Một diễn đàn mang dấu ấn thời đại

“Một diễn đàn mang dấu ấn thời đại”. Tôi có thể nói như vậy khi đọc xong cuốn sách Báo Tổ Quốc & Diễn đàn trí thức (1954-1988) của tác giả Bùi Xuân Vinh. Nội dung cuốn sách đã đề cập một số vấn đề cơ bản về trí thức trong cách mạng Việt Nam được “diễn đàn” trên Báo Tổ Quốc. Cuốn sách do Nxb Tri Thức ấn hành đúng vào dịp Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-2022).

“Diễn đàn” ở đây là Báo Tổ Quốc (Fatherland Journal) được xem là tờ báo chính thống của giới trí thức Việt Nam, xuất bản theo giấy phép của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Việt Nam (hoạt động từ 1946-1988) - Diễn đàn của trí thức, vừa có tính thời sự, vừa có tính thời đàm, nghiêm túc mà không xơ cứng, làm nên phong thái riêng của một tờ báo “Do Trí thức viết và viết cho Trí thức” (GS Nguyễn Xiển). Vấn đề trí thức được “diễn đàn” trên Báo Tổ quốc đã đóng góp với Đảng và Nhà nước kịp thời xây dựng một chính sách đúng đắn về: Tập hợp trí thức, sử dụng trí thức, đào tạo trí thức, đãi ngộ và tôn vinh trí thức - ngay từ những năm đầu hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954) cho đến đầu những năm đất nước đổi mới (1988).

Trí thức là những “người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Họ chính là một tầng lớp được đào tạo qua trường lớp, sách vở và có năng lực để thực hiện các công việc lao động đòi hỏi “chất xám” trong mọi lĩnh vực. Trong hoàn cảnh giao thời của Nhà nước Việt Nam non trẻ vừa ra đời sau Cách mạng Tháng Tám 1945, đội ngũ trí thức lúc đó được đào tạo trong chế độ thực dân phong kiến, phần lớn là Tây học tiếp thu nền giáo dục của Pháp (văn hóa Pháp và khoa học kỹ thuật Pháp) như: KS Phan Tư Nghĩa, GS Nguyễn Xiển, GS Hoàng Minh Giám, GS Tạ Quang Bửu, GS Nguyễn Văn Huyên, GS Đỗ Xuân Hợp, GS Nguyễn Xuân Nguyên, GS Trương Công Quyền, GS Hoàng Xuân Nhị, LS Phan Anh, KS Đặng Phúc Thông, KTS Nguyễn Cao Luyện, BS Trần Hữu Nghiệp, NGND Nguyễn Lân, LS Lê Huy Vân…, cùng một số trí thức Nho học tên tuổi như: Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Bùi Kỷ, Ngô Tất Tố, Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá... Đảng Xã hội Việt Nam ra đời ngày 22-7-1946 đã nhanh chóng thu nhận những nhân sĩ, trí thức tham gia vào Mặt trận Dân tộc Thống nhất (Liên Việt) để tạo nên Liên minh Công - Nông - Thương - Trí, hợp sức tạo nên sức mạnh của khối Đại đoàn kết Dân tộc.

Báo Tiến Lên là cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng Xã hội Việt Nam, xuất bản được hai năm (1946-1947) thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Do khó khăn thiếu thốn tại chiến khu Việt Bắc nên báo phải ngừng xuất bản. Hòa bình được thiết lập sau Hiệp định Genève, tháng 12-1954, Báo Tổ Quốc - ấn bản mang tên mới của Báo Tiến Lên, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Việt Nam được xuất bản trở lại. Từ đây, Báo Tổ Quốc trở thành thành viên chính thức của nền báo chí cách mạng của nước ta, nằm trong khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với ba tờ báo tiêu biểu: Đại Đoàn kết, Tổ Quốc, Độc Lập. Tháng 10-1988, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ ngừng hoạt động, hoàn thành vai trò lịch sử và hai tờ Báo Tổ QuốcĐộc Lập cũng dừng xuất bản. Nhà nước ta đã trân trọng trao tặng Huân chương Sao vàng cho hai Đảng để ghi nhận đóng góp to lớn và ý nghĩa của Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và giai đoạn đầu cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Mỗi tờ báo đều có chức năng, tôn chỉ, mục đích và đối tượng độc giả riêng. Tờ Tổ Quốc ban đầu còn khiêm tốn (khuôn khổ kích thước còn nhỏ 32 trang, khổ 21x31cm, ma-két đơn giản, phát hành 2 số/ tháng…). Theo tác giả Bùi Xuân Vinh, “Dòng chủ lưu xuyên suốt trên Báo Tổ Quốc là Diễn đàn trí thức”. Diễn đàn mang tính tri thức của những người trí thức, mà không chỉ là trí thức của những người trong đảng. Theo tác giả, đây “thực sự là nơi hợp lưu giữa thế hệ trí thức cũ (Tây học) với trí thức mới (xã hội chủ nghĩa) và trí thức hải ngoại (Việt kiều)”. Tờ báo phát triển đồng thuận với tiến trình lịch sử của đất nước. GS Nguyễn Xiển cho rằng: “Báo Tổ Quốc đã làm nên Diễn đàn của trí thức thời đại Hồ Chí Minh”. Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện: “Báo Tổ Quốc là tiếng nói của kẻ sĩ Bắc Hà”.

