Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường ở Phú Thọ

Chiêng luôn được sử dụng trong các buổi giao lưu, sinh hoạt văn nghệ của đồng bào Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn

 

Người Mường cư trú ở Phú Thọ có nguồn gốc lâu đời từ các tộc người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương và một số người Mường từ Hòa Bình, Thanh Hóa di cư cùng sinh sống. Họ sống tập trung tại 3 huyện miền núi Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và 2 xã Yến Mao, Phượng Mao của huyện Thanh Thủy thuộc các Mường cổ: Mường Tằn,  Mường Kịt, Mường Cúc, Mường Đồng. Người Mường có mối quan hệ rất chặt chẽ với người Kinh và là chủ nhân sớm của nền văn hóa bản địa. Có thể nói, văn hóa của dân tộc Mường rất đặc sắc và phong phú.

Văn nghệ dân gian của đồng bào Mường là tài sản văn hóa  rất quý giá, góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam. Đến với văn hóa Mường là đến với trường ca nổi tiếng : “Đẻ đất - Đẻ nước”, một tác phẩm huyền thoại về vận động lịch sử dân tộc dưới dạng sử thi. Sau “Đẻ đất - Đẻ nước” là truyện thơ “Út Lót - Hồ Liêu”, “Nàng Nga - Hai Mối”, “Chàng Bồng Hương - Nàng Ờm”… Cồng chiêng là nhạc khí dân tộc được coi là biểu tượng của văn hóa Mường. Đâm đuống cũng là hình thức nghệ thuật phong tục - lễ nghi có ý nghĩa cầu chúc mùa màng tốt tươi. Mỡi là hình thức nghệ thuật tổng hợp, vui nhộn tưng bừng. Ở Mỡi có hát Xường, hát Rang, hát Ví, có múa, có chạm ống, có cồng chiêng, có cả múa sạp, tung còn và biểu diễn tạp kỹ. Văn nghệ dân gian Mường mang nhiều yếu tố văn hóa Việt, biểu hiện mối quan hệ văn hóa Việt - Mường gắn bó từ lâu đời.

Dàn chiêng Xéc bùa có 12 chiếc, chiêng Xéc bùa vừa là loại nhạc cụ độc đáo, có giá trị về vật chất và tinh thần, cả về mặt nghiên cứu lịch sử âm nhạc sân khấu dân tộc. Tìm hiểu về chiêng Xéc bùa, mỗi vùng có bài bản khác nhau, tên gọi khác nhau. Song tựu chung lại đều làm hiệu lệnh đi săn, đám ma… và giống nhau về cách sử dụng. Chiêng vui trong đám cưới, mừng nhà mới, ngày tốt. Ngoài ra chiêng Xéc bùa dùng để đánh điểm, khen ngợi ca sĩ hát hay, ứng đối giỏi đánh thành hồi giục giã, sau hồi dài đánh thêm 3 tiếng cùng với trống đồng, tiếng hò reo rộn ràng. Trong đám ma dùng 3, 4 chiếc chiêng trung và trầm đánh lâm ly buồn thảm cùng với các nhạc cụ khác. Chiêng hiệu lệnh thường là chiêng 3, chiêng 5 tiếng vang, đánh một hồi 3 tiếng hay 3 hồi 3 tiếng để báo gọi việc trong xóm trong bản mường; Chiêng báo có người qua đời thì đánh 3 hồi chẵn… Khác với các dân tộc ở Tây Nguyên, người Mường ở Phú Thọ không cầm tay vào chiêng để hãm âm lượng mà dùng bằng tay bóp chặt dây chiêng lại,  làm như vậy để chiêng không bị tức tiếng, tuổi thọ của chiêng vì thế kéo dài hơn. Dàn cồng chiêng của người Mường bao gồm 4 chiếc, 6 chiếc, 8 chiếc, 10 chiếc. Một bộ đầy đủ nhất phải có 12 chiếc to, nhỏ khác nhau. Người Mường cho rằng, số lượng 12 chiếc chiêng là biểu hiện của 12 tháng trong năm. Số người biểu diễn bao giờ cũng là một nửa nam, một nửa nữ - điều này thể hiện tín ngưỡng phồn thực cân bằng âm dương… Chiếc cồng to nhất gọi là “dàm” hay chiêng đại được dùng để mở đầu và giữ nhịp cuộc diễn, một đôi nhỏ hơn gọi là chiêng “đám”, một đôi nhỏ nữa gọi là chiêng “bồng bênh” hay còn gọi là chiêng “vặn”, chiêng “lộn bồng” được sử sụng đánh lộn đị lộn lại hòa tấu chung của cả dàn chiêng. Chiếc cồng “chót” có thanh âm cao nhất, thánh thót nhất. Mở đầu hòa tấu là mấy tiếng cồng lớn, tiếp đến là chiêng “lộn bồng”. Dựa vào tiếng và nhịp của chiếc cồng mở đầu cả dàn chiêng cùng hòa âm. Hiện nay có 4 điệu chính thường được các đội cồng chiêng trình tấu: “Đi đường”, “Rủ nhau vào hội”, “Chúc rượu” và “Giã bạn” (chào).

