Dưa môn - món ăn đậm đà phong vị thời khẩn hoang

Chị Thạch Thị Cẩm Vân, người làm dưa môn nổi tiếng ở thị trấn Cờ Đỏ

 

Tôi đã từng thưởng thức nhiều món ngon được chế biến từ các loài cây cỏ đồng nội như dưa ngó sen, dưa bồn bồn, dưa cải, dưa hành... Tuy mỗi món ngon đều có giá trị thẩm mỹ và bổ dưỡng khác nhau nhưng không hiểu tại sao, tôi lại yêu thích món dưa môn mộc mạc và quyến rũ một cách lạ lùng. Đặc biệt là ngày Tết, món này ăn kèm với thịt mỡ sẽ kích thích vị giác và dễ tiêu hóa.

Món dưa môn ngày nay không còn phổ biến vì ít người làm, thế nhưng tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ vẫn còn một số hộ chuyên sản xuất dưa môn. Cũng nhờ vậy mà món ăn dân dã này còn tồn tại đến ngày nay.

Không thuộc loại sơn hào hải vị nhưng dưa môn là món ngon độc đáo nên nhiều người sành điệu ẩm thực luôn săn tìm, coi đây là món ngon quý hiếm. Mỗi khi dưa môn xuất hiện trên bàn ăn, bữa tiệc là nhiều người lại cảm thấy thèm thuồng và vị giác bị kích thích vì cái mùi vị đặc trưng của nó.

Chị Thạch Thị Cẩm Vân ở thị trấn Cờ Đỏ, người chuyên làm dưa môn mang ra chợ bán cho biết: Muốn có được một đĩa dưa môn ngon lành, người làm phải lội ra đồng, ra sông rạch cắt từng bẹ môn đem về phơi cho héo, kế đến là cắt khúc rồi bóp và vắt hoặc dùng chày giã cho mềm. Sau cùng mới đem ướp muối và cho vào khạp độ ba ngày hai đêm. Người không có kinh nghiệm khi tiếp xúc với cọng môn sẽ dễ bị dị ứng, gây ra ngứa tay, ngứa chân rất khó chịu.

Muốn cho dưa môn tăng thêm đậm đà, trước khi ăn, chúng ta trộn thêm chút đường, tỏi, ớt... Dưa môn ngon nhất là chấm với nước cá kho hoặc tương chao. Nếu cầu kỳ hơn, chúng ta có thể xé nhỏ dưa môn ra làm món gỏi tép, thêm vài cọng rau răm, chưa ăn cũng đã thấy ngon. Tuyệt nhất là dưa môn nấu canh chua với cá mề vinh hoặc cá linh mùa nước nổi, vừa chua, cay, vừa ngọt lại vừa thơm nồng, không thể cưỡng lại được.

Tuy là món ăn đồng nội, không có gì cao sang nhưng dưa môn đã giúp cho những người dân trong vùng kháng chiến, đặc biệt là nông dân tay lấm chân bùn có được những bữa ăn no bụng và ấm lòng để sản xuất và chống giặc ngoại xâm.

Đối với tôi, dưa môn bao giờ cũng là món ăn thấm đậm tình đất hồn người. Nói như nhà văn Sơn Nam, đó là món ăn “đậm đà phong vị thời khẩn hoang”. Mỗi món ăn đều mang một chiều sâu văn hóa. Người Việt ở Nam Bộ là những lưu dân đi khai phá, buổi đầu chỉ biết dựa vào thiên nhiên. Trong đó, dưa môn có thể là đặc sản lâu đời nhất do ông cha ta trải nghiệm, chọn lọc và sáng tạo thành món ăn sao cho vừa ngon vừa bổ. Đó cũng chính là sự sáng tạo văn hóa.

 

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 492, tháng 3-2022

 

 

;