Cũng phải nói một điều, trí thức luôn là thành phần “tân tiến”, là giới “tinh hoa” trong mọi xã hội, từ cổ chí kim. Nhưng trí thức cũng là một tầng lớp luôn có chính kiến riêng trong mọi vấn đề chính trị, văn hóa, khoa học, kinh tế, xã hội. Một số khuynh hướng, trào lưu, quan điểm được hình thành từ giới trí thức. Không ít người cho rằng “Trí thức là đội ngũ lãnh đạo xã hội”, luôn có tư tưởng “đi trước thời đại” và “sẵn sàng hiến thân” để cống hiến cho sự tiến bộ xã hội. Suy nghĩ này không phải là không có đối với một số trí thức Việt Nam trong bối cảnh nước nhà vừa giành được độc lập và phải đối mặt với muôn vàn thử thách “thù trong giặc ngoài”. Đảng Lao động Việt Nam (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sách lược đúng đắn, khôn khéo, thu phục và cảm hóa được nhiều trí thức lớn, uy tín, tài năng, nhân cách (tuy không phải đảng viên cộng sản), tham gia gánh vác những vị trí trọng trách trong bộ máy Nhà nước những ngày đầu giành độc lập và suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tiếp đến là sau năm 1954, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc, không ít nhân sĩ, trí thức là những người “ngoài Đảng Cộng sản” vẫn tiếp tục đảm nhận những vị trí quan trọng, đứng đầu các bộ ngành, tỉnh thành, các viện nghiên cứu, bệnh viện, trường đại học… và hàng chục ngàn trí thức đã được đào tạo từ “thế hệ máy cái” - lớp trí thức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

James Freeman Clarke từng nói: “Người có tài năng, có văn hóa, có tri thức, nếu không có sự chính trực, không thể đi đến gốc rễ mọi việc”. Trước hoàn cảnh và tình thế gian nguy của đất nước, những trí thức thực sự luôn là những người có bản lĩnh và chính kiến đúng đắn. Tờ Tổ Quốc góp mặt vào đội quân báo chí của nước Việt Nam để “chuyển tải tự do tư tưởng, thực hiện chức năng của người trí thức là tư vấn - phản biện - giám định xã hội và khoa học công nghệ, cái mà người tri thức rất coi trọng”. Vì vậy, tờ báo nhận một nhiệm vụ quan trọng nhưng không dễ dàng: “Trình bày với quốc dân những ý nghĩa, việc làm, đời sống của các giới văn nghệ, khoa học, giáo dục, kỹ thuật, công chức và sinh viên; Nghiên cứu và thảo luận những vấn đề liên quan đến công cuộc xây dựng một nước nhà vững mạnh, xứng đáng là một bộ phận tiến bộ trong Mặt trận dân chủ, hòa bình trên toàn thế giới; Đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp trí thức, phục vụ cho những mục đích của dân tộc…”.

Về tiến trình phát triển của Báo Tổ Quốc, tác giả cuốn sách đã khảo sát, phân loại và chia ra 3 giai đoạn phát triển chủ yếu: 1954-1964, 1965-1975, 1976-1988. Sự phát triển của báo gắn với từng thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam, với các Tổng Biên tập đáng kính: Lê Huy Văn (1954-1980), Nguyễn Chính (1981-1983), Hàm Châu (1984-1988).

Ở giai đoạn 1954-1964, hình thức và nội dung của báo nghiêng về hướng một magazine (kết hợp “2 trong 1” giữa newspaper journal). Báo in khổ nhỏ (21x31cm), đóng thành tập, lúc đầu ra bán nguyệt san (2 số/ tháng), rồi thành tuần báo, sau đó trở lại bán nguyệt san, với những bài viết mang tính nghị luận, học thuật… Đối tượng phục vụ chủ yếu là các nhà trí thức, cán bộ nghiên cứu, sinh viên các trường đại học. Như vậy, giới trí thức Việt Nam đã tập hợp lực lượng vào một giai đoạn phát triển mới. Theo Bùi Xuân Vinh, họ đã “cải tạo chính mình trong cuộc lột xác để trở thành người trí thức mới của nhân dân”. Dù chỉ là 10 năm nhưng đó là 10 năm rất đặc biệt của sự lột xác chuyển mình của lớp trí thức cũ (Tây học) để thành lớp trí thức mới (xã hội chủ nghĩa).

