Vai trò của Nhà nước và cộng đồng trong tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống làng nghề

Hà Nội là nơi tập trung nhiều lễ hội truyền thống (LHTT) làng nghề (40 LHTT làng nghề) (1). Tuy nhiên, cũng do đặc trưng của thành phố Hà Nội không chỉ có LHTT làng nghề mà còn có lễ hội phố nghề như lễ hội đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm). Ở các lễ hội này, ngoài những nét chung như các lễ hội khác, còn biểu hiện những nét riêng thể hiện trên các phương diện như: nhân vật tưởng niệm trong lễ hội, các trò chơi thi tài, quảng bá phát triển thương mại cho sản phẩm làng nghề… Thông qua các lễ hội đó, phản ánh được rõ sự phát triển bền vững làng nghề, tạo khả năng duy trì và phát triển đa ngành nghề ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cho cộng đồng cư dân ở các làng có nghề khác nhau. Do đó, cần quan tâm thực hiện, duy trì các phương thức cho việc tổ chức và quản lý các LHTT làng nghề này đạt được kỳ vọng của Nhà nước và cộng đồng chủ thể, hướng tới bảo tồn những nét bản sắc của LHTT làng nghề. Vì vậy, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước và cộng đồng cùng những nội dung cơ bản để thực hiện tốt vai trò của từng chủ thể văn hóa.

Vai trò của Nhà nước trong tổ chức và quản lý LHTT làng nghề

Trong thực tế, Nhà nước có vai trò quan trọng trong quản lý lễ hội truyền thống làng nghề được thể hiện cụ thể như sau:

Vai trò định hướng, chỉ đạo

Vai trò định hướng của Nhà nước thông qua hoạt động quản lý LHTT làng nghề được biểu hiện chủ yếu thông qua việc xây dựng, ban hành văn bản, xây dựng kế hoạch chỉ đạo tổ chức, quản lý LHTT. Những định hướng của Nhà nước luôn được truyền tải (chuyển tới) các đơn vị quản lý các cấp thông qua một văn bản như văn bản chung (định hướng phát triển văn hóa đến một thời điểm/ mốc thời gian nào đó). Có thể việc định hướng nằm trong một tài liệu, nghị quyết, văn bản cụ thể của Nhà nước. Thực tế, đã có nhiều văn bản đã ban hành trong những năm qua từ quy chế đến nghị định, đây là một bước tiến và đổi mới rất nhiều trong lãnh đạo, chỉ đạo lễ hội nói chung ở phạm vi cả nước. Từ việc xây dựng, ban hành, cơ quan quản lý các cấp đại diện cho Nhà nước sẽ có trách nhiệm phổ biến các văn bản quản lý đến các tổ chức trong hệ thống và đến người dân. Trong phạm vi LHTT làng nghề, cơ quan quản lý đã ban hành các văn bản định hướng, chỉ đạo hoạt động tổ chức và quản lý. Trường hợp như tại lễ hội làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm), UBND huyện đã ban hành Công văn số 40/UBND-VHTT ngày 8-1-2020 về việc Tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn xã Bát Tràng hay trường hợp LHTT làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Đông), UBND quận đã ban hành Công văn số 576/VHTT ngày 25-12-2017 về việc Tổ chức Lễ hội Xuân Mậu Tuất năm 2018 trên địa bàn phường Vạn Phúc. Các văn bản ban hành đều thể hiện rất rõ sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, nội dung văn bản được thống nhất, cập nhật phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Tuy nhiên, các văn bản chưa có chỉ đạo chi tiết đối với đặc thù của LHTT làng nghề.

