Lĩnh vực mỹ thuật nói chung, mỹ thuật ứng dụng (MTUD) nói riêng, không chỉ mang đến cái đẹp phục vụ cho cuộc sống của con người mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện đất nước, xích lại gần với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, đã có một vài cơ sở đào tạo trong nước đang thực hiện đào tạo trình độ thạc sĩ MTUD, với mong muốn không ngừng phát huy thế mạnh của mình, khẳng định vai trò trong công tác đào tạo trình độ cao và khả năng bắt kịp với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức đang diễn ra với một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam như: điều kiện học tập, chương trình đào tạo mở rộng kiến thức, trình độ của giảng viên, sự tác động của thực tiễn xã hội, quy định chính sách của Nhà nước về công tác đào tạo… Nội dung bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo MTUD trình độ thạc sĩ góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội thông qua lĩnh vực nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặt vấn đề
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác đào tạo giáo dục nghệ thuật và MTUD. Thông tư 15/2014/TT - BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành với mục tiêu: Đào tạo trình độ thạc sĩ nhằm giúp học viên bổ sung, cập nhật và nâng cao kiến thức chuyên ngành, tăng cường kiến thức liên ngành, có kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực khoa học chuyên ngành hoặc kỹ năng vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn nghề nghiệp; có khả năng làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và có năng lực phát hiện giải quyết những vấn đề thuộc ngành, chuyên ngành được đào tạo (1). Với vai trò đào tạo, giáo dục nghệ thuật là quá trình phát triển kiến thức, kỹ năng, tri thức và thị hiếu thẩm mỹ cho người học, tham gia vào sự phát triển xã hội ngày càng toàn diện. Những năm vừa qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp tạo động lực phát triển cho đội ngũ trí thức ở mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Từ nghị quyết số 27 ngày 19-5-2018 với nội dung: Trong những năm trước mắt hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức; xây dựng chiến lược phát triển xây dựng đội ngũ trí thức đến năm 2020 (2). Việc đào tạo thiết kế MTUD ở trình độ sau đại học tại một số trường nghệ thuật những năm gần đây cho thấy, đó như cơ hội để giúp người học biết thiết kế, lập luận, biết phân tích, đánh giá, nhận diện và đề xuất các phương án trong lĩnh vực thiết kế MTUD, cũng như kỹ năng quản trị các dự án thiết kế. Vì vậy, những đề xuất giải pháp dưới đây hy vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trình độ sau đại học tại một số cơ sở ở Việt Nam hiện nay.
Một số đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo MTUD
Một là, giải pháp về quy định chính sách của Nhà nước và các cấp về đào tạo
Năm 2021, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề cao vị trí và vai trò của giáo dục với mong muốn: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” (3). Với mục tiêu đào tạo chuyên ngành MTUD ở trình độ sau đại học giúp cho người học đón nhận được nhiều lợi ích về kiến thức, kỹ năng và năng lực làm việc độc lập, sáng tạo. Chính vì vậy, Nhà nước cần xây dựng chính sách đặt hàng đối với đào tạo lĩnh vực MTUD phù hợp nhu cầu xã hội hiện nay. Việc đặt hàng như vậy sẽ kích thích sự phát triển của mỗi cơ sở đào tạo gắn liền với sự phát triển chất lượng ngày càng cao và có uy tín hướng tới hội nhập quốc tế. Những năm vừa qua, Nhà nước đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm phát triển đào tạo giáo dục nghệ thuật và MTUD nói riêng. Tuy nhiên, vẫn cần đến việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng cách: hỗ trợ kịp thời những cơ sở đào tạo, cá nhân, tổ chức muốn hướng tới việc nâng cao trình độ học tập trong và nước ngoài với những chính sách đãi ngộ phù hợp hơn; xây dựng các chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo về cơ sở vật chất, vật liệu, đồ dùng học tập, sáng tác phù hợp với sự thay đổi, phát triển của xã hội và trên thế giới. Đồng thời, xây dựng nhiều hơn nữa những chính sách khi tổ chức các cuộc thi sáng tác thiết kế về MTUD ở các trình độ khác nhau; khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo trong nhiều dự án sáng tạo và phát triển cùng những hoạt động xây dựng thương hiệu cho các lĩnh vực xã hội. Bên cạnh đó, cần tăng cường những chính sách tôn vinh những nhà tri thức là những nhà sáng tác thiết kế giỏi bằng các giải thưởng theo cơ chế và mô hình linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người học ở trình độ sau đại học.
