Chiều 3-11, tại khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn, Ban Tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 đã tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc – khơi nguồn và phát triển”.
Tham dự Hội thảo có: Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Hải Nhung; Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc; đại diện lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu về du lịch, trường đại học, các chuyên gia du lịch và đại biểu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Về phía tỉnh Lạng Sơn có: Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên - Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Đặng Ân; đại diện lãnh đạo Phòng VHTT các huyện, thành phố; phòng, đơn vị thuộc Sở VHTTDL.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Nằm trong chuỗi các sự kiện Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh Đông Bắc do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, Hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển” được tổ chức, với mục đích nhằm trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời bàn luận thống nhất, đề xuất định hướng và giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương vùng Đông Bắc trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết, các tỉnh trong vùng Đông Bắc sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhất là sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa. Việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong Vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển du lịch.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân phát biểu khai mạc Hội thảo
“Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch không chỉ riêng của một tỉnh mà còn cho toàn vùng Đông Bắc, nơi mà các giá trị về tài nguyên tự nhiên, văn hóa và các điều kiện khác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh là tương đối tương đồng, do vậy việc liên kết hợp tác này càng có ý nghĩa trong việc thực hiện tốt những mục tiêu phát triển chung của toàn Vùng” – ông Nguyễn Đặng Ân nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời bàn luận thống nhất, đề xuất định hướng và giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương vùng Đông Bắc.
Toàn cảnh Hội thảo
Chia sẻ về một số định hướng và giải pháp phát triển và liên kết thúc đẩy phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc, TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng hầu hết các tỉnh trong tiểu vùng đông Bắc chưa thu hút được nhiều khách du lịch là do thiếu sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng và khác biệt, đa dạng cũng như công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến chưa được đẩy mạnh; các tỉnh trong tiểu vùng Đông Bắc chưa xây dựng được hình ảnh thương hiệu điểm đến nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch, nhất là khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày…
Đồng thời, TS Nguyễn Anh Tuấn cũng chỉ ra hướng phát triển không gian du lịch tiểu vùng bao gồm: hướng phát triển không gian Đông Bắc – Hà Nội theo quốc lộ 1A kết nối tiểu vùng Đông Bắc với tiểu vùng Tây Bắc; hướng phát triển không gian từ các tỉnh trong tiểu vùng Đông Bắc kết nối với các tỉnh duyên hải Đông Bắc; hướng phát triển không gian từ các tỉnh trong tiểu vùng đến Hà Nội theo cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và quốc lộ 3 kết nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, có thể định hướng quy hoạch không gian phát triển du lịch thành hai tiểu khu vực. Đó là, không gian tiểu khu vực Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và không gian tiểu khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm du lịch như: du lịch hoài niệm, về nguồn; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch cộng đồng tìm hiểu, trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc ít người; du lịch thưởng thức và trải nghiệm ẩm thực; du lịch địa chất; du lịch sinh thái núi rừng, trải nghiệm đa dạng sinh học; du lịch trang trại nông nghiệp…
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, TS Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam cho rằng, tiềm năng, các giá trị cốt lõi phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đông Bắc bao gồm giá trị của các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng – Thủ đô kháng chiến; giá trị của các công viên địa chất toàn cầu UNESCO; giá trị cảnh quan thiên nhiên gắn với địa hình núi cao (sông, hồ, thác nước, hang động…); giá trị sinh thái, đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; các giá trị văn hóa dân tộc bản địa; giá trị sinh thái nông nghiệp nông thôn. Căn cứ vào các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, khác biệt – một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cấu thành nên sản phẩm du lịch đặc trưng… có thể dịnh hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế của vùng Đông Bắc phù hợp với nhu cầu thị trường. Chính vì thế, cần xây dựng các sản phẩm đặc trưng dựa trên yếu tố độc đáo, khác biệt của tài nguyên du lịch để tạo sự khác biệt. Do đó cần được tập trung ưu tiên đầu tư phát triển để làm nổi bật hình ảnh du lịch vùng Đông Bắc trong tổng thể du lịch cả nước…
Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Đặng Ân nhấn mạnh, Ban Tổ chức đã nhận được 23 tham luận, mỗi tham luận là một góc nhìn với các giải pháp rất trí tuệ, tâm huyết và có chiều sâu. Các tham luận đã tập trung: Khẳng định giá trị tài nguyên du lịch nói chung và tài nguyên du lịch văn hóa nói riêng của vùng rất đặc sắc; đặt vấn đề về liên kết, hợp tác phát triển, khai thác giá trị tài nguyên văn hóa trong vùng.
Bên cạnh đó Hội thảo cũng đã đưa ra một số giải pháp phát triển bền vững du lịch văn hóa vùng Đông Bắc như: Tăng cường nhận thức phát triển du lịch văn hóa về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa; gắn cộng đồng địa phương - chủ nhân thực sự của các di sản có được quyền làm chủ các di sản của mình, từng bước thu hút cộng đồng tham gia quản lý; vừa khai thác các lợi ích kinh tế do du lịch mang lại đồng thời vừa bảo tồn văn hóa địa phương.
Tăng cường triển khai các cơ chế chính sách trong bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch văn hóa. Ngoài ra, các tỉnh quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch có khả thi, nhằm kêu gọi các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Đổi mới và sáng tạo trong thiết kế sản phẩm du lịch để thu hút du khách: Đổi mới và sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch bền vững. Việc thiết kế các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, thúc đẩy bảo tồn văn hóa địa phương và phát triển cộng đồng giúp ngành Du lịch phát triển mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và môi trường.
Tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản. Xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả; đảm bảo đồng bộ từ khâu nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm đến xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch. Đổi mới và sáng tạo giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Việc áp dụng công nghệ số như các ứng dụng du lịch thông minh, sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc quản lý và quảng bá điểm đến giúp du khách có trải nghiệm dễ dàng, tiện lợi hơn.
Xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó tập trung đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, phát triển du lịch; đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch; thu hút lao động có kỹ năng, trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp…
AN NGỌC - Ảnh: TUẤN MINH