Vai trò thiết kế

Để thực hiện được mục tiêu với các phương án và các nguồn lực đã được xác định, Nhà nước cần có các hướng dẫn, xây dựng kịch bản. Vai trò thiết kế liên quan tới các nội dung: xây dựng cơ cấu tổ chức, phân công công việc, giao quyền và chuẩn bị các nguồn lực khác. Riêng đối với LHTT làng nghề, việc xây dựng nội dung tổ chức/ kế hoạch tổ chức lễ hội được thực hiện theo sự phân cấp quản lý tùy theo sự phân cấp (huyện/ xã) mà nhiệm vụ thiết kế sẽ thuộc đơn vị nào. Tuy nhiên đối với lễ hội, kế hoạch tổ chức sẽ do đơn vị quản lý chịu trách nhiệm phê duyệt, ban tổ chức lễ hội sẽ có trách nhiệm thực thi bản kế hoạch đã được phê duyệt. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp sẽ có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thực hiện theo tinh thần chỉ đạo đã nêu trong các văn bản làm sao để các tổ chức và cộng đồng thực hiện tốt các quy định trong văn bản liên quan đến tổ chức quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước còn có vai trò hướng dẫn cho các tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch tổ chức lễ hội đã được phê duyệt. Trường hợp tại LHTT làng nghề Bát Tràng, UBND xã Bát Tràng đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 2-1-2020 về việc Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn xã Bát Tràng năm 2020, trong đó bao gồm các nội dung như: nghi thức, nghi lễ, các trò chơi, thi tài và diễn xướng nghệ thuật, công tác an ninh, hoạt động dịch vụ, vệ sinh môi trường, vật chất và tài chính, tổ chức tuyên truyền quảng bá… Qua đó, thể hiện rõ vai trò thiết kế của cơ quan quản lý cấp xã đối với LHTT làng nghề tại đây.

Vai trò duy trì và thúc đẩy

Vai trò duy trì và thúc đẩy được thể hiện qua chức năng lãnh đạo của quy trình quản lý LHTT làng nghề. Nhờ có hệ thống nguyên tắc quản lý (nội quy, quy chế) mới có thể bắt buộc chủ thể quản lý và đối tượng quản lý hoạt động trong giới hạn quyền lực và thẩm quyền của họ. Thông qua hệ thống chính sách về nguồn lực phù hợp và quản lý hợp lý, hoạt động quản lý LHTT làng nghề là tác nhân tạo ra động cơ thúc đẩy, từ đó phát huy cao nhất năng lực và khả năng sáng tạo cao nhất của cộng đồng. Đồng thời, có những chính sách cụ thể để khuyến khích, thúc đẩy lễ hội được tổ chức và thực hành trao truyền. Nhà nước đảm bảo các điều kiện để tổ chức lễ hội. Đây là một nhiệm vụ khá xác thực thể hiện trên nhiều mặt cụ thể như: hỗ trợ kinh phí; phục hồi lễ hội và tu bổ di tích - nơi diễn ra lễ hội; lập hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể; tư liệu hóa và xuất bản ấn phẩm... Trường hợp tại Bát Tràng, khi tổ chức LHTT làng nghề, cơ quan quản lý đã tạo điều kiện: tổ chức đội cứu hộ đảm bảo an toàn khi ra sông lấy nước, phân công đội An ninh phụ trách an toàn trật tự… Trường hợp LHTT đình Kim Ngân, cơ quan quản lý nhà nước cấp kinh phí để tổ chức LHTT làng nghề. Như vậy, có thể thấy rõ vai trò duy trì và thúc đẩy của Nhà nước trong quản lý LHTT làng nghề.

Vai trò điều chỉnh

Thông qua chức năng kiểm tra mà hoạt động quản lý LHTT làng nghề thể hiện vai trò điều chỉnh. Với hệ thống các tiêu chí được xây dựng để đo lường các kết quả hoạt động quản lý LHTT làng nghề, từ đó cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các giải pháp điều chỉnh những hạn chế, đảm bảo cho hoạt động của LHTT làng nghề phát triển theo đúng mục tiêu đã đề ra. Trường hợp tại lễ hội đình Kim Ngân, cơ quan quản lý cấp quận đã ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội, trong đó có chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định đặt ra (trên cơ sở rút kinh nghiệm điều chỉnh những hạn chế gặp phải của lần tổ chức trước đó) để nhằm hướng tới xây dựng hình ảnh, môi trường văn hóa tốt đẹp trong lễ hội phố nghề độc đáo này của quận Hoàn Kiếm. Trường hợp tại lễ hội làng Bình Đà (Thanh Oai), trong khi tổ chức các hoạt động LHTT làng nghề, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các bên liên quan gồm đại diện các đơn vị chức năng như: văn phòng, công an, y tế, tài chính… tiến hành kiểm tra và xử lý các vi phạm đối với các hoạt động diễn ra trong lễ hội ở Bình Đà như: hiện tượng tăng giá hàng hóa, cá độ thông qua các trò chơi…