Ở bản Mường người ta tổ chức các đội cồng chiêng có sự tham gia của các cụ cao tuổi và cả nam nữ thanh niên. Vào ngày Tết, các phường Xéc bùa đi chúc Tết các gia đình với dàn cồng trên tay. Trong các lễ cưới, nhà trai và nhà gái đều đánh cồng chiêng vào đêm hôm trước ngày cưới để tạo không khí vui vẻ cả hai họ. Lúc đưa dâu về nhà chồng có hòa tấu cồng chiêng bài “Đi đường”, sau đó còn tấu cồng chiêng ở nhà trai và hò hát đến nửa đêm. Khi bản Mường mở hội, đội cồng chiêng tấu bài “Bông trắng, bông vàng” hay còn gọi là bài “Rủ nhau vào hội” tạo không khí náo nức, tưng bừng. Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng đã gắn chặt với đời sống tâm linh, tình cảm của bà con dân tộc Mường từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, xã hội truyền thống của đồng bào Mường đã nhiều phần thay đổi, khi mặt trái cơ chế thị trường đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến từng gia đình, từng thôn bản, lớp thanh niên ngày nay không còn nhiều tâm huyết với cồng chiêng, trong các thôn, bản thưa vắng dần âm thanh cồng chiêng thì vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này đặt ra hết sức cấp thiết. Trước hết, cần bảo tồn và làm sống động không gian văn hóa cồng chiêng, nói cách khác là tạo dựng và làm sống lại không gian thiêng của văn hóa cồng chiêng mà ở đó người chơi nhạc cụ cảm thấy có mối giao hoà khăng khít với tổ tiên trong âm thanh náo nức,  trầm hùng.  Có nhà nghiên cứu về văn hóa Mường đã khẳng định: “Cồng chiêng là nhịp sống là tiếng lòng của người Mường giúp họ giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng dân tộc”. Thứ hai, việc truyền dạy của nghệ nhân cao tuổi đối với lớp trẻ; thứ ba cần có những chính sách, giải pháp tích cực, hiệu quả cho việc phục hồi văn hóa cồng chiêng trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, trong các sinh hoạt văn hóa vùng.

Câu lạc bộ Cồng Chiêng xã Kim Thượng thường xuyên duy trì sinh hoạt văn hóa, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc

 

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có khá nhiều đội văn nghệ quần chúng kiêm cồng chiêng, chủ yếu ở các huyện miền núi trong đó có 4 đội cồng chiêng, mỗi đội có từ 12 - 16 thành viên, thường xuyên duy trì hoạt động ở các xã Tất Thắng, Tân Lập (Thanh Sơn), Yến Mao, Phượng Mao (Thanh Thủy). Thực hiện chương trình bảo tồn, phục hồi và giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng, Sở VHTTDL đã tổ chức liên hoan cồng chiêng toàn tỉnh 2 lần với mục đích kiểm kê di sản cồng chiêng cổ hiện còn lưu giữ trong dân, số nghệ nhân biết tấu cồng chiêng một cách bài bản, sau đó là củng cố và xây dựng thêm các đội văn nghệ quần chúng kiêm đội cồng chiêng. Cách đây hơn 10 năm, Liên hoan Cồng chiêng được tổ chức tại huyện Thanh Sơn cho thấy một số kết quả khá bất ngờ: người dân rất hào hứng với cồng chiêng, một số nghệ nhân hăng hái truyền dạy cho lớp trẻ; nhiều xã tuy chưa có đủ số lượng người theo quy định nhưng cũng đã tích cực tham gia. Tại liên hoan cồng chiêng lần thứ hai năm 2011, loại hình nhạc cụ dân tộc được mở rộng hơn: Cồng chiêng, đâm đuống, trống đồng, giã ống… kết hợp với hát ví, hát rang đã thu hút nhiều đội tham gia. Các tiết mục biểu diễn rất đa dạng, phong phú phục vụ trên 5.000 lượt người xem và được dư luận đánh giá cao.

Nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” vừa phát triển văn hóa, vừa phát triển du lịch để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, đội văn nghệ quần chúng của các huyện miền núi như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập đã về khu Di tích Lịch sử Đền Hùng biểu diễn phục vụ du khách. Âm thanh rộn rã của cồng chiêng, đâm đuống, trống đồng cùng với một số điệu múa đặc sắc của đồng bào Mường như: Trống đu, Sênh tiền đã tạo nên một sắc màu riêng hấp dẫn người xem. Ở các huyện, thị xã, thành phố đều lựa chọn những lễ hội dân gian tiêu biểu tạo thành tour du lịch văn hóa - lễ hội hấp dẫn khách hành hương. Một số xã ở  các huyện miền núi như: Xuân Đài, Minh Đài, Thu Cúc nơi có đồng bào Mường sinh sống, việc lựa chọn những lễ hội tiêu biểu có tính đến những địa phương có đội cồng chiêng để tạo điểm dừng chân tham quan của du khách trong nước và quốc tế trong  tour, tuyến du lịch cộng đồng. Như vậy, việc bảo tồn, giữ gìn, khôi phục và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt mà còn chú trọng đến không gian văn hóa cồng chiêng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của người dân và cao hơn là phục vụ khách du lịch. Điều này đã đưa đến nhiều nguồn lợi cho đồng bào từ những dịch vụ văn hóa do chính người dân tổ chức.

Từ việc thực hiện chủ trương khôi phục, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, qua kết quả và bài học kinh nghiệm thu được từ các kỳ liên hoan cấp tỉnh, chúng tôi thấy bước đầu các địa phương đã chú ý đến việc khôi phục, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của đồng bào Mường, một số nghệ nhân đã truyền dạy một số bài bản cồng chiêng cho thanh, thiếu niên và một số hạt nhân trong đội văn nghệ quần chúng. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì kết quả này mới chỉ ở mức độ khiêm tốn. Với chủ trương của tỉnh Phú Thọ nhanh chóng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì ngoài các loại hình du lịch phổ biến hiện có ở các địa phương, rất cần đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Mường. Từ vấn đề này, mỗi một địa phương khi tham gia chương trình du lịch cộng đồng rất cần khôi phục, phát triển những loại hình nghệ thuật đặc thù nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng để thu hút du khách xa gần. Muốn thực hiện tốt mục tiêu trên, theo chúng tôi cần chú ý làm tốt một số giải pháp sau:

Cấp ủy, chính quyền địa phương phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đồng bào ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, khôi phục các lễ hội dân gian đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc mua bán cồng chiêng cổ ở các bản Mường.

Ngành VHTTDL  phối hợp chặt chẽ các địa phương, với các già làng, trưởng bản khảo sát, kiểm kê nắm lại số lượng cồng chiêng hiện có và số nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng; đồng thời, có chính sách cụ thể để giúp đỡ các gia đình nghệ nhân, các nghệ nhân có tài chế tác nhạc cụ và truyền dạy cho lớp con cháu và động viên già làng, trưởng bản tham gia quản lý cồng chiêng ở làng, bản mình.

Ở phương diện khác, chúng ta phải làm tốt việc sưu tầm, ghi chép những bài chiêng, những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc gắn bó với cồng chiêng, ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu về cồng chiêng để lưu giữ, bảo quản lâu dài. Khôi phục các bài gốc cồng chiêng. Phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hoá, các lễ hội gắn với vòng đời người, vòng đời cây trồng trong cộng đồng Mường để tạo môi trường , không gian dành cho diễn xướng cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ngành VHTTDL cần mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về sưu tầm giữ gìn bảo tồn văn hóa cồng chiêng cho cán bộ cấp huyện, xã, thôn, bản. Mời các nghệ nhân giỏi truyền dạy cách sử dụng cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc cho con em... từ đó phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng tài năng ở các thôn, bản.

Ngoài ra, không thể thiếu việc khuyến khích, xã hội hóa các hoạt động văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc ở thôn, bản. Kêu gọi và tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhân tham gia tài trợ, ủng hộ các hoạt động văn hóa cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ….

Hiện nay, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng không chỉ ở Phú Thọ mà còn nhiều tỉnh trong cả nước đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh tác động của mặt trái cơ chế thị trường còn có sự quay lưng lại âm nhạc dân tộc của một bộ phận lớp trẻ do bị ảnh hưởng văn hóa hiện đại phương Tây. Hai năm gần đây, đại dịch COVID - 19 hoành hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, du lịch. Bên cạnh những biện pháp quyết liệt ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh vẫn rất cần những giải pháp tích cực để phát triển kinh tế, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đầu tư phát triển kinh tế phài luôn song hành với phát triển văn hóa. Công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022

;