Giai đoạn 1965-1975, báo đã có sự thay đổi lớn về lượng và chất. Rất nhiều chuyên mục được mở, bám sát tôn chỉ, mục đích của báo: Diễn đàn của trí thức, Ý nghĩa - Việc làm, Chân dung trí thức, Văn hóa - Khoa học… Báo đã đưa các tri thức khoa học nhằm áp dụng vào lao động sản xuất và đời sống. Lực lượng người viết và số lượng người đọc đã thay đổi tích cực, đông hơn và đa dạng hơn.

Giai đoạn 1976-1988 tiếp nối trang sử mới của dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi. Non sông quy về một mối và vững vàng vào công cuộc xây dựng đất nước. Báo Tổ Quốc tiếp tục phát huy tinh thần tự lực tự cường, kêu gọi và động viên giới trí thức (được bổ sung từ lực lượng trí thức miền Nam) hướng theo ngọn cờ Đại đoàn kết dân tộc, hướng tới dân giàu nước nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Cả ba giai đoạn phát triển, báo đều cố gắng thực hiện và thực hiện tốt các thể tài tiêu biểu, liên quan tới Thời sự - Chính trị, Khoa học - Phổ biến kiến thức, Trách nhiệm của người trí thức, Văn hóa, Văn nghệ… Đó là những vấn đề vừa bao quát, vừa thiết thực, vừa đúng tinh thần mà tờ báo phụng sự. Bạn đọc đã được thưởng thức nhiều bài viết của các tác giả: Phan Anh, Dương Trọng Bái, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Tài Cẩn, Lê Văn Chất, Hàm Châu, Lương Định Của, Hồ Đắc Di, Phan Đình Diệu, Tạ Mỹ Duật, Bùi Huy Đáp, Phan Cự Đệ, Đàm Trung Đồn, Hoàng Minh Giám, Trần Văn Giàu, Vũ Tuyên Hoàng, Đỗ Xuân Hợp, Trần Đình Hượu, Lê Khả Kế, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Mai, Nguyễn Hữu Nghiệp, Trần Đại Nghĩa, Ngô Linh Ngọc, Nguyễn Xuân Nguyên, Hoàng Xuân Nhị, Trương Công Quyền, Đỗ Xuân Sảng, Hoàng Xuân Sính, Hà Văn Tấn, Tôn Thất Chiêm Tế, Đào Thản, Lê Văn Thiêm, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngọc Tiến, Hà Học Trạc, Ngụy Như Kon Tum, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Trương, Hoàng Tuệ, Trần Hữu Tước, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Huy Vân, Bùi Tường Viên, Nguyễn Khắc Viện, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xiển… Và còn nhiều bậc trí thức tầm cỡ, những cây viết rất tài năng và đáng kính.

Tháng 10-1988, Báo Tổ Quốc ngừng xuất bản. Trong suốt chặng đường 34 năm cống hiến trên mặt trận báo chí - tư tưởng, Báo Tổ Quốc đã xuất bản được 410 số với hơn 20.000 trang in, làm tròn sứ mệnh là “Diễn đàn trí thức tin cậy”. Nhà báo Hàm Châu - Tổng Biên tập Báo Tổ Quốc trong bài chia tay bạn đọc đăng trên số báo cuối cùng (410) đã viết: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong những phút rối ren, mò mẫm, Báo Tổ Quốc luôn luôn cố gắng nói lên tiếng nói chững chạc, đầy trách nhiệm của trí thức yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội - những người con chí hiếu của đất Mẹ Việt Nam”. TSKH Phan Xuân Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XI, XII), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ của Quốc hội (khóa XIII, XIV), Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã viết trong Lời tựa cuốn sách này: “Báo chí là biên niên lịch sử, nên có thể nói Báo Tổ Quốc đã phản ánh một cách trung thực, đa chiều và đa diện về vấn đề trí thức từ Cách mạng Tháng Tám (1945) đến những năm đầu thời kỳ đất nước đổi mới (1986). Cho tới ngày hôm nay, chúng ta soi lại một số vấn đề về trí thức qua Báo Tổ Quốc thấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử”. Tác giả Bùi Xuân Vinh, qua 168 trang sách kiệm lời, với rất nhiều tư liệu, được viết bằng cảm nhận của một người làm báo lẫn góc nhìn của một người nghiên cứu báo chí, đã phân tích một cách hệ thống, khoa học, phác họa nên chân dung, diện mạo và chỉ ra những đóng góp của tờ Báo Tổ Quốc trong 34 năm (1954-1988). Đó thực sự là một diễn đàn mang dấu ấn thời đại, góp phần quan trọng làm nên bức tranh tổng thể sinh động của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;