Vai trò phối hợp

Thông qua các chức năng lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra mà hoạt động quản lý LHTT làng nghề biểu hiện vai trò phối hợp. Bản chất của hoạt động quản lý LHTT làng nghề là nhằm phối hợp các nguồn lực để có được sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện mục tiêu chung. Trường hợp LHTT làng nghề Vạn Phúc, trong quá trình tổ chức, quản lý LHTT làng nghề đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của phường Vạn Phúc để cùng tham gia giám sát, thực hiện một số hoạt động trong LHTT làng nghề. Trường hợp LHTT làng nghề Bát Tràng cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với cộng đồng trong việc tham gia lễ cấp thủy… Qua đó cho thấy vai trò phối hợp được thể hiện ở hầu hết các hoạt động trong tổ chức, quản lý LHTT làng nghề.

Vai trò của cộng đồng trong tổ chức và quản lý LHTT làng nghề

Trong tổ chức và quản lý LHTT làng nghề, cộng đồng có vai trò rất quan trọng được thể hiện như sau:

Vai trò tự chủ của cộng đồng

Cộng đồng là những người tự chủ/ chủ thể văn hóa trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, trong thực hành Di sản văn hóa phi vật thể tại nơi cộng đồng cư trú từ nhiều đời. Cộng đồng là những người có đại diện tham gia trực tiếp vào các tổ chức như: Ban tổ chức lễ hội trực tiếp điều hành quản lý, từ đó, lễ hội sẽ được quản lý, bảo tồn và ý nghĩa, giá trị sẽ phát huy tốt hơn.

Vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng trong quản lý lễ hội

Cộng đồng là người sáng tạo và lưu truyền lễ hội qua các thời kỳ lịch sử. Cộng đồng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, kịch bản tổ chức LHTT làng nghề. Hằng năm, cộng đồng tập trung họp bàn, lấy ý kiến để xây dựng, thông qua nội dung của kế hoạch, kịch bản tổ chức lễ hội, các văn bản này sẽ trình cơ quan quản lý cấp trên cho ý kiến phê duyệt trước khi tổ chức lễ hội. Trường hợp LHTT làng nghề Bát Tràng, kế hoạch do người dân chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa các nhóm cộng đồng với nhau, đồng thời dựa vào hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, dựa vào truyền thống và hương ước lệ làng, dựa vào kinh nghiệm của các cụ người cao tuổi để xây dựng, do đó các nội dung tương đối phù hợp và sát với thực tế bối cảnh của địa phương.

Vai trò chủ động tích cực

Trong lễ hội, cộng đồng và đại diện của họ đã chủ động tham gia tích cực vào các khâu điều hành, quản lý, thực hiện phân công công việc. Trong cộng đồng có nhiều người tâm huyết, lưu giữ những giá trị truyền thống, trao truyền di sản lễ hội cho thế hệ trẻ. Đại diện cộng đồng tham gia tổ chức thực hành lễ hội/ thực hành di sản, từ thực hành các nghi thức, nghi lễ của lễ hội đến các trò chơi, trò diễn, diễn xướng nghệ thuật dân gian đều do cộng đồng chủ thể quyết định. Vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức tham gia các hoạt động của lễ hội - quyết định đến sự thành công của lễ hội. Trường hợp LHTT làng nghề lụa Vạn Phúc có lễ rước công cụ dệt do cộng đồng với sự tham gia tích cực của hiệp hội làng nghề; ở Bát Tràng, những người thợ tham gia thi tay nghề (thực hiện một công đoạn trong quy trình tạo ra sản phẩm). Từ đó, vai trò chủ động của cộng đồng cư dân sở tại được thể hiện trong các nghi thức, nghi lễ và hoạt động hội, họ chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao như: tế lễ do Hội người cao tuổi đảm nhiệm; lễ rước cùng hoạt động trò chơi, dịch vụ do đại diện các đoàn thể đảm trách...

