Giao lưu Đại sứ Văn hóa đọc: Hành trình lan tỏa văn hóa đọc

Chiều 24-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi Giao lưu Đại sứ Văn hóa đọc có chủ đề “Hành trình lan tỏa văn hóa đọc” với mong muốn qua diễn đàn này, các đại sứ văn hóa đọc chia sẻ niềm đam mê đọc sách và những sáng kiến lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Toàn cảnh buổi giao lưu

Tham dự buổi giao lưu có Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL Kiều Thúy Nga; Phó Giám đốc thường trực Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Việt Trung; Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Đinh Việt Anh cùng đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL/Sở VHTT của các tỉnh/thành phố trong cả nước; đại diện lãnh đạo các thư viện tỉnh/thành phố; đại diện một số thư viện chuyên ngành, thư viện Đại học, cơ sở đào tạo ngành thư viện, cơ sở giáo dục, các bậc phụ huynh, đại diện một số nhà xuất bản, nhà sách, đã đồng hành cùng Ban tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa Đọc năm 2024.

Khách mời tham dự buổi giao lưu gồm: Diễn giả, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại diện Nhãn hiệu Ehomebooks - Công ty Cổ phần Xuất bản và Giáo dục Quảng Văn Nguyễn Quốc Vương; Bạch Hải Hạnh, nguyên học sinh Trường THPT Hùng Vương (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021; Nguyễn Thanh Mai, học sinh Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) - Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2022; các đại sứ văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024: Đặng Gia Hân, lớp 3A, Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An); Phạm Trung Khải, lớp 8A8, Trường THCS Trọng Điểm (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh); Nguyễn Hải Âu, lớp 11 chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); Lê Bảo Toàn, Binh nhất - Học viên, Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa và giáo dục luôn được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, nhằm nâng cao tri thức, văn hóa con người Việt Nam đáp ứng với xu thế hội nhập và phát triển của thế giới. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc do Bộ VHTTDL chỉ đạo thực hiện đã đi qua hành trình 5 lần tổ chức (2019-2024) với việc tìm ra các Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu toàn quốc hằng năm.

Tại buổi giao lưu, với vai trò là Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga đã chia sẻ: Với mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam, đặc biệt là phát triển văn hóa đọc của Việt Nam, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã có nhiều chương trình hoạt động ý nghĩa. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã tạo nên một hành trình lan tỏa tri thức, trao truyền đam mê đọc sách và thúc đẩy việc phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ. Qua cuộc thi, Ban Tổ chức cũng mong muốn sẽ phát triển môi trường đọc cho học sinh, sinh viên.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga cùng các diễn giả, 2 đại sứ văn hóa đọc năm 2021, 2022 chia sẻ tại buổi giao lưu

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương là một người đam mê đọc sách và có nhiều hoạt động khuyến đọc. Ông đã từng viết và dịch gần 100 cuốn sách về giáo dục, lịch sử và văn hóa đọc. Đồng thời, ông tham gia hàng trăm cuộc nói chuyện, diễn thuyết về giáo dục và văn hóa đọc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VHTTDL, Bộ Công an và nhiều thư viện, trường đại học, công ty, trường phổ thông, nhà tù… trên toàn quốc từ 2017 đến nay. Theo ông, đọc sách là việc nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Hãy coi đọc sách là niềm vui và khuyến đọc là sứ mệnh của bản thân mình, thực hiện khuyến đọc từ gia đình và mở rộng ra các không gian xung quanh như lớp mình học, nơi mình ở, công ty, cơ quan mình làm việc... Đọc sách muốn hiệu quả cần luyện thành thói quen, biến đọc sách thành công việc và thú vui. Đọc sách không phải chỉ để lấy thông tin mà đọc sách để có sự tiến bộ về trí tuệ.

Với vai trò lan tỏa và tiếp lửa cho các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các nhà trường và trong cộng đồng, các Đại sứ Văn hóa đọc đã chia sẻ hành trình đến với Cuộc thi và những kế hoạch lan tỏa văn hóa đọc của mình trong tương lai.

Năm 2021, khi mới là học sinh lớp 11, Trường THPT Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, Bạch Hải Hạnh đã được trao giải thưởng Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu khối THPT. Năm 2024, Bạch Hải Hạnh đã là sinh viên của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chia sẻ tại buổi giao lưu, Hải Hạnh vẫn vẹn nguyên những cảm xúc của giây phút được gọi tên Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2021. Sau 3 năm, tủ sách cá nhân của Hải Hạnh cũng nhiều lên. Trong 3 năm qua, ngoài việc tham gia các Câu lạc bộ Sách, Hạnh vẫn tiếp tục làm cộng tác viên với các thư viện, trường học, hình thành thói quen cá nhân đọc, gia đình đọc, từ đó mang hy vọng lan tỏa ra toàn xã hội đọc. Theo Hải Hạnh, mỗi thí sinh hay mỗi Đại sứ, điều quan trọng nhất sau khi rời cuộc thi chính là biến được việc đọc trở thành một phần cuộc sống của mình, của xã hội.