Từ sự phát triển của xã hội hiện đại mà Nhà nước cần điều chỉnh và bổ sung, ban hành các chính sách nhằm đổi mới sáng tạo cho các nhà thiết kế có tài năng, năng lực và nhiều sáng kiến, tạo ra sự phát triển đồng bộ với sự đổi mới của đất nước. Tăng cường hơn nữa việc thực hiện các đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước. Thực tế đã triển khai các Đề án 322, 911, 89, 295, 165… cùng Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền học, phí sinh hoạt đối với người học trong lĩnh vực giáo dục, sư phạm. Tuy nhiên, cũng cần tăng cường hơn nữa cho khối ngành Mỹ thuật mà cụ thể là lĩnh vực MTUD ở các trình độ như chú ý với đội ngũ nâng cao trình độ sau đại học. Tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã đào tạo được 23 khóa trình độ thạc sĩ ở lĩnh vực thiết kế MTUD. Có lẽ, đây cũng là cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước cấp phép thực hiện đào tạo trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn tuân theo quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy nên, rất cần được sự quan tâm hơn nữa từ chính sách đầu tư nhằm bắt kịp với xu thế đào tạo trình độ sau đại học ngành MTUD trên thế giới. Ví dụ, cần tăng cường, đầu tư cho người học có cơ hội được tham gia với các cơ sở đào tạo và các chuyên gia thiết kế quốc tế; đầu tư nhiều hơn cơ sở vật chất và sự cập nhật với khoa học - công nghệ nhằm phát huy trình độ và khả năng sáng tạo của người học. Bởi vì, sau khi được đào tạo những kiến thức lý luận và thực hành ở trình độ sau đại học sẽ giúp cho người học nâng cao trình độ chuyên môn, nắm chắc tri thức chuyên ngành.
Cần tăng cường những chính sách thuận lợi cho người học về chế độ đãi ngộ, khuyến khích những học viên có thành tích vượt trội, cũng như có điều kiện được giao lưu với quốc tế bằng các workshop, lớp học ngắn hạn, tọa đàm, hội thảo… Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ lĩnh vực MTUD cần nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và ngày càng chuyên môn hóa giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và sáng tác cho người học. Cần đồng bộ hóa công tác quản lý từ cơ sở cấp Khoa, Trường, Bộ nhằm tạo sự phù hợp và thuận lợi cho người học trong quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Hai là, giải pháp về xây dựng đội ngũ trí thức, giảng viên và nghiên cứu khoa học
Đào tạo trình độ thạc sĩ MTUD mang nhiều ý nghĩa: Thứ nhất, đào tạo được đội ngũ chuyên môn cao, tạo ra được nhiều sản phẩm MTUD có chất lượng phục vụ đời sống xã hội; Thứ hai, đào tạo được đội ngũ giảng viên chuyên sâu, bổ sung, tiếp nối cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo lĩnh vực MTUD trong tương lai.
Trước thực tiễn về đào tạo trình độ thạc sĩ MTUD tại một số cơ sở đào tạo trong nước, chúng ta thấy còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập về đội ngũ, cơ sở vật chất đặc biệt là về chương trình đào tạo. Để từng bước khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo, có thể tham khảo một số giải pháp cụ thể về chương trình đào tạo như sau:
Theo Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT-GDSĐH ngày 30-8-2021 về việc ban hành quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, với thời lượng tối thiểu 60 tín chỉ cho một chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ MTUD, các chuyên gia xây dựng chương trình, nhà quản lý phải tính toán một cách khoa học để chương trình đào tạo đạt hiệu quả nhất, không lặp lại những kiến thức, kỹ năng của bậc đại học. Các học phần môn học phải mang tính củng cố, tiếp nối, nâng cao và cập nhật những kiến thức mới. Một số cơ sở đào tạo khi xây dựng chương trình có tham khảo, cập nhật nội dung môn học ở các trường tiên tiến trên thế giới. Việc cập nhật này một phần cũng dựa trên thực tiễn thế mạnh của đội ngũ giảng viên mỗi trường. Tuy vậy, dù đổi mới hay xây dựng mang tính đặc thù cũng cần thống nhất giữa các cơ sở đào tạo về những môn học mang tính cơ sở nền tảng của bậc học thạc sĩ. Việc này giúp đồng bộ các chương trình đào tạo trong nước và cải thiện được tình trạng thiếu giảng viên chung… Vì trên thực tế, các cơ sở đào tạo vẫn mời chung một đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có chuyên môn và học hàm học vị cao, đủ điều kiện để tham gia giảng dạy và hướng dẫn tốt nghiệp.