Vai trò thực hiện

Quan sát một số lễ hội làng nghề cụ thể sẽ cho thấy: Cộng đồng mới là “nhân vật” chính thực hiện các khâu của lễ hội. Thực hành việc tế lễ là do người dân thực hiện (các cụ cao niên). Tham gia cuộc thi tay nghề - một biểu hiện riêng của LHTT làng nghề do các thợ có tay nghề tham gia thi tài và hội đồng đánh giá (các nghệ nhân trong làng). Nghi lễ dâng đồ khéo/ sản phẩm đẹp do chính các gia đình thợ thủ công chuẩn bị từ sớm (có thể từ sau lễ hội năm này tới lễ hội năm tới). Và cộng đồng tham gia huy động, đóng góp các nguồn lực, trong đó có tài chính để tổ chức lễ hội. Trường hợp ở các LHTT làng nghề ở Hà Nội như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Bình Đà, Nhà nước hỗ trợ không nhiều, trong khi tổ chức một lễ hội có thể lên tới hàng trăm triệu đồng và nguồn kinh phí này đều được huy động từ phía cộng đồng. Nét riêng ở LHTT làng nghề trong những năm gần đây có vai trò đóng góp khá tích cực của nhiều doanh nghiệp, trường hợp như ở làng Vạn Phúc, Bát Tràng… có tới 42 doanh nghiệp và có nhiều doanh nghiệp đã đóng góp kinh phí đủ để tổ chức lễ hội.

Vai trò phối hợp

Cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời cộng đồng còn có vai trò phối hợp với nhau trong các nhóm, các tổ chức xã hội khác nhau. Vai trò này được thể hiện ở các hoạt động tổ chức lễ hội, nếu các hoạt động này không có sự phối hợp sẽ không đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó, cộng đồng còn có trách nhiệm tham gia giám sát các hoạt động của LHTT làng nghề, vai trò giám sát của cộng đồng sẽ là một trong những điểm quan trọng để giúp BTC lễ hội thực hiện đúng kế hoạch đặt ra, giám sát các hoạt động tài chính, dịch vụ, an ninh, an toàn trong khi tập trung quá đông người. Cộng đồng còn có trách nhiệm phát hiện những điểm tiêu cực (buôn thần bán thánh, cá cược, đỏ đen trá hình, thương mại…). Trường hợp tại các LHTT làng nghề ở Hà Nội như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Bình Đà cho thấy, người dân sở tại thể hiện rõ vai trò phối hợp và giám sát các hoạt động lễ hội theo kế hoạch ban hành và thông báo kịp thời tới BTC lễ hội, đoàn kiểm tra liên ngành để ngăn chặn các mặt trái, tệ nạn tại các lễ hội này.

Vai trò quyết định

Đối với loại hình Di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ hội, việc bảo vệ và phát huy lễ hội đều do cộng đồng quyết định. Các thành viên trong cộng đồng sẽ là những người lựa chọn các phương án sẽ thực hành lễ hội ra sao và bảo tồn nó như thế nào. Trường hợp lễ hội làng lụa Vạn Phúc có một cuộc rước được gọi là rước công cụ. Công cụ này là một chiếc máy dệt lụa đã cổ. Cơ quan quản lý nhà nước gợi ý để dân làng thực hiện như một biểu hiện tôn vinh nghề nghiệp. Cùng với chiếc máy dệt là các loại lụa cũng được trưng bày và rước theo. Vấn đề này đã được đưa ra trong kế hoạch tổ chức lễ hội, mặc dù có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức quản lý, nhưng cuối cùng là do chính cộng đồng quyết định và họ chủ động đóng góp và tham gia tích cực, điều đó đã làm nên bản sắc riêng của lễ hội làng lụa Vạn Phúc. Trường hợp làng gốm Bát Tràng việc tổ chức thi tay nghề và thi dưới hình thức nào cũng do cộng đồng quyết định. Chính những điều đó đã thể hiện vai trò của cộng đồng trong quyết định thực hành, bảo tồn và phát huy di sản - lễ hội.

