Gặp người họa sĩ, chiến sĩ Trường Sơn ngày ấy…

Họa sĩ Ngân Chài

Cho đến bây giờ, khi đất nước đang bước vào “kỷ nguyên vươn mình phát triển” và chiến tranh đã lùi quá xa, thế hệ trẻ Việt Nam khó có thể hình dung một cách cụ thể, rõ ràng về những gì đã xảy ra nơi núi rừng Trường Sơn ngày ấy... đã làm nên một Con đường giao liên vận tải quân sự dọc Trường Sơn mang tên gọi Đường Hồ Chí Minh, được ngợi ca là con đường huyền thoại, một bản anh hùng ca bất tử trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã đoàn kết vừa chiến đấu, vừa xây dựng và đã hoàn thành mạng đường chiến lược hoàn chỉnh xuyên qua dãy núi Trường Sơn trùng điệp tổng chiều dài gần 20.000km gồm 5 hệ thống đường trục dọc và 21 hệ thống đường trục ngang, Đông nối Tây Trường Sơn. Các chuyên gia quân sự Mỹ đã phải gọi đường Trường Sơn là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”... Có một người họa sĩ - chiến sĩ xuất thân từ Bộ đội Trường Sơn ngày ấy, họa sĩ Ngân Chài bằng vai trò nhỏ bé của mình, ông cố gắng làm tất cả những gì có thể để lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của người lính bộ đội Trường Sơn năm xưa...

Ngân Chài, Đường vào chiến dịch, sơn dầu, 2003

Năm 1982, Ngân Chài được bạn bè, đồng nghiệp biết đến là một họa sĩ quân đội khi anh theo học hội họa tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Khi đó, anh như bao sinh viên khác nghịch ngợm, “lắm chiêu” của “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, tuy nhiên, cùng sống trong hoàn cảnh bao cấp với bao khó khăn, họa sĩ Ngân Chài lại biết “làm kinh tế” nên rất hào phóng với các bạn. Trong mắt bạn bè, họa sĩ Ngân Chài đơn giản là một người có tính cách thật thảo, nhiệt tình, nhưng sự thật thảo đó có lẽ được tạo nên bởi anh là một người lính Trường Sơn, được tôi rèn trong quân ngũ với thực tế chiến trường từ năm 1974…

Hãy hình dung, một chàng thanh niên dân tộc Thái mới 16 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, sau ba tháng huấn luyện quân đi bộ đội vào Trường Sơn, vì có yêu thích hội họa nên anh được giao về phòng Tuyên truyền Văn hóa, Cục Chính trị Bộ đội Trường Sơn. Họa sĩ Ngân Chài cho biết: - từ bé đã thích hội họa, vào lính được chọn vào cơ quan chính trị - môi trường thuận lợi để được vẽ. Ngày đó, dùng hội họa để cổ động bộ đội trong các trận đánh, các chiến dịch ở mặt trận... Chiến tranh làm người ta có những suy nghĩ khác, tình cảm khác khi đã từng cùng đói khát, cùng chịu bom ở những toạ độ ác liệt, cùng nhớ nhà, nhớ mẹ, cùng khóc… 

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Anh nhớ lại: - Năm 1976, Bộ đội Trường Sơn được cấp trên giao nhiệm vụ làm đường sắt Thống nhất, đoạn từ Minh Cầm (Tuyên Hoá, Quảng Bình) đến Tiên An, sông Bến Hải, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị), anh được giao nhiệm vụ làm thống kê kế họach đường sắt, sau vài tuần bồi dưỡng kiến thức đường sắt, anh đã cùng đơn vị hoàn thành 150km đường sắt trong vòng đúng một năm. Tháng 12/1976, đơn vị anh  hoàn thành cung Đường sắt Thống nhất, tuyến đường nối liền Bắc Nam như bây giờ. Ngày đó, vất vả nhất là Đại đội thi công khu vực Tiên An (Vĩnh Linh). Đơn vị phải làm bè chuối và lặn sông Bến Hải để khai thác đá cuội lát nền đường tầu. Một Trung đội khai thác tại mỏ đá cuội tại Gio Linh (bờ Nam sông Bến Hải), hằng ngày, sau khi bộ đội nghỉ hết giờ làm việc anh gói đồ và sổ sách ghi chép khối lượng vào bao nilon rồi bơi đi làm thống kê số liệu. Công việc của anh là đo đạc khối lượng đá sản xuất trong ngày, sớm cũng phải 7 giờ tối mới xong, sau đó lại một mình gói gém bơi sông trở về bờ Bắc. 

Ngân Chài, Đất và nước, sơn dầu, 2024

Cứ như vậy suốt gần 2 tháng bơi sông. Một hôm, bị chuột rút, vừa đau vừa kiệt sức, đành ôm chặt bọc đồ, mặc thân phận trôi sông... Chẳng rõ trôi được bao nhiêu km về phía cầu Hiền Lương, rồi có đôi tay trần gầy guộc kéo anh lên con thuyền nhỏ, ông đưa anh vào bờ và về ngôi nhà nhỏ bên sông. Vì mãi không thấy chiến sĩ Ngân Chài về ăn tối, đồng đội đã đi tìm anh suốt đêm. Sáng hôm sau anh về đến doanh trại thì cũng là lúc bốn người được cử đi tìm anh từ tối qua vừa về…, ôm nhau khóc... Khi đó, Ngân Chài mới 18 tuổi, với một người trẻ tuổi, đó thực sự là dấu ấn từng trải đáng nhớ... Những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã hy sinh trong thời chiến, và cũng có thể hy sinh trong thời bình. Dù là vậy, với những người còn sống, họ vẫn luôn cảm thấy những điều mình làm được còn quá nhỏ bé so với những người đã hy sinh cống hiến. Tôi có thể hiểu như vậy, bởi họa sĩ Ngân Chài ít muốn nói về bản thân mà làm nhiều hơn…