Năm 2022, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Mai là Đại sứ Văn hóa đọc lứa tuổi tiểu học. Chia sẻ tại buổi giao lưu, Đại sứ Văn hóa đọc Thanh Mai đã bồi hồi nhớ lại giây phút vinh dự nhận giải thưởng cách đây 2 năm. Khi tham gia cuộc thi, Mai có mong muốn là được giới thiệu về bộ truyện đầu tay do mình sáng tác và chia sẻ những gì đã làm với mong muốn lan tỏa niềm vui đọc sách đến bạn bè. Quá trình tham gia cuộc thi đã giúp Mai khám phá ra năng lực của bản thân, giúp con tự tin hơn. Dự án Gieo mà Mai ấp ủ được từng bước thực hiện. Mai có nhiều cơ hội để được giao lưu, được tham gia các hoạt động cộng đồng về sách; được nói chuyện với các thầy cô và các bạn học sinh trong trường về cuốn truyện của mình; được chọn làm người truyền cảm hứng về hành trình đọc sách trong cuộc thi Mở sách - mở thế giới được tổ chức hàng năm ở trường. Mai và các bạn trong trường đã tự xây dựng và vận hành Tủ sách trong không gian lớp học của chính mình. Ngoài ra, Mai còn được làm diễn giả trong Ngày hội sách do Sở VHTTDL tổ chức...

Trong buổi giao lưu, các Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 đã chia sẻ những cảm xúc của mình trên hành trình đến với danh hiệu. Với Lê Bảo Toàn, Binh nhất - Học viên, Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng: Trên cương vị Đại sứ Văn hóa đọc, ngoài niềm vinh hạnh còn có trách nhiệm lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng. Đây là lần thứ 3 em tham gia và được giải. Để có được bài thi gây ấn tượng với Ban Giám khảo, em đã chuẩn bị kế hoạch kỳ công, từ khâu chọn vật dụng đầu tiên đến thiết kế hình ảnh đưa vào, chuẩn bị nội dung rất cẩn thận, đặc biệt các bài dự thi đều được viết tay.

Các Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024 chia sẻ hành trình đến với danh hiệu và những dự định trong tương lai

Nguyễn Hải Âu, lớp 11 chuyên Sử, trường THPT Chuyên Hùng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã chia sẻ: Hành trình đến với danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu năm 2024 là quá trình em khám phá ra khả năng của bản thân mình. Đồng thời, em cũng hiểu thêm về sách và văn hóa đọc. Cách đây 3 năm em cũng đã từng tham gia cuộc thi và đạt giải Đại sứ Văn hóa đọc của tỉnh Phú Thọ và giải Nhất quốc gia. Trong cuộc thi năm nay, em đã lựa chọn cuốn sách bản thân em cảm thấy hay nhất, có ý nghĩa nhất, sau đó phải đưa ra sáng kiến để thúc đẩy việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đọc sách giúp em thấy thế giới quan của mình được mở rộng, mình sẽ được sống một cuộc đời mới qua mỗi cuốn sách. Để lan tỏa văn hóa đọc, em sẽ thành lập Câu lạc bộ đọc sách cộng đồng để mọi người trao đổi sách, kết nối với nhau; xin nhà trường thành lập chương trình Mỗi tuần một cuốn sách để giới thiệu những cuốn sách mà mình yêu thích; thành lập chương trình cùng chị em đọc sách ở các trường mầm non và tiểu học để giúp các bạn hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ; làm địa điểm trao đổi sách tại trường học để vừa giúp mọi người tiết kiệm chi phí vừa lan tỏa tinh thần chia sẻ vào cộng đồng học đường.

Phạm Trung Khải, học sinh lớp 8A8, Trường THCS Trọng Điểm, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh mong muốn lập nên trang web để truyền tải ý nghĩa của những cuốn sách hay, và cần sự chung tay lan tỏa của cả cộng đồng.

Đặng Gia Hân, học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Hưng Dũng 2, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: để lan tỏa niềm yêu thích sách đến mọi người, em và các bạn có thành lập trang facebook, thường xuyên đăng bài lên để có thể giúp những người khiếm thị, những người không có thời gian đọc sách có thể nghe đọc sách lúc rảnh rỗi. Em cũng muốn thành lập Câu lạc bộ yêu thích đọc sách ở trường để giúp các bạn yêu thích đọc sách hơn.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 do Bộ VHTTDL chỉ đạo và tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng những người yêu sách; khẳng định vị trí, vai trò và những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách trong thế hệ trẻ, từ đó phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Cuộc thi là sân chơi để thế hệ trẻ được chia sẻ những cuốn sách hay, phương pháp đọc sách hiệu quả và lan tỏa đến đông đảo cộng đồng nhân dân.

Hy vọng rằng, các đại sứ văn hóa đọc sẽ luôn có niềm đam mê với sách... và sẽ trở thành những người truyền cảm hứng đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng - một yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

;