Phát huy vai trò của Nhà nước và cộng đồng trong tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống làng nghề ở Hà Nội hiện nay

Trên thực tế, quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, nhiều làng nghề truyền thống đã thay đổi mạnh mẽ, từ không gian làng quê đã chuyển đổi thành thành phố, từ xã chuyển thành phường… Do vậy, LHTT làng nghề cũng biến đổi nhanh chóng, trường hợp như lễ hội Kim Ngân, việc tổ chức và quản lý các hoạt động do Nhà nước thực hiện hoàn toàn, không thấy sự phối hợp với cộng đồng. Do vậy, khi nghiên cứu về vai trò của từng chủ thể cần có sự quan tâm xem xét cụ thể để có các giải pháp hợp lý, áp dụng trong thực tiễn. Trong tổ chức và quản lý LHTT làng nghề tại Hà Nội hiện nay cần thiết phải phát huy vai trò của từng chủ thể qua các phương diện khác nhau.

 Đối với cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp: cần thể hiện rõ vai trò trong các hoạt động ban hành văn bản, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra… Ở cấp cơ sở, vai trò của cơ quan quản lý cấp quận/ huyện (Hoàn Kiếm, Hà Đông, Gia Lâm, Thanh Oai), xã/ phường (Hàng Bạc, Vạn Phúc, Bát Tràng, Bình Minh) chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và chú trọng đến việc giám sát, kiểm tra từng hoạt động cụ thể được triển khai trong LHTT làng nghề.

Đối với cộng đồng cư dân làng nghề: luôn có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và trực tiếp quản lý các hoạt động cụ thể trong LHTT làng nghề ở Hà Nội, trường hợp như LHTT làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, Hàng Bạc, Bình Đà, gồm: xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, trực tiếp tổ chức từng hoạt động, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trên mọi phương diện của LHTT làng nghề… Do vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng cư dân sở tại trong LHTT làng nghề, đề cao vai trò của họ trong việc kết nối, giữ gìn, trao truyền và sáng tạo các giá trị tiêu biểu trong LHTT làng nghề. Từ đó, với ý thức là chủ thể văn hóa, cộng đồng cư dân làng nghề sẽ tích cực hơn nữa cùng với cơ quan quản lý nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị của LHTT làng nghề ở Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.

Kết luận

Nhìn chung, thông qua việc nghiên cứu quản lý LHTT làng nghề ở Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò của Nhà nước và cộng đồng cư dân làng nghề trong từng hoạt động cụ thể. Sự phối hợp giữa các chủ thể đã thể hiện Nhà nước đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tác động đến quá trình tổ chức cũng như quản lý LHTT, còn vai trò của cộng đồng cư dân lại đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của LHTT làng nghề ở Hà Nội. Từ những hoạt động cụ thể diễn ra trong LHTT làng nghề cho thấy bức tranh toàn cảnh về giá trị phi vật thể tiêu biểu của các làng nghề tại Hà Nội mà cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng cư dân đã có sự phối hợp nhịp nhàng, tạo ra kết quả nhất định. Trong xu thế xã hội hiện đại, vai trò của hai chủ thể này cần được đề cao hơn nữa để hướng tới mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị LHTT làng nghề ở Hà Nội trong quá trình hội nhập.

________________

1. Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội cung cấp năm 2022.

Tài liệu tham khảo

1. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, Phát triển cộng đồng, lý thuyết và vận dụng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.

2. Từ Thị Loan, Một số mô hình quản lý, tổ chức lễ hội cổ truyền, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 340, 2012, tr.48-53.

3. Bùi Hoài Sơn, Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2009.

4. Vũ Hào Quang, Xã hội học quản lý, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004.

 Ths NGUYỄN THU PHƯỢNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;