Ngân Chài, Đi tìm đồng đội, sơn dầu, 2009 

Điều họa sĩ Ngân Chài lo lắng chính là những hình ảnh về người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa trở nên phai nhạt theo thời gian. Anh đã cố gắng rất nhiều cho những sáng tác về đề tài Lực lượng vũ trang, anh tham gia đều đặn các triển lãm từ về đề tài này từ lần đầu tiên vào năm 1984. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019- 2024) đang được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Quân Sự Việt Nam, tác phẩm sơn dầu Đất và nước, Mặt đất và bầu trời của anh đã được Ban Tổ chức lựa chọn trưng bày. Các sáng tác của họa sĩ Ngân Chài trong các kỳ triển lãm trên đều được Bảo tàng Lịch sử Quân Sự Việt Nam lựa chọn lưu giữ vào bộ sưu tập của mình. Anh cũng đã giành các giải thưởng rất xứng đáng Giải 3 cho tác giả là người Dân tộc; Giải Khuyến khích năm 1993; Bằng khen của Bộ VHTTDL, năm 2017. Hội họa về đề tài lực lượng vũ trang của họa sĩ Ngân Chài mang đậm chất “sử ca”, chứa đựng tầng tầng thời gian và không gian. Nhân vật trong tranh thường được xây dựng một nhóm, biểu đạt cho một lứa tuổi, một cộng đồng xã hội, dân tộc hay lực lượng vũ trang và không đặc họa cá nhân cụ thể, tức là anh thiên về yếu tố xã hội phổ quát nhiều hơn. Tranh của anh bảng mầu nguyên sắc mà ta thường bắt gặp trong trang phục của người dân tộc được anh dùng tạo điểm nhấn ấn tượng, đặt cạnh nền mầu âm trầm, đặc trưng của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. 

Họa sĩ Ngân Chài luôn khắc ghi truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: “Trung với Nước, Trung với Đảng, Hiếu với Dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”!. Qua trao đổi, tôi được biết thêm rằng họa sĩ Ngân Chài chính là người đã đóng góp nhiều công sức thành lập Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh với việc tự viết đề án xin phê duyệt, thiết kế và trưng bày. Những phấn đấu của một họa sĩ - chiến sĩ được ghi nhận, anh được cử làm Phó giám đốc và sau đó là Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu…

Ngân Chài, Nữ dân quân vùng cao, sơn dầu, 2016

Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh do họa sĩ Ngân Chài thiết kế có mặt bằng trưng bày rộng 17.000m2, hơn 15.000 hiện vật gốc được chia thành 8 chủ đề theo từng giai đoạn và sự phát triển của các lực lượng bộ đội Trường Sơn. Khuôn viên Bảo tàng có Đài Tưởng niệm ghi danh Liệt sĩ Trường Sơn “Vạn thủa lưu danh liệt sỹ - Ngàn đời tạc sử Trường Sơn”!. Đài tưởng niệm tựa như chiếc cổng làng nơi miền quê của hàng vạn người con đã lên đường đi chiến đấu, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Liền kề hai bên là 18 tấm bia đá khắc tên của 19.243 liệt sỹ theo hồ sơ lưu trữ tại Bảo tàng. Những khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vác bằng vai, thồ bằng ngựa, voi và bằng xe đạp của bộ đội Trường Sơn; “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”... chính là những phương châm hành động theo từng giai đoạn của cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn thời bấy giờ để giành những thắng lợi... Từng giai đoạn được họa sĩ Ngân Chài tạo thành các không gian trưng bày, tạo những minh hoạ phụ trợ, bích hoạ do chính anh vẽ. Chẳng hạn, không gian cầu thang của bảo tàng được giả lập thành “tuyến đường kín” của Bộ đội Trường Sơn khi xưa mở cho xe chạy, tránh máy bay AC130E cải tiến của Mỹ đánh phá... Về cách trưng bày hiện vật trong bảo tàng, anh cho biết: “Các hiện vật Bảo tàng đều có giá trị lịch sử nhất định, như nhau. Lịch sử của một cuộc chiến thì giai đoạn nào cũng trọng tâm cả vì có giai đoạn 1 mới có giai đoạn của những lần tiếp theo. Trong Bảo tàng của anh, đã biến tất cả các mảng trưng bày đều là trọng tâm”. Nhưng tôi biết, để những gì còn mãi với thời gian, cần thổi vào đó “sự sống” bằng tinh thần, tình cảm của sự chân thành, chân thực nhất! Mà chỉ những người từng chứng kiến, từng trải qua như họa sĩ Ngân Chài mới làm được. 

Cố nhà thơ Phạm Tiến Duật - cựu bộ đội Trường Sơn đã viết: “Không thể cho một dãy núi vào trong một ngôi nhà. Nhưng ngôi nhà, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh đã chứa đựng tất cả kim cương và quặng quý của dãy núi ấy”.

VŨ MAI THƠ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 592, tháng 12-2024

;