Trình độ thạc sĩ khác với trình độ đại học là định hướng nhiều hơn về nghiên cứu, lập và quản lý dự án thiết kế, vì vậy, cần tăng cường các buổi tọa đàm, workshop, seminar, trao đổi doanh nghiệp, các môn học về quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu lập và thực hiện các dự án thiết kế, lý luận và phê bình mỹ thuật nâng cao kết hợp chuyên ngành thành thạo. Chương trình thạc sĩ theo hướng ứng dụng của mỗi cơ sở đào tạo cần chỉ rõ các chuyên ngành đào tạo kèm theo. Định hướng này không chỉ đảm bảo chất lượng mà tính ứng dụng sâu sau hệ thạc sĩ, người học tiếp tục được củng cố chuyên sâu. Vì vậy, việc tự học và rèn luyện chuyên ngành dưới sự hướng dẫn thường xuyên của giảng viên thông qua các hoạt động tại các đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các hộ kinh doanh, xưởng thí nghiệm… cùng nhiều chương trình hoạt động, điền dã của các môn học chung đến sự tiếp cận với kiến thức mới, sự thay đổi thị trường được cập nhật vào kiến thức liên tục và khả năng ứng dụng cao trong công việc.
Về đội ngũ trí thức, giảng viên: Để trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong lĩnh vực thiết kế trình độ sau đại học thì mỗi đơn vị đều xây dựng cho mình những chiến lược tiến bộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ở Việt Nam đã và đang có các cơ sở thực hiện đào tạo trình độ thạc sĩ ở mã ngành MTUD, điều đó cần đến sự đầu tư nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ trí thức giảng viên. Cũng trong Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30-8-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ đã đề cập đến việc nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên. Vì vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có năng lực trình độ chuyên môn cao, biết áp dụng các phương pháp dạy học khoa học, đổi mới phù hợp với chuyên môn và nhu cầu của người học, đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội.
Cần đầu tư, hỗ trợ nguồn nhân lực tại chỗ, tại cơ sở đào tạo bằng cách khuyến khích và hỗ trợ học phí cho cán bộ trí thức giảng viên tham gia các lớp học có trình độ cao hơn. Cần tạo thuận lợi cho các cán bộ giảng viên tham gia các học bổng, các khóa tập huấn ở các nước trên thế giới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Mỗi cơ sở đào tạo cần xây dựng chiến lược và giải pháp về đầu tư cho con người, về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ, các chương trình hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao chuyên môn chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như bán dẫn, phân tích kiểm nghiệm trong quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo... Cần thực hiện thí điểm các mô hình đầu tư và tài trợ cho đội ngũ giảng viên cán bộ có chuyên môn khi đứng lớp và cung cấp kiến thức chuyên ngành cho người học. Rà soát và thực hiện, phát huy những ưu điểm của việc xây dựng chiến lược đầu tư đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đáp ứng với xu thế phát triển đất nước trong hiện tại và tương lai. Đó cũng chính là những điểm mạnh cần được mỗi cơ sở đào tạo chuyên ngành MTUD ở trình độ thạc sĩ cần lưu ý, quan tâm phát triển để trở thành những trung tâm thu hút người học nâng cao trình độ tri thức và chuyên môn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Về nghiên cứu khoa học: Trên thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo thạc sĩ MTUD đều đang hoạt động dưới mô hình các giảng viên là các nhà khoa học, vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là những ưu điểm khi các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài cơ sở đào tạo khi được mời giảng dạy, tham gia hoạt động khoa học sẽ tạo ra sự ảnh hưởng tích cực cho đồng nghiệp và phía người học: “Đội ngũ giảng viên của khoa, của nhà trường với sự hợp tác của các nhà khoa học uy tín ngoài cơ sở đem đến những tri thức khoa học, kiến thức chuyên ngành tốt nhất cho các học viên. Vừa là những nhà giáo giảng dạy, vừa là những người gợi mở, định hướng và dìu dắt người học, những người tâm huyết với công tác trồng người tạo ra những niềm hứng thú, ham học hỏi và truyền lửa nghề nghiệp cho các học viên” (4). Tuy nhiên, để đáp ứng ngày càng tiến bộ và phù hợp hơn thì các cơ sở đào tạo cần phối hợp lực lượng quản lý, tri thức cấp thành phố, ban, ngành, sở, bộ, công ty trong và ngoài nước phối hợp với các viện, trường tham gia tổ chức và làm khoa học. