Đồng Tháp: Bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử, Hò Đồng Tháp

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong tình hình mới, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Biểu diễn Đờn ca tài tử tại Tuần lễ Văn hoá - Du lịch tỉnh Đồng Tháp

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Đồng Tháp sẽ củng cố, nâng cao chất lượng, bổ sung Hò Đồng Tháp vào hoạt động của các CLB Đờn ca tài tử hiện có. Phấn đấu từ 40% đến 50% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp so với CLB Đờn ca tài tử hiện có. Xây dựng thí điểm 2 CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện tại 2 địa phương có phong trào mạnh là huyện Lai Vung và thành phố Sa Đéc.

Tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, hát Dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh định kỳ mỗi năm 1 lần; phấn đấu cấp huyện định kỳ 2 năm 1 lần; tại các địa phương có phong trào Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp phát triển mạnh như huyện Lai Vung, thành phố Sa Đéc, huyện Cao Lãnh… phấn đấu tổ chức định kỳ mỗi năm 1 lần. Tham gia các cuộc hội thi, liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp cấp khu vực và toàn quốc; tổ chức biểu diễn giao lưu trong và ngoài nước để quảng bá loại hình di sản Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp. Phát động các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 Bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ, bài ca Vọng cổ và Hò Đồng Tháp định kỳ 2 năm 1 lần. Chọn những tác phẩm có chất lượng để phổ biến cho các CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp ở cơ sở. Sưu tầm, in, phát hành tuyển tập “Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp” số lượng 1.000 bản. Phấn đấu 50 - 70% công chức văn hóa xã, phường, thị trấn và Chủ nhiệm các CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn của ngành VHTTDL. Tổ chức quảng bá, phổ biến Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp đến với cộng đồng ở nhiều thành phần, lứa tuổi. Tập trung nghiên cứu, chuẩn bị tốt cả về nội dung và hình thức để tổ chức đưa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Đến giai đoạn 2024 - 2025: Phấn đấu 50% - 70% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thành lập CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp xã. Khuyến khích mỗi xã, phường, thị trấn thành lập 1 CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp khóm, ấp. Tiếp tục xây dựng mô hình hoạt động CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện ở 10 huyện, thành phố còn lại.

Duy trì tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử, Hát dân ca và Hò Đồng Tháp” cấp tỉnh mỗi năm 1 lần và cấp huyện định kỳ 2 năm 1 lần, các địa phương có phong trào Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp phát triển phấn đấu tổ chức định kỳ mỗi năm 1 lần. Tham gia các cuộc hội thi, liên hoan cấp khu vực và toàn quốc, giao lưu Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong và ngoài nước. Tiếp tục phát động các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 Bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ, bài ca Vọng cổ và Hò Đồng Tháp định kỳ 2 năm 1 lần.

Phấn đấu 70% - 100% cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn và Chủ nhiệm các CLB Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cấp huyện, cấp xã được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn của ngành VHTTDL. Mở các lớp đào tạo năng khiếu Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền dạy Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp cho sinh viên, giáo viên dạy nhạc tại các trường cao đẳng, đại học và hệ thống các trường THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Tập hợp các tư liệu đã nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, tiến hành tư liệu hóa và số hóa các bài bản Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp. Cập nhật thường xuyên các hoạt động phục vụ cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu và quảng bá Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trên các phương tiện thông tin đại chúng góp phần đưa Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Chú trọng công tác tổ chức tập huấn hướng dẫn viên Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh

Để đạt được mục tiêu trên, nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp, nhất là đối với thế hệ trẻ; từng bước xây dựng phong trào các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ di sản.. tỉnh Đồng Tháp đưa ra 9 nhóm giải pháp thực hiện gồm:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tạo sự hiểu biết trong cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ có ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản trên tinh thần tự giác và niềm tự hào về giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Hai là, triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.

Bà là , giữ gìn và từng bước tạo lập môi trường diễn xướng của Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp phù hợp với môi trường xã hội hiện nay, gắn kết hoạt động Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp vào các hoạt động sự kiện, lễ hội của tỉnh và các hoạt động du lịch để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản; từng bước hình thành các khu, điểm du lịch gắn với các hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp để thu hút khách đến với Đồng Tháp.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nòng cốt cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tỉnh đến cơ sở. Gắn bảo tồn, phát triển Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, giữa bảo tồn và phát huy theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”, thực hiện đề án tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với đề án phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Năm là, tổ chức các hoạt động hội thi, liên hoan Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp định kỳ hằng năm; tổ chức sinh hoạt CLB thường xuyên, biểu diễn giao lưu trong và ngoài tỉnh, giao lưu với nước ngoài và tham gia hội thi, liên hoan cấp khu vực, toàn quốc để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phối hợp triển khai, nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp.

Sáu là, tổ chức tập huấn, truyền dạy, phổ biến, mời chuyên gia nói chuyện chuyên đề về Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp, tạo thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh; quan tâm đến công tác đào tạo cho thế hệ trẻ, nhất là nghệ nhân bởi số nghệ nhân giỏi nghề Đờn và Hò hiện không nhiều, lại đang ở độ tuổi cao. Tổ chức thành lập các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp của huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn và các ấp; tăng cường vận động, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia hoạt động, sinh hoạt Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trong các cuộc lễ hội truyền thống tại địa phương và những ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của tỉnh.

Bảy là, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, mở các lớp dạy hát dân ca, ca tài tử và Hò Đồng Tháp cho các em học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng và hệ thống các trường THPT, THCS trong toàn tỉnh để tạo cho các em học sinh, sinh viên niềm đam mê, yêu thích và có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Tám là, huy động nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa từ cộng đồng; lồng ghép các chương trình, dự án về phát triển văn hóa và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp trên địa bàn tỉnh.

Chín là, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản quốc gia Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp. Chú ý các chính sách, chế độ ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp; khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ và cán bộ làm công tác văn hóa xã hội ở cơ sở.

 

Tác giả: Nguyễn Toàn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 465, tháng 6-2021

 

;