nghĩ cho thật kỹ thì rõ ràng giữa tình yêu dành cho con người và tình yêu dành cho cỏ cây nào đâu khác biệt, bởi lòng yêu nào cũng gieo trong đời những hạt thiện lương. Tình yêu cứ thế sinh sôi, bất diệt như những cây tử đinh hương mọc tràn ý thơm trên dải đồng mênh mông bất tận.

Có một hôm không hẹn trước, tôi lê bước chân tôi trên con đường quen thuộc. Chợt thấy, hàng sưa đã trút lá. Tôi bất giác nhận ra là đã sang tháng Ba nắng ấm rồi. Nếu ở quê, giữa tiết mùa xuân này mình sẽ thấy muôn vàn hoa sưa rụng lả lơi trong gió, vàng ửng mặt sông. Còn ở đây, tiết trời có chút oi và chỉ còn lại hàng cây đứng hững hờ. Tưởng chừng như chỉ có lời buồn tẻ, thì trên mấy cành trơ xương đã lấm tấm lộc non rồi. Chỉ dăm bữa, nửa tháng nữa thôi, cái tươi xanh sẽ phủ khắp, ong bướm sẽ quay về và con đường sẽ thao thức.

Con người tạo ra lối để đi nhưng cũng vì có lối mà đâm ra ngần ngại. Tôi lại thích chiêm nghiệm những cái gũi gần. Đừng tưởng gũi gần là không còn gì để nói thêm, hiểu thêm. Chính ở chỗ tưởng chừng vắt cạn ấy, mình lại tìm thấy cho riêng mình những điều thú vị hay ho. Mấy hôm không qua, bụi tre đã lên măng, dây đèn lồng đã kết trái, tổ chim non mới dựng, sala vừa trổ bông, v.v..

Tự dưng tôi lại nhớ đến mấy dòng thơ của Chế: “Có những người trồng cây vì chiếu lệ - Vì một mối tình đầu, một chú nhỏ mới khai sinh - Vì một gốc cam đã quen hương từ thuở bé - Vì một tên yêu trùng với một tên nhành”. Mai đây, “cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa”. Mai đây “đời sẽ cho lộc và đời sẽ cho hoa”. Mai đây, những thế hệ sinh viên sẽ viết tiếp những trang hoa xuân ca cho đời và mang theo cái giá trị cốt lõi của UMT - “trường đại học hạnh phúc và thành công” đi khắp muôn phương.

Tản văn của NGUYỄN XUÂN TRỌNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 600, tháng 3-2025

;