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức, các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trên tinh thần đó, các cơ sở đào tạo cần triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế ngày càng nâng cao về chất lượng. Và được tổng kết, nhằm đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học công nghệ hướng tới đạt các chỉ số khoa học ISSN, ISBN… Đặc biệt là nghiên cứu quốc tế trong hệ thống ISI, Scopus các bằng sáng chế, những sáng kiến, giải pháp hữu ích, các sáng tác thiết kế về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cùng những thiết kế công nghiệp và bản quyền tác giả… Qua đó, cũng cần triển khai kịp thời các hình thức khích lệ, khen thưởng tập thể hoặc cá nhân làm nghiên cứu khoa học khi đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế. Cần sớm mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế về khoa học và công nghệ, ưu tiên những hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ của Việt Nam với sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả. Đề xuất hoặc thỏa thuận hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc chủ trì xây dựng các cơ chế, chính sách cho công tác hợp tác quốc tế theo tinh thần hội nhập, hợp tác và phát triển, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ theo phương án song phương, đa phương...
Kết luận
Như vậy, quá trình toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đòi hỏi các cơ sở đào tạo nói chung, các trường đại học lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là MTUD từ trình độ thạc sĩ nói riêng, cần nâng cao chất lượng và khẳng định tính đặc thù trong quá trình đào tạo của mình. Việc nâng cao chất lượng đào tạo và đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học tạo sự thu hút đối tượng người học cũng được quan tâm đóng góp từ khâu quảng bá, nâng cao năng lực đào tạo ở các bước: cơ sở vật chất, tuyển sinh, đào tạo lý thuyết, thực hành, nghiên cứu gắn liền với thực tiễn. Mỗi cơ sở nên cần sớm triển khai kế hoạch đào tạo sao cho phù hợp với yêu cầu và tiêu chí đào tạo cũng như sự mong đợi của người học. Mặt khác, từ những giải pháp nêu trên cho thấy còn cần triển khai chính sách khuyến khích các nhà khoa học và đội ngũ giảng viên giỏi về trình độ chuyên môn; thu hút, phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam cũng như đón nhận, ưu đãi những nhà khoa học có trình độ chuyên môn được đào tạo từ nước ngoài trở về. Có như vậy, sẽ khắc phục được những hạn chế để đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong lĩnh vực MTUD góp phần phát triển đất nước, thực hiện tốt những chiến lược quốc gia mà cũng là các sứ mệnh của mỗi cơ sở đào tạo về nghệ thuật ở Việt Nam đang đảm trách.
________________________
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư 23/2021/TT-BGD ĐT, Quy chế tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ, 2021.
2. Nghị quyết số 27- NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành T.Ư khóa X, Hà Nội, ngày 6-8-2008, tr.5.
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.136.
4. Đặng Mai Anh, Đào tạo trình độ thạc sĩ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp kết quả và kinh nghiệm qua 23 năm đào tạo, Kỷ yếu Hội thảo - Hội nghị khoa học Khoa Sau đại học, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Nxb Thế giới, 2023, tr.9.
Tài liệu tham khảo
1. Đại học Huế - Trường Đại học Nghệ thuật, Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc: Đào tạo nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay, Nxb Đại học Huế, 2022.
2. Trần Thị Biển, Thực trạng và giải pháp chương trình đào tạo sau Đại học chuyên ngành mỹ thuật đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay, tham luận Hội thảo Đào tạo sau Đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Bộ VHTTDL tổ chức.
TS PHẠM HÙNG CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 554, tháng 12-2023